logo

Đánh giá chi tiết MSI Modern 14 B11M: Khi thông số không phải tất cả

Bùi Quang Thành 17:33, 26/07/2024

MSI từ trước tới giờ vốn đã ưu ái cho dòng laptop gaming của mình. Tuy nhiên, khi dòng laptop dành cho văn phòng được MSI cho ra mắt, hãng đã nhận được rất nhiều lời tán dương, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng công nghệ, nhất là với dòng MSI Modern. Hãng đã thực hiện rất nhiều thay đổi với dòng máy Modern của mình, khiến chiếc máy trẻ trung, hiện đại và mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, vào cuối năm nay, MSI đã quyết định tung ra sản phẩm Modern 14 B11 với thay đổi lớn về cấu hình và một chút về ngoại hình.

Phiên bản được đánh giá có tên đầy đủ là MSI Modern 14 B11M-073VN, với cấu hình Intel Tiger Lake Core i7 1165G7, bộ nhớ RAM 8GB và SSD 512GB NVMe. Đây có thể nói là một cấu hình trên cả mức ổn để thực hiện những tác vụ văn phòng, hay thậm chí chỉnh sửa ảnh, làm đồ hoạ 2D nhẹ. Điểm sáng của chiếc máy nằm ở card đồ hoạ Intel Iris Xe.

Thiết kế

Điểm mình thấy ấn tượng về dòng Modern nói chung, và chiếc Modern 14 B11 nói riêng này chính là phần thiết kế vô cùng bắt mắt. Dĩ nhiên, cách đó không lâu, phiên bản Modern 14 B10 ra mắt cũng đã sử dụng kiểu thiết kế này. Nhưng điều đó lại góp phần khiến chiếc máy dễ dàng tiếp cận tới người dùng hơn nhờ thiết kế trẻ trung, năng động, cùng với nhiều màu sắc khác nhau.

Để mà nói về kích thước, nếu đặt cạnh MacBook Pro 13, chiếc Modern 14 này lại có kích thước tương đương, không chênh lệch quá nhiều. Đây cũng là điểm cộng nói chung của những chiếc Laptop Windows trong thời gian gần đây, không quá to hay dày bản.

Đáng chú ý, Modern 14 tuy chỉ là ultrabook tầm trung, nhưng toàn bộ sản phẩm lại sử dụng vật liệu nhôm nguyên khối giống những dòng laptop cao cấp. Những tưởng chiếc máy này sẽ cho chất lượng build ở mức trung bình, nhưng không, khi mình ấn với lực rất lớn lên mặt kê tay, hay thậm chí khu vực bàn phím, chiếc máy không hề có hiện tượng flex, hơn hẳn so với những đối thủ như Asus Zenbook 14 hay Lenovo IdeaPad.

Tuy vậy, nắp đáy máy lại khá flex. Dĩ nhiên, do là phần nắp bảo vệ cho mainboard và các linh kiện bên trong, kèm theo là khoảng không để tránh bị tụ nhiệt – giống chiếc GF65 hay Bravo 15 của hãng, chưa kể nắp đáy sử dụng nhôm dát mỏng, nên hiện tượng flex là khó tránh.

Logo cũng là điểm mà mình phải chú ý. Không còn Logo rồng quen thuộc như trên những chiếc gaming nữa, thay vào đó là dòng chữ “MSI” đơn giản mà hãng đã thay đổi mới đây. Như nhiều người từng nói, cái gì càng đơn giản, càng độc đáo, HP đã khẳng định điều này, và MSI một lần nữa minh chứng cho điều đó không hề vô lý.

Viền màn hình của máy được thiết kế siêu mỏng. Đây cũng là lý do vì sao chiếc máy này lại có kích thước ngang những chiếc laptop 13 inch. Phần bản lề ErgoLift của máy lại vô cùng khác biệt so với những sản phẩm khác. Thay vì chỉ nâng một khoảng ngắn như Dell Inspiron 7000, hay Asus Vivobook, MSI Modern 14 B11M lại có khoảng nâng cao hơn hẳn. Cũng nhờ đó, khả năng thoát nhiệt của chiếc máy này tốt hơn so với những dòng máy khác có cùng thiết kế bản lề.

