logo

Lựa chọn ultrabook siêu nhẹ năm 2020: LG Gram có đáng để cân nhắc?

Nguyễn Công Minh 17:32, 26/07/2024

Với người viết, LG Gram là một đại diện điển hình của những sản phẩm laptop “gặp thời”: Bất ngờ xuất hiện với độ mỏng nhẹ “hiếm thấy”, và rồi dần được biết đến trong thời buổi sự mỏng nhẹ được đề cao hơn bao giờ hết. Ngay ở cái tên thôi, rất nhiều người dùng đã phải gọi tên LG Gram khi muốn chọn 1 sản phẩm với độ cơ động là tối đa. Tất nhiên rồi, vì đó là “Gram” cơ mà. 

Tuy nhiên, LG Gram cũng đứng trước những thử thách nhất định trong cuộc chơi “siêu mỏng nhẹ”, khi đây không phải dòng máy duy nhất tồn tại ở phân khúc đặc biệt này. Với việc đổi thủ cạnh tranh đang nhiều dần, LG Gram liệu có còn là “ultrabook siêu nhẹ” đáng mua trong năm 2020? 

Thiết kế: Siêu nhẹ, nhưng đánh đổi về chất build

Với những sản phẩm “ultrabook siêu nhẹ”, thường thì trọng lượng sẽ là yếu tố luôn được các hãng làm nổi bật hơn cả. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với LG Gram khi ngay từ cái tên, LG đã cho người dùng thấy lý do hấp dẫn nhất để lựa chọn dòng máy này. 

Với trọng lượng chỉ 994g cho phiên bản 14-inch và 1.120g (1.1kg) cho phiên bản 15-inch; không ngoa khi nói rằng những sản phẩm Gram đang dẫn đầu thị trường về độ mỏng nhẹ. Đặc biệt là LG Gram 2020 15-inch, hiện tại vẫn đang là sản phẩm nhẹ nhất thế giới trong phân khúc kích cỡ của mình. Điều này có được phần lớn nhờ vào hợp kim Magie Nano Carbon: Vừa nhẹ hơn so với nhôm truyền thông, mà vẫn giúp máy đảm bảo về khả năng chống va đập. Nhìn chung, nếu là người di chuyển rất nhiều, LG Gram sẽ là một những chiếc máy rất đáng để đặt lên bàn cân. 

Tuy vậy, phần build vỏ của LG Gram 2020 vẫn còn hạn chế. Chú tâm vào trọng lượng mà quên mất sự chắc chắn, đó chưa bao giờ là một sự đánh đổi có lời cả. Khi tác dụng lực dù ở mức vừa, độ flex vẫn xuất hiện ở cả mặt lưng và khung phím. Đây sẽ là một điểm mà LG cần sớm cải thiện để sản phẩm thêm hấp dẫn, nhất là khi các đối thủ siêu nhẹ khác như Acer Swift 3 hay ThinkPad X1 Carbon Gen 7 đều đang làm ổn.

Còn về ngoại quan; LG Gram vẫn được làm theo phong cách tối giản để phù hợp với xu thế utrabook hiện tại. Cá nhân người viết sẽ thích tùy chọn màu bạc hơn tùy chọn màu trắng, so sánh với các sản phẩm ultrabook cùng tầm giá vẫn có thể cho thấy sự cao cấp, bóng bẩy.   

Màn hình: Vẫn chuẩn ultrabook cao cấp

Về màn hình, LG Gram hoàn toàn có thể đảm bảo về mặt chất lượng. Khi được đo bằng công cụ chuyên dụng, thông số cho ra từ tấm nền FullHD IPS đều ở mức tốt: 95% sRGB, 76% AdobeRGB, 77% DCI-P3 và độ sáng tốt 330 nits - đủ để phục vụ cho nhiều nhu cầu từ đơn giản đến phức tạp. Về thiết kế, có thể LG Gram vẫn chưa thể làm vừa lòng bạn đọc, nhưng về màn hình thì người viết tin rằng máy đang “ngang cơ” với các đối thủ cùng hoặc hơn tầm giá một chút. 

