logo

Sau 1 năm ra mắt, Dell Latitude 7400 liệu còn đáng mua?

Bùi Quang Thành 12:04, 22/11/2024

Dell Latitude 7400 là chiếc laptop thuộc dòng doanh nhân cao cấp của Dell. Chiếc máy này đã ra mắt được một năm rồi, nhưng vẫn để lại rất nhiều ấn tượng cho người sử dụng. Vậy sau 1 năm, chiếc máy này có còn đủ đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, đặc biệt là những đối tượng doanh nhân văn phòng hay không?

Thiết kế: Một chiếc Latitude truyền thống

Nhìn chung, Latitude 7400 sở hữu một thiết kế khá thân thuộc với những người dung trung thành của dòng laptop doanh nhân tới từ Dell. Toàn bộ khung máy vẫn được gia cố bằng hợp kim nhôm magnesium bền bỉ, chắc chắn, nhưng không hề làm tăng trọng lượng của chiếc máy.

Mặt lưng tiếp tục sử dụng vật liệu carbon-magnesium cao cấp, chêm vào đó là lớp phủ carbon fiber mịn màng, nhưng tuy nhiên, ở chiếc Latitude 7400 này, thay vì để lớp phủ đen trơn như những phiên bản tiền nhiệm, Dell đã mang lên chiếc máy này lớp phủ với những hoạ tiết sợi carbon tinh tế bắt mắt, vốn chỉ xuất hiện trên những chiếc Flagship thuộc dòng XPS. Dell có vẻ rất chăm chút cho dòng Latitude 7000 của mình, đặc biệt là những chiếc Latitude 14 inches đặc thù, hướng tới đối tượng doanh nhân cao cấp.

Tất nhiên, chiếc máy này cũng có chút đánh đổi để có được sự bền chắc như vậy. Kích thước tổng thể của máy vẫn có phần hơi dày (1.8cm), chưa thể đạt mức siêu mỏng như laptop Dell XPS hay HP Spectre được. Máy cũng không có những đường cắt CNC tinh tế giống những chiếc máy sử dụng vật liệu nhôm nguyên khối thường thấy.

Thiết kế của Latitude 7400 bằng hợp kim nhôm magnesium bền bỉ

Tuy vậy, máy vẫn sở hữu một vẻ đẹp rất riêng mà chỉ những chiếc Latitude mới sở hữu, vẻ đẹp đậm chất laptop doanh nhân cao cấp, không góc cạnh, không màu mè. Nhân nói tới màu sắc, Dell Latitude 7400 đã có sự thay đổi độc đáo, thoát ra khỏi sắc đen thường thấy trên các dòng laptop doanh nhân, cũng như trên các thế hệ Latitude 7000 trước đó. Máy có 2 phiên bản màu sắc là xám đậm mà người viết đang sở hữu, và phiên bản xám bạc đặc biệt, với bộ khung nhôm cao cấp.

Kiểu thiết kế của chiếc Latitude 7400 này, dù có phần quen thuộc, nhưng vẫn vô cùng sang trọng và toát lên vẻ đẹp của những đối tượng doanh nhân, dù đã ra mắt được 1 năm.

Màn hình: Rất tốt, nhưng….

Dell Latitude 7400 được trang bị một màn hình 14 inch, với độ phân giải Full HDtấm nền IPS chất lượng cao. Viền màn hình cũng được làm mỏng hơn so với Latitude 7490 trước đó. Nhờ điều này, chiếc laptop Dell này có trải nghiệm màn hình tốt hơn nhiều so với những phiên bản tiền nhiệm.

Về chất lượng hình ảnh, Latitude 7400 cho kết quả rất tốt, 99% sRGB, 74% AdobeRGB77% DCI-P3, deltaE ở mức 3.42, hơi cao, nhưng nếu để trải nghiệm văn phòng thì không phải là tệ. Nhưng tuy nhiên, điểm người viết cảm thấy không tốt chính là độ sáng màn hình.

Dell Latitude 7400 được trang bị màn hình 14 inch

Máy có độ sáng theo thông số kỹ thuật là 300 nits, theo mức đo đạc là 327 nits, để mà trải nghiệm ngoài trời thực tế lại không tốt, khá tối, nhưng nếu trong phòng thì lại rất tốt. Độ tương phản màu ở mức 1150:1, không quá cao nhưng đủ để thực hiện thiết kế 2D, đối với những ai hay làm ảnh thì có lẽ nên cân màu thêm một chút.

