Trên tay Dell Precision 7550: Chắc chắn, bền bỉ nhưng kén chọn người dùng
Precision 7550 là chiếc máy trạm mới nhất gia nhập danh sách sản phẩm của Dell. Trong khi một số nhà sản xuất khác chạy theo xu thế máy trạm mỏng nhẹ, với sự ra mắt ồ ạt của HP ZBook Studio, Create G7, hay Lenovo ThinkPad P1 Gen 3, Precision 7550 lại đi ngược lại với xu thế đó. Dày dặn, chắc chắn, chính là những ấn tượng đầu tiên về cỗ máy trạm mới nhất của Dell.
Thiết kế mang những nét đặc trưng của Dell
Với Precision 7550, Dell không cố gắng thay đổi thiết kế của cỗ máy này so với những phiên bản máy trạm năm ngoái thế hệ trước. Nhìn tổng thể, Precision 7550 không có quá nhiều khác biệt so với chiếc 7540 được ra mắt vào năm ngoái. Vỏ ngoài của cỗ máy này được làm chủ yếu từ nhôm cao cấp, phần nắp máy được phủ một lớp sơn bóng nhẹ màu xám sẫm, hạn chế bám bụi bẩn và vân tay trong quá trình sử dụng hàng ngày.
Precision 7550 là một cỗ máy khá “to nạc”. Máy dày 27.5mm, dày hơn một chút so với phiên bản 7540 trước đó (25.4mm). Với 2.8kg cân nặng, Precision 7550 thậm chí còn nặng hơn so với một số máy trạm 17-inches khác như MSI GE75 (2.6kg) hay HP ZBook Create 17 G7 (2.2kg). Nhưng đây là một đánh đổi hợp lý cho phần đế máy chắc chắn và cứng cáp trên Precision 7550. Chiếc laptop Dell này gần như không có hiện tượng flex ngay cả khi ấn mạnh lên bàn phím, hay đóng mở màn hình mạnh.
Đa dạng cổng kết nối
Precision 7550 sở hữu hệ thống cổng kết nối khá đa dạng, được trang bị ở cả hai cạnh bên và cạnh viền sau màn hình. Precision 7550 hỗ trợ hai cổng xuất hình độc lập, với một cổng HDMI 2.0 và một cổng Mini DisplayPort 1.4. Chiếc laptop này có hai cổng USB Type-A và USB Type-C tích hợp Thunderbolt 3 nằm lần lượt ở hai cạnh phải và trái của máy, tuy nhiên, cổng Thunderbolt 3 trên cỗ máy này lại không hỗ trợ sạc Power Delivery. Cạnh trái: 2 cổng USB Gen 2 3.2 Type-C Thunderbolt 3, Smart card reader. Cạnh phải: Khe thẻ SD, jack cắm tai nghe 3.5mm, 2 cổng USB 3.2 Gen 1 Type-A, khóa noble. Cạnh sau: Cổng sạc, cổng kết nối mạng RJ45, HDMI 2.0, Mini DisplayPort 1.4
Bàn phím thoải mái, trackpad mượt mà
Là một chiếc laptop 15.6-inches nên Precision 7550 sở hữu một bộ bàn phím đầy đủ, với khu vực bàn phím số độc lập, hỗ trợ rất tốt cho những người thường xuyên phải làm việc với những con số. Hành trình phím cũng khá sâu, cảm giác khi gõ phím nảy và thoải mái, không bị mỏi ngay cả khi gõ lâu nhờ phần đệm tay được phủ một lớp chất liệu lỳ mềm mại. Độ rộng của phím khá lớn, người dùng gần như không gặp phải hiện tượng bấm nhầm hay gõ sai phím. Dell trang bị cho Precision 7550 đèn nền phím với hai mức độ sáng, hỗ trợ rất tốt cho những người dùng thường xuyên phải làm việc trong bóng tối hay dưới điều kiện ánh sáng không thuận lợi. Nút nguồn được đặt bên trong bàn phím, người dùng nếu không cẩn thận hoặc chưa quen layout này sẽ dễ bị bấm nhầm trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, có vẻ như Dell cũng nhận biết được vấn đề này và đã thiết kế nút nguồn sâu hơn và nặng hơn so với lực bấm các phím còn lại, làm hạn chế khả năng người dùng bấm nhầm trong quá trình sử dụng.
