logo

Đánh giá chi tiết Lenovo ThinkBook 16 G4 Plus: Làm được, chơi khoẻ, giá lại tốt

Nguyễn Công Minh 19:16, 31/07/2022

Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu có được những sản phẩm có thể vừa làm tốt, vừa chơi khoẻ đang dần có được với nhiều người dùng. Trước đây khi nói tới các tiêu chí này, thường người ta sẽ nghĩ ngay tới laptop gaming, nhưng tới nay thì đó có thể là nhiều dòng sản phẩm khác như ThinkPad X1 Extreme hay thậm chí là ThinkBook - với đại diện là chiếc ThinkBook 16 G4+như người viết đang có ở đây.

Vốn được biết đến với tính đa dụng cao từ những ngày đầu ra mắt, tới nay thì những chiếc laptop Lenovo ThinkBook vẫn liên tục có những tuỳ chọn mới tốt hơn, mạnh hơn. Vậy phiên bản 16-inch này có gì đặc biệt? Nó có thể thoả mãn cả nhu cầu làm việc và giải trí tốt đến đâu? Hãy cùng tìm hiểu trong bài đánh giá chi tiết ngay dưới đây nhé.

Vốn được biết đến với tính đa dụng cao từ những ngày đầu ra mắt, tới nay thì những chiếc ThinkBook vẫn liên tục có những tuỳ chọn mới tốt hơn, mạnh hơn

Đánh giá Lenovo ThinkBook 16 G4+: Thiết kế đúng đặc trưng ThinkBook

Về thiết kế, Lenovo ThinkBook 16 G4+ không khác quá nhiều những sản phẩm ThinkBook trước đây. Chúng ta vẫn sẽ có phần vỏ làm vuông vắn với mặt A chia làm hai mảng màu Xám, đi kèm với biểu tượng Lenovo và chữ ThinkBook nằm ngang. Nếu nhìn qua bên ngoài, không dễ để có ấn tượng gì với ThinkBook 16 G4+ nếu so với các sản phẩm cùng series. Tuy nhiên nếu đối chiếu với các mẫu máy multimedia khác thì lại rất nổi bật, phần vì thương hiệu và phần vì cách trình bày tối giản, đặc trưng.

Là một người chú trọng về thẩm mỹ, người viết sẽ thích hơn nếu ThinkBook 16 G4+ có chút điểm gì đó để giống “multimedia” hơn. Tuy nhiên xét tới việc tới dòng máy cao cấp hơn như X1 Extreme còn chưa có được điều đó, thì việc sản phẩm của chúng ta vẫn chưa được thay đổi cũng chẳng phải điều quá bất ngờ.

Về thiết kế, Lenovo ThinkBook 16 G4+ không khác quá nhiều những sản phẩm ThinkBook trước đây

Độ hoàn thiện của chiếc laptop Lenovo nếu xét ở tầm giá khoảng 29 triệu Đồng cũng có thể được xem là tốt nhất. Vỏ máy làm hoàn toàn bằng kim loại mát lạnh, trừ viền màn hình, với lớp phủ nhám rất vừa, cạnh máy được cắt tinh xảo, các chi tiết nhỏ như viền Diamond Cut ở touchpad và nút nguồn cũng được chăm chút.

Điểm trừ ở đây có chăng sẽ là độ dày của lớp vỏ, có vẻ là chưa được nhiều cho lắm. Gõ thử ở nắp máy và chiếu nghỉ tay thì vẫn có tiếng hơi rỗng, nhấn thử thì nắp sẽ flex nhẹ - nhưng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sử dụng thực tế nếu bạn mang vác ở điều kiện bình thường.

Ở cùng tầm giá, những chiếc laptop thuộc dòng Dell XPS hay MacBook Pro M1 sẽ có độ hoàn thiện nhỉnh hơn. Tuy nhiên chúng đều có kích thước nhỏ hơn so với ThinkBook 16 G4+ (13.3-inch so với 16.0-inch), vậy nên suy cho cùng sản phẩm của chúng ta vẫn đáng được đánh giá cao do cân bằng được giữa kích thước lớn và chất lượng gia công tốt.