Hiệu năng: Quá ổn cho công việc văn phòng

Vốn là laptop doanh nhân cao cấp, nên việc chiếc Latitude 7400 này đáp ứng được các công việc văn phòng là chuyện hiển nhiên. Cụ thể, trong bài đánh giá này, người viết sử dụng chiếc Latitude có cấu hình Intel Core i5-8265U, RAM 32GB với tốc độ 2666MHz, và SSD 256GB NVMe của Samsung.

Với cấu hình này, chiếc máy hoàn toàn chạy tốt các ứng dụng Office phổ thông, hay thiết kế 2D nhẹ, cũng như sử dụng Autocad 2D vừa phải. Tuy nhiên, khi chạy Full load, máy dần có dấu hiệu throttle và hạ TDP. Như trong bài test CineBench R15, chiếc máy cho điện năng rất cao, mức 46W, tuy nhiên, mức điện năng này chỉ giữ được trong 10 giây, sau đó tụt về 22W, và cân bằng ở đó.

Ở bài test AIDA64 cũng vậy, khởi đầu ở mức 46W, sau đó hạ dần về 20W điện và xuống 12W sau 15s tiếp theo. Cũng dễ hiểu vì chiếc máy này vốn thiết kế cho những công việc văn phòng là chính, hệ thống tản nhiệt không thể tốt được như những chiếc laptop hiệu năng cao được. Nhưng có thể giữ được xung nhịp cũng như mức tiêu thụ điện ở 22W trong khoảng thời gian dài, người viết cũng phải có lời khen với chiếc 7400 này.

Cũng phải nói rằng, chiếc máy này đã được ra đời 1 năm rồi, nhưng hiệu năng mà chiếc máy này mang lại thì không hề thua kém những laptop doanh nhân cao cấp của năm 2020 từ những đối thủ như Lenovo hay HP.

Ngoài ra, bạn có thể nâng cấp trải nghiệm làm việc và giải trí với các sản phẩm Dell chính hãng tại ThinkPro như Dell XPS, Dell XPS 13 9345, Dell XPS 9340, Dell Inspiron 14 Plus 7440, đáp ứng mọi nhu cầu cho bạn tham khảo. ThinkPro cam kết chất lượng và bảo hành uy tín.

Bàn phím và Touchpad: Trải nghiệm khác biệt

Người dùng chắc đã quá quen với những chiếc Latitude sử dụng bàn phím phong cách cũ, với keycaps được làm hõm sâu hơn, các hoạ tiết in với 2 màu trắng-xanh nổi bật, nên khi Dell quyết định thay đổi kiểu thiết kế bàn phím, người dùng lâu năm cũng không khỏi ngỡ ngàng, ngay cả người viết cũng cảm thấy vậy, có phần hụt hẫng.

Nhưng sau 1 năm trải nghiệm, bộ bàn phím này lại thực sự cho cảm giác khác biệt hoàn toàn. Hành trình phím sâu hơn, bấm có lực, rất đầm tay. Layout phím được bố trí rộng rãi, tạo không gian thoáng đãng, tránh gõ trật phím trong quá trình sử dụng lâu dài. Hoạ tiết trắng-xám trên phím lại vô cùng nổi bật, cũng như tạo cảm giác tone-sur-tone với khung máy. Người viết khá là hài lòng với kiểu thiết kế này.

Touchpad cũng được thiết kế lại một chút, không còn sự góc cạnh, vuông vắn nữa, thay vào đó là sự bo cong mềm mại, nhẹ nhàng. Nhìn kỹ thì trông touchpad giống như tấm màn hình thu nhỏ vậy. Touchpad vẫn có diện tích khá nhỏ, trải nghiệm di tốt nhờ sử dụng Alps Controller. Bề mặt phủ nhám sần, bám tay. Hai nút chuột như thường lệ, vẫn được tách riêng, tránh tình trạng bấm nhầm khi sử dụng.

Hành trình phím của Latitude 7400 sâu và rất đầm tay

Điểm mà người dùng vẫn thấy tiếc nhất là Dell đã loại bỏ Point Stick, nên không còn trải nghiệm sử dụng chuột bằng một tay nữa. Nhưng sau thời gian dài sử dụng, người viết cũng không thấy bị ảnh hưởng nhiều, chỉ là mất đi một chút tiện lợi.

