logo

Đánh gía chi tiết HP Victus 16 (Intel 11th Gen): Đáng mua nhất năm ở phân khúc Gaming tầm trung?

Nguyễn Công Minh 09:57, 15/10/2021

Mang trên mình dáng dấp của series Omen cao cấp, nhưng việc chỉ sở hữu mức giá rẻ - tầm trung đã khiến HP Victus 16 trở nên rất đáng chú ý. Không chỉ vậy, đi kèm với đó còn là những tuỳ chọn cấu hình mạnh mẽ cùng mức giá hợp lý, và điều đó càng khiển dòng sản phẩm này được săn đón nhiều hơn trên thị trường. 

Nắm bắt được nhu cầu người dùng, ThinkPro đã nhanh tay đem về những sản phẩm tốt nhất thuộc series Victus 16 - bao gồm cả chiếc máy chạy cấu hình Intel 11th Gen trong bài viết hôm nay. Mặc dù sử dụng thực tế thì quả thật, sản phẩm cũng còn những điểm đánh đổi nhất định, nhưng chúng vẫn ở mức chấp nhận được và HP Victus 16 - với màn trình diễn còn lại - vẫn sẽ là sản phẩm gaming phổ thông đáng mua nhất trong phần còn lại của 2021.  

Thiết kế - Đậm chất Omen, đi kèm một chút đánh đổi

Để tạo nên sự khác biệt với người anh em chỉ cách đó vài triệu Đồng là Pavilion Gaming, series Victus 16 đã được HP trang bị một lớp vỏ tuy lạ mà quen. Nếu chỉ thoạt nhìn qua, có lẽ sẽ không ít game thủ tưởng rằng đây là một sản phẩm Omen cao cấp. Điều này cũng không khó hiểu lắm vì nếu so sánh, HP Victus 16 2021 cho thấy khá nhiều điểm tương đồng thú vị. Từ vẻ ngoài vuông vắn, lớp sơn nhám quen thuộc - ở đây người viết đang có màu Xanh Dark Blue trông rất là bí hiểm, bản lề giữa cho tới cả logo bóng loáng – có điều sẽ được tạo hình chữ V để đại diện cho cái tên mới.

Mình thì rất thích phần logo này, dù không đổi màu gradient được như của Omen nhưng lại được cái cá tính và tượng hình hơn hẳn. Và nhìn từ ngoài vào thì lớp mạ Crom bên trên cũng rất nổi trên nền Xanh Đen, thậm chí nếu muốn thì cũng soi gương được luôn. Những chi tiết kiểu này cũng xuất hiện thêm ở một số chỗ nữa để tăng tính nhận diện cho sản phẩm, ví dụ như ở họa tiết khe hút gió ngay trên bàn phím, hay ở khe đáy thì cũng có nữa.

Về độ hoàn thiện, HP Victus 16 với người viết sẽ có thể được đánh giá ở mức ổn. Vỏ nhựa của máy tuy vẫn flex nhẹ ở khung phím hay trung tâm nắp máy, nhưng không ảnh hưởng tới quá trình sử dụng. Bản lề máy cho cảm giác gập mở đầm tay – nhưng đúng như nhiều đánh giá, nó rất là dễ rung lắc mỗi khi chúng ta chạm vào.

Nhưng tại sao chúng ta vẫn có thể cho đó là hoàn thiện ổn? Cơ bản trừ lúc đóng mở máy, người viết nhận thấy rằng bản lề này vẫn đứng vững khi chúng ta nhập liệu, chơi game hay thậm chí ngồi trước quạt điện - điều mà nhiều anh em vẫn quan ngại. Có chăng nó sẽ chỉ rung khi có người đi qua lỡ va vào mặt bàn, hay một anh bạn thích đùa nào đó trong văn phòng tiện tay gảy nhẹ màn hình một cái mà thôi. 

Mặc dù sở hữu màn hình lên đến 16.1-inch, thân hình của HP Victus 16 vẫn khá là thon gọn - tương đương với nhiều sản phẩm 15.6-inch khác. Có điều trọng lượng của máy lúc này sẽ hơi cao so với mặt bằng chung (2.46kg), tính thêm cục sạc 200W này nữa thì cũng gần 3kg - âu cũng là một sự đánh đổi.