Màn hình – Đủ dùng, nhưng…

MSI Modern 14 B11 ra mắt với hai phiên bản màn hình. Tuy cùng sử dụng tấm nền IPS có độ phân giải Full HD, Modern 14 B11 lại có hai tuỳ chọn là màn hình có độ phủ màu 45% NTSC và màn hình có độ phủ màu 72% NTSC. Tuy nhiên nhà sản xuất lại không nói rõ về tuỳ chọn màn hình của dòng máy nên cũng không dễ để định hình.

Phiên bản B11M mình đánh giá sử dụng tấm nền có phủ màu 45% NTSC. Do vậy, các thông số màu sắc của màn hình này không được tốt cho lắm. Dải màu sRGB của máy rơi vào 64%, trong khi AdobeRGB là 49%. Đây là điều vô tình làm chiếc máy có phần lép vế hơn so với những đối thủ như Asus Zenbook UM/UX425, vốn có phổ màu cao, cho dù cùng tầm giá.

Mặc dù phủ màu không cao, nhưng độ sáng mà màn hình này cho ra lại rất tốt. Màn hình có độ sáng 364.6 nits ở mức cao nhất, đủ dùng ở các khoảng không gian tối. Độ tương phản vừa phải, với 810:1. Vậy nên màn hình này có thể nói là ở mức chấp nhận được khi sử dụng. Với những ai cần chỉnh ảnh, có lẽ cần phải cân màn lại thì sẽ hợp lý hơn.

Khả năng nâng cấp, bảo trì

Để có thể tiếp cận bên trong máy, cần phải tháo hết các ốc xung quanh. Tuy vậy, việc tháo nắp sau ra cũng hơi khó khăn khi các khớp nối giữa mặt kê tay và nắp đáy khá chắc, kèm thêm nắp máy lại mỏng, nếu tháo không cẩn thận có thể gây xước tay người tháo, vậy nên cần phải có lẫy nhựa để đảm bảo an toàn lúc tháo nắp máy ra.

Hệ thống VRM được bố trí khá hợp lý quanh CPU, được bao bọc và tản nhiệt kỹ càng. So với phiên bản Modern 14 AMD, lượng tụ điện có phần nhiều hơn, nhưng đổi lại khiến chiếc máy này hao hụt khả năng nâng cấp.

Máy có khả năng nâng cấp ở mức vừa phải, với một khe RAM có thể nâng cấp thông qua việc thay thế. Bên cạnh đó là 1 khe SSD NVMe có thể tháo rời. Không rõ khe NVMe này có hỗ trợ PCIe 4.0 hay không, nhưng nhiều khả năng hãng sẽ cắt giảm chức năng này, nhằm đưa lên dòng Prestige cao cấp. Máy được trang bị card Wi-Fi 6 AX201 chuẩn CNVi của riêng Intel. Tuy nhiên, điểm hạn chế, như mình đã nói ở trên, là MSI đã bố trí nhiều tụ, nên cắt giảm 1 khe RAM, khiến chiếc máy chỉ có thể thay thế RAM và chạy ở kênh đơn.

Bàn phím và Touchpad

Để mà nói về hệ thống bàn phím, thì rất khó tìm được từ để diễn tả. Hợp lý nhất thì chắc phải dùng từ “dị thường”. Đây là kiểu bàn phím văn phòng mang hơi hướng khá gaming, do cách bài trí trên chiếc Modern này giống như những chiếc gaming vậy. Dễ nhận thấy nhất chính là việc phím FN được đặt ở hướng phải gần hệ thống phím mũi tên, thay vì đặt cạnh nút Ctrl trái. Mình đã từng nói rằng bàn phím này “dị”, chính vì Ctrl trái có độ dài bằng với nút Shift, còn Ctrl phải lại ngắn một mẩu, dính với Fn và nút sổ chéo “\” xuất hiện 2 lần. Vì lẽ đó, bàn phím này thiếu sự đối xứng, cân bằng. Điểm mình không thích ở bàn phím này chính là việc nút nguồn được đưa lên thẳng bàn phím, dễ dàng bị thao tác nhầm. Tuy nhiên, MSI không hề để điều đó xảy ra. Mình có vài lần bấm vào nút nguồn cả vô tình hay cố tình, nhưng không hề có hiện tượng khoá máy đột ngột, trong khi Asus Zenbook lại làm máy rơi vào trạng thái sleep khi thao tác nhầm.

