logo

Đánh giá chi tiết Surface Pro 7: Thân hình nhỏ, sức mạnh lớn

Nguyễn Công Minh 00:00, 27/01/2021

Về Surface Pro, người viết từ trước đến giờ luôn đặt ra một câu hỏi: “Tại sao nên chon Surface thay vì ultrabook Windows cùng tầm?” Máy quá nhỏ, cấu hình thì thường có những giới hạn nhất định,... liệu có đáng để đánh đổi cho một trải nghiệm độc, lạ? Nhưng khi thực sự trên tay một chiếc Surface Pro, ở đây là Pro 7, “sức mạnh lớn trong thân hình nhỏ” của máy đã khiến người viết phải thay đổi khá nhiều những định kiến trước kia. 

Thiết kế: Độc lạ và cơ động

Với Surface, có lẽ chúng ta không cần quảng cáo quá nhiều về độ “độc” của nó trong thiết kế. Ra quán café, chỉ cần đặt máy xuống, dựng chân kickstand và gắn thêm bàn phím, vậy là chúng ta đã có một thiết bị không-hẳn-là-laptop rất thu hút ánh nhìn.

Về tổng thể, Microsoft không đem lại quá nhiều thay đổi cho Surface Pro 7. Với dạng sử dụng cơ bản; chúng ta vẫn sẽ có một chiếc tablet là vuông vắn, với chất liệu vỏ ngoài được làm từ hợp kim Nhôm – Magie chắc chắn. Dù có độ mỏng tổng thể chỉ 7.9mm (tính thêm bàn phím TypeCover sẽ là 8.5mm) nhưng riêng phần vỏ máy đã khá chắc chắn, giúp người viết yên tâm mang máy theo mình.

Về độ chắc chắn, kickstand ở mặt sau máy cũng là một yếu tố đáng nói. Nó đủ cứng cáp để dựng thẳng máy lên, nhưng sẽ hơi cứng để giúp người dùng điều chỉnh độ nghiêng của máy. Chỉ có một điểm duy nhất khiến người viết chưa được hài lòng đó là ở khu vực tiếp xúc với mặt bàn, kickstand sẽ không có cao su chống đỡ.

Ngoài ra, máy cũng có trọng lượng rất nhẹ (800g), kể cả gắn bàn phím TypeCover thì trọng lượng cũng chỉ nhích lên một chút. Vì vậy, nếu là một người dùng hay phải di chuyển, đây sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Bản thân là người thường xuyên xoay tua làm việc tại nhà – văn phòng – quán café trong cùng một ngày, người viết thấy rằng Surface Pro 7 thoải mái hơn nhiều so với những chiếc ultrabook đang dùng.

Màn hình: Vẫn là câu chuyện viền

Nếu như về thiết kế, Surface Pro 7 vẫn để lại khá nhiều ấn tượng tốt như thường lệ thì với màn hình, đó lại là một câu chuyện… khá nhiều cảm xúc. Về chất lượng hình ảnh, màn hình 3K của máy vẫn làm rất tốt: 90% sRGB, 60% AdobeRGB, 72% DCI-P3 cùng độ sai lệch màu là 1.12. Độ sáng của màn hình cũng đạt mức cao (472 nits), hoàn toàn đủ để người dùng có thể sử dụng trong nhiều không gian khác nhau. 

Tuy vậy, viền màn hình của máy vẫn khá dày, cộng thêm kích thước nhỏ 12.9-inch nên trải nghiệm thị giác chung của người viết cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Với việc rất nhiều các sản phẩm ultrabook trong năm nay đã có viền màn hình mỏng, Microsoft nên chăm chút hơn vào mảng này để khiến sản phẩm trở nên thu hút hơn. 

Khả năng bảo mật: Đúng chuẩn Windows

Chiếc máy được trang bị mở khóa nhận diện khuôn mặt Windows Hello siêu nhạy. Bên cạnh đó, máy được nhúng bên trong con chip dTPM 2.0, giúp bảo mật toàn diện với yêu cầu mật khẩu khi vào Windows hay truy cập vào thiết đặt UEFI. Ngoài ra, nếu như người dùng mua phiên bản Business, máy sẽ được cài sẵn Windows 10 Pro với những tính năng bảo mật mạnh mẽ hơn.

Bàn phím và touchpad: Hợp lý nhưng hơi chật chội

Một khi đã nói đến Surface, sẽ khá là thiếu sót khi không đề cập tới phụ kiện quan trọng nhất của máy: Bàn phím TypeCover. Cũng như trên những sản phẩm  Surface Laptop, bàn phím này sẽ được phủ ngoài bởi một lớp vải Alcantara. Vừa cho cảm giác đặt tay là rất êm ái, vừa có nhiều màu sắc để tăng độ thẩm mỹ. Khi không dùng, người dùng hoàn toàn có thể đóng lại để thành một lớp ốp bảo vệ mặt trước cho máy.