Ở cùng tầm giá, những chiếc laptop thuộc dòng Dell XPS hay MacBook Pro M1 sẽ có độ hoàn thiện nhỉnh hơn

Ngoài ra nếu phần vỏ này dày hơn, trọng lượng của máy đã có thể phải vượt quá con số 1,8kg. Với một chiếc laptop có màn hình tới 16.0-inch thì chừng đó cân nặng là khá ổn, củ sạc 100W của máy cũng nhỏ gọn nhẹ nhàng nên không khiến người viết cảm thấy phiền toái khi mang vác.

Cuối cùng, bản lề của máy sẽ là dạng bản lề giữa, tương đối dài và chắc chắn để giữ màn hình máy không bị lung lay. Phần gờ nhô ra ở webcam nhỏ nhưng vẫn đủ để cầm lúc đóng mở màn hình, cảm giác sử dụng mượt mà.

Cuối cùng, bản lề của máy sẽ là dạng bản lề giữa, tương đối dài và chắc chắn để giữ màn hình máy không bị lung lay

Nhìn chung, các bạn làm multimedia mà có nhu cầu di chuyển nhiều sẽ hài lòng với Lenovo ThinkBook 16 G4+ ở tầm giá dưới 30 triệu Đồng. Một chiếc máy với không gian sử dụng thoải mái nhưng vẫn có trọng lượng ổn, chắc chắn và tính thẩm mỹ tạm được - chưa kể nhiều ưu điểm khác sắp được nói, tại sao lại có thể chối từ được chứ?

Cổng kết nối - Đầy đủ về cả số lẫn chất lượng

Về cổng kết nối, Lenovo ThinkBook 16 G4+ có rất nhiều để chúng ta tận dụng. Chúng ta sẽ có 2 cổng USB-A 3.2 Gen1 (cổng bên cạnh trái sẽ là luôn có điện), 1 cổng USB-A 2.0 được ẩn đi, 1 cổng USB-C 3.2 Gen2, 1 cổng Thunderbolt 4, 1 cổng HDMI, cổng LAN RJ-45, khe thẻ SD jack tai nghe 3.5mm combo.

Bên cạnh khe thẻ SD sẽ làm hài lòng các bạn làm ảnh, quay phim, v.v. thì cổng USB-A 2.0 được ẩn đi là một yếu tố mà người viết rất thích. Nó sẽ có một chiếc nắp đậy riêng để bảo vệ, hơi khó mở với các bạn không có móng tay.

Về cổng kết nối, Lenovo ThinkBook 16 G4+ có rất nhiều để chúng ta tận dụng

Với cổng A ẩn đi này, người viết thường để vào đó một chiếc dongle chuột không dây rồi đóng vào để nó không bị mất. Còn có thể có nhiều cách dùng khác với phần cổng bị ẩn này, người viết sẽ cố gắng khám phá thêm trong tương lai.

Màn hình - Toàn diện dưới tầm giá 30 triệu Đồng

Với một chiếc laptop có thể làm multimedia, màn hình chắc chắn là một yếu tố đáng lưu tâm. Tùy chọn ThinkBook 16 G4+ mà người viết đang sử dụng có gần như mọi yếu tố để đứng đầu ở tầm giá 28 triệu Đồng: Độ phân giải 2560 x 1600, kích thước 16.0-inch, tỉ lệ 16:10 cùng độ phủ màu 100% sRGB. Sử dụng máy để xem video YouTube và Netflix, người viết rất thích cách mà màu sắc được tái tạo no mắt trên ThinkBook 16 G4+ nhờ độ phủ màu (100% sRGB) và tương phản đều cao (1200:1).

Tùy chọn ThinkBook 16 G4+ mà người viết đang sử dụng có gần như mọi yếu tố để đứng đầu ở tầm giá 28 triệu Đồng về hiển thị

Độ sáng của màn hình này cũng đạt mức 350 nits, dùng ở môi trường trong nhà gần như không gặp trở ngại gì. Khi ra ngoài thì chúng ta có thêm lớp phủ chống chói trên máy để ngăn hiện tượng phản chiếu, giúp nội dung như chữ, hình ảnh,... hiển thị rõ ràng hơn.

