Coder không nên sử dụng laptop gaming ?
“Gaming laptop có thể thực hiện mọi loại công việc mà bạn cần”, hay đại loại vậy, là những câu marketing vô cùng quen thuộc của rất nhiều hãng phần cứng máy tính hiện nay. Đặc biệt, khi lướt qua vài vòng trên các nhóm Facebook, hay các diễn đàn có tên tuổi, chỉ cần thấy sinh viên học công nghệ thông tin, hay các lập trình viên mới vào nghề có đề cập đến “Lập trình và Chơi game nhẹ nhàng”, lập tức sẽ được các tư vấn viên (tiếng lóng hay gọi là Seeder) điều hướng mua sản phẩm laptop gaming của mình.
Nhưng một lập trình viên, dù còn đang đi học hay mới vào nghề, có cần thiết phải sử dụng laptop gaming để thực hiện những công việc như vậy?
Trước hết là về ngoại hình
Mặc dù những năm gần đây, laptop gaming đang có xu hướng mỏng nhẹ dần đều, nhưng xét về cảm quan ngoại hình, đa phần những dòng máy này vẫn có độ dày khá lớn, hay trọng lượng chưa hoàn toàn được tối ưu. Trọng lượng trung bình của dòng laptop gaming dù phổ thông hay cao cấp, cũng đều rơi vào khoảng 2.2kg, độ dày cũng vào khoảng hơn 2cm, khá lớn nếu như phải di chuyển liên tục. Tất nhiên, nếu lập trình viên đó có thể trụ được khối lượng 2.2kg, hay lúc nào cũng đặt máy ở một chỗ, thì trọng lượng và thiết kế như vậy cũng không gây ảnh hưởng.
Nhưng nếu nhìn sang những dòng laptop doanh nhân, hay laptop multimedia tầm trung đến cao cấp như HP Probook, Dell Latitude, hay thậm chí Macbook Pro, những dòng máy tính này đều có thiết kế mỏng, thậm chí siêu mỏng, những chiếc máy này có tính di động rất cao, không gây khó khăn khi người dùng mang theo bên mình liên tục. Thậm chí có những lúc phải chạy Deadline đột xuất mà không ở nhà, nhưng lại sẵn có một chiếc ultrabook bên cạnh, thì có thể thực hiện trực tiếp công việc của mình.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những ngoại lệ đặc biệt. Đơn cử là chiếc Asus ROG Zephyrus G14, có thiết kế vô cùng mỏng, trọng lượng lại nhẹ nữa, phù hợp để mang đi mang lại, hay một chiếc Razer Blade Stealth 13, vừa tối ưu về kích thước lẫn trọng lượng, lại vừa có ngoại hình bắt mắt.
Về cấu hình
Nếu nói về cấu hình, thì đây hoàn toàn là thế mạnh của laptop gaming. Gần như tất cả các dòng laptop gaming, dù là phổ thông hay cao cấp, đều có cấu hình rất cao. Gần như trên thị trường laptop hiện nay, các laptop gaming đều có cấu hình khởi điểm phải từ CPU Core i5 thế hệ 9, và card đồ hoạ từ GTX 1050 trở lên. Bên cạnh đó, RAM cũng phải tối thiểu là 8GB, nhằm phục vụ cho gaming và các công việc giải trí khác. Nhưng với cấu hình này để mà lập trình, có vẻ sẽ khá thừa thãi trong quá trình sử dụng.
Nếu người dùng đơn thuần chỉ viết code ứng dụng, hay thậm chí chạy giả lập, hay code web back-end, thì một CPU hiệu năng cao sẽ không thể nào phát huy được hết toàn bộ những khả năng của nó. Chưa kể, máy tính sẽ chạy nóng hơn khi sử dụng liên tục, khiến các linh kiện xung quanh trở nên không được bền bỉ và dễ bị xuống cấp.
Nhưng nói vậy cũng không phải là laptop gaming thực sự thừa thãi cho các coder. Ngoài tính giải trí cao, có thể chơi được gần như hết tất cả các tựa game AAA hiện giờ, laptop gaming lại có hệ thống card đồ hoạ, đặc biệt là Nvidia với kiến trúc Pascal và Turing, sẽ giúp lập trình viên chạy những bài test cho AI (Trí tuệ nhân tạo). Dĩ nhiên, AI phải cho học ở trên hệ thống máy tính bàn với cấu hình cực kỳ cao, nhưng để thực hiện những trình test trực quan, có lẽ một chiếc laptop cấu hình cao như những dòng gaming lại rất phù hợp.
Với các dòng laptop doanh nhân, như ThinkPad và Latitude, hay laptop multimedia, đa số cấu hình đều không cao, khi các dòng máy này chủ yếu sử dụng CPU tiết kiệm điện và gần như không có card đồ hoạ. Nhưng đừng lầm tưởng những chiếc máy này có hiệu năng yếu như những dòng laptop phổ thông. CPU của những dòng laptop doanh nhân và multimedia đều được gọt đẽo và lựa chọn kỹ càng những đế bán dẫn (die) tốt nhất sau quá trình “Sillicon Lottery”, nên cho khả năng hoạt động bền bỉ, cùng khả năng xử lý không thua kém gì những CPU hiệu năng cao trên laptop gaming. Đây cũng là một trong những lý do mà các lập trình viên hay trao gửi công việc của mình vào những dòng máy này. Thậm chí, những dòng máy này đều có thể chạy những chương trình giả lập nặng, nhờ CPU đa nhân đa luồng, và các phần mềm ăn RAM như Android Studio cũng đều có thể giải quyết được do những chiếc máy này có khả năng nâng cấp RAM không thua kém gì laptop gaming. Nhưng tuy vậy, việc thiếu đi tuỳ chọn card đồ hoạ trên đa phần dòng máy lại cũng là điểm trừ chết người, hay các dòng máy như ThinkPad P1 và ThinkPad X1 Extreme có thể đáp ứng điều này, thì giá thành lại khá cao.
Về bàn phím và touchpad
Đa số những dòng laptop gaming có một hệ thống bàn phím khá tệ, khi sử dụng liên tục sẽ gây đau nhức các đầu ngón tay, cũng như cổ tay. Chủ yếu những dòng máy này để tối ưu hơn về giá thành, sẽ chấp nhận cắt giảm những bộ phận như bàn phím và touchpad. Bàn phím thường có hành trình khá nông, vào khoảng 0.9 đến 1.2mm, ở các dòng laptop gần đây thì có xu hướng cao hơn, khoảng 1.4mm đến 1.8mm. Những tiến bộ đó có thể ghi nhận trên những chiếc laptop của Lenovo, với IdeaPad Gaming 3, Legion 5 và Legion 7, khi trang bị cho dòng máy này bộ bàn phím gần như là tương tự với ThinkPad. Xét đến touchpad thì cũng không khả quan hơn là bao, khi đa phần đều mang lại cảm giác di rít, không nhạy, nên đa phần người dùng sẽ sử dụng chuột ngoài.
Ngược lại, laptop doanh nhân lại làm điều này rất tốt. Đơn cử xét trên hệ thống bàn phím của ThinkPad, hành trình phím của chiếc máy nào cũng rất sâu, gõ đầm tay, với keycaps bo cong, giảm tối đa việc đau nhức đầu ngón tay khi sử dụng lâu dài. Dòng Elitebook của HP và Latitude của Dell cũng cho cảm giác gõ tương tự, đầm tay và thoải mái khi sử dụng lâu. Touchpad thì xuất sắc hơn hẳn, với hệ thống touchpad phủ sần, ôm tay, trên các sản phẩm HP còn phủ kính. Bên cạnh đó, touchpad được sử dụng driver Windows Precision, cho mức độ chính xác rất cao. Thêm vào đó, các laptop doanh nhân, nhất là ThinkPad, đều có hệ thống trackpoint siêu hữu ích khi điều khiển bằng một tay, cho độ chính xác cao, thao tác tốt, giúp các lập trình viên không bị bấm trật dòng code.
Về giá thành
Đây cũng hoàn toàn là lợi thế của gaming laptop nếu so với laptop doanh nhân ở cùng phân khúc giá. Về cơ bản, các dòng laptop gaming sẽ có cấu hình tốt hơn, thậm chí mạnh hơn rất nhiều so với laptop doanh nhân. Nhưng đổi lại, những máy này sẽ không thể có chất lượng build tốt như những laptop doanh nhân, cũng như thiếu đi những tính năng bảo mật quan trọng, ví dụ như cảm biến vân tay hay các khe khoá bảo mật smartcard.
Tạm kết
Nhìn chung, gaming laptop hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của lập trình viên, và lập trình viên, dù là sinh viên, hay những coder kỳ cựu cũng đều có thể mua được. Tuy vậy, sự thừa thãi về cấu hình, cũng như tính ổn định không cao trong quá trình sử dụng lâu dài là nhược điểm chính mà nhóm đối tượng người dùng này không tập trung vào laptop gaming, vốn ban đầu được sinh ra cho mục đích thuần chơi game. Thêm nữa, trọng lượng và kích cỡ có phần hơi cồng kềnh mà những chiếc laptop gaming đang có cũng là điểm bất tiện cố hữu, khiến các lập trình viên không thực sự hứng thú với dòng máy này, vậy nên, cũng không có gì là sai nếu như nói rằng không nên mua laptop gaming để lập trình. Nhưng đôi lúc có những người lại lựa chọn dòng laptop này thay vì những chiếc laptop doanh nhân mỏng nhẹ thường thấy. Đây cũng một phần là do công việc, bắt buộc phải vậy, nhưng đôi khi cũng là do sở thích của họ.
Kết lại, nếu như chỉ cần một chiếc máy đáp ứng đúng đủ nhu cầu lập trình, cùng tính bảo mật cao, thuận tiện cho di chuyển, thì sử dụng một chiếc laptop doanh nhân, với bộ nhớ ram cao là tốt nhất, nhưng với những người cần một hiệu năng mạnh để thực hiện những công việc lập trình đặc thù, hay vì sở thích cá nhân, laptop gaming lại là một lựa chọn sáng giá.