Workstation dùng để giải trí và chơi game: Liệu có phù hợp?
Laptop sinh ra với nhiều dòng máy khác nhau, phù hợp với nhiều dạng công việc khác nhau. Có những chiếc laptop có thể phục vụ được đa tác vụ các nhu cầu, điển hình là laptop gaming, với hệ thống tản nhiệt tốt, hiệu năng CPU cao và card đồ hoạ mạnh mẽ. Trái lại, sẽ có những dòng laptop sinh ra chỉ cho những công việc đặc thù, đơn cử là Mobile Workstation.
Thế nhưng có những ý kiến cho rằng, mua workstation về có thể giải trí nhẹ nhàng như xem phim, nghe nhạc, hay thậm chí là gaming. Vậy thì đằng sau những ý kiến đó, có gì đúng và sai?
Workstation là những chiếc máy như thế nào?
Trước hết ta phải hiểu Workstation những dòng máy như thế nào. Workstation (hay còn gọi là máy trạm) là các máy tính được xây dựng cho các chức năng điện toán chuẩn của ngành. Chúng rất khác với các máy tính cá nhân (Laptop/Desktop) bình thường. Máy trạm có thêm phần cứng và phần mềm cài đặt trên chúng, để có được hiệu suất rất cao. Máy trạm được sử dụng bởi các lập trình viên, các nhà thiết kế đồ hoạ, chuyên viên lập trình và thiết kế trò chơi, các nhà khoa học và nhiều khối ngành khối nghề khác, những người đòi hỏi khả năng tính toán cực kỳ chính xác để đạt được kết quả.
Máy trạm thường có liên quan đến các ngành công nghiệp và phần mềm được các ngành sử dụng. Đôi khi phần cứng được thiết kế để làm việc kết hợp chặt chẽ với phần mềm. Thêm vào đó, các card đồ họa được khuyến cáo bởi các nhà sản xuất phần mềm, để cho hiệu suất tối ưu. Trong một số trường hợp, hệ điều hành được nhúng trên thẳng hệ thống phần cứng, chỉ đạt hiệu suất tối đa khi sử dụng đúng hệ điều hành đó.
Khả năng mà những chiếc Máy trạm di động (Mobile Workstation) chơi game đến đâu?
Nhưng, để mà nói rằng một chiếc Mobile Workstation có thể gaming không, thì câu trả lời là có. Cũng đúng đó, đơn giản là Workstation đa số cũng được trang bị CPU và card đồ hoạ rời hiệu năng cao cơ mà. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, card đồ hoạ trên Workstation KHÔNG SINH RA ĐỂ CHƠI GAME. Bạn có thể phẩy tay và nói rằng chiếc máy trạm to nạc của mình thừa sức chơi được game. Dĩ nhiên, chúng thừa sức chơi, nhưng với điều kiện đó là những tựa game E-Sport nhẹ nhàng, không sát phần cứng, không phải là những tựa AAA mới ra mắt. Bạn không thể nào ép chúng làm những công việc mà chúng vốn sinh ra không để làm điều đó.
Cũng phải nói rằng, trước đây, khi sinh viên kỹ thuật còn nhăm nhe tìm những chiếc Mobile Workstation cũ, như Dell Precision M4700, M4800 hay ThinkPad W530,…Những chiếc máy đó vô tình có hệ thống card đồ hoạ có tốc độ xử lý ngang bằng những chiếc card đồ hoạ thông thường. Vô hình chung, những người mua những chiếc máy trạm này có thể chơi được, thậm chí mượt những tựa game AAA vào thời điểm đó. Cũng phải, vì tiêu chuẩn phần cứng cho game lúc đó cũng chưa phải là cao. Nhưng năm 2020 rồi, khi những tựa game như Assassin’s Creed: Valhalla, hay Cyberpunk 2077 vừa mới ra mắt, có những yêu cầu phần cứng rất khác biệt, không thể nào cứ dựa hơi vào việc có card đồ hoạ và CPU hiệu năng cao là có thể chơi được.