Sử dụng màn hình để chỉnh sửa ảnh, người viết cũng yên tâm khi nó sở hữu độ sai lệch màu DeltaE ở mức thấp. File RAW lên tốt, giúp việc áp preset hay kéo màu được dễ dàng hơn. Các bạn có nhu cầu thiết kế 2D, 3D hay làm màu video gần như có thể không phải lo lắng gì về độ chính xác màu sắc khi sử dụng ThinkBook 16 G4+.

Một yếu tố khác cũng đáng kể tới trên màn hình của 16 G4+ sẽ là tần số quét tối đa lên tới 120Hz, giúp mọi chuyển động từ cuộn trang, di chuột,.. hay chơi game của người dùng hiện ra mượt mà. Máy cũng có phiên bản với tần số quét 60Hz, sẽ phù hợp hơn nếu bạn muốn tiết kiệm một chút và chỉ cần chất lượng màu sắc.

Một yếu tố khác cũng đáng kể tới trên màn hình của 16 G4+ sẽ là tần số quét tối đa lên tới 120Hz

Tựu chung lại, với ThinkBook 16 G4+, chúng ta sẽ có một chiếc màn hình toàn diện, có thể đáp ứng gần như hoàn hảo nhu cầu trải nghiệm cao của người dùng ở tầm giá dưới 30 triệu Đồng.

Phía trên màn hình của ThinkBook 16 G4+ sẽ là cụm webcam HD đi kèm cảm biến sinh trắc Windows Hello, cho phép người dùng để khuôn mặt làm mật khẩu để thuận tiện hơn khi khởi động máy. Cần gạt ThinkShutter vẫn sẽ ở đó để che đi webcam nếu cần, đảm bảo tính bảo mật.

Cần gạt ThinkShutter vẫn sẽ ở đó để che đi webcam nếu cần, đảm bảo tính bảo mật

Bàn phím và Touchpad - Đậm chất ThinkPad

Với dòng ThinkBook thì nhìn chung, phần bàn phím và touchpad của chúng sẽ khá giống dòng IdeaPad. Cảm giác gõ thì không sâu và ôm tay như ThinkPad, nhưng chất lượng xét rộng trên laptop văn phòng nói chung thì vẫn là rất tốt. Cụm phím số vẫn như thường lệ nhỏ hơn một chút về từng phím để dễ phân biệt, và ở dưới chúng ta vẫn sẽ có đèn LED trắng để dễ làm việc hơn khi về đêm.

Với dòng ThinkBook thì nhìn chung, phần bàn phím và touchpad của chúng sẽ khá giống dòng IdeaPad

Cảm biến vân tay sẽ được tích hợp luôn vào nút nguồn ở góc phải trên mặt C. Trải nghiệm sử dụng ổn, dễ dàng, tốc độ nhận diện nhanh.

Touchpad là thứ mà người viết hài lòng nhất trên mặt C của ThinkBook 16 G4+, với cảm giác sử dụng thoải mái đem lại nhờ lớp phủ kính và kích thước to bản. Đây có lẽ cũng là thành phần được nâng cấp đáng kể nhất về trải nghiệm so với IdeaPad.

Cấu hình - RTX 2050 làm gì ở đây?

Về cấu hình, Lenovo ThinkBook 16 G4+ sẽ có đa dạng tuỳ chọn phần cứng để người dùng lựa chọn, nhưng những mẫu máy có CPU lẫn GPU mạnh mẽ như người viết đang có thường sẽ được tin dùng hơn. Chẳng hạn như với sản phẩm hôm nay, chúng ta sẽ có CPU Intel Core i5-12500H 12 nhân 16 luồng, card đồ hoạ NVDIA GeForce RTX 2050 4GB, 16GB RAM LPDDR5-4800MHz 512GB SSD PCIe 4.0, hiện đang được bán với mức giá 28.990.000đ tại hệ thống cửa hàng ThinkPro (giảm 17% từ 31.990.000đ) nếu bạn đọc đặt hàng ngay hôm nay.

