Đánh giá chi tiết Dell G16 7630: Laptop Gaming đáng mua
Kể từ những ngày đầu tách ra khỏi dòng Dell Inspiron, Dell Gaming G series đã trải qua nhiều lần thay đổi. Tuy nhiên phải qua một vài năm, dường như dòng máy mới tìm được công thức đúng. Một chút dư vị thiết kế của Dell Alienware, phần cứng đổi mới liên tục cùng nhận diện thương hiệu sẵn có,... và đó cơ bản là cách G-series bắt đầu lấy lại lòng tin từ cộng đồng sau một thời gian dài.
Và sau khi đã có được thắng lợi ban đầu, Dell quyết định đã đến những bước đi lớn tiếp theo. Cụ thể thì đó là giải quyết một trong những vấn đề tồn đọng lâu năm của dòng máy, ấy chính là về khả năng tản nhiệt. Về cơ bản, những sửa đổi ấy đã nằm bên trong chiếc Dell G16 7630 này. Vậy thì nó hiệu quả ra sao, hãy cùng ThinkPro khám phá nhé.
Thiết kế của Dell G16 7630
Về thiết kế, Dell G16 7630 vẫn sẽ mang trên mình form dáng chiến hạm quen thuộc. Đuôi máy được làm thành một đoạn nhỏ phía sau, vát thoải nhẹ để tạo điểm nhấn, nắp máy sẽ có điểm nhấn là hai đường gân dọc cứng cáp cùng logo Dell. Trên cùng phủ lên sẽ là lớp sơn màu Đen nhám tạo vẻ bí ẩn. Không khó để nhận ra, Gaming G series lấy nhiều cảm hứng từ dòng Alienware nổi tiếng.
Vậy nên người viết mới dùng từ “chiến hạm” để phân biệt với “tàu bay” - từ thường được dùng để mô tả những chiếc laptop thuộc thương hiệu “Người ngoài hành tinh”. Tuy nghe có vẻ hầm hố, nhưng khi nhìn vào Dell G16 7630 rồi so qua với Alienware thì có khi mẫu máy này vẫn còn tối giản lắm.
Tuy nhiên kỳ thực, với màu Đen nhám cùng rất ít các đường cắt xẻ, chiếc máy này trông cũng tỏa ra sự đứng đắn, trang nhã nhất định. Vậy nên nếu là tín đồ của sự tối giản mà vẫn cần tới hiệu năng mạnh mẽ của một chiếc laptop gaming, Gaming G series của Dell sẽ là một lựa chọn ít người nghĩ tới, nhưng lại tương đối “ổn áp”.
Hầu hết khung máy sẽ được làm từ nhựa, tuy nhiên nhựa này là hàng chịu lực nên cũng khá cứng cáp. Đặc biệt là phần khung phím, độ flex là rất ít trong quá trình sử dụng, giúp người dùng có thể an tâm nhập liệu và chơi game với cường độ cao. Thực ra người viết đã kì vọng rắng máy cũng nên ít nhất có nắp làm bằng kim loại, vì với mức giá lên tới 40 triệu Đồng ở thời điểm viết bài thì chúng ta có quyền được yêu cầu cao hơn.
Điểm nhấn về thẩm mỹ ở khu vực khung phím sẽ là phần khe lấy gió phía trên, được làm thành dạng vát chéo để tạo nên nét gaming. Phía trên nữa sẽ là phần bản lề máy được làm dạng thanh, cảm giác gập mở tương đối chắc chắn - điều quan trọng khi màn hình của sản phẩm khá nặng vì lên tới 16-inch.
Cổng kết nối
Về cổng kết nối, chiếc laptop Dell này sẽ được trang bị tổng cộng 3 cổng USB-A 3.2 Gen1, 1 cổng USB-C 3.2 Gen2 (với phiên bản RTX 4070 thì sẽ hỗ trợ thêm Thunderbolt 4), cổng LAN RJ-45, cổng HDMI 2.1 và jack tai nghe 3.5mm combo. Lượng cổng này với nhu cầu gaming và làm việc cơ bản là tương đối đầy đủ, khi chúng ta sẽ có thể cắm khá nhiều gear, ổ cứng hoặc xuất hình ra màn rời để nâng cao trải nghiệm.
