Apple A14 và Macbook ARM: Một bước khởi đầu mới từ Apple?
Rạng sáng nay, Apple đã tung ra dòng sản phẩm iPhone 12 với con chip A14 Bionic được cải tiến siêu mạnh mẽ. A14 Bionic đã được giới thiệu vào buổi ra mắt iPad từ một tháng trước đây. Để điểm qua lại về con chip này, chúng ta có 6 nhân CPU, bao gồm 4 nhân hiệu năng cao, dùng để chạy các tác vụ nặng, và 2 nhân dùng để tiết kiệm năng lượng. Thêm vào đó, số lượng Neural Cores cũng được tăng từ 8 lên 16.
Để nhắc lại, Neural Cores, với Neural Engine trong đó có tác dụng xử lý các tác vụ trí tuệ nhân tạo, nhưng tuy nhiên các vi xử lý nói chung, và A14 Bionic nói riêng mới được thêm chức năng này vào để giúp các phần mềm sử dụng machine learning hoạt động hiệu quả hơn, đơn cử như cân bằng sáng, hay hoạt động face ID hiệu quả trên iPhone.
Bên cạnh sự xuất hiện của các nhân CPU hay nhân Neural Engine, là nhân đồ hoạ. Với 4 nhân đồ hoạ được thiết kế riêng trên tiến trình 5nm, hiệu năng đồ hoạ được nâng lên khá đáng kể. Như Apple đã công bố, một chiếc iPhone 12 Pro có thể chính sửa Video 10bit HDR với Dolby Vision, điều này cho thấy hiệu năng đồ hoạ của A14 không hề thua kém máy tính là mấy. Thêm vào đó, việc Apple công bố A14 Bionic không chỉ dùng trên các thiết bị iPhone, iPad lại là điều khiến chúng ta phải lưu tâm.
Việc Apple ra mắt chiếc MacMini sử dụng chip A12Z Bionic ở WWDC hồi tháng 6 cho thấy MacOS ARM vô cùng triển vọng. Cùng xem lại một chiếc Macbook Pro 2018, khi hãng đưa con chip giải mã T2, mà tiền thân là chiếc Apple A10 trên iPhone vào để tăng tính bảo mật, hỗ trợ TouchID và tăng hiệu năng khi render, cho thấy hãng dần dần không để chiếc máy bị phụ thuộc quá nhiều vào một CPU cho các tác vụ công việc. Nước đi khôn khéo này thoạt đầu rất khó để nắm bắt, tuy nhiên, với ý tưởng tạo ra một thiết bị Mac hỗ trợ chip ARM lại khiến chúng ta phải suy nghĩ về điều này.
Đúng là hồi đó T2 thực sự chỉ là một dạng “mật khẩu cấp hai” để tránh những rủi ro về phần cứng, bị can thiệp bởi mã độc hay sửa chữa dịch vụ không đảm bảo, cũng như giảm bớt các gánh nặng cho mảng mã hoá trên CPU. Chính nhờ công dụng thực tiễn này của “mật khẩu cấp 2” kia mà việc đưa một con chip ARM lên các thiết bị Mac nói chung và Macbook nói riêng lại rất có tiềm năng. Nhưng liệu Macbook ARM có thực sự hiệu quả như một chiếc Macbook truyền thống?
Nếu là vào khoảng 5 năm trước, câu trả lời dĩ nhiên là không. ARM lúc đó còn quá yếu, chỉ đơn thuần là một con chip dành cho SmartPhone, chưa xử lý được các tác vụ nặng như bây giờ. Còn giờ đây, bản thân ARM đã mạnh lên, khi hãng cho ra mắt các sản phẩm Neoverse dành cho nền tảng server, cạnh tranh trực tiếp với Intel và AMD, thì không có lý do gì để Apple không đưa ARM, với con chip 5nm đầu tiên lên một chiếc Macbook cả. Thêm vào đó, với sự trợ lực từ T2, vốn nguyên bản là một chip ARM, thì Macbook ARM sẽ càng mạnh hơn khi cả 2 con chip sẽ cộng hưởng với nhau.
Tất nhiên Mac ARM nói chung sẽ gặp phải nhiều hạn chế, như tương thích về các mã nguồn, hay gặp vấn đề tương thích thư viện của các lập trình viên, vốn hay tận dụng thư viện từ nền tảng I386 và AMD64, nhưng thử nghĩ mà xem, nếu lập trình thuần nền tảng Apple, đây lại là một điều vô cùng hợp lý.
Như một lẽ dĩ nhiên, với những thông tin chính thống ít ỏi, hay các nguồn tin rò rỉ chưa có đủ căn cứ, chúng ta không thể nào biết được Apple sẽ tạo ra một chiếc Macbook ARM ra sao, có mạnh mẽ như lời đồn đoán không, nhưng tất cả những gì ta có thể làm là chờ đợi.
Hơi đáng tiếc vì sự kiện rạng sáng nay không có sự xuất hiện của Macbook ARM, nhưng đôi khi không xuất hiện vào lúc này mới khiến người ta phải tò mò mà tìm tới nó.
Chúng mình đã liệt kê một số khả năng mà Macbook ARM chưa xuất hiện ở sự kiện lần này. Độc giả có thể đón đọc tại đây!