Đổi lại, hành trình phím lại sâu, khoảng 1.4-1.5mm, hơn phần lớn những chiếc laptop cùng tầm ở thời điểm hiện tại. Dĩ nhiên nếu so với ThinkPad L13, bàn phím này không bì được, nhưng khoảng cách phím hợp lý, cùng keycap lớn, đây thực sự là một bàn phím tối ưu cho công việc văn phòng. Nhưng tất nhiên, phải mất một khoảng thời gian để mình làm quen với bàn phím này, do layout dị thường mà hãng thiết kế. Mình đã test khả năng gõ phím của bản thân, phản hồi cực tốt, tuy nhiên sai khá nhiều do chưa quen layout.

Led phím có 3 mức sáng, phù hợp cho những người hay phải sử dụng vào ban đêm. Việc cấu hình mức sáng như vậy rất phù hợp, nhằm tránh gây hại cho thị giác. Máy chỉ có duy nhất màu led trắng, không giống như những chiếc laptop gaming.

Touchpad không thực sự làm mình ấn tượng lắm. Touchpad được phủ nhám mịn toàn bề mặt, chi rất mượt. Tuy nhiên, diện tích touchpad lại hơi nhỏ, nên việc sử dụng hệ thống cử chỉ của Windows, nhất là với những người có form tay hơi to một chút, thao tác khá khó khăn. Hai nút chuột bấm khá êm, không tạo tiết lớn như trên những chiếc Dell XPS 13. Tuy vậy, touchpad này gặp tình trạng flex một chút khi sử dụng, không được chắc chắn. Với những ai ưa sự hoàn hảo, có lẽ họ sẽ không ưng touchpad này lắm. Nhưng trong bối cảnh người dùng hay sử dụng chuột rời, việc touchpad hơi ọp ép một chút cũng không quá quan trọng.

Cổng kết nối – Vừa đủ cho dân văn phòng

MSI Modern 14 B11M vốn là chiếc máy dành cho dân văn phòng, cũng như hướng tới đối tượng làm sáng tạo, nên hãng đã trang bị cho chiếc máy này vô cùng đầy đủ cổng kết nối.

Cạnh trái bao gồm 1 cổng HDMI, 1 cổng USB-C và cổng sạc. Điều thú vị ở đây là chiếc máy lại được trang bị USB-C tích hợp Thunderbolt 4 mới nhất. Đây là điều mà khá ít máy có thể làm được trong thời điểm hiện tại. Tất nhiên, so với Thunderbolt 3, Thunderbolt 4 chưa thực sự có nhiều tính năng nổi bật, nên cũng không quá quan trọng.

Cạnh phải gồm 2 cổng USB-A 3.2 gen 1, microSD và jack tai nghe 3.5mm. So với phiên bản trước, hay phiên bản Ryzen, B11M đã nâng cấp chuẩn USB từ 2.0 lên 3.2 Gen 1 nên có tốc độ truyền tải nhanh hơn rất nhiều.

Hiệu năng – Chưa thực sự như mong đợi

MSI Modern 14 luôn đa dạng về cấu hình phần cứng, nên tất nhiên, chiếc Modern 14 B11M này cũng có rất nhiều tuỳ chọn. Máy có tuỳ chọn thấp nhất là Core i3 1115G4, cao nhất là Core i7 1165G7. Tất nhiên bản Core i5 1135G7 và Core i7 1165G7 sẽ được trang bị Intel Iris Xe.

Tuy vậy sẽ có một vài điểm cần phải lưu ý kỹ lưỡng, như một số phiên bản ở nước ngoài chỉ dùng thuần Intel Iris Xe, nên sẽ được trang bị RAM Dual Channel, trong khi ở Việt Nam, sẽ là phiên bản chỉ sử dụng Single Channel, do có thêm cả tuỳ chọn card đồ hoạ rời MX450.

