iPhone sắp phải chuyển qua USB-C thay cho Lightning
Mới đây, Liên minh Châu Âu đã đưa ra thông báo về việc những cuộc đàm phán về các yêu cầu pháp lý dành cho hàng điện tử tiêu dùng bán tại EU đã được hoàn tất. Điều này dẫn tới tất cả đều sẽ phải dùng chung một chuẩn sạc, và không gì khác chính là USB Type-C. Điều luật mới này đã đi kèm một danh sách thiết bị điện tử cá nhân cần có cổng Type-C để được mở bán tại Liên minh Châu Âu, bao gồm toàn bộ “smartphone, tablet, máy đọc sách, tai nghe in-ear, tai nghe Bluetooth, máy ảnh kỹ thuật số, máy chơi điện tử cầm tay và loa di động” - đều là những thiết bị sẽ cần tới sạc có dây.

Điều này có nghĩa ngay cả Apple, một trong những công ty “cứng đầu” nhất trong chuyện đổi chuẩn kết nối, khả năng cao cũng sẽ phải làm theo. Táo khuyết là một trong những đơn vị quyết liệt nhất trong việc giữ lại chuẩn sạc riêng, bất chấp rất nhiều nhà sản xuất khác đã chuyển qua chuẩn “chung” là Type-C. Việc sử dụng cổng Lightning của nhà Táo được cho là để níu giữ người dùng ở lại hệ sinh thái, tạo nên đặc trưng riêng cũng như giúp công ty thu về một khoản không nhỏ nhờ việc cấp chứng chỉ MFi (Made for iPhone) tới các đơn vị sản xuất phụ kiện thứ ba.

Ngoài Apple thì những OPPO, Vivo, OnePlus hay Realme cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi quy định mới. Với những cái tên này, vấn đề sẽ lại tới từ tốc độ sạc của chúng thay vì chuẩn kết nối. Theo quy định của Liên minh Châu Âu, các thiết bị nằm trong luật mới sẽ có cần có tốc độ sạc tương đối “cân bằng” - tức là dùng củ hay cáp nào thì cũng cần vào điện như nhau, đi ngược hoàn toàn với công sức phát triển về sạc nhanh của nhiều hãng trong những năm qua.
Điều này có nghĩa là, những công nghệ sạc với tốc độ khủng khiếp như SuperVOOC của OPPO sẽ khó có cửa đến tay người dùng châu Âu. Tuy nhiên thương hiệu này vẫn có thể sử dụng tiêu chuẩn Qualcomm QuickCharge do chúng đã được chấp thuận rộng rãi.

Dự kiến, chỉ thị mới sẽ có hiệu lực sau 40 tháng kể từ lúc này (hoặc cuối năm 2024). Apple cùng một số đơn vị khác khả năng cao sẽ không hoan nghênh động thái này, với lý do nó sẽ kìm hãm sự sáng tạo của họ trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra, luật mới được cho là sẽ ngăn cản những thay đổi mang tính bước ngoặt về chuẩn kết nối trong tương lai - như khi chúng ta từng chuyền dịch từ Type-A qua Type-C.
Tuy vậy thì Liên minh Châu Âu cũng có lý lẽ của mình, khi cho rằng họ sẽ có thể ngăn chặn tới 11.000 tấn rác thải điện tử phát sinh mỗi năm, cũng như tiết kiệm cho người tiêu dùng tổng cộng 250 triệu Euro (~ 268 triệu USD) mỗi năm.
Theo Notebookcheck