Về trải nghiệm sử dụng, dù là phím phẳng nhưng cảm giác tiếp xúc với từng phím vẫn khá tốt. Layout rộng vừa đủ, hành trình gõ ổn,... Người viết không có quá nhiều điểm cần phàn nàn về phần phím này. Tuy nhiên, phần chiếu nghỉ lại chưa được rộng rãi, khiến cảm giác đặt tay sẽ hơi… hẫng.  

Còn về touchpad, do kích thước TypeCover nhỏ nên độ rộng cũng bị hạn chế. Vậy nên dù được phủ kính rất tốt, tracking ổn, phím bấm hai chuột trái / phải đều nảy, người viết cũng khó thấy thoải mái do thiếu không gian thao tác.

Hiệu năng: Thân hình nhỏ, sức mạnh lớn. 

Với phiên bản người viết trải nghiệm, chúng ta sẽ có cấu hình gồm CPU i5-1035G4 4 nhân 8 luồng, 8GB RAM DDR4, 128GB SSD cùng card đồ họa tích hợp Intel Iris Plus G4. Khá là đáng khen khi Microsoft đã chọn Ice Lake thay vì Comet Lake, qua đó giúp người dùng tận hưởng tiến trình 10nm mới hơn và card đồ họa Iris mạnh mẽ hơn.

Dù không có quạt tản nhiệt nhưng dường như, CPU i5 cũng không tỏ ra bị giới hạn về điện khi có thể ăn tối đa 40W. Nhờ vậy, người viết có thể thoải mái làm từ tác vụ văn phòng cho đến sử dụng Lightroom, Premiere Pro cơ bản, khá là ấn tượng. Tuy vậy, máy sẽ gặp phải hiện tượng throttle mạnh khi chạy nặng trong thời gian dài.

Còn về card đồ họa Intel Iris Plus G4, hiệu năng của nó sẽ nhỉnh hơn đáng kể so với các tùy chọn Intel UHD Graphics quen thuộc như 620 hay 630. Người dùng hoàn toàn có thể tận dụng súc mạnh này để chỉnh sửa video nhẹ nhàng và giải trí đa phương tiện. Lúc này, hai loa của máy ở cạnh bên cũng cho chất lượng âm thanh tốt. Nếu người dùng mong muốn hiệu năng tốt hơn, Intel Iris G7 trên CPU i7-1065G7 sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc hơn. 

Về bộ nhớ trong, với 128GB, sẽ phù hợp hơn nếu người dùng sử dụng Surface Pro 7 cho các tác vụ đơn giản như lưu trữ file Word, Excel hay chỉnh sửa ảnh với số lượng ít. Còn nếu để sử dụng đa phương tiện hay cài game, đây sẽ không phải một lựa chọn lý tưởng.

Cổng kết nối: Tối ưu hơn, nhưng vẫn để lại tiếc nuối

Với hệ thống cổng kết nối, Surface Pro 7 sẽ không thay đổi nhiều so với Surface Pro 6. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở việc Microsoft đã bỏ cổng mini-Display Port để thay bằng USB-C, tích hợp luôn Power Delivery và Display Port để sản phẩm của chúng ta được đa dụng hơn. Ngoài ra, máy vẫn sẽ có 1 USB-A 3.1 Gen 1, 1 khe thẻ microSD, 1 jack 3.5mm, 1 cổng Surface Connect để sạc và kết nối các cổng mở rộng của riêng dòng máy và cuối cùng là chân đế nam châm để lắp Type Cover. Người viết chỉ hơi tiếc về việc Microsoft chưa đưa Thunderbolt 3 lên Surface. 

Thời lượng pin: Nay đã lâu hơn nhiều

Với viên pin 45Wh, người viết thu được thời lượng sử dụng dài hơn đáng kể so với Surface Pro 6. Với các tác vụ thông thường, Surface Pro 7 có thể trụ được tầm 9 tiếng, lâu hơn 1.5 tiếng so với dòng máy tiền nhiệm. Có thể nói là rất đủ cho một ngày dài.

Kết luận: 

Thành thật mà nói, Surface Pro 7 đã khiến người viết phải bất ngờ với những gì nó có thể làm. Dù mang một thân hình không thay đổi nhiều so với Surface Pro 6 nhưng từ sức mạnh phần cứng, trải nghiệm màu màn hình và thời lượng pin,... Tất cả đã biến đây thành một sản phẩm mà người viết, thân là một người đề cao tính di động và hiệu quả công việc, chỉ muốn gắn bó càng lâu càng tốt.