Tuy chưa phải cấu hình mạnh nhất, nhưng người viết tin rằng đây lại là tổ hợp tốt nhất để người dùng có thể tiếp cận để làm multimedia, thậm chí là một chút gaming. Lý do vì sao thì hãy cùng đi qua những bài test phía dưới để được biết nhé. Điều kiện test là máy đã ở chế dộ Performance, đồng thời được kích hoạt tối đa quạt qua phần mềm Lenovo Vantage.

review-laptop-Lenovo-ThinkBook-16-G4+-co-tot-khong

Về CPU, i5-12500H là một lựa chọn tương đối phổ biến ở laptop hiệu năng cao tầm giá 25 - 30 triệu Đồng, nhờ sở hữu lượng nhân luồng dồi dào, hiệu năng ổn và phù hợp với các hệ thống mỏng nhẹ. So với i5 thế hệ cũ hay Ryzen 7 5800H - một lựa chọn phổ biến trong tầm tiền từ AMD, i5-12500H vẫn sở hữu các chỉ số từ xung nhịp, điểm đơn nhân và đa nhân nhỉnh hơn.

Về CPU, i5-12500H là một lựa chọn tương đối phổ biến ở laptop hiệu năng cao tầm giá 25 - 30 triệu Đồng

Khi chạy nặng như với bài test Cinebench R23 hay render ảnh RAW từ Adobe Lightroom Classic CC, xung nhịp của i5-12500H cũng được giữ rất ổn (4.3 - 4.5GHz). Điều này hẳn là nhờ cơ chế Thread Director của Intel 12th Gen, khi đã phân bổ để 4 nhân hiệu năng cao của chip được chạy, hết công suất, giúp hiệu năng của nó được đẩy cao.

Trong lúc này, nhiệt độ của con chip sẽ được duy trì tương đối cao, vào khoảng 75 độ C khi chạy đơn nhân và 88 - 93 độ C khi chạy đa nhân. Với một cỗ máy thiên về hiệu suất thì đây là mức nhiệt ở mức tạm chấp nhận được, và con số này với một con chip xung cao hơn nữa như i7-12800H thì hứa hẹn sẽ còn tăng thêm.

review-hieu-nang-lenovo-thinkbook-16-g4+

Điểm đáng chú ý là nhiệt lượng tỏa ra từ linh kiện có thể được cảm nhận khá rõ trên vỏ máy, đặc biệt là ở giựa cụm bàn phím và cả các nút WASD thường được dùng khi giải trí. Đó cũng là một phần lý do khiến người viết cho rằng cấu hình i5-12500H vẫn là lý tưởng nhất với hệ thống này, tạm bỏ qua yếu tố về giá.

Về card đồ họa, tùy chọn ThinkBook 16 G4+ mà người viết đang có sẽ chạy NVIDIA GeForce RTX 2050 4GB - phiên bản card cao nhất của dòng máy. Hẳn với 28 triệu Đồng thì mẫu máy này sẽ khiến nhiều bạn thắc mắc, tại sao nó lại chỉ có một chiếc card với TDP chỉ 45W, băng thông 64-bit và sức mạnh chỉ ngang với MX570 thuộc hàng entry-level.

Về card đồ họa, tùy chọn ThinkBook 16 G4+ mà người viết đang có sẽ chạy NVIDIA GeForce RTX 2050 4GB

Câu trả lời với người viết sẽ bao gồm hai lý do: Một là do máy đã có được phần màn hình rất chất lượng, kích thước lớn cùng một con chip hiệu năng cao đời mới, nên một chiếc card “bình thường” sẽ được chọn để tối ưu chi phí, hai là để đóng góp vào thời lượng pin khi RTX 2050 được chế tạo dựa trên tiến trình 8nm Samsung, vì dù sao ThinkBook 16 G4+ vẫn là một chiếc máy thiên về làm việc lâu bền.