Sẽ là đáng giá hơn nữa nếu Dell có thể bổ sung cho dòng máy này một khe thẻ SD, giúp đối tượng làm sáng tạo nội dung có thể tận dụng tốt cấu hình và màn hình chất lượng cao của sản phẩm.
Màn hình của Dell G16 7630
Về màn hình, khác biệt lớn nhất của Dell G16 7630 so với trước đây là việc máy sẽ có thêm một tùy chọn với tần số quét lên tới 240Hz. Tuy nhiên với phiên bản 165Hz mà người viết đang có, chất lượng cũng đã rất tốt để chúng ta chọn mua rồi. Về thông số, màn hình này sẽ có độ phân giải QHD+ (2560 x 1600), độ trễ 3ms, tấm nền sử dụng là WVA quen thuộc và hỗ trợ các công nghệ thông dụng như NVIDIA G-Sync.
Có thể thấy, màn hình của Dell G16 7630 tương đối cân bằng để để cả làm việc lẫn giải trí đều chất lượng. Trong khi độ phân giải cao sẽ giúp chữ viết, hình ảnh,... hiện lên sắc nét, phù hợp với tiêu chuẩn chung mới thì với tần số quét cao, trải nghiệm di chuột, kéo thả,... sẽ đảm bảo mượt mà, và tất nhiên là cả chơi game nữa.
Về cơ bản, 165Hz cùng độ trễ 3ms có thể xem là tạm ổn để chúng ta giải trí với các tựa game FPS, tuy nhiên nếu đã xác định tinh thần “tryhard” thì cách tối ưu nhất sẽ là kết nối qua màn rời hoặc tìm mua phiên bản tần số quét 240Hz.
Về chất lượng màu sắc, màn hình của Dell G16 7630 đạt tới 99% dải màu sRGB, 80% dải màu AdobeRGB, 82% dải màu điện ảnh DCI-P3 cùng độ sai lệch màu DeltaE vỏn vẹn 0.73 - hơn cả mức kỳ vọng là nằm giữa 1.0 và 2.0. Điều này biến đây trở thành một mẫu màn hình toàn diện, bên cạnh chơi game thì vẫn có thể dùng tốt cho các tác vụ multimedia với độ chính xác cao như chỉnh sửa ảnh, làm video, v.v.
Có điều với những ai khó tính, lớp phủ chống lóa trên màn của Dell G16 7630 sẽ gây ra sự khó chịu nhất định. Tuy nhiên nếu không có phần phủ này thì nếu chúng ta có phải đem máy ra ngoài làm việc thì sẽ tương đối khó khăn nếu gặp phải môi trường ánh sáng quá mạnh, dễ gây lóa.
Viền màn của Dell G16 7630 thì như thường lệ, tạm ổn về độ mỏng với viền trên và trái phải, còn viền dưới sẽ hơi dày do được gắn trực tiếp vào bản lề dạng thanh ngang. Phía viền trên máy sẽ là cụm webcam 720p, vừa đủ chất lượng để người dùng stream hoặc học tập online.
Bàn phím và touchpad
Về bàn phím và touchpad, Dell G16 7630 không có nhiều khác biệt so với các phiên bản G15 thấp hơn. Chúng ta vẫn sẽ có cụm phím full-size với LED Đỏ đặc trưng quen thuộc, đủ để sử dụng cho mọi tác vụ từ chơi game cho tới soạn thảo văn bản, và một chiếc touchpad với kích thước trung bình để sử dụng thay thế chuột.
Bàn phím của Gaming G series có điểm chung là tương đối nông, nên xét về cảm giác gõ so với phím cơ hoặc nhiều dòng sản phẩm ngang tiền khác thì có thể sẽ kém hơn. tuy nhiên những cái có tốc độ gõ nhanh hẳn sẽ rất thích chiếc bàn phím này, vì thường việc gõ lướt bằng đầu ngón tay sẽ cần những chiếc bàn phím nhận phản hồi nhanh.
