Đánh giá chi tiết MacBook Pro 16 2021 (M1 Pro): Dẫn đầu xu thế làm việc chuyên nghiệp!
Còn nhớ khi Apple lần đầu đem kích thước 16-inch lên MacBook với phiên bản Pro 16 2019, người viết đã từng đánh giá đó là “chiếc MacBook của sự lắng nghe”. Nói như vậy là vì khi đó, sản phẩm này chính xác là một màn “sửa sai” nhanh chóng cho (những) chiếc MacBook Pro 15-inch đầy rẫy lỗi lầm trải dài từ CPU, màn hình cho tới bàn phím. Năm nay, kích thước 16-inch đã trở lại, nhưng lần này là với vị thế và vai trò hoàn toàn khác. Được tạo nên từ nhiều đặc điểm từ cổ chí kim của dòng máy; MacBook Pro 16 2021 đến đây để dẫn đầu xu thế làm việc chuyên nghiệp với con chip Apple Silicon - đúng như ý nghĩa của hậu tố “Pro” trong tên con chip M1 Pro nó mang trên mình.
Tuy nhiên, là thế hệ đầu tiên của xu thế mới, sản phẩm này cũng mang trên mình những sự đánh đổi - ít nhất khi so với MacBook Pro mà chúng ta vẫn có trước giờ. Nhưng nếu có thể chấp nhận chúng, những gì đang chờ đón bạn phía trước sẽ là một trong những trải nghiệm toàn diện nhất từng có trên laptop Apple từ trước tới nay.
Thiết kế - Vượt qua nỗi “ám ảnh” về độ mỏng
Khi lần đầu nhìn thấy dáng vẻ cục mịch, vuông vắn của MacBook Pro 16 2021, cảm giác đầu tiên mà người viết thấy được là sự hoài niệm - tựa hồ đang trên tay một sản phẩm của 2015 trở về trước. Có vẻ nhà Táo cuối cùng cũng đã vượt qua “ám ảnh” về sự mỏng nhẹ, và chịu đánh đổi nó cho những giá trị thực sự cần thiết. Đầu tiên, máy dày hơn đồng nghĩa với nhiều không gian hơn để tản nhiệt cho con chip M1 Pro siêu mạnh - sẽ được nói kỹ hơn ở phần sau. Ngoài ra, thân hình dày bản cũng cho phép MacBook Pro 16 2021 mang trở lại hàng loạt kết nối quen thuộc: Khe thẻ SDXC, cổng HDMI và cả kết nối MagSafe huyền thoại - được tăng cường về công suất điện truyền dẫn và có vẻ là cả lực hút của nam châm nữa.
Những sự bổ sung này tuy không phải mới mẻ, nhưng chắc chắn là rất cần thiết để người dùng có được trải nghiệm làm việc tốt nhất. Đặc biệt nếu bạn cũng như người viết, làm các tác vụ multimedia như quay chụp, thiết kế,... thường xuyên dùng tới màn hình rời, thẻ SD, máy chiếu, v.v. Bạn đã quá chán với việc phải mua hub chuyển cho MacBook - vừa tốn tiền lại nhiều khi bất tiện? Mọi sự ưu phiền đó đã chính thức tan biến với MacBook Pro 16 2021.
Tuy nhiên bù lại, tổng thể máy sẽ nặng tới 2.2kg - nhỉnh hơn tương đối so với con số dưới 2.0kg mà ta vẫn thấy trên MacBook Pro 15 hay thậm chí là Pro 16 đời đầu. Tuỳ từng người mà điều này sẽ tác động ít nhiều, và để có được cái nhìn tốt nhất thì bạn có thể tới các đơn vị sẵn hàng - ví dụ như ThinkPro - để tự mình trải nghiệm nhé. Một điểm thú vị khác là dù máy nhìn ngoài rất dày, nhưng khi so sánh kĩ thì nó vẫn mỏng hơn MacBook Pro 15 Mid 2015 trước kia.
