logo

Đánh giá MacBook Pro 16: Lắng nghe, thay đổi và thành công

Nguyễn Công Minh 17:32, 26/07/2024

Với Apple, MacBook Pro 16 2019 là một sản phẩm đặc biệt. Nó không chỉ ghi nhận lần đầu hãng cho ra hai chiếc MacBook Pro trong cùng một năm, mà còn đóng vai trò là phương án “vá lỗi” nhanh chóng và triệt để cho một năm đầy biến động của MacBook Pro 15. “Chiếc MacBook của sự lắng nghe” - đó là cách mà tôi đã gọi MacBook Pro 16 sau một thời gian trên tay và trải nghiệm, và chính sự thấu hiểu cũng như chăm chút đúng lúc đã giúp Apple có được một trong những chiếc MacBook chất lượng nhất từ trước đến nay. 

Thiết kế: Dày hơn để mát hơn

Về ngoại hình, thay đổi lớn nhất của MacBook Pro 16 nằm ở độ dày và trọng lượng của máy, vốn đã lớn hơn một chút so với những chiếc Pro 15 trước đó (0.64-inch so với 0.61-inch; 2.0kg so với 1.8kg). Mục đích chính của việc này là để Apple có thể sửa đổi hệ thống tản nhiệt, giúp phần cứng có thể hoạt động ổn định hơn. 

Còn lại, nhìn chung thiết kế của Pro 16 vẫn sẽ khá giống những chiếc MacBook khác. Khả năng hoàn thiện vẫn rất cao cấp, với lớp vỏ nhôm nguyên khối cứng cáp và bề mặt không hề bám mồ hôi. 

Bản lề máy cũng là một điểm người viết cảm thấy rất hài lòng. Mở được bằng một tay, độ đầm vừa phải, giữ rất chắc màn hình trong gần như mọi trường hợp (gõ phím mạnh, mang máy qua lại trên tay),... Gần như không có gì phải phàn nàn quá nhiều về bộ phận này.

Màn hình: Thay đổi nhỏ làm nên trải nghiệm lớn

Về màn hình 16-inch, cuối cùng Apple cũng đã có cách để người dùng không còn quá ghen tị với Infinity Edge của Dell XPS. Về lý thuyết nó không rộng hơn màn hình 15-inch là bao nhưng trải nghiệm cho ra lại là cả một sự khác biệt. Để có được điều này, viền trên và trái phải của màn hình đã được làm mỏng đi; qua đó tạo ra cảm giác khoáng đạt hơn, không thua gì những chiếc MacBook Pro 17 năm nào. Bạn chuyển qua MacBook và nhớ trải nghiệm 17-inch trên laptop Windows? MacBook Pro 16 sẽ là sản phẩm rất thích hợp đấy. 

Còn về chất lượng, màn hình của MacBook Pro 16 có thể được xem là tốt hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Với độ phân giải 3072 x 1920, cùng độ phủ màu (100% sRGB, 88% AdobeRGB, 100% DCI-P3) và sai lệch màu DeltaE (0.56) cực kỳ ấn tượng; những người dùng cần chỉnh sửa ảnh, chỉnh sửa video, retouch ảnh, v.v…hoàn toàn có thể tin tưởng màn hình này để cho ra những sản phẩm chất lượng nhất. Cùng với đó, độ sáng lên đến 500 nits cũng sẽ là trợ thủ đắc lực để người dùng làm việc trong nhiều không gian khác nhau. 

Bàn phím và TouchBar: Sự trở lại của những giá trị cũ

Với Pro 16, phím Esc và phím nguồn đã được tách ra khỏi TouchBar. Với việc trước giờ không phải ai cũng hài lòng với TouchBar, đây có thể xem là một nước đi khá đúng đắn để đem lại trải nghiệm tiện lợi, yên tâm trở lại với người dùng. Còn xuống đến bàn phím, Apple cũng đã lắng nghe người dùng để mang cơ chế “cắt kéo” trở lại, đặt dấu chấm hết cho bàn phím cánh bướm sau hơn 3 năm. Bản thân là người đã quen dùng phím IdeaPad và ThinkPad, cảm giác gõ “có hành trình” trên MacBook Pro 16 thực sự khiến người viết hài lòng và an tâm hơn nhiều so với các thế hệ trước.

Về touchpad thì có lẽ không cần nói nhiều: Vẫn to bản, phủ kính và đem lại trải nghiệm sử dụng gần như hoàn hảo. 

Hiệu năng: Ổn định hơn, mát mẻ hơn

Về hiệu năng, sự ổn định là một ưu điểm lớn của MacBook Pro 16, ít nhất là so với người anh em Pro 15 2018. Đó là những gì mà mình thấy được khi trải nghiệm cả hai tùy chọn Core i9 và Core i7 của máy. Với phiên bản CPU Core i9, CPU i9-9980H khi chạy nặng nay đã duy trì mức xung ổn định hơn, thay vì throttle xuống dưới ngưỡng cơ bản như i9-9980HK trên đời 2018. Đây chính là thành quả của việc chăm chút nhiều hơn cho hệ thống tản nhiệt, với một loạt những sự thêm thắt cho khe gió, ống đồng hay quạt tản. Với các tác vụ hàng ngày trong phòng điều hòa, tùy chọn Core i9 khi nóng nhất cũng chỉ khoảng 55 độ, rất ấn tượng.

Với phiên bản Core i7 (i7-9750H, AMD Radeon Pro 5300M, 16GB RAM và 512GB SSD NVMe), cũng là chiếc máy đang được dùng để viết bài đánh giá này, mọi thứ lại càng ổn định hơn nữa. Người viết cũng đã thử edit và render một số project trong quá trình sử dụng, nhiệt độ máy cũng vẫn chỉ nóng nhất là khoảng 60 độ mà thôi.  

Khi làm các tác vụ nặng, MacBook cũng sẽ tận dụng cả sức mạnh của card đồ họa AMD Radeon Pro 5300M. Vừa giúp CPU được giảm tải, vừa giúp tốc độ khi render hình ảnh hoặc video được đẩy mạnh hơn. Ngoài ra, khi làm multimedia, bộ loa của máy vẫn cho chất lượng ấn tương. Vừa có âm lượng lớn (94dB), vừa cho dải âm trầm là vượt khá xa so với trung bình trên laptop.  

Nhìn chung, người viết gần như có thể yên tâm hoàn toàn khi sử dụng máy làm Photoshop, Lightroom hay Final Cut. Gần như thôi, vì 4 cổng Thunderbolt 3 ở cạnh máy vẫn buộc chúng ta cần một chiếc HUB chuyển đổi để dùng USB-A, thẻ nhớ, v.v… 

Thời lượng pin: 100Wh cho cả ngày dài

Cuối cùng, về thời lượng pin, Apple đã có sự đầu tư đáng kể khi nâng từ 83Wh lên đến 100Wh - mức pin vừa “kịch” để có thể đem lên máy bay. Thời lượng sử dụng của máy trung bình sẽ rơi vào khoảng 9h nếu dùng với các tác vụ hàng ngày, còn khi sang Bootcamp thì sẽ còn khoảng 5h. 

Kết luận

Và đó là tất cả những đánh giá của người viết về MacBook Pro 16, nước cờ nhanh của Apple nhằm lấy lại niềm tin của người dùng sau một năm “trắc trở”. Tuy rằng với người viết, những gì sản phẩm này đem lại đáng lý ra nên xuất hiện từ thế hệ 2016 hay 2017; nhưng những động thái thay đổi của nhà Táo khách quan mà nói thì vẫn rất đáng ghi nhận. Apple nhận ra sai lầm, thay đổi nhanh chóng và làm tốt điều đó, và chúng ta đã có một trong những chiếc MacBook thành công nhất từ trước đến nay.