Màn hình - Rộng rãi, thoáng đãng, hơi tiếc về tần số quét

Để có thể sở hữu kích thước 16.1-inch mà không phải cơi nới kích thước máy, HP đã phải tinh giản đáng kể viền màn hình của Victus 16. Nhờ vậy nên người dùng sẽ có được trải nghiệm thị giác rộng rãi, thoải mái cho mọi hoạt động: Lướt web, xem video, chơi game và còn nhiều nữa. Có điều đổi lại thì tần số quét mà chúng ta có trên máy sẽ chỉ là 60Hz; chơi mấy game offline nhịp độ bình thường như Cyberpunk 2077, Tomb Raider các thứ thì ổn, còn nếu để đua xe hay bắn súng FPS thì mình chưa thấy đã lắm – cảm giác nó cứ thiếu thiếu.

Chất lượng màu sắc thì với mức giá khoảng 24 – 25 triệu Đồng, lại còn là trên một chiếc laptop Gaming nên người viết cũng không kỳ vọng nhiều ở HP Victus 16. Nhưng ít nhất các con số mà máy có được như độ phân giải FullHD (1920 x 1080); độ phủ màu 64% sRGB, độ sáng 303 nits hay tương phản hơn 1000:1 vẫn là tạm ổn. Sai lệch màu thì suýt soát 2.0, cụ thể là 1.92, anh em nếu có dùng để làm thiết kế các thứ thì cũng vẫn còn được.

Bàn phím - Đáng lẽ có thể tốt hơn nữa

Xuống tới bàn phím, chúng ta vẫn sẽ nhận ra kiểu font chữ, keycap cũng như là layout thân quen của dòng Omen. Điểm khác biệt ở đây là Victus 16 sẽ không bị cắt đi phím số, và anh em vẫn sẽ có nó ở đây để tiện dùng nếu làm các công việc cần nhập số nhiều và nhanh. Trải nghiệm gõ mà bàn phím này đem lại cũng là rất ổn, với hành trình vừa đủ đi kèm độ phản hồi tương đối tốt. Có điều thay vì LED RGB như các sản phẩm gaming khác, đèn nền của HP Victus 16 sẽ chỉ ở dạng đơn sắc mà thôi.

Tuy vậy, sự tương đồng ở khu vực này giữa Victus 16 và Omen cũng khiến người viết băn khoăn đôi chỗ, khi nó cũng bao hàm cả những điểm lẽ ra nên được làm tốt hơn. Ví dụ như nút nguồn, nó vẫn sẽ được đặt vào trong cạnh nút F12 thay vì ở góc trên như ta vẫn thấy. Điểm này thì người viết không ưng vì nó rất khó để làm quen, rất mất thời gian tìm kiếm.

HP Victus 16 sở hữu touchpad lớn hơn 19% so với các sản phẩm tương tự trước đó, với bề mặt nhựa giúp cho ra cảm giác nhám vừa, tạm ổn khi tiếp xúc. Khi dùng để kéo thả hay vuốt chạm nhiều ngón, việc tracking hay phản hồi đều diễn ra nhanh nhạy. 

Cấu hình - Mạnh mẽ trong tầm giá

Còn về cấu hình thì theo người viết tìm hiểu; HP Victus 16 có rất nhiều tùy chọn cho chúng ta; AMD hay Intel đủ cả và trải dài trên nhiều mức giá. Phiên bản đang được trải nghiệm trong bài sẽ được ThinkPro bán ra với giá 23.990.000đ (đã giảm 1.500.000đ so với giá niêm yết); sử dụng CPU Intel Core i5-11400H 6 nhân 12 luồng, 8GB RAM DDR4-3200MHz, 256GB SSD NVMe phục vụ lưu trữ cùng card đồ hoạ NVIDIA RTX 3050 4GB GDDR6.

Với tiến trình 10nm SuperFin, CPU i5-11400H sẽ có thể chạy mát hơn, trong khi vẫn cung cấp hiệu năng tốt hơn trên cùng một mức điện so với các tuỳ chọn 14nm cũ. Xung nhịp đơn nhân của nó có thể duy trì khoảng 4.0GHz khi chạy nặng, còn nếu chơi game thì thường rơi vào khoảng 3.4 - 3.6GHz, tạm ổn để anh em yên tâm sử dụng. Còn với RTX 3050 4GB, đây là mẫu card tầm trung hiếm hoi ở thời điểm hiện tại có được khả năng Ray Tracing cùng khả năng ăn tối đa 75W điện khi chạy ở chế độ Performance, rất phù hợp nếu game thủ muốn nâng tầm hiệu suất và độ chân thực trong game với mức giá tối thiểu.

Người viết đã thử cấu hình trên của HP Victus 16 với một số game AAA như Cyberpunk 2077, Shadow of the Tomb Raider thì chưa cần bật DLSS, mức FPS chúng ta có được cũng đạt  tầm 50 – 65, thậm chí có thể cao hơn với Settings từ Medium trở lên. Nhưng nếu muốn chơi cùng Ray Tracing thì người chơi sẽ cần tìm bật cả tùy chọn DLSS 2.0 lên để có được FPS ở mức tối ưu hơn (Hình dưới là chưa sử dụng DLSS 2.0 trên các game).

Còn để chơi các tựa game FPS như CS:GO, VALORANT thì các bạn cứ để thiết lập cao nhất cũng được, máy vẫn chạy FPS từ 150 - 200, thậm chí nhiều hơn cũng có. 

Về nhiệt độ, cấu hình trải nghiệm trong quá trình chạy cho ra nhiệt độ khoảng 85 độ cho CPU và 75 – 80 độ cho GPU, ở mức chấp nhận được. Nếu bạn chỉnh quạt lại trong phần mềm Omen Gaming Hub thì nó sẽ giảm được chút, hoặc thậm chí cần thiết thì HP cũng cho phép chúng ta undervolt CPU – tự tay làm hay nhờ phần mềm tự tối ưu thì cũng được cả, mình thì không có nhu cầu lắm. Con số này nếu ở các tuỳ chọn cao hơn có thể sẽ được cải thiện, vì khi đó chúng ta sẽ có thêm một khe gió ở cạnh bên phải – theo như người viết tìm hiểu là sẽ xuất hiện trên phiên bản RTX 3060. 

Cổng kết nối - Đầy đủ phục vụ người dùng

Về cổng kết nối, chiếc laptop này cung cấp cho người dùng tương đối đầy đủ với 3 cổng USB-A, 1 cổng USB-C 3.2 Gen1 hỗ trợ xuất hình, cổng HDMI 2.1, cổng LAN RJ-45, khe thẻ SD cùng jack tai nghe 3.5 combo. Nhìn chung thì với lượng cổng này thì anh em có thể làm rất nhiều thứ; từ kết nối gaming gear, ổ cứng các loại hay cả thẻ SD để làm ảnh hay video nữa. 

Hơi tiếc một chút thôi là dù máy của mình chạy Intel 11th Gen, nhưng cổng C ở đây lại không phải là Thunderbolt 4. Bù lại thì chúng ta có thể làm rất nhiều thứ với nó như truyền dữ liệu với tốc độ 5Gbps, xuất hình thông qua DisplayPort 1.4 cũng như sạc cho các thiết bị ngoài ngay cả khi máy đang Sleep. 

Khả năng nâng cấp - Tương đối dồi dào

Đi sâu vào bên trong, HP đã rất chu đáo khi cho Victus 16 khả năng nâng cấp rất dồi dào. Điểm đặc biệt của sản phẩm sẽ nằm ở RAM, khi hãng vẫn sẽ lắp cho chúng ta hệ thống 8GB Dual-channel - thay vì một thanh 8GB Single-channel như trên đa phần sản phẩm Gaming khác. Ngoài ra thì hai bên gần hông cũng sẽ là hai khe NVMe để chúng ta lắp tối đa tới 2TB, thoải mái lưu trữ nếu có nhu cầu, và dưới cùng sẽ là viên pin 70Wh, người viết dùng thử máy để lướt web, xem YouTube với độ sáng 60% thì được tầm 3.5 tiếng.

Kết luận

Nhìn chụng thì tương tự phiên bản sử dụng AMD, HP Victus 16 2021 tuỳ chọn Intel cũng sở hữu rất nhiều điểm đáng chú ý - đặc biệt khi máy đã có được cấu hình tương đối mạnh trong khi sở hữu mức giá “mềm” hơn chút đỉnh so với mặt bằng chung. Mặc dù bù lại cũng sẽ có những điểm chưa ổn về bàn lề, tần số quét màn hình và vài tiểu tiết nhỏ; nhưng điều này với người viết sẽ không thể ngăn cản HP Victus 16 Intel nói riêng và toàn series nói chung nhận được sự quan tâm nồng nhiệt từ người dùng ngân sách thấp trong năm nay. 

Hiện tại, HP Victus 16 2021 (Intel) đang được hệ thống cửa hàng ThinkPro mở bán với mức giá 23.990.000đ (đã giảm 1.500.000đ so với giá niêm yết). Nếu có nhu cầu tham khảo thêm, bạn đọc có thể tham khảo thêm các dòng laptop HP.  

---------------------------

ThinkPro là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.