Đánh giá khả năng gaming trên Dell Gaming G7 2020: Không cần cái tên Alienware để bung hết hiệu năng
Cho tới nay, laptop gaming với thiết kế mỏng cùng trọng lượng không quá lớn đã không còn quá xa lạ nữa. Nếu phải nhắc tới vài cái tên tiêu biểu thì có lẽ là MSI GF63. Cao cấp hơn thì có thể kể tới Lenovo Legion Slim 7 hay Dell Alienware m15 Series. Nhưng có lẽ ít ai để ý tới một chiếc laptop có thân hình siêu mỏng khác cũng tới từ Dell, đó chính là Dell Gaming G7 phiên bản 2020.
Thiết kế, tản nhiệt
Để mà nói về thiết kế, chiếc máy này có một thứ cải tiến vô cùng đáng khen. Còn nhớ chiếc G7 2019 sử dụng y nguyên kiểu thiết kế với chiếc G5, dĩ nhiên đó là kiểu thiết kế đẹp, nhưng sẽ là không tối ưu nếu như bỏ thêm chi phí chỉ để đổi lấy bộ vỏ nhôm cao cấp mà không có sự khác biệt nào đáng kể cả. Nhưng chiếc laptop Dell này lại khác, máy được làm mỏng đi chỉ có 1.8 cm, trong khi chiếc G7 năm có độ dày ngót nghét 2 cm.
Nói về nét tương đồng thì Dell Gaming G7 7500 lại có phần giống với những chiếc Inspiron 7577 hay G7 7588 hơn là G7 7590. Có lẽ khi những thay đổi khác biệt không thực sự ấn tượng, người ta dần quay lại với những thứ mang tính truyền thống hơn. Điều này đã từng đúng trên ThinkPad khi hãng đã thay đổi lại thiết kế bo cong từ hồi ThinkPad E440 sang vuông vức quen thuộc từ thời E480 trở về sau. Dell cũng đã áp dụng triết lý này cho sản phẩm Dell G7 của mình, trông chiếc máy vừa có phần hầm hố, lại đơn giản đến tinh tế. Tuy nhiên, việc Dell tiếp tục sử dụng nhôm nguyên khối trên chiếc G7 2020 này vô tình khiến máy có phần hơi nặng hơn so với những chiếc gaming laptop khác, nhất là nếu so với Alienware m15 R3.
Hệ thống tản nhiệt là sự thay đổi vô cùng lớn, thậm chí hơn hẳn nếu so với G7 7590. Ống đồng ở tuyến giữa đã được làm dày bản, chắc nịch hơn, các bề mặt tản CPU và card đồ hoạ cũng làm dày hơn, bao quanh toàn bộ các VRM, tụ điên và VRAM, tăng tối đa khả năng tản nhiệt. Phải nói là chiếc máy này có tản nhiệt tốt không kém cạnh gì Dell Alienware cả. Tuy vậy, hai quạt tản nhiệt trông có vẻ hơi bé, không nạc thịt lắm. Nhưng đừng xem thường chúng, vì khả năng thổi của hai quạt này đều rất tốt, nhưng đổi lại tiếng quạt có phần khá ổn ào.
Khả năng nâng cấp
Chiếc máy có khả năng nâng cấp ở mức khá. Tại sao lại như vậy, sao lại không phải ở mức tốt? Máy có hai khe ram đều cho khả năng tháo rời, nâng cấp tối đa 64GB, thêm vào đó, card Wi-Fi cũng có thể thay thế và nâng cấp được, dĩ nhiên cũng không quá cần thiết khi máy đã được trang bị Wi-Fi 6 AX201 rồi. Chiếc máy này cũng có thể nâng cấp SSD lên tối đa 2TB. Như vậy là quá tiện rồi còn gì? Nhưng không hẳn. So với những chiếc gaming laptop ở thời điểm này, việc Dell chỉ trang bị 1 khe SSD, hơn nữa lại chỉ hỗ trợ NVMe là hơi eo hẹp so với thời điểm hiện tại, khi mà các tựa game đều có xu hướng thế giới mở, ngốn khá nhiều dung lượng của người dùng. Thử nghĩ xem, nếu như không có thêm khe ổ cứng trống thì sẽ khá ít dung lượng, chưa kể SSD 2TB NVMe giờ cũng không quá nhiều, và cũng không mấy rẻ.
Cổng kết nối
Số lượng trên cổng kết nối của chiếc máy này thì nhiều khỏi nói rồi. Cạnh trái máy chỉ có 1 cổng USB-A và 1 cổng jack tai nghe 3.5mm.
Cạnh phải máy cũng là 1 cổng USB-A 3.2 Gen 1, thêm vào đó là 1 khe thẻ nhớ SD truyền thống. Khe thẻ nhớ SD truyền thống có vẻ là thứ tốt hơn là khe microSD phù phiếm mà các hãng hiện tại đang sử dụng.
Phần gáy máy là nơi tập trung nhiêu cổng kết nối nhất, với một USB-C hỗ trợ Thunderbolt 3, một cổng USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng HDMI 2.0 và 1 cổng mini DisplayPort 1.4. Dell còn trang bị thêm cho chiếc máy cổng mạng RJ-45, phục vụ cho nhu cầu gaming ổn định.
Màn hình
Một thiết kế đẹp, một cấu hình mạnh và đèn LED RGB cây quất, nhưng như vậy là chưa đủ để chiếc máy này thực sự chuẩn chỉ. Chính vì vậy Dell đã trang bị thêm cho chiếc máy màn hình 144Hz siêu đẹp.
