logo

Quên Teamviewer đi, phần mềm này có độ trễ tới mức chơi được cả game trên máy tính của đối phương

Đào Tô Quỳnh Ngân 17:43, 26/07/2024

TeamViewer - Phần mềm "tiêu chuẩn" không có nghĩa là tốt nhất

phan-mem-thay-the-teamview-01

Đã từ rất lâu, chỉ cần nhắc đến phần mềm điều khiển PC từ xa thì mọi người sẽ nhắc đến ngay TeamViewer, không khác gì việc nhiều người gọi "công cụ tìm kiếm" là "Google" hay "Xì dầu" là "Chin-su". Mặc dù là sản phẩm mang tính tiêu chuẩn, đã được công chúng chấp nhận nhưng TeamViewer vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm.

Giống như nhiều phần mềm dành cho PC khác, TeamViewer có 2 phiên bản miễn phí cho người dùng cá nhân và trả phí dành cho doanh nghiệp. Tuy vậy, một số người dùng cá nhân khi dùng TeamViewer thông báo rằng phần mềm đang dùng thì hiện lên dòng cảnh báo "đang sử dụng với mục đích thương mại" và bị ngắt kết nối.

phan-mem-thay-the-teamview-02

Chưa dừng lại ở đó, TeamViewer còn gây khó chịu với cả những khách hàng đã trả tiền để sử dụng phần mềm của mình. Linus từ kênh Youtube công nghệ Linus Tech Tips mới đây cũng đã phàn nàn về việc mình đã bỏ tiền để mua TeamViewer, nhưng vẫn bị hãng này gọi điện, gửi tin nhắn làm phiền về việc chuyển sang sử dụng phiên bản trả tiền hàng tháng.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, TeamViewer đến nay đã khá lỗi thời về công nghệ truyền hình ảnh, dẫn tới việc màn hình điều khiển có độ trễ thấp, chất lượng hiển thị cũng không cao.

Phần mềm này thường được người sử dụng để làm các tác vụ đơn giản như lấy tệp từ một máy tính khác, sửa các lỗi từ xa, trình chiếu văn bản nên 2 vấn đề trên không quá quan trọng. Ngược lại, các tác vụ nâng cao cần có chất lượng hình ảnh, độ trễ thấp như xử lý ảnh, video hoặc thậm chí chơi game thì TeamViewer chắc chắn sẽ "bó tay".

Dùng Ultrabook để chơi game trên máy bàn cấu hình cao?

Cũng là một người cảm thấy "mệt mỏi" với chất lượng của TeamViewer, tôi đi tìm một phần mềm thay thế và tìm thấy Parsec. Phần mềm này được quảng cáo là có khả năng truyền hình ảnh giữa 2 máy tính với độ trễ thấp, sử dụng công nghệ tương đồng với các dịch vụ stream game trực tuyến như GeForce Now từ Nvidia.

Lợi thế có thể thấy ngay được ở phần mềm là phiên bản miễn phí đã khá đầy đủ tính năng, đa phần mọi người chỉ cần dùng phiên bản này là đủ. Bản trả phí sẽ có một số tính năng nâng cao như điều khiển nhiều màn hình và khả năng cấp quyền admin để quản lý nhiều luồng truy cập.

phan-mem-thay-the-teamview-03

Cách sử dụng Parsec cũng khá là đơn giản, không quá khác so với TeamViewer. Đầu tiên người dùng sẽ cần tạo một tài khoản từ trang chủ của phần mềm, có luôn cả lựa chọn để tạo bảo mật 2 bước.

Sau đó ta sẽ tải ứng dụng Parsec trên các thiết bị cần kết nối với nhau, phiên bản dành cho Windows 64-bit chỉ có dung lượng nhẹ chỉ 5.7MB. Ta có cả phiên bản cho MacOS, Android, Linux, Rasberry Pi 3 và hoặc sử dụng trực tiếp trên nền web với Chrome.

phan-mem-thay-the-teamview-04

Giao diện sử dụng được tối giản hết mức có thể. Tất cả những máy đã đăng nhập chung từ một tài khoản sẽ hiện lên màn hình chính, muốn kết nối từ xa với máy nào chỉ cần nhấn "Connect" là xong.

phan-mem-thay-the-teamview-05

Trong mục Settings, ta có thể thay đổi những cài đặt như độ phân giải của máy chủ, máy điều khiển, chuyển giữa chế độ toàn màn hình hoặc cửa sổ, bật tắt VSync (công nghệ chống xé hình khá quan trọng trong việc chơi game), tùy chỉnh các phím tắt (hotkeys) và có lẽ quan trọng nhất là mức giới hạn băng thông giữa 2 máy.

phan-mem-thay-the-teamview-06

Ta có thể tùy chọn từ 3 tới tận 50 Mbps, băng thông càng cao thì hình ảnh càng có độ phân giải cao, giảm độ trễ và tăng tần số làm tươi của màn hình (FPS). Nếu màn hình của bạn hỗ trợ thì có thể đặt mức làm tươi cao hơn 60Hz, Parsec cho phép đặt tới 240Hz!

phan-mem-thay-the-teamview-07

Khi truy cập thành công, phần mềm sẽ hiện một bảng thống kê độ trễ giữa 2 máy, bao gồm thời gian mã hóa, giải mã (encode - decode) hình ảnh và độ trễ truyền qua mạng. Với 2 máy tính với kết nối có dây, tổng độ trễ của tôi rơi vào khoảng 20 mili-giây tức chỉ 0.02 giây.

