Đánh giá ThinkPad T480: Chiếc máy của sự tin cậy!
Một thân hình dàn dày cứng cáp, một cấu hình có khả năng duy trì sức mạnh, một viên pin rời sẵn sàng “cân” cả ngày làm việc,... Thật khó để hướng sang những từ khóa khác ngoài “an tâm” khi đọc những mô tả trên về ThinkPad T480.
Trước khi tìm hiểu về máy, người viết đã nghĩ nó sẽ rất nặng nề với những ưu điểm kể trên. Tuy vậy, khi đã được chiêm ngưỡng và trải nghiệm trực tiếp, cách mà T480 triển khai sự “an tâm” cũng đã ít nhiều khiến người viết phải gật gù ấn tượng.
Thiết kế: Như những ngày xưa cũ
Thiết kế chính là điểm khởi nguồn cho sự “an tâm” của người viết khi sử dụng ThinkPad T480. Chúng ta sẽ có một chiếc máy chắc chắn với nhựa cứng và khung Magie bao quanh, dày bản (2.0cm độ dày) và đặc biệt là... cao ráo. Điều này có được là nhờ thiết kế đặc biệt của viên pin rời, khi nó được làm khá to và dày để có thể nâng phần đuôi máy lên. Cũng chính nhờ điều này, người dùng sẽ được hưởng lợi khá nhiều trong quá trình sử dụng: Thời lượng pin cao hơn, gầm máy thoáng hơn,... và còn nhiều nữa.
Và với việc có hai phần cao su đệm rất dày, viên pin cũng sẽ giúp máy đứng cực kỳ vững chắc. Dù người viết thường xuyên gõ phím mạnh và di chuyển ức bàn tay trên chiếu nghỉ, máy vẫn không hề có dấu hiệu xê dịch trên mặt bàn. Cộng thêm phần vỏ chắc chắn và lớp nhung mềm nhẵn cao cấp ở mặt A; người viết cứ ngỡ đang được trải nghiệm những dòng ThinkPad T “xe tăng” cách đây đã lâu vậy.
Về cân nặng, 1.6kg vẫn là con số khá ổn để người dùng mang T480 đi khắp nơi. Điểm trừ khi di chuyển của máy thay vào đó sẽ nằm ở chính phần nhô ra của viên pin, sẽ gây cấn một chút khi người dùng đút máy vào ngăn laptop của balo.
Về bản lề, người dùng vẫn cảm thấy hài lòng như nhiều mẫu ThinkPad khác: Cứng cáp, chắc chắn và có khả năng gập mở 180 độ.
Màn hình: Chưa tinh tế, nhưng đủ tốt để dùng
Về màn hình thì dù đây là phiên bản cấu hình cao, người viết cũng không nhận thấy quá nhiều khác biệt trên T480 so với nhiều sản phẩm ThinkPad khác. Máy vẫn sẽ có tấm nền IPS với góc nhìn rộng, có những thông số màu sắc ở mức trung bình (62% sRGB và 40% AdobeRGB) và độ sáng khá là khiêm tốn (250 nits). Với việc có độ sáng không quá cao thì dù đã có lớp chống lóa, đây vẫn sẽ không phải màn hình lý tưởng để làm việc ở ngoài trời.
Ngoài phiên bản màn hình đủ dùng dành cho những người không có nhiều chi phí, T480 cũng sẽ có thêm cả phiên bản màn hình 2K để làm hài lòng người dùng các tác vụ đồ họa.
Là một người thích sự rộng rãi, không gian hiển thị của màn hình cũng không thể khiến người viết đánh giá cao. Viền cả bốn bên là khá dày so với tiêu chuẩn hiện tại, phần nào sẽ hạn chế tầm mắt và khiến máy thêm phần thô cứng. Tuy vậy, các phần viền bao này đều chắc chắn, không lỏng lẻo, chắc hẳn sẽ làm hài lòng người dùng muốn một cỗ máy “ăn chắc mặc bền”.
Phía viền trên, chúng ta sẽ có camera hỗ trợ Windows Hello. Tuy nhiên người viết thấy cụm camera này khá to, dẫn đến việc sắp xếp bị khó hơn và không tránh khỏi bị “thô” như trên hình.
Bàn phím và touchpad: Vẫn luôn đảm bảo
Bàn phím của T480 thì vẫn như thường lệ, hội tụ đủ những gì cần thiết để làm nên một trải nghiệm gõ tốt. Hành trính phím sâu, layout thoải mái, mặt phím cong nhẹ ôm tay cùng chiếu nghỉ sần rộng rãi,... Nhập liệu trên ThinkPad trước giờ vẫn luôn là một trải nghiệm thú vị. Chỉ giá như Lenovo giữ nguyên vị trí các nút Fn và Ctrl như layout truyền thống thì sẽ còn tuyệt vời nữa.
Touchpad của T480 khá rộng, có đủ phím cứng và sử dụng driver Windows Precision để giúp những thao tác người dùng được chính xác nhất. Tuy vậy, với việc chỉ được phủ mặt nhám, người viết vẫn sẽ nhớ bề mặt kính trên những sản phẩm cao cấp hơn.
Hiệu năng: Yên tâm chạy đường dài
Với chiếc T480 mà người viết trên tay, nó sở hữu cho mình phần cứng thuộc hàng mạnh mẽ nhất của dòng máy: CPU Intel Core i7-8650U 6 nhân 12 luồng, card đồ họa NVIDIA GeForce MX150 2GB, 32GB RAM cùng 1TB SSD NVMe. Và với những gì cấu hình này thể hiện qua các bài test, người dùng có thể an tâm khi sử dụng để làm các công việc nặng nhẹ ở mức độ trung bình.
Với CPU i7-8650U, người viết cũng có phần bất ngờ khi điện năng đa nhân của nó có thể ăn và duy trì một thời gian khá dài ở 28W - mức điện vốn được Lenovo đẩy lên so với TDP 15W cơ bản. Nhờ vậy nên khi so điểm số với một số máy khác chạy cùng CPU, T480 nhờ ăn nhiều điện thường xuyên nên sẽ có điểm số đa nhân là nhỉnh hơn. Về khả năng đơn nhân, điểm sáng lẫn này thuộc về xung nhịp với 3.9GHz tối đa. Điều này bên cạnh lượng RAM dồi dào (32GB) cũng đóng góp không nhỏ vào khả năng thực hiện các tác vụ văn phòng (Word, Excel,...) mượt mà trên máy. Về nhược điểm, CPU chạy nặng của máy đôi lúc vẫn khá nóng (khoảng 88 độ tối đa), dẫn đến phần bề mặt sẽ ấm lên nhẹ.
Về card đồ họa MX150; đây sẽ là một trợ thủ khá đắc lực dành cho những người cần render ảnh, video hay giải trí ở trên mức cơ bản nhờ sức mạnh đã được khẳng định từ lâu. Với một số tựa game mà người viết có thử nghiệm như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2, Tomb Raider hay thậm chí là The Witcher 3: Wild Hunt; máy đều cho mức khung hình chấp nhận được (70-90 FPS với LMHT và Dota 2, 35-45 FPS với Tomb Raider và The Witcher 3 ở Low Settings) cùng nhiệt độ ở mức 75-80 độ C. Điều này có được một phần cũng nhờ đây là phiên bản sở hữu hai ống đồng để tản nhiệt cho MX150, thay vì một ống đồng tới quạt như các tùy chọn máy dùng card Intel UHD tích hợp. Còn nếu người dùng có ít kinh phí và chỉ lựa chọn cấu hình cơ bản (sử dụng Intel UHD Graphics 620 thay cho MX150), ảnh hưởng card đồ họa tích hợp lên các tác vụ đồ họa sẽ thấp hơn một chút.
Tuy từ CPU, card đồ họa cho đến RAM đều làm khá tốt, SSD của T480 lại để lại một chút lăn tăn khi Lenovo chỉ để nó chạy một nửa băng thồng mà thôi.
Cổng kết nối: Vẫn rất đầy đủ
Với T480 nói riêng và các sản phẩm ThinkPad nói chung, việc có đầy đủ cổng kết nối trong tầm giá gần như là một quy tắc “bất di bất dịch”: 2 cổng USB-C, 1 cổng Thunderbolt 3, 2 cổng USB-A và 1 khe MicroSD. Nhờ vậy mà trong quá trình sử dụng, người viết chưa lần nào cảm thấy thiếu thốn cổng kết nối cho những công việc ở trong và ngoài văn phòng. Tuy vậy, cũng giống như SSD, Lenovo cũng chỉ để cổng Thunderbolt 3 hoạt động một nửa băng thông. Khá là đáng tiếc.
Thời lượng pin: Sức mạnh của viên pin rời
Với các tùy chọn cơ bản, ThinkPad T480 sẽ được trang bị 2 viên pin 24Wh, cho thời gian sử dụng tổng cộng lên tới 13 tiếng, rất ấn tượng. Ngoài ra với tùy chọn cấu hình cao trên tay người viết, T480 sẽ có 1 viên pin 24Wh và 1 viên pin rời 72Wh, cho thời gian sử dụng nhiều hơn khoảng 2-2.5 tiếng nữa, cực kỳ thoải mái.
Kết luận:
Thường thì khi thấy một sản phẩm kiểu cũ như T480, nhiều người sẽ gạt sang một bên để chào đón những chiếc ultrabook mới hơn, tốt hơn. Tuy vậy, với tất cả sự an tâm mà rất khó để ultrabook có thể tạo nên được, đây hoàn toàn có thể là một cánh tay phải đắc lực nếu bạn - cũng giống như người viết - là một người đề cao công việc và muốn duy trì nó một cách hiệu quả trong thời gian dài.