Mình may mắn được đánh giá phiên bản Intel Core i7 1165G7 như đã nói ở trên. Tuy nhiên, đây lại là phiên bản chỉ sử dụng Single Channel, trong khi không có tuỳ chọn card đồ hoạ rời. Có thể nói là ở mức lỡ cỡ.

Mình đã cho chạy test Cinebench R20 trên chiếc máy này. Khi chạy đơn nhân ở chế độ Balance, con chip ổn định ở mức điện tiêu thụ 17.8 - 18W, peak 24.5W trong khoảng 2s, xung nhịp lên tới 4.4GHz, càng về cuối nhiệt độ càng tăng, ổn định ở 76 độ C, điểm số cho ra là 566. Trong khi đa nhân, điện chạy ở mức 45W trong thời gian 1 giây đầu, sau đó nhanh chóng hạ xuống 35W, nhiệt độ ban đầu 80 độ C, sau đó đẩy lên lên 84 độ C, All cores 3.37GHz, điểm số cho ra là 2336.

Tuy nhiên, khi mình chạy ở chế độ Performance và bật quạt chế độ Cooler Boost max công suất, máy cho điểm số khác đôi chút. Khi chạy đơn nhân, điều kỳ lạ là CPU chỉ chạy ở 16-17.5W, peak 20W trong 1s đầu, và dĩ nhiên, nhiệt độ ổ định từ 58-63 độ C, xung nhịp ở 4.5 GHz, nhưng điểm số vẫn là 566, có lẽ là do yếu tiêu thụ ít điện hơn. Còn khi chạy đơn nhân, điện tiêu thụ tăng từ 42 lên 45W, sau giảm còn 41W, nhiệt độ ban đầu 76 độ C, sau tăng lên 81 độ C, All Cores 3.6, điểm số cuối cùng là 2499, cải thiện hơn nhiều so với lần test ở chế độ Balance.

Tất cả việc chuyển chế độ hay thiết đặt là ở phần mềm MSI Center for Business & Productivity. Đây chắc hẳn là phiên bản được thiết kế chuyên biệt và rút gọn lại từ MSI Dragon Center.

Để mà nói về mức điểm số này, Intel Tiger Lake có vẻ vẫn rất tốt ở mảng đơn nhân. Dĩ nhiên đây là CPU Core i7 nên không có chuyện đơn nhân yếu hơn được. Tuy nhiên đa nhân của chiếc máy vẫn không làm mình ấn tượng lắm, khi không hơn quá nhiều so với Ryzen 5 4500U.

Ngoài ra, vẫn còn một thông số phần cứng khác mà mình phải quan tâm, đó chính là iGPU Iris Xe. iGPU này cho điểm số 982 ở bài test Time Spy (1108 tổng thể).

Fire Strike cho ra điểm số cao, với 2643 điểm, số điểm này giảm hơn phân nửa với bài test Fire Strike Extreme, là 1165 điểm.

Trên hai bài test chuyên biệt cho iGPU là Night Raid và Sky Driver, iGPU Xe cho điểm số lần lượt là 10688 và 10737 điểm. Dĩ nhiên những điểm số này sẽ còn cao hơn nếu như chiếc máy được trang bị RAM kênh đôi, và được dán tem Iris Xe Graphics như Intel quy định.

Mình cũng thực hiện test game một chút trên chiếc máy này, và cho ra kết quả ở mức vừa phải.

Ở tựa game Total War: Shogun 2, mức thiết đặt mà máy đặt ra sẵn cho chiếc máy là Low, với độ phân giải Full HD, tuy nhiên mình đã tinh chỉnh một chút, và mức FPS cũng không tệ, với 79 FPS khi chưa vào trận, còn vào trận thỉnh thoảng sẽ drop xuống 65.

