logo

Apple buộc các sản phẩm từ Đài Loan phải thêm "Trung Quốc" vào xuất xứ

Nguyễn Công Minh 16:10, 08/08/2022

Sau chuyến thăm mới đây tới Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, Apple được cho là đã bắt các nhà cung cấp linh kiện nơi đây tuân thủ nghiêm ngặt quy định mới về nhãn mác. Cụ thể thì theo The Guardian, Táo Khuyết muốn tất cả sản phẩm giao tới Đại Lục đều phải thêm “Trung Hoa” vào phần xuất xứ, ví dụ như “Đài Bắc Trung Hoa” (Chinese Taipei) hay “Đài Loan, Trung Quốc” (Taiwan, China).

apple-buoc-cac-san-pham-dai-loan-them-trung-quoc-vao-xuat-xu-thinkpro

Nước đi này nhìn chung là phù hợp với chính sách mà Trung Quốc đã áp dụng trong nhiều năm, thứ chỉ thực sự có hiệu lực sau khi căng thẳng giữa Mỹ và đất nước tỷ dân bùng lên vào tuần trước. Như vậy là từ nay, quan chức nước này sẽ có quyền trì hoãn nhập cảnh, thậm chí từ chối các lô hàng có ghi “Sản xuất tại Đài Loan” (Made in Taiwan) mà không có “Trung Quốc” đứng sau.

Việc gắn thêm tên Đại Lục đằng sau cũng không hề có trong quy tắc dán nhãn riêng của Đài Loan. Theo đó thì các sản phẩm khi nhập vào khu vực này sẽ chỉ được ghi là “Đài Loan” hoặc “Trung Hoa Dân Quốc” ở phần xuất xứ. Apple hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào, cũng là dễ hiểu vì các công ty Mỹ nói chung vẫn luôn có quan hệ rất khó tách rời với Trung Quốc.

apple-buoc-cac-san-pham-dai-loan-them-trung-quoc-vao-xuat-xu-thinkpro

Nếu mọi thứ là chính xác, đây cũng không phải lần đầu Táo Khuyết cố gắng thỏa hiệp với chính quyền nước này. Hồi năm 2019, Apple cũng đã xóa biểu tượng cờ Đài Loan với các thiết bị chạy iOS tại Hồng Kông, trong bối cảnh biểu tình đòi quyền dân chủ đang diễn ra gay gắt tại đây.

Với ông lớn từ Cupertino, Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu và lắp ráp không thể thiếu, và nếu gặp thêm vấn đề như trì hoãn hay đứt gãy thì mọi thứ sẽ là thảm họa - nhất là ở thời điểm rất gần với ngày ra mắt của iPhone 14 như hiện tại.

Theo Engadget