logo

Trải nghiệm nhanh Lenovo Legion 5 AMD: Tốt trên mọi góc độ

Bùi Quang Thành 00:00, 27/01/2021

Khi nhìn vào thiết kế này, người viết nghĩ ngay tới chiếc Legion Y530 và Y540, hay chính phiên bản Legion 5 Intel được ra mắt trước đó. Vẫn là thiết kế hầm hố, đậm phong cách gaming, nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp đơn giản, cuốn hút. Logo ở mặt nắp máy cũng được thiết kế lại, không còn phát sáng ở biểu tượng chữ “Y”, hơi đang tiếc, nhưng đổi lại, khi bạn nhìn ở các góc độ khác nhau, dòng chữ “Legion” cũng đổi màu theo.

_DSC0607.jpg

Mặc dù sử dụng vật liệu nhựa, nhưng cảm giác khi cầm máy rất chắc chắn, cứng cáp. Tuy nhiên, vẫn gặp vài hiện tượng flex, nếu như bạn cố ấn mạnh xuống. Mặc dù chỉ là một chiếc gaming laptop tầm trung, chiếc máy lại có mức độ hoàn thiện cao, hơn cả một vài dòng laptop gaming cao cấp, người viết xin có lời khen cho Lenovo ở điểm này. Chưa kể, phần kê tay được phủ một lớp nhung nhẹ, vốn chỉ xuất hiện trên các dòng laptop ThinkPad, cũng làm chiếc máy có phần cao cấp hơn.

_DSC0603.jpg

Thiết kế là vậy, màn hình thì sao? Người viết rất ấn tượng với tấm màn hình này. Máy được trang bị màn hình Full HD IPS, với tần số quét cao, 144Hz. Nghe có vẻ khá phổ thông, vì đa phần các laptop gaming tầm trung cũng đã phổ cập những tấm màn hình 120Hz và 144Hz lên những sản phẩm của mình. Nhưng khoan hãy nói về điều đó. Tấm màn hình mà người viết đang trải nghiệm có độ phủ màu rất tốt, 100% sRGB, kèm theo là công nghệ Dolby Vision sắc nét, điều mà khó có một chiếc laptop gaming tầm trung, thậm chí tầm cao nào có thể làm được. Lenovo đã làm rất tốt trong việc tạo ra sự cân bằng giữa trải nghiệm Gaming cũng như thiết kế đồ hoạ.

_DSC0578z.jpg

Điểm tiếp theo là hệ thống bàn phím. Vâng, lại một điểm nữa người viết phải khen Lenovo vì sự thay đổi. Bàn phím có hành trình sâu hơn hơn hẳn so với các phiên bản trước, tiệm cận với những chiếc laptop ThinkPad bây giờ. Cụm phím số được bố trí lại cũng là điểm mà người dùng thích thú. Nó đã được sửa hoàn toàn, tránh việc bị gõ nhầm trên những chiếc Y540 hay Y530 trước đây. Hơi tiếc, phiên bản của người viết sử dụng chỉ là led trắng, không có RGB, nhưng như vậy là quá ổn rồi.

_DSC0583.jpg

Touchpad thì không thực sự đã tay cho lắm. Đây không phải là một touchpad tệ, vì khả năng tracking tốt, mượt mà nữa, nhưng tuy nhiên, kích thước khá bé cũng làm người dùng khó chịu phần nào.

_DSC0579x.jpg

Nhưng đổi lại, máy sở hữu cấu hình ấn tượng, với APU Ryzen 5 4600H 6 nhân 12 luồng, kèm theo là card đồ hoạ GTX 1650 4GB với chuẩn VRAM GDDR6. Với một con chip mạnh, cùng card đồ hoạ vừa tầm, thêm vào đó là hệ thống tản nhiệt tốt, chiếc máy hoàn toàn thực hiện được tất cả các tác vụ render nặng, cũng như chơi game vừa đủ. Điểm người viết thấy ấn tượng là khác với những dòng Laptop gaming sử dụng chip AMD khác, đều bị bít các khe tản nhiệt, chiếc Legion 5 này lại không làm điều đó.

_DSC0590.jpg

Khác với người anh em Intel, chiếc máy này sử dụng RAM 8GB với tốc độ 3200MHz, rất tốt cho công việc Render, tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu cố hữu của các dòng máy tính AMD, không thể phát huy hết tiềm năng khi chỉ dùng RAM ở Single Channel.

_DSC0598.jpg

SSD vẫn như thường lệ, Lenovo sử dụng SSD tới từ Samsung, cụ thể ở đây là PM981a, bản OEM của 970 Evo Plus, cho tốc độ rất tốt khi sử dụng.Screenshot 2020-09-17 124534.jpg

Hệ thống cổng kết nối trên chiếc máy này rất đầy đủ. 4 USB-A 3.2 Gen 1, 1 USB-C 3.2 Gen 1 hỗ trợ xuất hình, 1 cổng HDMI 2.0, cổng RJ-45, 1 jack tai nghe 3.5. Hơi tiếc là USB-C không hỗ trợ Power Delivery và chỉ có kết nối 3.2 Gen 1 thay vì là 3.2 Gen 2. Nhưng nhìn chung, hệ thống cổng kết nối này là quá đủ với trải nghiệm gaming. Ngoài ra, chiếc máy cũng được trang bị Wi-Fi 6 AX200 tới từ Intel.

_DSC0596.jpg

Trên đây là bài trên tay nhanh chiếc Lenovo Legion 5 phiên bản AMD, một trong những chiếc Gaming Laptop có mức độ hoàn thiện tốt nhất trong phân khúc. Với màn hình chất lượng tốt, hiệu năng mạnh mẽ trên dòng chip Ryzen thế hệ mới, hệ thống bàn phím cải tiến, đây hoàn toàn là lựa chọn vô cùng đáng giá với game thủ, cũng như những người hay thiết kế đồ hoạ.