Với các tác vụ đồ họa như chỉnh sửa và render ảnh, video, RTX 2050 cũng có thể tham gia nếu bạn đặt thiết lập phù hợp (ví dụ như Premiere Pro thì là render bằng nhân CUDA). Kết hợp cùng iGPU Intel Iris Xe Graphics, công việc của người dùng vẫn sẽ được hoàn thành một cách nhanh chóng.

Còn về chơi game, RTX 2050 cơ bản vẫn có thể xoay sở được với các game mới hiện nay với đồ họa Trung Bình - Cao. Tuy nhiên chúng ta sẽ nên hạ độ phân giải xuống 1920 x 1200 thay vì để thiết lập gốc 2560 x 1600. Nếu muốn sử dụng Ray Tracing, bật thêm DLSS 2.0 sẽ là điều gần như bắt buộc để game thủ có được trải nghiệm tốt nhất.

ThinkBook-16-G4+-review-danh-gia lenovo-thinkbook-16-g4-plus-co-choi-game-duoc-khong

Về nhiệt độ, RTX 2050 của máy thường sẽ chạy ở 80 - 85 độ C lúc này. Điều này cũng đóng góp vào lượng nhiệt tỏa lên vỏ máy. Nhìn chung thì chúng ta vẫn nên điều tiết mục đích sử dụng máy sao cho phù hợp, tránh ảnh hưởng tới tuổi thọ linh kiện.

Dưới đây là một số kết quả benchmark người viết có được với cấu hình của Lenovo ThinkBook 16 G4+. Bạn đọc có thể sử dụng để tham khảo hoặc đối chiếu nếu cần.

Hệ thống âm thanh - Chất lượng

Với các sản phẩm Lenovo nói chung và ThinkBook nói riêng, chúng ta sẽ luôn có được hệ thống âm thanh chất lượng với sự có mặt của các thương hiệu, công nghệ lớn. Lenovo ThinkBook 16 G4+ sở hữu cặp loa Dolby Audio với âm lượng khá lớn, ở mức tối đa có thể lấp tương đối đầy một phòng làm việc tiêu chuẩn.

Âm thanh Lenovo ThinkBook 16 G4+

Khi chơi Shadow of the Tomb Raider và nghe thử với loa này, âm thanh của đất đá và tiếng của Lara tách bạch rõ ràng, hơi chói một chút nhưng không ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm.

Khả năng nâng cấp và thời lượng pin

Với Lenovo ThinkBook 16 G4+, chúng ta sẽ có thể lắp thêm một SSD PCIe 4.0 vào khe SSD còn trống bên trong máy. Đó cũng là tất cả những gì mà chúng ta có thể nâng cấp ở sản phẩm này. Còn xét tới pin, sản phẩm của chúng ta có viên pin với dung lượng 71Wh, trung bình sẽ dùng được vào khoảng 4-5 tiếng với độ sáng 50% cùng các tác vụ văn phòng - không hề tồi với một sản phẩm hoạt động có cả card rời.

Nếu cần tiếp sức nhanh chóng để trở lại công việc, viên pin này cũng hỗ trợ cho bạn với khả năng sạc nhanh Rapid Charge lên 50% sau 30 phút.

Lenovo ThinkBook 16 G4+ có tốt không?

Về cơ bản, đó là những gì mà ThinkPro muốn chia sẻ về Lenovo ThinkBook 16 G4+ - cánh tay đắc lực với người dùng có nhu cầu multimedia kiêm giải trí chất lượng cao. Hi vọng qua những đánh giá ở trên thì bạn đọc sẽ có thêm những cơ sở cần thiết để chọn được chiếc máy cho riêng mình. Và nếu có nhu cầu tìm mua Lenovo ThinkBook 16 G4+ với mức giá tốt nhất, đừng ngần ngại ghé qua các cửa hàng Dạo Bước Công Nghệ của ThinkPro trên toàn quốc. Đặc biệt khi ở đây còn đang có khoảng thời gian đặc biệt cho các sản phẩm laptop Lenovo, đem lại những ưu đãi tốt nhất dành cho các sản phẩm của hãng tới tay khách hàng.