Nhìn vào tới bên trong, chúng ta còn có thể thấy được một vài đặc điểm lạ lẫm khác; điển hình như sự xuất hiện của màn hình tai thỏ và biến mất của TouchBar - thay vào đó là một hàng phím chức năng cứng. Về ảnh hưởng của chúng thì hãy chờ đến phần sau để bàn thêm, nhưng nói nhỏ trước một chút để bạn đọc có thể yên tâm: Tất cả đều rất tích cực!
Cuối cùng thì về độ hoàn thiện, người viết để ở sau cùng vì mọi thứ vẫn vậy: Chỉn chu, cao cấp tới từng chi tiết nhỏ nhất. Lớp vỏ Nhôm của máy tỏ ra cực kỳ cứng cáp và tinh xảo, cho cảm giác chạm và cầm nắm là cực kỳ yên tâm và dễ chịu do không bám mồ hôi và vân tay. Với MacBook Pro 16 2021, người viết rất thích cách mà nhà Táo hoàn thiện các góc bo cong: Rất mềm mại, đem lại cảm giác hài hoà và giảm đi đáng kể vẻ “thô kệch” do dáng hình vuông vắn tạo nên.
Màn hình - Đây là Pro Display XDR thu nhỏ sao?
Nói đến màn hình của MacBook Pro mới thì chắc hẳn, thứ mà nhiều người tò mò và chú ý nhất sẽ là phần “tai thỏ” được đem từ iPhone qua. Nhưng khi dùng máy đủ lâu thì thú thực, bạn rồi sẽ sớm chẳng còn nhận ra sự hiện diện của nó nữa đâu. Phần vì đây là màn hình có kích thước lên tới 16-inch, quá lớn để chiếc tai thỏ nhỏ bé có thể cản trở trải nghiệm. Phần vì khi phóng lớn cửa sổ ứng dụng, khu vực này sẽ “ẩn mình” vào phần Menu Bar để cho ra một phần viền đen - tính ra cũng chẳng quá dày.
Để làm được điều này, cũng phải nhờ tới việc tấm nền mà MacBook Pro 16 2021 sử dụng sẽ là mini-LED - với khả năng tái tạo màu Đen cực sâu, gần như trùng tuyêt đối với phần viền thực tế. Khi đặt cạnh MacBook đời cũ sử dụng tấm nền IPS LCD, ví dụ ngay phiên bản Pro 16 đầu tiên, sự khác biệt cũng có thể thấy rõ: Màu của bản mới hiển thị sâu hơn, hút mắt hơn và các vùng chuyển tiếp màu cũng được làm tốt hơn.
Kể cũng không sai nếu như cho rằng, màn hình của MacBook Pro 14 / 16-inch đời mới chính là phiên bản thu nhỏ của Pro Display XDR đắt tiền. Bên cạnh các thông số màu sắc ấn tượng như đã đo thử dưới đây, độ sáng mà máy sở hữu cũng ở mức cực kỳ cao - trung bình 500 nits khi sử dụng thông thường và tối đa 1600 nits với nội dung HDR. So với đa phần laptop trên thị trường, 500 nits đã là con số rất tốt rồi, và dù người viết có ngồi trong phòng hay ra ngoài trời thì máy vẫn hiển thị được nội dung rõ ràng - không hề gặp hiện tượng giảm sáng nhẹ như trên các máy đời cũ.
Một chi tiết nữa cũng cần nói tới trên MacBook Pro 16 2021 chính là tần số quét 120Hz - đem lại độ mượt cao khi chúng ta cuộn trang, di chuyển con trỏ hay kéo thả cửa sổ ứng dụng. Còn khi chơi game thì mọi thứ còn tùy vào mức khung hình mà bạn đang có, vì đó sẽ là căn cứ để công nghệ ProMotion tự động điều chỉnh tần số quét. Mặc dù không phải 120Hz liên tục như người viết hay trải nghiệm trên laptop gaming cá nhân, nhưng trải nghiệm mà MacBook Pro 16 cùng ProMotion cho ra cũng là không tệ.
Cuối cùng, về độ phân giải và mật độ điểm ảnh, chúng ta sẽ có được các con số lần lượt là 3456 x 2234 và 254ppi - vừa đủ để đảm bảo “chuẩn” Retina mịn mượt, sắc nét do chính Apple đặt ra. Nhìn chung, trải nghiệm trên màn hình của MacBook Pro 16 2021 vẫn là tuyệt hảo, nếu có tiếc nuối điều gì thì có lẽ sẽ là sự vắng mặt của FaceID - dù chúng ta có cả một phần tai thỏ để có thể tính tới điều này.
Bàn phím, loa và touchpad - Vẫn duy trì đẳng cấp
Kể từ khi Apple quyết định sử dụng trở lại bàn phím cắt kéo thay cho cánh bướm, chúng ta đã rất lâu rồi không còn phải lo lắng về trải nghiệm nhập liệu trên MacBook nữa. Với phiên bản Pro 16 2021 cũng vậy, người dùng sẽ có một cụm phím với kích thước to bản, hành trình gõ sâu và tương đối đầm tay, làm việc trong thời gian dài vẫn thoải mái. Về hàng phím chức năng thay thế cho TouchBar, chúng đã được làm to ngang với phím chữ và số thay vì dẹt đi như trước. Đây là một điểm rất đươc lòng người viết vì giờ đây, các biểu tượng đã có thể được nhìn rõ hơn, bấm cũng đỡ bị nhầm, rất tiện khi cần thao tác nhanh.
Bên góc phải trên sẽ là nút nguồn kiêm cảm biến vân tay, được làm cứng hơn một chút để người dùng tránh bấm nhầm. Vùng sử dụng để nhận diện vân tay sẽ hơi lõm xuống, tốc độ thì vẫn nhanh nhạy như thường lệ.
Hai bên cụm phím sẽ là đôi loa với tương đối lớn, không chỉ về kích thước mà còn là cả âm lượng cũng như cường độ bass. Dải mid cho ra khá ấm, thể hiện qua chất giọng của Adele trong Set Fire to the Rain hay When We Were Young, và so với chiếc MacBook Air M1 trước đây người viết từng dùng thì nó tốt hơn đáng kể. Nhìn chung thì so với laptop nói chung, loa của MacBook luôn là một ngoại lệ để tin tưởng sử dụng trong nhiều trường hợp.
Touchpad của MacBook thì có lẽ cũng không cần phải bàn nhiều về chất lượng, khi nó từ lâu đã luôn được đặt làm tiêu chuẩn để nhiều mẫu laptop khác “học tập”. Với MacBook Pro nói chung thì khu vực này luôn to bản và được phủ kính mịn mượt, sử dụng rất thích tay. Cảm ứng lực Haptic Touch thì vẫn làm việc hiệu quả, tái tạo lực nhấn chuẩn xác mà không cần chúng ta ấn mạnh xuống, dễ gây ra những tổn hại vật lý.
Hiệu năng - Nhanh, mạnh, yên tĩnh!
Với chiếc MacBook Pro 16 2021 mà người viết đang trải nghiệm, sẽ hơi đặc biệt một chút là nó đang dùng con chip M1 Pro thay vì M1 Max như nhiều bài đánh giá khác. Nghe thì có vẻ thiệt thòi và ít đáng để lưu tâm hơn, nhưng với việc mức giá của hai tùy chọn đang chênh nhau tới 30 triệu Đồng thì mọi thứ lại rẽ theo chiều hướng khác. Công tâm mà nói thì với nhu cầu công việc hiện tại, người viết cũng chưa thực sự có thể khai thác hết sức mạnh của M1 Pro. Nên là bên cạnh trải nghiệm cá nhân, bài viết sẽ còn có thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn để cung cấp cho góc nhìn đa chiều nhất.
Với công việc chụp và chỉnh sửa ảnh để làm bài viết; người viết sẽ thường xuyên phải sử dụng Adobe Lightroom Classic CC, đôi khi sẽ là Photoshop CC. Khi dùng Lightroom thì M1 Pro đem lại trải nghiệm cực kỳ nhanh nhạy, khi mọi thao tác từ import, preview hay áp filter màu vào ảnh đều được thực hiện cực kỳ nhanh chóng. Thử nghiệm thêm với một folder ảnh gốc chụp thể thao (khoảng 700 file RAW), mọi thứ cũng chỉ mất khoảng 1.5 - 2 phút là xong xuôi.
