logo

Giá bàn phím máy tính hiện nay đã đủ ổn chưa? Bàn phím giá rẻ nay sẽ có gì đáng mua?

Nguyễn Công Minh 19:56, 03/03/2022

Nếu như cách đây nhiều năm, giá thành cho một chiếc bàn phím máy tính chất lượng có thể lên tới vài triệu Đồng thì ở thời điểm hiện tại, chỉ với vài trăm nghìn, chúng ta đã có thể đem về cho mình sản phẩm phù hợp. Mặc dù đây cũng là điều dễ hiểu với sự tiến bộ của công nghệ, nhưng nghĩ lại thì vẫn rất đáng mừng phải không nào? Vậy rốt cuộc với con số tưởng chừng ít ỏi này, chúng ta sẽ có được những gì trên một chiếc bàn phím? Và nếu có nhu cầu mua sắm, đâu sẽ là những cái tên đáng cân nhắc? Hãy cùng ThinkPro trả lời tất cả những câu hỏi kể trên về giá bàn phím máy tính trong bài viết này nhé.

Sơ lược về giá bàn phím máy tính hiện nay

Trên thực tế thì để nói về giá bàn phím, chúng ta sẽ còn cần phải xét cả tới loại sản phẩm đang đề cập đến. Thường thì bàn phím sẽ được biết tới có hai loại chính là phím cao su và phím cơ, nhưng cái thứ nhất ta sẽ tạm thời bỏ qua do chúng luôn có giá thành rẻ, trừ một số rất ít sản phẩm cao cấp sử dụng switch đắt tiền như Topre. Khi mới du nhập vào Việt Nam, bàn phím cơ thường sẽ có giá thành đắt đỏ, lên đến vài triệu Đồng cho một sản phẩm tới từ thương hiệu lớn như Razer Blackwidow 2013, Steelseries Apex 2013, v.v.

Nhưng giờ đây, khi đã có rất nhiều “tân binh” gia nhập vào thị trường - chủ yếu tới từ Trung Quốc, vài năm gần đây thì con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng… vài trăm nghìn. Cầm khoảng 500.000đ ra các cửa hàng điện tử lớn ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã có thể tìm thấy những sản phẩm của DareU, E-Dra, AJAZZ,... mới nguyên hộp với bảo hành chính hãng an tâm. Hay thậm chí nếu “mạo hiểm” thì với số tiền còn nhỏ hơn thế, chúng ta còn có thể săn được những sản phẩm phím cơ vô danh trên các sàn thương mại điện tử.

Tất nhiên, giá bàn phím máy tính càng thấp thì chất lượng càng là vấn đề cần lưu ý. Nhưng hầu hết phím cơ giá rẻ (cụ thể là dưới 1 triệu Đồng) giờ đây cũng đã có được những yếu tố cần thiết, cốt để đem lại trải nghiệm ổn - ít nhất là cho người mới.

Bạn sẽ có gì với bàn phím cơ giá rẻ?

Với bàn phím cơ giá rẻ thì tất nhiên rồi, chúng ta sẽ có mọi thứ để tạo thành trải nghiệm “cơ học” như switch, keycap, v.v. Nhưng chất lượng của chúng ra sao thì mới là thứ chúng ta xem xét ở phần này, mà theo người viết là đã được nâng cao rất nhiều qua thời gian.

Switch: Trước đây, switch cho phím cơ giá rẻ thường sẽ tới từ những bên gia công chưa thực sự nổi bật về chất lượng (ở thời điểm đó) - điển hình có thể kể đến Outtemu. Tuy nhiên giờ đây, không khó để có thể tìm trên các sản phẩm ở tầm giá dưới 1 triệu Đồng các tùy chọn switch tốt. Hoặc đó là những thương hiệu phổ thông với chất lượng đã được cải thiện qua thời gian nhw chính Outtemu, những cái tên từ tầm giá cao hơn hạ xuống như Gateron hay thậm chí là “của nhà trồng được” của chính các hãng như Akko Switch, D-Switch (DareU) hay sắp tới còn là switch tùy chỉnh tới từ thương hiệu Việt E-Dra.

Khung phím: Nếu như trước đây, phần khung của các sản phẩm giá rẻ thường chỉ có sự khác biệt về màu sắc, cùng lắm là một chút về chất liệu thì giờ đây, chúng ta còn có cả sự đa dạng về kích thước, các tính năng phụ trợ và nhiều hơn nữa. Điều này có thể thấy rõ nhất không chỉ trên các sản phẩm “nguyên chiếc” có sẵn, mà còn là ở những bộ kit phím custom đang rất phổ biến hiện nay.

Tính năng: Về tính năng, thay đổi đáng chú ý nhất mà ta có thể thấy trên bàn phím giá rẻ không gì khác chính là Bluetooth. Từ một hình thức kết nối thuộc hàng “xa xỉ”, Bluetooth giờ đây đã xuất hiện trên rất nhiều sản phẩm và giúp cho góc làm việc, giải trí của chúng ta gọn gàng hơn đáng kể.

Keycap: Về keycap thì với các sản phẩm giá rẻ, không có nhiều lựa chọn cho người dùng ngoài nhựa ABS và kiểu in laser, rất ít khi có Double-shot. Nhựa ABS thì đúng là có rẻ, phù hợp để bạn muốn tạo ra một chiếc bàn phím dễ tiếp cận người dùng, nhưng về độ bền và thẩm mỹ thì khó cao được bằng PBT - nhất là khi bàn phím giá rẻ còn thường có chi phí sản xuất và nghiên cứu không quá cao.

Nếu là người chơi phím custom thì may mắn hơn, bạn sẽ có thể thoải mái lựa chọn cả những set keycap có chất liệu và kiểu in tốt hơn như PBT Dye-subbed, PBT Double-shot, v.v. Đây sẽ là lựa chọn tốt hơn nếu bạn là người kỹ tính về trải nghiệm.

Với giá bàn phím máy tính như hiện tại, thì cơ bản đó là những yếu tố mà chúng ta sẽ có và hưởng lợi ở phân khúc phổ thông. Còn về phân khúc cao cấp thì người viết sẽ không bàn nhiều vì rõ ràng rồi, tiền nào của nấy, chất lượng của từng thành phần chắc chắn sẽ ở mức cao để chiều lòng người dùng khó tính.

Một số thương hiệu và sản phẩm đáng quan tâm ở từng phân khúc

Và nếu đã cảm thấy đủ thuyết phục với giá bàn phím máy tính ở thời điểm hiện tại, đâu sẽ là những cái tên mà chúng ta nên để ý? Từ phân khúc giá rẻ cho tới cao cấp, liệu cái tên nào sẽ cho ra chất lượng “đắt xắt ra miếng”? Dưới đây sẽ là một vài gợi ý của người viết, mời bạn đọc tham khảo.

Ở phân khúc giá rẻ thì theo người viết, những thương hiệu đã có “số má” ở đây như DareU, Fuhlen hay phần nào là cả E-Dra sẽ đáng để cân nhắc. Họ đều đã có những sản phẩm để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dùng như DareU EK807G - có Bluetooth, keycap Double-shot bền chữ mà giá vẫn hợp lý, Fuhlen M87s - bản nâng cấp của “huyền thoại” SM680R hầm hố từng làm mưa làm gió hay E-Dra EK387 - build cứng cáp, kích thước lớn, nhiều tính năng.

Với phân khúc cao giá hơn là tầm trung (khoảng dưới 2 triệu Đồng), một số thương hiệu có thể tin dùng với người viết sẽ là Akko, IKBC,... hay gaming thì có thể là Corsair, phần nào đó là Logitech. Với những sản phẩm ở mức giá này thì không chỉ chất lượng được đảm bảo, mà sự đa dạng về hình thức, hệ điều hành tương thích,.. cũng là điểm cộng lớn để bạn dễ dàng chọn được cái tên phù hợp.

Còn sang tới phân khúc cao cấp thì có thể nói, chúng ta có bạt ngàn sự lựa chọn, và giới hạn lớn nhất sẽ chỉ còn là túi tiền của bạn mà thôi. Nếu sử dụng gõ văn phòng thì với người viết, những Leopold, Filco hay Ducky sẽ là “chân ái” cho nhiều bạn. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, đã có những cái tên mới như New Journey (hay NJ), FL-Esports,... sẵn sàng vào cuộc với chất lượng đã được khẳng định gần đây.

Còn để gaming, người dùng sẽ có thể tin những Corsair, ASUS ROG, Logitech, Steelseries hay thậm chí là cả Razer - với điểm nhấn là tính năng phụ trợ, ngoại hình cũng như khả năng đồng bộ với hệ sinh thái gaming gear và đồ trang trí của bạn nếu có. Chất lượng của các sản phẩm ở phân khúc này thì thường đã được đảm bảo, chưa kể các thương hiệu kể trên đều có bảo hành dài và đáng tin cậy.

Trên đây là đôi điều mà ThinkPro muốn chia sẻ về giá bàn phím máy tính ở thời điểm hiện tại, những gì chúng ta sẽ có với bàn phím ở từng phân khúc và cả những thương hiệu / sản phẩm đáng mua nếu bạn có nhu cầu. Hi vọng rằng với những thông tin trong bài viết, bạn đọc sẽ có thể dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm chiếc bàn phím mong muốn, nhất là khi giá bàn phím máy tính đã rất tốt ở thời điểm hiện tại. Và nếu có nhu cầu trải nghiệm cũng như đặt mua ngay những sản phẩm tốt nhất với từng tầm giá, đừng ngần ngại ghé ngay qua website cũng như các chi nhánh của ThinkPro trên toàn quốc nhé.

---------------------------

ThinkPro là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.