Đây là mức trễ chấp nhận được với những game offline không cần chính xác tới từng mili-giây, nhưng chắc chắn là sẽ đủ để game thủ eSport chuyên nghiệp nhận ra. Đối với tôi thì như vậy là đủ.

phan-mem-thay-the-teamview-08

Parsec được tôi sử dụng để chơi game từ chiếc máy tính bàn ở nhà thông qua laptop mỗi lúc ra quán cà phê và "ngứa tay" không có việc gì làm, chứ không phải để "cày rank" ở những game cần phản xạ nhanh. Cũng phải nói rằng trải nghiệm chơi được những tựa game đồ họa đẹp mắt như Elden Ring hay Cyberpunk 2077 trên một chiếc Ultrabook mỏng nhẹ quả là "vui vẻ".

Tiện dụng cho cả những người sáng tạo video

phan-mem-thay-the-teamview-09

Chơi game có lẽ chỉ là thứ yếu, thứ mà tôi cần Parsec hơn cả là trong việc chỉnh sửa video. Khác với việc sáng tạo hình ảnh bạn có thể dễ dàng làm trong một thời gian ngắn, sau đó tải tệp kết quả cuối cùng lên bất cứ đâu thì video đòi hỏi tất cả các tệp nguồn phải được đặt đúng chỗ, các hiệu ứng cũng không hề dễ dàng chuyển giữa các máy.

Trong suốt một thời gian dài trước khi dùng Parsec, muốn chỉnh sửa video tôi sẽ phải sử dụng đúng máy tính đã tải những cảnh quay gốc vào. Giờ với Parsec, tôi sẽ đặt tất cả tệp vào máy tính bàn, sau đó nếu muốn làm việc từ xa thì có thể truy cập bằng laptop và tiếp tục làm việc.

phan-mem-thay-the-teamview-10

Chỉnh sửa video cũng không khác mấy việc chơi game, cũng cần phải nhìn thấy được rõ màn hình kết quả, cũng phải có độ trễ thấp để chọn tệp, cắt đúng vị trí chính xác - thường được hiển thị rất nhỏ trên ở thanh timeline đối với những video dài. Những ưu điểm về hình ảnh rõ nét và độ trễ thấp nhờ băng thông cao của Parsec lại tiếp tục tỏa sáng tại đây.

Cách làm việc với video từ xa này cũng giúp tận dụng được phần cứng của những chiếc máy bàn thay thế cho laptop. Tất cả những thao tác khi làm việc cho tới cả tốc độ xuất sản phẩm cuối cùng cũng mượt mà, nhanh chóng hơn mặc dù là đang làm việc qua mạng.

Vẫn có những điểm chưa hoàn thiện

phan-mem-thay-the-teamview-11

Trải nghiệm sử dụng Parsec của tôi cũng chưa phải là hoàn hảo, khi phần mềm vẫn có những khuyết điểm riêng. Đầu tiên, Parsec không có tính năng khởi động máy từ xa (Wake-on LAN) như TeamViewer, một tính năng cần thiết nếu muốn truy cập vào máy đang trong trạng thái ngủ.

phan-mem-thay-the-teamview-12

Vì vậy bạn sẽ cần đặt máy cần truy cập ở chế độ luôn bật, hoặc tìm một giải pháp Wake-on LAN khác. Một số người dùng trên trang Reddit của Parsec thậm chí còn dùng TeamViewer chỉ để bật máy lên, sau đó truy cập từ xa bằng phần mềm này! Nghe có vẻ hơi "cồng kềnh", nhưng nếu vẫn hiệu quả thì vẫn là một cách mà bạn có thể thử.

Một vấn đề khác cũng làm tôi khá khó chịu trong quá trình sử dụng là lỗi (-6023), không cho phép hoàn thành kết nối giữa 2 máy ngay từ màn hình bên ngoài. Lỗi này xảy ra rất ngẫu nhiên, khi từ cùng 2 máy không có sự thay đổi gì về cấu hình mạng vẫn sẽ gặp phải lỗi khoảng 1 - 2 lần trong 10 lần kết nối.

Vậy để trả lời câu hỏi: Parsec liệu có thể thay thế hoàn toàn được TeamViewer hay không? Nếu chỉ tính riêng về vấn đề truyền dẫn ảnh cho game thủ và người sáng tạo, Parsec vượt xa TeamViewer và rất nhiều những giải pháp điều khiển PC khác. Nhưng với những lỗi của mình, đây vẫn không thể trở thành phần mềm tốt nhất và duy nhất.

Nếu bạn có thể giải quyết được những vấn đề của nó, bao gồm việc tìm được giải pháp Wake-on LAN hiệu quả và có đường truyền mạng đủ tốt để không gặp lỗi (-6023) thì Parsec vẫn rất đáng thử.

Theo: Pháp luật & Bạn đọc

Tham gia cộng đồng yêu công nghệ Pro Community của ThinkPro ngay để cùng bàn luận, chia sẻ các kiến thức, thủ thuật, cập nhật tin tức công nghệ nhanh chóng, chính xác. 

---------------------------

ThinkPro là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.