Chuột chơi game khác gì chuột thường? Tại sao nên mua riêng một chiếc chỉ để chơi game?
“Tại sao lại phải bỏ hàng trăm ngàn để mua một con chuột riêng chỉ để chơi game?”, “Chuột thường cũng chơi được cơ mà, sao phải bày vẽ thêm?”,... Đó là câu hỏi mà hẳn nhiều bạn đến nay vẫn còn thắc mắc khi mới sử dụng laptop. Bạn cần hiểu thêm về lợi ích của gaming gear nói chung và chuột chơi game nói riêng trước khi tìm mua? Vậy đây đúng là bài viết dành cho bạn rồi đấy. Vậy chuột gaming khác chuột thường ở chỗ nào? Hãy cùng tìm câu trả lời ngay bây giờ nhé.
Chuột chơi game thường có form cầm tối ưu hơn
Để phục vụ tốt nhất cho người dùng sử dụng với cường độ cao, các sản phẩm chuột gaming thường sẽ có được những kiểu thiết kế tối ưu cho các cỡ tay, dáng cầm phổ biến của game thủ. Bạn thích cầm theo kiểu đối xứng, công thái học tay phải, thích bấm kiểu quặp ngón tay (Claw-grip) hay chỉ dùng đầu ngón (Finger-tips)? Thị trường chuột chơi game đều có những lựa chọn phù hợp; dù là ở phân khúc giá rẻ hay tầm trung, cao cấp. Nhưng với các mẫu chuột thường thì như người viết thấy, thường chỉ từ tầm giá tương đối cao (khoảng hơn 1 triệu Đồng ở Việt Nam) thì mới có được thiết kế ổn. Còn lại thì với đa số các sản phẩm giá rẻ dễ tiếp cận với người dùng, phương diện này lại chưa nhận được nhiều sự đầu tư.
Điểm chung của các mẫu chuột văn phòng trên thị trường thường là quá nhỏ và quá nhẹ - cốt để phục vụ được nhu cầu sử dụng tối thiểu của người dùng phổ thông. Vậy nên nếu cầm để chơi game - một hoạt động có phần đặc thù - thì sẽ không dễ để chúng ta có được trải nghiệm thoải mái nhất.
Chuột chơi game thường có vẻ ngoài bắt mắt hơn
Điều này có lẽ là không phải bàn cãi nhiều rồi; chuột gaming thì thường sẽ trông hấm hố hơn vì nhiều thứ từ thiết kế, đèn, hoạ tiết,.. để giúp người chơi thể hiện cá tính. Trong khi đó thì các sản phẩm chuột thường thì sẽ thiên về sự tối giản trong vẻ bề ngoài, và thay vào đó sẽ chú trọng hơn vào công năng sử dụng. Trên thực tế, không phải game thủ nào cũng quan trọng chuyện vẻ ngoài của gaming gear, nhưng với xu hướng setup góc chơi đang nở rộ thì những con chuột chơi game vẫn sẽ là mảnh ghép phù hợp hơn.
Chuột chơi game thường có độ nhạy, độ phản hồi,... cao hơn
Với các sản phẩm chuột gaming, chúng ta thường sẽ có được sự đa dạng và giới hạn cao hơn về các thông số quan trọng như DPI, Polling Rate, v.v. để có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với thói quen sử dụng. Dành cho bạn nào chưa biết thì DPI (hay dots per inch) sẽ quyết định độ nhạy của chuột trong quá trình sử dụng; còn về Polling Rate thì đây là tần suất báo cáo vị trí của cảm biến tới máy tính. Cả hai loại thông số này đều có xu hướng cao hơn với chuột chơi game, chưa kể với DPI thì chúng ta còn có thể điều chỉnh được theo nhiều nấc để tìm ra con số tối ưu nhất.
Những mẫu chuột văn phòng thì đa số sẽ chịu nhiều giới hạn ở khoản này, thường sẽ bị cố định hoặc là tinh chỉnh được nhưng cực kỳ ít. Và chính điều này sẽ là rào cản để chúng phù hợp với mục đích “tryhard" của game thủ hiện thời, đặc biệt là với các tựa game Esports có tính cạnh tranh cao - khi một khoảnh khắc chính xác cũng đã định đoạt được kết quả cuối cùng.
Chuột chơi game có khả năng tuỳ biến cao hơn
Khả năng tuỳ biến cao của chuột gaming có thể được thấy ở rất nhiều phương diện: Từ các yếu tố về ngoại hình như đèn LED, hệ thống phím bấm hay thậm chí là cả hình dáng. Tất cả đều để người dùng có được trải nghiệm “cá nhân hoá” và thực sự phù hợp với bản thân, qua đó phát huy tốt nhất trình độ trong những trận đấu căng thẳng. Bạn muốn chú chuột của mình có LED nhảy được theo nhạc xập xình? Bạn muốn chỉ cần một nút là nhân vật sẽ tự thực hiện một chuỗi combo chính xác? Hầu hết các mẫu chuột gaming hiện thời đều đã cho phép bạn làm được, chỉ cần bỏ công ra nghiên cứu một chút thôi.
Chưa kể, những tuỳ chỉnh này có thể lưu lại thông qua phần mềm. Nhờ vậy nên dù ở đâu, miễn là có Internet, bạn hoàn toàn có thể tải lại chúng về máy để có được trải nghiệm sử dụng thoải mái nhất. Sự đa dạng và tiện lợi trong tuỳ biến này là điều mà chuột thường gần như không có, hoặc nếu có thì cũng chỉ liên quan đến các thao tác làm việc thay vì chơi game.
Chuột chơi game thường có độ bền cao hơn, dễ sửa chữa
Ngay từ phân khúc giá rẻ, hiện nay trên thị trường chúng ta đã có những mẫu chuột gaming với độ bền rất ấn tượng. Một vài ứng viên đáng chú ý có thể kể tới là Fuhlen G90 với phím bấm “bất tử", hay Logitech G102 Gen 2 LIGHTSYNC đã được khắc phục hiện tượng Double-click - tất cả đều chỉ có mức giá dưới 500.000đ. Và ngay cả khi có hỏng hóc thì chuột gaming vẫn sẽ dễ sửa hơn so với chuột thường, khi thị trường có rất nhiều linh kiện thay thế như switch, feet, vỏ,... để đáp ứng nhu cầu của game thủ.
Với chuột thường thì nếu hỏng, sẽ rất khó để chúng ta đem đi sửa vì không có nhiều linh kiện thay thế. Nếu với những con chuột mới ra thì người dùng còn có thể đem đổi trả, bảo hành; nhưng nếu đã mua quá lâu thì mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều. Việc hỏng hóc này đáng tiếc lại thường đến từ việc chúng ta dùng chuột thường sai mục đích, ví dụ như để chơi game “hardcore" chẳng hạn.
Về cơ bản, đó là một số điểm khác biệt giữa chuột chơi game và chuột thường, qua đó giúp bạn hình dung tầm quan trọng của việc có riêng một chiếc để chơi game. Hi vọng những thông tin trong bài sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về thế giới gaming của mình. Và nếu có nhu cầu tìm mua những mẫu chuột gaming mới nhất, tốt nhất với giá thành cạnh tranh cũng như bảo hành lâu dài; đừng ngần ngại ghé qua website và các chi nhánh của ThinkPro trên toàn quốc nhé.
---------------------------
ThinkPro là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.