So với một số mẫu máy laptop đồ họa 15.6-inches khác thì bàn phím của Precision 7550 khá nhỏ (10 x 6.5cm), nhưng đây cũng là điều dễ hiểu khi Dell trang bị thêm hai nút bấm vật lý cho chiếc trackpad này. Cảm giác khi vuốt rất mượt và không bị rít tay ngay cả khi vuốt chậm. Hai nút bấm vật lý có độ phản hồi tốt, phím không bị ồn khi nhấn mạnh. Các thao tác, cử chỉ trên Windows 10 như kéo, thả, vuốt ba ngón, bốn ngón cũng được thực hiện rất mượt mà.
Cấu hình máy trạm mạnh mẽ, khả năng tản nhiệt tốt
Được định hướng là một cỗ máy trạm cao cấp, Precision 7550 được Dell ưu ái trang bị những phần cứng hàng đầu. Chiếc laptop này sở hữu vi xử lý thuộc dòng Comet Lake mới nhất của Intel, i7-10850H với 6 nhân 12 luồng mạnh mẽ, kết hợp với thanh RAM DDR4 32GB có tốc độ bus 2933MHz và card đồ họa NVIDIA Quadro T2000. Với sức mạnh này, Precision 7550 có thể dễ dàng xử lý các tác vụ nặng như xử lý file Excel với lượng dữ liệu lớn. Các công việc đồ họa chuyên nghiệp như dựng hình hay xuất phối cảnh 3D, và cả thiết kế ảnh 2D hay chỉnh sửa video cũng không phải một vấn đề khó khăn đối với Precision 7550.
Khả năng tản nhiệt của 7550 đã được cải thiện rất nhiều so với phiên bản 5540 năm ngoái. Khe tản nhiệt của cỗ máy này chiếm gần một nửa diện tích đáy máy và cạnh phía sau màn hình, hỗ trợ rất tốt cho quá trình tản nhiệt của chiếc laptop này. Khi xử lý các tác vụ như lướt web, gõ văn bản, máy bị nóng nhẹ ở khu vực bàn phím và loa nhưng người dùng không cảm thấy quá khó chịu khi sử dụng. Tuy nhiên, với các tác vụ đòi hỏi nhiều hiệu năng, nhiệt độ của cỗ máy này sẽ tăng lên nhanh chóng, đồng thời, hệ thống quạt cũng sẽ được vận hành để làm mát cho cỗ máy này.
Màn hình sắc nét
Được thiết kế là một cỗ máy trạm hướng tới đối tượng người dùng đồ họa cao cấp, Precision 7550 được trang bị một màn hình sắc nét và có khả năng tái tạo màu rất tốt. Phiên bản mà người viết đang trải nghiệm có độ phân giải FullHD với tấm nền WVA chống chói (anti-glare). Độ sáng màn hình trên Precision 7550 rất ấn tượng, đạt 610 nits, chất lượng hiển thị hầu như không bị ảnh hưởng ngay cả khi người dùng sử dụng ngoài trời hay dưới điều kiện ánh sáng mạnh.
Khả năng tái tạo màu sắc của cỗ máy này cũng rất tốt, đạt 100% sRGB và 88% AdobeRGB, một kết quả mà ít có cỗ máy trạm nào đạt được. Độ lệch màu của Precision 7550 cũng rất thấp, chỉ 1.46 DeltaE. Precision 7550 có thể dễ dàng thỏa mãn ngay cả những nhu cầu khắt khe nhất về màu sắc của người dùng.
Precision 7550 là một cỗ máy trạm hoàn hảo, với chất lượng hoàn thiện tốt, màn hình sắc nét và hiệu năng đồ họa ổn định. Tuy nhiên, với mức giá khi về Việt Nam khá "chát", hơn 60 triệu đồng, Dell Precision 7550 là một cỗ máy khá kén chọn, bởi mức giá này không thể tiếp cận được nhiều đối tượng người dùng.