Tấm màn hình này có độ phân giải Full HD, sử dụng công nghệ IPS. Độ phủ màu của màn hình này cũng rất ấn tượng với 99%sRGB và 74% AdobeRGB. Độ sai lệch màu của màn hình này cũng ở mức khá với con số 1.26. Dĩ nhiên đây chỉ là một chiếc laptop gaming, nhưng sở hữu thông số màn hình cao như vậy cũng đủ thấy Dell chăm chút sản phẩm của mình tốt như thế nào rồi.
Khả năng làm việc
Mình có chấm điểm PCMark 10, nhằm đo đạc khả năng làm việc của chiếc Dell G7 này. Con số mà chiếc máy đạt được không quá cao, chỉ 5305 điểm, điểm số cao nhất nằm ở việc Edit ảnh (10553 điểm), còn thấp nhất là Edit video (3139). Dĩ nhiên một chiếc laptop khi đã động vào việc chỉnh sửa Video đều có những điểm số không quá cao, do yêu cầu tiêu thụ phần cứng khá lớn, dễ gây ra việc throttle trong quá trình sử dụng liên tục, chứ không riêng gì một chiếc gaming, dù tản nhiệt có khoẻ đến đâu.
Hiệu năng gaming mà chiếc máy đem lại
Mua một chiếc máy gaming về mà không dùng để gaming thì có vẻ như quá phí nhỉ. Vậy nên mình có tiến hành test vài tựa game.
Chiếc Dell Gaming G7 được đánh giá ở đây có mã hiệu G7500A, có cấu hình tương đối mạnh với CPU Intel Core i7 10750H, RAM 16GB bus 2933, SSD 512GB NMVe và card đồ hoạ Nvidia GeForce RTX2060 6GB. Với cấu hình này, Dell Gaming G7 tự tin chiến được đủ thể loại game AAA hiện nay.
Trước hết là tựa game FPS Valorant. Dell Gaming G7 7500 dễ dàng đạt mức FPS cao ở thiết đặt cấu hình cao nhất. Nhiệt độ CPU rơi vào khoảng 80-83 độ C, trong khi GPU là 68 độ C. Việc chơi một tựa game FPS E-Sport trên màn hình tần số quét cao (144Hz) cũng khiến trải nghiệm trở nên trung thực hơn bao giờ hết.
Tiếp đến là Nier: Automata. Dù ra mắt đã lâu nhưng tựa game này vẫn có tiêu chuẩn yêu cầu phần cứng khá cao, cũng như để lại ấn tượng nhờ tạo hình nhân vật. Mình có sử dụng FAR mod, nhằm cải thiện lại chất lượng hình ảnh cũng như FPS của game. Với một game mà cảnh vật xung quanh, các chướng ngại vật dược khắc hoạ chân thực, sắc nét như vậy, Dell G7 7500 cho ra nhiệt độ CPU ở mức 90 độ C và GPU là 72 độ C trong mức thiết đặt đồ hoạ cao nhất. 75 FPS là con số trung bình của tựa game này.
Cuối cùng là một game mới được ra mắt cách đây không lâu, Cyberpunk 2077. Bỏ qua các bug game tồn đọng, chiếc Dell Gaming này vẫn đủ khả năng để chơi được tựa game AAA mới mẻ này. Mức thiết lập đồ hoạ, tuy nhiên lại không phải là cao nhất. Mức thiết đặt đồ hoạ Medium-High dành cho card đồ hoạ RTX khiến máy không đạt được mức FPS quá cao, khoảng 50 đến 55 FPS, nhiệt độ CPU khoảng 83 độ C còn GPU là 68 độ C, vẫn khá mát mẻ với một chiếc máy được trang bị phần cứng cao như vậy.
Nếu như so sánh trực quan với những chiếc máy có cấu hình tương đương, có vẻ như FPS cũng như nhiệt độ cũng không chênh nhau quá nhiều.
Dĩ nhiên dù có thể chơi được hầu hết mọi thể loại game AAA ở thời điểm hiện tại, Dell Gaming G7 vẫn có chút kém hơn so với Alienware m15 R3. Bạn sẽ không thể gặp những tuỳ chọn card đồ hoạ như RTX 2070 Super hay RTX 2080 Super trên chiếc G7 này, thay vào đó, tuỳ chọn card đồ hoạ mạnh nhất của G7 chỉ là RTX 2070. Dẫu sao Alienware vẫn là phân khúc cao hơn nên Dell không thể nào để chiếc máy thấp hơn chồng phân khúc lên được. Một nước đi quá đỗi thông minh.
Tất nhiên với cấu hình tương đương, laptop Dell Alienware vẫn nhỉnh hơn chút về hiệu năng do hệ thống tản nhiệt tốt hơn, nhưng về khả năng nâng cấp, Dell Gaming G7 7500 lại đang có ưu thế hơn.
Kết lại
Laptop gaming gần như đang đạt đến đỉnh cao về cả thiết kế lẫn hiệu năng. Chính vì lẽ đó mà không thiếu những chiếc laptop có thiết kế mỏng giống chiếc G7 đây xuất hiện. Mặc dù vậy tất cả các hãng sản xuất vẫn luôn biết cách tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng, cả về hiệu năng chơi game lẫn hiệu năng làm việc, tiêu biểu chính là Dell và chiếc Gaming G7 đây.
Ngoài ra, ThinkPro cũng đang kinh doanh một số mẫu laptop Dell khác như Dell Inspiron 5630, Dell Latitude 9420, Dell XPS 9320, Dell Precision 5560…Hãy ghé qua ngay hôm nay để nhận được nhiều ưu đãi nhé!