Touchpad của máy có lớp phủ khá ổn, cảm giác chạm và vuốt tốt, độ delay không đáng kể. Tuy nhiên đây vẫn sẽ chỉ là giải pháp thay thế tạm thời cho chuột khi chúng ta cần dùng cho các tác vụ không phải chơi game hay dựng video mà thôi.
Cấu hình của Dell G16 7630
Về cấu hình, Dell G16 7630 mà người viết trải nghiệm sẽ sử dụng CPU Intel Core i7-13650HX 14 nhân 20 luồng, card đồ hoạ NVIDIA GeForce RTX 4060 8GB, đi kèm với 16GB RAM DDR5-4800MHz cùng 512GB SSD NVMe làm bộ nhớ trong. Về tổng quan thì đây là cấu hình hoàn toàn là của thế hệ mới, khi chúng ta sẽ có đươc những đại diện ưu tú nhất của Intel 13th Gen Raptor Lake và RTX 4000-series của NVIDIA.
Test CPU Core i7-13650HX với công cụ Cinebench R23 thì ở bài test đa nhân, có thể thấy nó có thể được bơm điện lên tới hơn 140W để đẩy mạnh khả năng xử lý. Đổi lại thì nhiệt máy sẽ khá cao, cụ thể là dao động cỡ 90 độ, cái này không quá bất ngờ. Tuy nhiên có một điều thú vị là khi chơi game, con số trung bình lại chỉ còn khoảng 85 độ, có thể còn thấp hơn. Phải chăng tản nhiệt của Dell đã có cải tiến để cho ra điều này?
Với xung nhịp đơn nhân khi test có thể lên tới 4.7GHz, khá gần với mức lý thuyết là 4.9GHz, Core i7-13650HX sẽ có thể xử lý những tác vụ quãng ngắn là tương đối nhanh chóng. Kết hợp với kết cấu nhân luồng theo kiến trúc big.LITTLE, phần cứng của máy sẽ có thể được điều tiết hợp lý để đạt hiệu quả tối đa khi hoạt động.
Về card đồ hoạ RTX 4060, nâng cấp đáng kể nhất so với RTX 3060 trước đó sẽ là về kiến trúc và lượng VRAM có sẵn. Cụ thể, nó sẽ sử dụng kiến trúc Ada Lovelace mới nhất cùng lượng VRAM nâng từ 6GB thành 8GB - một bước tiến cũng gọi là tích cực với một thương hiệu thường được cho là “keo kiệt” về VRAM như NVIDIA.
Thử nghiệm với các tựa game Esports phổ thông như Liên Minh Huyền Thoại, VALORANT hay CS:GO, Dell G16 7630 dễ dàng đạt được mức khung hình rất cao lên tới vài trăm với thiết lập đồ hoạ Cao. Kết hợp với tần số quét cao trên màn hình cùng độ trễ thấp, trải nghiệm chơi nhìn chung không có nhiều điểm phải chê trách.
Chuyển qua những tựa game AAA mới nhất ở thời điểm hiện tại, combo Core i7-13650HX và RTX 4060 cũng thể hiện rất tốt. Ví dụ như Diablo IV, dù chưa cần tới sự trở giúp của thuật toán DLSS và Frame Generation mà game vẫn chaỵ tốt ở khoảng 120 FPS, thiết lập đồ hoạ là cao nhất, và đây đang là độ phân giải QHD+.
Còn tới với Cyberpunk 2077, đây mới là lúc chúng phát huy công dụng. Mặc dù không sử dụng thì máy cũng đã có thể chơi ở mức “tạm được” đi kèm Ray Tracing: Ultra, nhưng khi bật DLSS và Frame Generation thì con số chúng ta có được là dồi dào, đưa game từ mức “chơi được” lên thành “chơi tốt” với trên 60 FPS.
Trải nghiệm tiếp một tựa game bom tấn khác là Shadow of the Tomb Raider, chúng ta cũng có thể thấy Dell G16 7630 làm rất tốt. Sử dụng kết hợp với DLSS mức độ Quality, chúng ta đã có thể duy trì mức FPS cao khoảng 120 trở lên, cũng cần thiết với một game có nhiều phân cảnh hành động.
