MacBook ARM khó có thể thành công?
Rạng sáng nay, Apple đã chính thức cho trình diện các sản phẩm Mac dùng Apple Silicon nói chung và MacBook ARM nói riêng. Tất cả những sản phẩm Mac này đều có điểm chung, sử dụng con chip Apple M1, chạy được cả ứng dụng của MacOS lẫn iOS/iPad OS. Nhưng liệu thực sự những sản phẩm này sẽ thành công, nhất là với 2 chiếc MacBook?
Điều thứ nhất: SoC Apple M1 không thực sự dành cho code đa nền tảng
Vốn là một con chip được xây dựng từ nền tảng ARM64, M1 rất phù hợp cho công việc lập trình nhúng, lập trình ứng dụng, nền tảng cho các sản phẩm tới từ nhà Táo. Nhưng đổi lại, con chip này thiếu đi sự tương thích đối với các nền tảng phổ biến như AMD64 (x64) hay i386 (x86). Vậy nên sẽ không dễ dàng gì nếu người dùng lập trình cả ứng dụng cho Windows. Dĩ nhiên, với Android, hay Linux, việc này có thể làm được, nhưng sẽ cần chút thời gian để ổn định lại các bộ phát triển mở rộng (SDK).
Thứ hai: Bạn sẽ không thể Bootcamp để dùng Windows
Bootcamp là phần mềm đã xuất hiện trên MacOS từ những phiên bản đầu tiên, khi Apple quyết định đón nhận vòng tay từ Intel, để tạo ra các sản phẩm Mac hoàn chỉnh và ổn định. Kể từ khi đó, với những ai mua máy tính Mac về nhưng cần làm những công việc chỉ Windows mới có thể vận hành, họ có thể dùng tính năng này để cài Windows lên Mac một cách dễ dàng.
Nhưng tuy nhiên, với sự xuất hiện đột ngột của M1, cùng cấu trúc của ARM khác hoàn toàn so với một bo mạch thông thường, việc máy tính Mac dùng Apple Silicon nói chung và MacBook nói riêng không thể BootCamp hoàn toàn xảy ra. Dĩ nhiên trong thời gian gần đây đã dần xuất hiện các sản phẩm Windows 10 ARM với SoC tới từ Qualcom như Acer Spin 7, nhưng, phải rồi, lại là nhưng!
Windows 10 ARM cho tới giờ vẫn không tối ưu, thì việc để có thể BootCamp vào thời điểm này là rất khó. Vậy nên với những ai đang sử dụng song song cả Windows mà MacOS trên MacBook, thời điểm này chưa thích hợp để thay đổi.
Ứng dụng trên iPhone/iPad có thể chạy được trên MacBook mới, nhưng không quá nhiều
Apple cũng đã trình diện loạt ứng dụng Universal (Đa nền tảng) dành cho những máy tính Mac ARM này. Tất nhiên đây không phải là một ý tưởng tồi, tuy nhiên, rất nhiều các hãng phần mềm lại có vẻ không đồng tình với điều đó.
ThinkPro cũng đã có một bài viết về điều này, khi các nhà phát triển thực sự không muốn phải đưa ứng dụng vốn thuộc về những chiếc điện thoại hay máy tính bảng lên một chiếc laptop. Chưa kể, việc đưa những ứng dụng này lên laptop cũng không quá cần thiết và sẽ trở nên thừa thãi hơn bao giờ hết. Đơn cử như ví dụ từ người bạn Windows, Universal Apps rất rầm rộ, nhưng gần như không ai để tâm.
Việc này khiến các dự án như Astoria hay hệ điều hành Windows 10S, vốn chỉ cài được những ứng dụng từ Microsoft Store, đổ bể hoàn toàn. Vả lại, các nhà phát triển cũng không muốn phải tối ưu lại các ứng dụng của mình, hay đưa chúng lên MacOS, để rồi nghe những lời phàn nàn, chỉ trích rằng những thứ này hoạt động tệ hơn so với những gì nó đang làm trên điện thoại.
Những chiếc MacBook sử dụng CPU Intel vẫn còn quá tốt
Trước khi đi vào sản xuất MacBook với Apple Silicon, Apple đã có 15 năm chung sống với CPU tới từ Intel. Vậy nên việc tương thích về hệ thống phần cứng cũng như kết nối các nền tảng khác vào cũng một phần nhờ công của Intel. Chưa kể hiệu năng CPU Intel trên MacBook luôn mạnh hơn so với Laptop Windows, mà vẫn có thể lập trình, đồng bộ các chức năng, hay Boot Camp để cài Windows cũng là điều mà người dùng không muốn rời khỏi MacBook với CPU Intel ngay lúc này. Sức ảnh hưởng tới từ Intel có lẽ vẫn còn quá lớn để người dùng thay đổi thói quen sử dụng, nhất là khi họ đã quá thân thuộc vào mối liên kết MacBook – Intel.
Và cuối cùng: Những lo ngại tồn đọng từ thời PowerPC
Máy tính Apple đã trải qua rất nhiều thăng trầm, từ thời điểm chiếc Macintosh đầu tiên xuất hiện, cho tới khi PowerPC ra mắt. PowerPC dùng kiểu kiến trúc tập lệnh Power của IBM, khiến nó không có bất kỳ sự tương thích hay liên kết nào với thế giới bên ngoài. Chưa kể, dù sử dụng kiến trúc 32bit/64bit, nhưng chúng không hề có điểm chung với AMD64 hay i386 ở thời điểm đó, vậy nên cũng không hề tương thích với những hệ thống khác.
Đây là lý do mà Apple gần như phá sản, kiệt quệ về tài chính vào thời điểm đó, cho tới khi bắt tay với Intel và được Microsoft trợ giúp. DĨ nhiên, giờ đã là 15 năm kề từ những sự kiện đau thương ấy, nhưng với những ai đã từng sống trong thời kỳ Macintosh lao dốc đó sẽ không thể nào quên được. Lần này cũng vậy, sự thiếu tương thích cũng như thay đổi đột ngột của Apple cũng khiến người dùng cảm thấy có sự lo sợ về sản phẩm sử dụng Apple Silicon. Tất nhiên, nếu chỉ gói gọn trong thế giới Apple thì sẽ rất lý tưởng, nhưng để mở rộng ra các nền tảng hệ điều hành hay hệ thống khác thì lại là trở ngại vô cùng lớn.
Dĩ nhiên, Mac ARM chỉ mới sơ khai, chưa thực sự ra mắt công chúng, nên chúng ta cũng chỉ biết đoán già đoán non về sự hữu dụng hay điểm yếu của hệ thống non trẻ này. Nhưng biết đâu đấy, những điểm yếu kể trên sẽ được Apple khắc phục trong tương lai không xa, nhất là khi Microsoft đang cải tiến bản Windows ARM của mình, cho phép chạy các ứng dụng thuộc nền tảng AMD64, từ đó có thể làm cầu nối để phát triển thiết bị Mac sử dụng Apple Silicon nói chung và MacBook ARM nói riêng.