Để lấy ví dụ đơn giản, chúng ta cứ đặt lên bàn cân 3 card đồ hoạ laptop đó là Nvidia GTX 1650, Nvidia Quadro T1000 và Nvidia Quadro T2000 chẳng hạn. Cả ba card đồ hoạ này đều sử dụng con chip TU117, nhưng xung nhịp của chúng lại rất khác nhau. Mặc dù GTX 1650 có xung nhịp cơ bản là 1395, tương đương T1000 và thấp hơn T2000, thì về lý thuyết mà nói, T2000 sẽ cho khả năng xử lý (ở đây là gaming) tốt nhất đám, nhưng không, GTX 1650 lại mạnh ngang, thậm chí hơn T2000 trong việc xử lý đồ hoạ gaming. Nhưng ngược lại, nếu như xử lý, tính toán các công việc đặc thù như dựng hình, mô phỏng 3D, GTX 1650 lại kém nhất, vì thiếu đi những thuật toán xử lý riêng của Quadro hay thậm chí là thiếu sự ổn định ở VRAM, hay gây Crash ứng dúng. Dĩ nhiên, cho dù có cài đặt Driver Nvidia Studio cho GTX 1650 thì kết quả cũng chẳng có gì thay đổi.
Quay trở lại vấn đề chúng ta đang nói, máy trạm dùng để chơi game? Thực sự là làm được nhưng không hợp lý một chút nào. Thứ nhất là mức xung nhịp của card đồ hoạ cho máy trạm đã được giới hạn để chạy ổn định nhất có thể, nên chúng không thể nào lên xuống thất thường như card đồ hoạ gaming được, thứ hai là ngay cả xung nhịp VRAM của card đồ hoạ rời trên máy trạm cũng bị giới hạn để tránh trục trặc không cần thiết. Bạn có thể chơi The Witcher 3 hay Cyberpunk 2077 trên một chiếc ThinkPad P15, nhưng đừng có lạm dụng điều đó để mà nói rằng chiếc máy đó chơi tốt những tựa game AAA như vậy, vì đó không phải là mục đích mà những chiếc máy trạm được sinh ra.
Tản mát một chút, bạn sẽ không dại gì mà bỏ ra 40 hay 50 triệu để mua về một chiếc máy trạm về giải trí nhẹ nhàng. Những đối tượng chọn mua những chiếc máy trạm như thế đều sử dụng chuyên biệt cho công việc, nhất là với những ai lập trình trí tuệ nhân tạo. Vậy nên dĩ nhiên là họ không dùng chiếc máy này để gaming làm gì rồi. Bỏ ra một số tiền lớn như vậy cho một chiếc Workstation đồng nghĩa với việc họ rất nghiêm túc cho công việc mình đang làm, chứ không phải mua một chiếc máy to nạc như vậy để về chơi game một cách phù phiếm.
Vậy nếu như giải trí đa phương tiện...?
Còn xét về dạng giải trí như xem phim hay nghe nhạc, đây lại là điều không quá mới mẻ, vì máy nào cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để mà nói về máy trạm di động cho những kiểu giải trí như này, thì chúng lại làm rất tốt, nhất là mảng xem phim, khi Dell được trang bị màn hình IGZO, HP với Dream Color và Lenovo ThinkPad là Dolby Vision. Dù là những máy thuần công việc nhưng không thể phủ nhận những công nghệ mà chúng sở hữu, nhưng tất nhiên là phục vụ cho nhu cầu thiết kế đồ hoạ chính xác về màu sắc.
Thêm vào đó, để mà nhận xét về hệ thống âm thanh được trang bị trên các dòng máy trạm, chúng lại hoạt động rất tốt, nhiều khi là vượt qua cả sự mong đợi của một chiếc máy chuyên làm việc, nên tất nhiên nghe nhạc trên dòng máy này cũng không phải là tệ.
Kết lại, một chiếc máy trạm di động có khả năng giải trí, nếu như người dùng đòi hỏi về khả năng giải trí mà nó mang lại, nhưng đừng vì chúng có thể làm được mà sử dụng sai mục đích mà chúng đề ra. Bởi nếu như bắt chúng phải làm những việc như vậy, chẳng hạn như ép chúng chơi những tựa game nặng, thì những chiếc máy này vốn dĩ đã không được sinh ra rồi. Cũng đừng vì máy trạm có thể chơi game mà lạm dụng cho những hình thức kinh doanh thiếu văn minh.
Bên cạnh đó, ThinkPro kinh doanh những sản phẩm máy trạm di động. Chi tiết tại đây đối với các sản phẩm HP, tại đây đối với sản phẩm Dell và ở đây đối với Lenovo ThinkPad