Điểm trừ có lẽ sẽ nằm ở độ tương phản chưa cao (800:1), màu sắc hiện lên sẽ chưa được quá no mắt. Ngoài ra, màn hình của LG Gram cũng còn là màn gương thay vì màn nhám, vậy nên khi làm việc gần hay quay lưng với cửa sổ thì sẽ có hiện tượng phản chiếu hơi khó chịu. 

Màn hình của LG Gram cũng có một ưu điểm đáng kể là về trọng lượng. Do máy cũng ở mức siêu nhẹ, vậy nên phần viền và khung màn hình cũng có được điều tương tự. Kết hợp với đồ đầm của bản lề nên việc nhấc lên để mở ra đóng vào là khá thoải mái. Bản lề của LG Gram giờ cũng đã là dạng giữa thay vì hai bên, độ chắc chắn cũng vì thế mà có cải thiện so với các sản phẩm tiền nhiệm.  

Về không gian trải nghiệm, LG Gram nhìn chung đã làm ổn với 4 viền tạo cảm giác mỏng, tạo trải nghiệm rộng rãi hơn nhiều ultrabook cùng tầm. Ở điểm này, mọi thứ chỉ thua kém một chút so với những đối thủ viền siêu mỏng như Acer Swift 3 hay Swift 5. 

Bàn phím và touchpad: Ổn hơn tưởng tượng

Ở khu vực này, khá bất ngờ khi LG Gram vẫn tỏ ra khá ổn dù khung phím chưa được chắc chắn. Phần bàn phím có bố cục tốt, layout đủ rộng để người quen gõ phím lớn cảm thấy thoải mái. Cảm giác nhấn từng phím cũng chắc hơn phiên bản tiền nhiệm, chỉ có điều tiếng ồn khi gõ phím sẽ hơi to một chút. Quá trình gõ nhanh diễn ra khá ổn khi người viết dùng chính LG Gram để viết bài này, tuy nhiên khi bắt đầu tăng lực gõ thì phần khung tiếp nhận lực sẽ flex nhẹ - điểm yếu mà người viết đã nhắc tới trước đó do lớp hợp kim mỏng. 

Phím trên LG Gram cũng sẽ có hệ thống đèn nền để sử dụng tiện lợi hơn. Độ sáng theo người viết là ở mức ổn, vừa đủ nhìn cho đa số người dùng. 

Cảm biến vân tay của máy sẽ được tích hợp ở nút nguồn. Diện tích tiếp xúc hơi hẹp một chút, nhưng phản hồi nhanh đã bù lại kha khá vấn đề kể trên. Nếu xét về tính thẩm mỹ, việc đặt tích hợp với nút nguồn cũng sẽ giúp thiết kế khu vực phím tránh việc mất cân xứng. 

Về touchpad, phần kính phủ khiến cho trải nghiệm di thoải mái. Đây có thể xem là một trong những điểm cộng quan trọng, xét tới việc không ít ultrabook hiện nay vẫn còn giữ lớp phủ nhám. Phần khung phía dưới cũng khá chắc chắn - khu vực hiếm hoi có độ chắc chắn đáng tin trong một bộ vỏ chưa thực sự ổn định. 

Cấu hình: Tính toán hợp lý với Ice Lake

Với LG Gram 2020, chúng sẽ đều được trang bị CPU Ice Lake mới nhất của Intel - một sự tính toán dễ hiểu nếu xét về độ mỏng nhẹ và hệ thống tản nhiệt 1 ống đồng của máy. Kết hợp với 8GB RAM và lượng SSD đủ dùng (256 và 512GB), đây sẽ là một cấu hình đủ để bạn đọc thực hiện các tác vụ soạn thảo văn bản, tính toán hay giải trí cơ bản. Đây cũng là xu hướng thường thấy trên những sản phẩm ultrabook mỏng nhẹ hiện nay, thường chọn cấu hình để tối ưu cho những gì cơ bản nhất. 

Với phiên bản tầm giá 25 triệu Đồng, người dùng sẽ có tùy chọn CPU Intel Core i5-1035G7 Ice Lake 4 nhân 8 luồng. Còn nếu nâng lên tầm giá hơn 40 triệu, chúng ta sẽ có thêm tùy chọn Core i7-1065G7. Việc có cho mình tùy chọn i7 Ice Lake cũng là một điểm cộng cho LG Gram, tuy nhiên ở tầm giá cao như vậy thì chúng ta sẽ còn nhiều yếu tố khác để cân nhắc về sản phẩm này. Vậy nên với người viết, i5 vẫn là lựa chọn vừa ổn về hiệu năng lẫn kinh tế nếu bạn đọc có nhu cầu tìm mua.  

Intel Iris Plus G7 sẽ là tùy chọn card đồ họa tích hợp cùng CPU Ice Lake. Người dùng cũng không nên kỳ vọng quá cao vào sức mạnh của card đồ họa này, thay vào đó thì nên xem nó như một phương án trợ giúp hiệu năng khi làm tới các tác vụ về hình ảnh, hay có thể là video. 

Cổng kết nối: Khá đủ đầy với ultrabook

Tuy mỏng nhẹ, nhưng LG Gram vẫn không thua kém các đối thủ siêu nhẹ là bao về cổng kết nối: 2 cổng USB 3.1 Type-A, 1 HDMI, 1 cổng USB-C hỗ trợ Thunderbolt 3, 1 jack tai nghe combo và 1 khe thẻ MicroSD. Điểm hơi bất tiện hiếm hoi có chăng sẽ nằm ở khe MicroSD, vốn không còn quá thông dụng như khe SD ở thời điểm hiện tại. 

Thời lượng pin: Lâu đến bất ngờ

Với viên pin 72Wh, LG Gram trên lý thuyết có thể có thời lượng lên tới 14 tiếng - một con số không tưởng với một sản phẩm laptop. Trong những ngày trải nghiệm, dù chưa thể “vắt kiệt” viên pin của máy, bản thân người viết cũng phần nào cảm nhận được cơ sở trong lời khẳng định từ LG. 

Khi sử dụng với độ sáng màn hình 50% cùng các tác vụ văn phòng, người viết đã thoải mái sử dụng máy nguyên 1 ngày (khoảng 8.5 - 9 tiếng) mà máy vẫn còn gần 20% trước khi cắm sạc. Với thời lượng sử dụng này, xét về những chiếc ultrabook siêu nhẹ người viết từng dùng thì sẽ chỉ kém ASUS ExpertBook B9 (9.5 tiếng). Tuy nhiên, đây dù sao vẫn là một dòng máy có tầm giá cao hơn hẳn, vậy nên đây vẫn là một thành tích rất đáng ghi nhận với LG Gram.  

Kết luận

Nếu như trong những ngày đầu ra mắt, LG Gram vẫn khiến cộng đồng ít nhiều chưa an tâm về các lỗi vặt liên quan đến sự mỏng nhẹ thì ở 2020; tình hình dường như đã khá hơn nhiều cho dòng sản phẩm độc lạ nhất của LG. Dù về số lượng, những điểm cải thiện vẫn chưa thực sự nhiều, nhưng nhìn chung chúng vẫn ít nhiều giúp máy bắt kịp các sản phẩm ultrabook nói chung hay ultrabook “siêu nhẹ” nói riêng. 

Tuy vậy, với việc vẫn cần làm tốt hơn ở một vài yếu tố, quả không dễ để thực sự ưu tiên LG Gram trong cuộc đua ultrabook siêu nhẹ ở thời điểm hiện tại. Nhưng nếu bạn là một người dùng thích sự mỏng nhẹ tối đa, cần thời lượng pin lâu hay 1 màn hình chất lượng; đây vẫn sẽ là một tùy chọn có thể xem xét.