Góp phần cho trải nghiệm tích cực kể trên thì không chỉ cấu hình mạnh, chúng ta còn có các tính năng hỗ trợ đắc lực như Advanced Optimus của NVIDIA. Cụ thể thì với tính năng này, máy sẽ có thể tự động chuyển đổi công cụ phụ trách xuất hình giữa card rời và card tích hợp, qua đó đảm bảo chơi game chúng ta sẽ có mức FPS xuất ra là lớn nhất.
Về nhiệt độ thì xuyên suốt các bài test, GPU RTX 4060 lại có được mức nhiệt ổn hơn nhiều so với CPU. Với điện năng tiêu thụ trung bình 105W, 4060 thường sẽ dao động ở khoảng 80 độ C, có lúc lên 85 độ, khi hoạt động với các tựa game nặng. Có thể đây là thành quả của việc sử dụng tiến trình mới.
Pin
Về pin, Dell G16 7630 sẽ sở hữu viên pin 86Wh vượt trội hơn hẳn so với thế hệ tiền nhiệm Dell G16 7620 với chỉ 56WH, điều cũng là cần thiết với phần cứng thuộc hàng “quái vật” này. Tất nhiên, đó chưa phải là tất cả để duy trì thời lượng sử dụng ổn cho máy, vậy nên chúng ta đã có thêm những giải pháp như NVIDIA Optimus, cho phép máy tự động chuyển đổi công cụ xuất hình tuỳ theo từng tác vụ đang làm.
Khi dùng máy cho các công việc văn phòng thông thường, Optimus sẽ chuyển việc xuất hình hoàn toàn cho iGPU, đảm bảo máy sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn. Trong khi đó khi chơi game, nhiệm vụ này sẽ được khoán hoàn toàn cho card rời, giúp tốc độ khung hình được đẩy lên là tối đa - lý giải cho mức FPS ấn tượng đến vậy trong lúc test.
Kết hợp tất cả các yếu tố kể trên, máy sẽ trụ được cỡ 4,5 tiếng cho các tác vụ văn phòng cơ bản cùng độ sáng 50%. Một con số nghe khá bất ngờ với phần cứng đời mới như hiện tại.
Bên trên viên pin của Dell G16 7630 khi mở máy sẽ là hệ thống RAM, CPU, GPU và tản nhiệt. Theo nhiều nhận xét, quạt và ống đồng bên trong 7630 đã được làm dày hơn so với thế hệ cũ, kéo theo khả năng tản nhiệt cũng được đảm bảo theo.
Tạm kết
Về cơ bản, đó là những gì chúng ta có thể thấy ở Dell G16 7630, mẫu laptop gaming màn hình lớn mới nhất của G-series với phần cứng RTX 4060. Không thể phủ nhận việc bản thân Dell cũng như Intel và NVIDIA đều đang làm tương đối tốt nhiệm vụ của mình, khi đã có thể cung cấp cho sản phẩm này phần cứng mạnh mẽ, đi kèm hệ thống tản nhiệt tăng cường về chất lượng để đảm bảo nó có thể chạy ổn.
Tuy nhiên, vẫn còn những thứ mà sản phẩm này sẽ chưa thể chiều lòng người dùng, ví dụ như thiết kế toàn nhựa ở mức giá lên tới 40 triệu Đồng - một con số chưa được vừa túi với số đông. Tuy nhiên đổi lại cho bạn khi chấp nhận rút ví lúc này sẽ là rất nhiều ưu điểm của một trong những sản phẩm Gaming G hoàn thiện nhất từ trước đến nay.
Ảnh: LaptopMedia
Ngoài ra, ThinkPro cũng đang kinh doanh một số mẫu laptop Dell khác như Dell Inspiron 5630, Dell Latitude 9420, Dell XPS 9320, Dell Precision 5560…Hãy ghé qua ngay hôm nay để nhận được nhiều ưu đãi nhé!
Xem thêm: