Đánh giá ThinkPad X390: Thay đổi để tồn tại
Sau một thời gian dài duy trì thiết kế siêu nhỏ “không giống ai” của ThinkPad X, Lenovo đã quyết định bỏ lại yếu tố này phía sau để giúp dòng máy có một dáng vẻ quen thuộc, hợp thời hơn; bắt đầu từ chiếc ThinkPad X390 mà người viết đang dùng để viết bài đánh giá này. Mặc dù điều này có thể khiến ThinkPad càng ngày càng… giống nhau hơn nhưng suy cho cùng, xét riêng ThinkPad X, đây lại là điều cần làm để dòng máy có thể thu hút người dùng hơn trong tương lai.
Thiết kế: Lớn hơn một chút
Về thiết kế, X390 gần như không có gì khác biệt so với đa số những chiếc ThinkPad mà chúng ta thường thấy. Điểm đáng chú ý nhất về ngoại quan của máy có chăng sẽ là kích thước 13-inch, lần đầu xuất hiện trên dòng X. Lý do tại sao nó đáng chú ý thì người viết sẽ giải thích ở phần kế tiếp.
Tuy vậy, không phải vì “không có gì mới” mà chúng ta lại bỏ quên những ưu điểm của X390. Đó là sự chắc chắn của lớp vỏ Magie, là sự mịn màng của lớp phủ carbon fiber,... Tất cả những gì “tinh túy” nhất của ThinkPad vẫn sẽ có mặt đầy đủ trên X390. Trong quá trình sử dụng, mọi hoạt động của người viết đều có thể thực hiện khá thoải mái. Gõ phím nhanh không sợ bị lún, tì tay mạnh không sợ bị “võng” xuống, hay khi bỏ vào cặp với nhiều đồ đạc cũng không sợ máy bị móp méo.
Về cân nặng, máy cũng rất nhẹ với chỉ 1.2kg. Nhìn chung, đây là một con số có thể xem là “tiêu chuẩn” để đi với kích thước 13-inch. Máy sẽ vừa nhỏ gọn, vừa nhẹ nhàng để đồng hành cùng chúng ta đi khắp nơi.
Màn hình: Lớn hơn, hợp lý hơn và chất lượng hơn.
Về màn hình, nhận ra 12-inch đã không còn phù hợp, Lenovo quyết định “khai tử” đặc trưng này của dòng X và đem lại một con số “quen thuộc” hơn, “tiêu chuẩn” hơn là 13-inch. Và X390 chính là sản phẩm đầu tiên mang trên mình kích thước “vừa lạ vừa quen” này.
Bản thân người viết thấy đây là một sự đổi thay hợp lý vì trong thời đại đề cao không gian trải nghiệm, các sản phẩm ThinkPad X 12-inch dường như đang tỏ ra quá “chật chội”. Kích thước màn vốn đã nhỏ, viền 4 bên đều còn rất dày,... Đó là những gì mà chính người viết đã chưa được hài lòng với người “đàn anh” X280. Và với 13-inch trên X390, mọi thứ đã phần nào được dàn xếp ở mức tạm ổn. Viền vẫn chưa mỏng, nhưng ít nhất không gian cũng đã rộng ra một chút, phù hợp với xu thế hơn.
Về chất lượng màu sắc thì mặc dù chỉ có độ sáng trung bình với 300 nits, màn hình của ThinkPad vẫn là rất đáng để cân nhắc với 96% sRGB và 62% AdobeRGB.
Bàn phím và touchpad: Gõ sướng, nhưng hơi nhỏ.
Với bàn phím, chúng ta vẫn sẽ có một layout vốn đã rất quen thuộc trên các dòng máy ThinkPad. Tuy nhiên, các phím bấm trên X390 sẽ có kích thước nhỏ hơn so với đa số các mẫu máy khác, khiến cho trải nghiệm gõ ban đầu của người viết chưa được thoải mái lắm. Tuy nhiên, chỉ cần khoảng nửa tiếng làm quen, mọi thứ đã đâu vào đấy. Cảm giác gõ tổng thể vẫn ở mức tốt nhờ hành trình sâu và mặt phím ôm tay,... Nếu để chỉ ra nhược điểm của bàn phím thì có chăng sẽ là lớp phủ bóng ở bề mặt, vốn khá dễ bám mồ hôi và dấu vân tay khi sử dụng lâu dài.
Touchpad của X390 vẫn khiến người viết khá yên tâm: Build chắc chắn, hệ thống phím cứng chất lượng ổn cùng diện tích vừa đủ để có thể thao tác. Ngoài ra, với việc có cho mình cả driver Windows Precision lẫn ELAN, người dùng sẽ có thể tùy biến khá nhiều về khả năng thao tác, độ nhạy,... và khá nhiều yếu tố khác trên X390.
Bên cạnh touchpad chúng ta sẽ có cảm biến vân tay. Khá nhạy nhưng hơi tiếc là kích thước cảm biến hơi bé.
Hiệu năng: Vừa đủ dùng
Về cấu hình; X390 sở hữu cho mình CPU Intel Core i5-8365U 4 nhân 8 luồng, card đồ họa tích hợp Intel UHD 620, 16GB RAM DDR4 cùng 256GB SSD NVMe. Sức mạnh của chúng có thể không quá xuất sắc, nhưng vẫn đủ để đáp ứng các tác vụ văn phòng - những điều mà người dùng ThinkPad thường xuyên làm.
Với sức mạnh đơn nhân, đa nhân của CPU đều ở mức ổn cùng lượng RAM khá dồi dào, việc sử dụng các ứng dụng văn phòng (Word, Excel,...) hay mở nhiều tab web cùng lúc sẽ không là quá khó với X390. Nếu có nhu cầu giải trí một chút, card đồ họa Intel UHD 620 cũng sẽ là đủ để chạy các tựa game “nhẹ cân” như Liên Minh Huyền Thoại hay FIFA Online 4 với 60FPS hoặc cao hơn.
Còn khi chạy các tác vụ hơi “nặng đô” một chút như chỉnh sửa, render hình ảnh và video; đây sẽ không phải phần cứng quá mạnh mẽ. Với bài test Cinebench R15 đa nhân, mặc dù có thể ăn tới 28W điện và tăng xung nhịp lên 3.8GHz, CPU máy cũng chỉ duy trì điều đó trong khoảnh khắc rất ngắn trước khi tụt dần xuống 15W và khoảng 3.3GHz. Ngoài ra, nhiệt độ khi render cũng có thể tăng lên khá cao (khoảng 85-90 độ ở một số thời điểm) và ảnh hưởng cả lên một số khu vực trên bề mặt (ví dụ hai bên bàn phím, đặc biệt là khu vực bên phải). Vì vậy nên nếu chọn X390, người dùng cân lưu ý về độ nặng của các tác vụ để máy có thể chạy ổn định nhất.
Cổng kết nối: Đầy đủ, tiện lợi
Vẫn như những người đàn anh, X390 vẫn sẽ có hệ thống cổng kết nối đầy đủ: 2 cổng USB-C, 1 cổng Thunderbolt 3, 2 cổng USB-A, 1 cổng HDMI và 1 khe thẻ MicroSD. Ngoài thiết kế, đây cũng là một điểm khiến người viết yên tâm trong quá trình sử dụng, không chỉ với X390 mà còn với nhiều máy ThinkPad khác.
Thời lượng pin: Dừng lại ở mức ổn
Với viên pin 48Wh, X390 có thể đáp ứng những tác vụ cơ bản như lướt web, soạn thảo văn bản,... trong khoảng 7h đồng hồ sử dụng. Dù chưa thể bằng những người anh em của dòng T nhưng dù sao với một chiếc laptop, đây cũng là một thời lượng sử dụng không hề tồi.
Kết luận
Với X390, thực sự không dễ để có thể đánh giá sản phẩm này với những tiêu chí vốn có của dòng X, nhất là khi chúng đã… không còn nữa. Nhưng nếu đặt góc nhìn khác đi một chút, hợp thời hơn và nhìn vào xu thế bây giờ, chúng ta sẽ lại có thêm nhiều điều để bàn. Thực dụng hơn thay vì độc đáo nhiều lúc không phải thứ người viết muốn, nhưng xét tới thị trường hiện nay, đó lại là những gì mà người viết cần.