logo

Đánh giá Lenovo ThinkPad T495s: Hoàn thiện hơn nhờ "đội Đỏ"

Nguyễn Công Minh 00:00, 27/01/2021

Dường như qua thời gian, Lenovo đang dần hoàn thiện tốt hơn những sản phẩm chạy AMD của hãng, bao gồm cả chiếc ThinkPad T495s này. Nếu như T490s chạy Intel là một tùy chọn tốt để làm văn phòng, “ăn chắc mặc bền” thì với T495s “đội Đỏ”, dường như Lenovo đang muốn nhiều hơn thế: Một sản phẩm “phiêu lưu” và đa dụng hơn.

Cấu hình: Mạnh mẽ hơn nhờ "sắc Đỏ" AMD

Phiên bản trên tay người viết đang được trang bị CPU AMD Ryzen 7 PRO 3700U 4 nhân 8 luồng, 8GB RAM, card đồ họa tích hợp AMD Radeon Vega 10, 8GB RA DDR4 cùng SSD NVMe 256GB. Về lý thuyết, đây là một phần cứng mà người dùng có thể “đòi hỏi” nhiều hơn một chút so với tùy chọn Intel, nhưng liệu nó sẽ thể hiện ra sao trên thực tế? 

Với các tác vụ văn phòng như lướt web hay sử dụng các công cụ văn phòng, T495s vẫn cho trải nghiệm khá mượt mà. Điện năng của CPU Ryzen 7 dù sẽ tiêu thụ ít hơn bình thường (12W so với 15W tiêu chuẩn) nhưng hiệu năng ở các tác vụ cơ bản vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Chưa kể, điều này cũng giúp máy kéo dài thời lượng sử dụng của viên pin 57Wh, đúng với những gì người dùng luôn muốn ở một sản phẩm laptop doanh nhân.  

Còn với AMD Radeon Vega 10, hiệu năng cho ra của nó là vượt trội so với UHD Graphics của CPU Intel. Người dùng có thể chơi khá tốt các tựa game esports như Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online 4,... với mức FPS 60 trở lên ở thiết lập Trung bình, FullHD. Thậm chí, với thiết lập đồ họa hợp lý, máy còn có thể chơi được các tựa game như Tomb Raider 2013, Apex Legends hay The Elder Scrolls V: Skyrim với mức FPS quanh 40. Tuy vậy, người dùng không nên làm các tác vụ nặng quá lâu do nhiệt năng truyền qua bàn phím sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến trải nghiệm. Điểm trừ lớn nhất ờ phần cứng này có lẽ sẽ là hệ thống RAM bị hàn chết và giới hạn ở 2400MHz, hơi bất lợi với con chip phụ thuộc vào tốc độ RAM như AMD.

Thiết kế: Chất lượng cao, vì đó là ThinkPad

Quay trở lại thiết kế; Lenovo vẫn luôn là chính mình, với thiết kế dù chưa nhiều đột phá những luôn có chất lượng cao. So với T480s tiền nhiệm, T495s có phần mỏng hơn (225.8mm so với 228mm) và nhẹ hơn (1.28kg so với 1.39kg). Tuy vậy, máy vẫn sẽ rất chắc chắn nhờ Polymer Carbon Fiber ở phần nắp và hợp kim Magie ở chiếu nghỉ. Khi mang máy bên mình, lớp Carbon Fiber mềm mại và mát còn khiến da tay người viết cảm thấy khá thoải mái.

Bản lề của T490s dù là dạng hai bên nhưng rất chắc chắn, gập mở khá dễ dàng và vẫn có độ đầm nhất định. Đây sẽ là điểm tựa cho màn hình chống lóa 14-inch, có độ phân giải FullHD cùng tấm nền IPS.

Màn hình: Vừa đủ dùng

Mặc dù sở hữu bộ thông số màu sắc không quá ấn tượng (64% sRGB, 48% AdobeRGB và 48% DCI-P3), đây vẫn sẽ là một màn hình đủ dùng với nhiều tác vụ ở cấp độ cơ bản. Ngoài ra, T495s còn có thêm hai tùy chọn màn hình tiết kiệm điện và chống nhìn trộm. Cả hai đều có độ sáng cao là 400 nits cùng sRGB và AdobeRGB đều đạt 100%.  

 

Bàn phím và Touchpad: Vẫn luôn "chuẩn chỉ"

Với T490s, bàn phím và touchpad của máy vẫn được hoàn thiện đúng “chuẩn”. Đặc biệt là bàn phím máy được thừa hưởng hoàn toàn từ ThinkPad X1 Carbon cao cấp. Với kích thước phím vừa phải, hành trình gõ ổn cùng bề mặt phím cong nhẹ,... Tất cả yếu tố trên đã giúp người viết có một trải nghiệm gõ là khá lý tưởng. Điểm trừ hiếm hoi sẽ nằm ở việc vị trí một số phím như PrtSrc, Ctrl hay Fn bị thay đổi; phần nào gây khó khăn cho người dùng mới.

Khu vực touchpad có kích thước đủ dùng, lớp phủ hơi nhám cho cảm giác di khá, nhưng bù lại khả năng tracking là tốt nhờ driver Windows Precision. Điểm nhấn ở khu vực này vẫn sẽ là các phím bấm cứng cả ở chuột trái, phải và giữa; cho cảm giác sử dụng là yên tâm tuyệt đối. Bên cạnh sẽ có cảm biến vân tay, phản hồi nhanh nhưng diện tích tiếp xúc hơi nhỏ.

Cổng kết nối: Đầy đủ cho mọi nhu cầu

Về cổng kết nối; T495s được trang bị khá đầy đủ cho nhiều nhu cầu sử dụng: 2 cổng USB-A 3.1 (một cổng luôn có điện phục vụ sạc điện thoại, máy tính bảng,...), 2 cổng USB-C, 1 HDMI 2.0, khóa Kensington và jack 3.5 combo. Ngoài ra, ở khu vực gần bản lề chúng ta còn có 1 khe SIM kiêm MicroSD giấu khá kín, sẽ cần que chọc để lấy ra sử dụng khi cần. 

Và đó là những trải nghiệm của người viết sau một thời gian ngắn trên tay ThinkPad T495s. Dù vẫn còn một số những hạn chế khá đáng tiếc về bus RAM; đây vẫn sẽ là một lựa chọn đáng để cân nhắc nếu người dùng vừa cần một hiệu năng mạnh mẽ ổn định, vừa cần một thiết kế bền bỉ và được khẳng định về chất lượng.