Hệ thống cổng kết nối vừa đủ

Dell Latitude 7400 được trang bị đa số các cổng kết nối phổ biến nhất hiện nay. Như phiên bản mà người viết đang có sở hữu 2 USB-A 3.1 Gen 1, với 1 cổng Always On, một cổng HDMI, một jack tai nghe 3.5mm, 1 khe thẻ nhớ microSD, một USB-C 3.1 Gen 2 tích hợp Thunderbolt 3, cũng như cho phép sạc nhanh Power Delivery và xuất hình, và tất nhiên, một khoá Kensington. Có thể nói, đây là số lượng cổng kết nối đủ dùng đối với một chiếc laptop văn phòng cao cấp mỏng nhẹ như Dell Latitude 7400.

Cổng kết nối đa dạng của Latitude 7400

Việc loại bỏ RJ-45 thoạt đầu làm người viết khá khó chịu và thấy bất tiện, tuy nhiên, dần dần, người viết cũng nhận ra việc loại bỏ này cũng không bất hợp lý chút nào. Đơn cử ở việc phải mang chiếc máy này lên văn phòng, nhưng không có hệ thống mạng dây, hay ra các quán café làm việc, cũng tiện lợi hơn rất nhiều. Dell có vẻ cũng tính toán rất kỹ rồi mới loại bỏ cổng RJ-45 trên chiếc Latitude này.

Thời lượng pin

Người viết sử dụng chiếc máy có tuỳ chọn pin cơ bản, 42Wh, cho thời gian làm việc khá dài, tầm 7 tiếng rưỡi. Tuy sử dụng đã lâu, chiếc máy lại có độ chai pin thấp, 5% chai. Có thể nói các kỹ sư của Dell đã mang lên chiếc 7400 này một viên pin rất chất lượng.

Ổ cứng: rất tốt với SSD Samsung

Như đã nói ở trên, Dell Latitude sử dụng ổ SSD NVMe tới từ Samsung. Ổ cho tốc độ đọc rất tốt, với tốc độ 3545 MB/s, và tốc độ ghi là 2347 MB/s. Tốc độ đọc ghi tuần tự cũng rất tốt. Đúng như mong đợi, sau 1 năm sử dụng, SSD của Samsung vẫn luôn cho tốc độ đáng kinh ngạc.

Khả năng bảo mật

Là một laptop doanh nhân cao cấp, Latitude 7400 được trang bị rất nhiều các công nghệ bảo mật tiên tiến hiện nay. Máy được nhúng thẳng vào mainboard con chip dTPM 2.0, nhằm yêu cầu mật khẩu khi truy cập vào Bios, Windows, hay thay đổi dữ liệu ổ cứng. Ngoài ra Dell còn cùng cấp cho chiếc Latitude này bộ phần mềm bảo vệ khỏi các cuộc tấn công mạng là Dell Endpoint Security Suite Enterprise và Data Guard.

Chung chung cho các phiên bản là vậy, nhưng chiếc máy mà người viết đang có thì lại được bổ sung thêm chiếc cần gạt để che Webcam trên viền màn hình, nhằm tránh sự xâm nhập từ phía ngoài vào. Hơi tiếc là phiên bản này không được tích hợp mở khóa khuôn mặt Windows Hello cũng như cảm biến vân tay một chạm trên nút nguồn. 

Khả năng nâng cấp

Cũng không khó khăn gì khi nâng cấp chiếc laptop này cả. Người dùng chỉ đơn giản là mở nắp sau máy ra, sau đó là nâng cấp các linh kiện phù hợp thôi. Máy có 2 khe RAM có thể thao lắp, hỗ trợ chuẩn ram DDR4 với Bus 2666MHz, nâng cấp tối đa là 32GB. Về khả năng lưu trữ, Dell chỉ cung cấp cho chiếc máy này 1 khe SSD m.2, hỗ trợ cả Sata 3 và NVMe. Người dùng có thể nâng cấp tối đa lên đến 2TB, tùy vào nhu cầu sử dụng. 

Tạm kết

Sau một năm ra mắt, Dell Latitude 7400 vẫn là chiếc laptop doanh nhân đáng giá nhất mà người viết từng được sử dụng. Cho dù Dell đã cho ra mắt chiếc Latitude 7410 để thay thế chiếc 7400 này, đây vẫn là một chiếc laptop doanh nhân cao cấp mà người dùng hoàn toàn có thể dễ dàng tìm mua.

Ngoài ra, ThinkPro còn đang kinh doanh rất nhiều mẫu laptop Dell sở hữu hiệu năng ổn áp, giá thành phải chăng, rất phù hợp cho các bạn học sinh - sinh viên chọn mua như: Dell Vostro 5630, Dell Latitude 9420, Dell Latitude 7420, Dell Inspiron 5430, Dell XPS 9320,... đang chờ bạn đến ghé thăm và trải nghiệm đấy!

Xem thêm: