logo

Đánh giá chi tiết Dell Precision 7550: Không dành cho số đông

Lương Mạnh Hà 17:32, 26/07/2024

Tổng quan thiết kế

Về thiết kế, nếu không phải người chuyên dùng Workstation, thì có lẽ chiếc máy này sẽ rất khó coi, nhất là vào năm 2020. Dell Precision 7550 rất dày, rất nặng. Cụ thể chiếc máy này dày đến gần 3cm và nặng tới 2.5kg (chưa kèm theo củ sạc 180W 400 gram). Đây là một trong những chiếc laptop cục mịch nhất trên thị trường hiện nay. Việc di chuyển thoải mái, mang ra quán cafe làm việc là một việc thực sự khó khăn đối với những người sử dụng Dell Precision 7550. 

Cũng dễ hiểu thôi vì đây là một chiếc Workstation chuyên biệt cho công việc, cũng có thể coi là một chiếc PC di động, cần một sức mạnh thực sự lớn nên máy dày và nặng để phục vụ tốt nhất cho việc nâng cấp phần cứng, tản nhiệt và hiệu năng. Với việc máy dày, Dell đã trang bị tới 4 khe RAM (2 khe RAM trống), 3 khe thẻ SSD NVMe, việc nâng cấp phần cứng trên Dell Precision thực sự rất dễ dàng. 

Về chất liệu và chất lượng hoàn thiện, Dell Precision 7550 là một trong những chiếc máy tốt nhất đến từ Dell, thậm chí chiếc máy này có nhiều nét còn cao cấp hơn cả những chiếc laptop Dell XPS mới nhất. Vỏ ngoài của máy được hoàn thiện hoàn bằng nhôm nguyên khối đi kèm với bộ khung trong được làm hoàn toàn bằng hợp kim magie, Dell Precision 7550 là một chiếc máy thực sự chắc chắn và bền bỉ. Là một chiếc Workstation thuộc phân khúc cao cấp nhất nên hiện tượng flex không hề xuất hiện trên bất cứ thành phần linh kiện nào cả. Đi kèm với đó, bản lề được hoàn thiện rất chắc chắn, đi kèm với những chi tiết như các cổng kết nối, khe tản nhiệt, logo, đèn báo... được hoàn thiện một cách vô cùng tỉ mỉ và công phu. 

Tựu chung lại, xét về tổng quan thiết kế cũng như mức độ hoàn thiện, Dell Precision 7550 đã gần như đạt tiệm cận đến độ hoàn hảo về Workstation. Với người dùng đã quen với những chiếc máy trạm to nạc và cục mịch, mức độ hoàn thiện gần như hoàn hảo trên chiếc laptop Dell này chắc chắn sẽ lấy lòng người dùng ngay từ lần đầu tiên được chạm vào máy. Còn đối với người dùng ưu thích sự mỏng nhẹ, chiếc máy này khó có thể “vừa mắt”.

Hiệu năng - Không cần phải bàn cãi

Phiên bản người viết đang trải nghiệm hiện đang sở hữu sức mạnh của vi xử lý Intel Core i7 - 10750H 6 nhân 12 luồng, xung đơn nhân 2.6GHz có thể turbo boost lên tới 5GHz, đi kèm với card đồ họa NVIDIA Quadro T1000 4GB VRAM, 32GB RAM và 2TB NVMe. Với những thông số phần cứng trên, trên lý thuyết sẽ không có tác vụ nào có thể làm khó được Dell Precision 7550. Thông qua bài test Cinebench R15 với từng đơn nhân và đa nhân, Dell Precision 7550 đem lại kết quả thực sự rất ấn tượng. 

Bài test về hiệu năng đơn nhân cho ra kết quả rất tốt qua 3 lần test: xung đơn nhân trung bình lên tới 4.5 GHz trong bài test, nhiệt độ trung bình cho ra 99 độ C và điện năng tiêu thụ ở mức 30W.

Điểm số đa nhân qua 3 lần test với xung nhịp đa nhân trung bình 3.3GHz, nhiệt độ giữ ở mức rất tốt 57 độ C và mức điện năng tiêu thụ ở con số 49W. Với mức điểm số này, không một tác vụ nào có thể làm khó được Dell Precision 7550.

Bài test tiếp theo là SPECviewperf 13 Results. Người viết cũng đã cho máy chạy phần mềm mềm 3 lần và lần cuối cùng, Dell Precision cho ra kết quả khá ấn tượng. Điểm 3dsmax đạt 95.12, catia đạt 130.35 và maya 109.6, tất cả đều test trên độ phân giải hiển thị màn hình là 1900 x 1060. Có thể nói đây là những điểm số vô cùng ấn tượng, cao hơn gấp đôi so với điểm số trên card đồ họa Quadro P1000. 

Thông qua trải nghiệm thực tế, gần như tất cả những tác vụ liên quan đến đồ họa cũng như multimedia mà người viết thực hiện trên chiếc máy này đều thực hiện một cách vô cùng trơn tru và mượt mà. Với mức giá lên tới hơn 63 triệu đồng, sự giật lag không hề xuất hiện trên Dell Precision 7550. Người viết có thể khẳng định, với những mẫu máy trạm cao cấp nhất như chiếc Precision 7550 này, các bạn có thể yên tâm sử dụng nó trong vòng 5 năm tới bởi cách hoạt động bền bỉ mà những chiếc Workstation này mang lại.

Cụm bàn phím và touchpad: Đỉnh cao của laptop Windows

Cá nhân người viết khẳng định, cụm bàn phím trên Dell Precision 7550 thậm chí còn đem lại cảm giác gõ tốt hơn cả trên XPS 9500 mới nhất. Nếu so sánh riêng với XPS 9500, sẽ rất khó để diễn ra 2 cảm giác gõ khác biệt ra sao. Layout trên cụm bàn phím này được bố trí rất hợp lý, hành trình phím sâu, độ nảy phím rất tốt, tuyệt vời có lẽ là cụm từ đúng nhất để diễn tả cảm giác gõ trên cụm bàn phím của Dell Precision 7550.

Tuy nhiên, cụm bàn phím trên Precision 7550 không phải là không có điểm trừ. Đèn nền không được thực sự sáng, đi kèm với đó là nút nguồn phía cạnh phải không có sự khác biệt về hành trình cũng như độ nảy so với các phím còn lại nên việc bấm nhầm của người viết là thực trạng diễn ra khá nhiều trong quá trình sử dụng.

Touchpad tốt sẽ kéo theo việc trải nghiệm sử dụng thực tế của người dùng được tăng lên đáng kể và Dell Precision 7550 đã làm được điều đó. Đây là một trong những chiếc touchpad trên laptop Windows đỉnh cao nhất trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại. Cảm giác di cực kỳ tốt, khả năng tracking chính xác ngang với Macbook Pro, đi kèm với đó là 3 nút bấm vật lý phía dưới cũng đem lại cảm giác bấm rất tuyệt vời. Nếu chiếc touchpad này to như những chiếc touchpad trên những mẫu XPS mới nhất thì touchpad trên Dell Precision 7550 sẽ là hoàn hảo trên mọi góc độ.

Màn hình - Xuất sắc

Phiên bản người viết đang sở hữu là phiên bản tùy chọn cấu hình trên web nên chiếc Dell Precision 7550 này đang sở hữu tùy chọn màn hình 4K đắt tiền nhất trên web của Dell. Chiếc máy này đang sở hữu màn hình kích thước 15.6 inch, độ phân giải 3840x2160, được phủ thêm 1 lớp chống chói. Và theo công bố của nhà sản xuất, màn hình trên Dell Precision 7550 sở hữu cả 2 giải màu sRGB và Adobe RGB lên tới 100%.

Người viết đã đo thực tế bằng SpyderXElite. Kết quả cho ra đúng như những gì mà nhà sản xuất đã công bố. Giải màu sRGB và Adobe RGB lên tới 100%, giải P3 cũng lên tới 93%, độ sáng khi đo lên tới 480 nits, Delta-E trung bình ở con số 1.4 - đây là những thông số phần cứng thực sự tốt nếu xét trên hệ quy chiếu của laptop Workstation nói riêng và trên toàn bộ thế giới laptop nói chung.

Thông qua trải nghiệm thực tế, màn hình của Dell Precision 7550 có mức độ hiển thị cực kỳ tốt. Dải màu đen sâu, các giải màu khác được đánh lên với mức độ rất nịnh mắt. Không có điểm gì có thể chê được trên màn hình của Dell Precision 7550. Có chăng, viền màn hình dày có lẽ là điểm “không hợp thời” nhất trên chiếc máy này mà thôi. Dell Precision 7550 có thể cân được mọi tác vụ multimedia chuyên nghiệp nhờ sự trợ giúp đắc lực của chiếc màn hình này.

Giao thức kết nối và thời lượng pin

Rất khó để đánh giá thời lượng pin thực sự trên những chiếc laptop đồ họa này vì trên thực tế người dùng sẽ luôn phải cắm điện vào những chiếc máy này khi chạy để đảm bảo hiệu năng một cách tối đa nhất trong quá trình sử dụng và Dell Precision cũng vậy. Người viết luôn phải cắm điện từ lúc bật máy đến khi tắt máy để đảm bảo sức mạnh tối đa nhất khi chiếc máy này chạy. Nhưng với viên pin 95Wh, với những tác vụ văn phòng cơ bản cũng như những tác vụ multimedia bán chuyên nghiệp (chỉnh sửa ảnh, render nhẹ,...) và sử dụng nguồn điện từ pin, Precision 7550 chỉ trụ được tối đa 4 giờ đồng hồ on screen - nếu xét trên hệ quy chiếu Workstation, thời gian sử dụng pin này đạt được ở mức khá.

Dell Precision 7550 được trang bị 2 cổng USB Type-A, 2 cổng USB Type-C, 1 khe thẻ nhớ SD, 1 khe Smart Card (khe này chỉ xuất hiện trên những phiên bản có cấu hình cao cấp), 1 jack cắm tai nghe 3.5mm, 1 HDMI, 1 cổng mini DisplayPort , 1 cổng RJ-45 và 1 cổng sạc. Với số lượng cổng kết nối dồi dào này, người viết không có bất kỳ sự phàn nàn nào liên quan đến những giao thức kết nối trên Dell Precision 7550. 

Tạm kết

Người viết là một người dùng multimedia nên người viết không thể nào sử dụng hết được sức mạnh rất thừa thãi của Dell Precision 7550. Chiếc máy này quá mạnh mẽ đối với mọi tác vụ mà người viết đang sử dụng. Trên thực tế, thị trường hiện nay có khá nhiều mẫu Workstation có thiết kế mỏng nhẹ, ngay cả chính chiếc Precision 5550 của Dell, nhưng kích thước lớn, nặng đem lại một hiệu năng ấn tượng dành cho Precision 7550. Vậy đối tượng người dùng nào nên dùng Dell Precision 7550?

Câu trả lời sẽ là những người cần sự bền bỉ khi hoạt động trong thời gian dài, yếu tố mà những chiếc Workstation mỏng nhẹ không thể nào đảm bảo được cho người dùng trong quá trình sử dụng. Điển hình, những chiếc Workstation to nạc và cục mịch luôn mát hơn rất nhiều so với những chiếc Workstation mỏng nhẹ trong suốt quá trình sử dụng.

Yếu tố thứ 2 chính là sự nâng cấp phần cứng. Cấu hình gần như không bao giờ là đủ với những người sử dụng Workstation chuyên nghiệp và những người dùng đó rất cần một chiếc máy có khả năng nâng cấp mạnh mẽ. Như đã nói trên, với 4 khe cắm RAM và 3 khe thẻ nhớ SSD, người dùng chuyên nghiệp có thể nâng cấp Dell Precision 7550 lên đến 128GB RAM cùng với đó là bộ nhớ trong tối đa lên đến 8TB NVMe, chừng đó mới là đủ đối với những tác vụ Workstation chuyên biệt (thuật toán, AI, dựng mô hình với khối lượng thông tin cực kỳ lớn, làm những project cực kỳ nặng liên quan đến vẽ công trình, thiết kế,...). Nhìn chung, một cỗ máy "cục mịch" luôn có chỗ đứng dành cho nhu cầu chuyên nghiệp, cần sự bền bỉ trong thời gian dài.

Hiện nay, hệ thống cửa hàng ThinkPro đang bày bán rất nhiều tùy chọn cấu hình của Dell Precision 7550. Và nếu có nhu cầu trải nghiệm tận tay những cái tên ở trên; đừng ngại ghé thăm các chi nhánh thuộc hệ thống ThinkPro nhé.