Trong khi the Witcher 3, thiết đặt ở mức all low mới có thể chơi mượt được ở 30 FPS. Hiệu năng gaming có lẽ kém hơn so với Radeon Mobile nhiều, khi card đồ hoạ tích hợp này có thể chạy ở thiết đặt Trung bình.

Dĩ nhiên đây không phải là một chiếc laptop gaming, nên việc gaming ở mức thiết đặt thấp là dễ hiểu.

Tiếp theo, là bài test render Adobe trên chiếc máy MSI này. Mình có sử dụng 1 Video 5 phút để render ở độ phân giải Full HD và cho ra kết quả khá thú vị.

Khi bật Intel QuickSync, video xuất ra trong vòng 5 phút 48 giây.

Tuy nhiên, khi chỉ render bằng CPU, không dùng QuickSync, video được xuất ra sau 6 phút 23 giây. Dĩ nhiên vì là video ngắn nên thời gian chênh nhau không nhiều, nhưng nếu là các footage dài, dễ có khả năng thời gian còn lâu hơn nữa.

Ổ cứng

Là dòng laptop ra mắt vào thời điểm khi SSD NVMe không còn là cái gì quá xa xỉ, MSI Modern 14 B11M dễ dàng được trang bị SSD NVMe 512GB. Đây là chiếc SSD tới từ Kingston, một thương hiệu không quá xa lạ với người dùng Việt Nam về các sản phẩm RAM và USB. Tuy nhiên, do chỉ là SSD giá rẻ, nên tốc độ không thực sự ấn tượng. Tốc độ đọc chỉ vào khoảng 1787MB/s, trong khi ghi là 975MB/s. Đây không phải là những con số tốt, nhưng để mà nói về công việc văn phòng thì đủ dùng.

Hệ thống âm thanh

MSI Modern 14 B11M được trang bị 2 loa ở hai bên. Nhà sản xuất không nói rõ 2 loa này có công suất bao nhiêu, nhưng có vẻ như là 2W. Do thiết kế 2 bên, nên tạo ra sự cân bằng khi sử dụng. Như những dòng laptop MSI khác, chiếc máy cũng được trang bị hệ thống âm thanh Nahimic, với bộ chỉnh âm trực quan. Mình vốn không đánh giá cao hệ thống loa ngoài của laptop mấy, nhưng chiếc máy này lại làm mình có cảm giác khác. Máy cho chất âm tốt, rõ rệt, dải nào ra dải đó. Dĩ nhiên, Bass lại không thực sự là thế mạnh, nhưng độ đập cũng rất ổn. Mình hay nghe nhạc Nhật, đặc biệt là từ những nghệ sĩ như LiSA hay Aimer, chính vì thế nên cặp loa này lại vô cùng phát huy hiệu quả.

Thời lượng pin

Máy được trang bị viên pin dung lượng 52Wh, theo như nhà sản xuất thì thời lượng pin của chiếc máy này rất tốt. Tuy nhiên, khi mình sử dụng thực tế, máy chỉ có thể trụ được 6 tiếng, với mức sáng 50% và pin ở chế độ tối ưu thời lượng sử dụng. Trong quá trình thực nghiệm, mình đa số là làm việc với bộ Office, bật 1 tab Edge nghe nhạc. Có vẻ như việc trang bị CPU Core i7 vào cũng làm ảnh hưởng đến thời lượng pin của chiếc máy này. Dĩ nhiên, nếu làm tác vụ nặng thì chiếc máy chỉ có thể trụ được 1 tiếng hơn.

Kết lại

MSI Modern 14 B11M-073VN là một chiếc máy tốt, cả về mức giá cũng như chất liệu. Tất nhiên, máy vẫn còn tồn đọng những điểm trừ về màn hình hay khả năng nâng cấp RAM, nhưng đổi lại, với CPU thế hệ 11 Tiger Lake và card đồ hoạ Intel Iris Xe, đây là một chiếc máy tính đa dụng cho cả công việc văn phòng, giải trí nhẹ hay chỉnh sửa video ở mức cơ bản.

 

MSI Modern 14 B11 đang được bán tại cửa hàng máy tính ThinkPro. Chi tiết tại: https://thinkpro.vn/laptop/msi-modern-14-b11