Đây là tốc độ mà chiếc laptop cũ MacBook Air M1 của người viết rất hiếm khi đạt tới, thường sẽ mất khoảng 2 - 2.5 phút. Cũng là so sánh với MacBook Air M1 thì khi xuất ảnh, trung bình thời gian MacBook Pro 16 2021 tiêu tốn sẽ chỉ bằng 60 - 70% tùy số lượng. Đây hứa hẹn sẽ là điểm cộng lớn với người dùng chuyên nghiệp như phóng viên, nhà báo, v.v ; thường sẽ có nhiều phải làm ảnh gấp để lên tin bài cho kịp tiến độ.
Chỉnh sửa video cũng là một điểm mạnh trên MacBook Pro 16 2021, không chỉ nhờ sức mạnh con chip mà còn là cả sự tối ưu của các công cụ hỗ trợ. Với nhu cầu làm việc chỉ với source quay FullHD, hiệu ứng và chèn chữ đơn giản bằng Final Cut Pro; người viết chắc chắn sẽ không thể ép M1 Pro hoạt động đủ nhiều để làm ví dụ cho bài viết. Theo tham khảo từ những đánh giá bên ngoài, có vẻ dân làm việc đa nhiệm rất thích những gì con chip này có thể làm. Chẳng hạn như khi đang render project 4K, họ còn có thể xoay sang dùng song song các công cụ khác để làm thumbnail, hiệu ứng,... Nghe rất tuyệt phải không nào?
Trong toàn bộ quá trình chạy nặng như render, chạy máy ảo,.., chúng ta nhiều khi có thể dễ dàng quên mất MacBook Pro 16 2021 có quạt tản nhiệt. Đơn giản vì những lúc đó tiếng quạt gần như là không thấy, và hẳn đây sẽ là điểm mà người dùng Pro 16 đời đầu cực kỳ ao ước. Khi thử xuất nguyên một album gần 300 ảnh thể thao không nén dung lượng, người viết phải ghé khá sát tai vào thì mới nghe được một chút tiếng. Nhiệt lượng cảm nhận được qua vỏ Nhôm cũng là cực kỳ ít, gần như không đáng kể.
Nếu có một điểm gì khiến người viết băn khoăn về trải nghiệm sử dụng MacBook Pro 16 2021 thì có lẽ, phần nhiều trong số chúng sẽ đến từ phần mềm. Mặc dù đã có rất nhiều công cụ quan trọng tương thích với con chip Apple Silicon, nhưng vẫn có những cái tên phổ biến lại chưa đạt được sự tối ưu như Adobe Premiere Pro (tốc độ render còn chậm) hay Microsoft Office (không thể dùng được một số lệnh trong Word và Excel). Bỏ ra đến gần 60 triệu Đồng nhưng đổi lại một trải nghiệm chưa hoàn thiện, đó hẳn sẽ là điều chẳng ai mong muốn. Vậy nên trừ khi đã hiểu rõ macOS, còn lại thì hãy cứ tham khảo thật kỹ về những phần mềm sẽ dùng trước khi “xuống tiền” nhé.
Thời lượng pin - Lâu bền đáng kinh ngạc
Với viên pin dung lượng lên tới 100Wh, MacBook Pro 16 2021 theo thử nghiệm của người viết ở độ sáng 70% cùng chế độ pin mặc định thì sẽ dùng được khoảng 10 - 11 tiếng liên tục. Còn khi cắm thêm một màn hình di động lấy điện qua cổng Thunderbolt 4, con số này sẽ rút xuống còn cỡ 7-8 tiếng, vẫn vừa vặn cho một ngày làm việc. Với phiên bản Pro 16 2021 chạy M1 Max thì với cùng điều kiện sử dụng, các mốc thời gian so với bên trên có thể giảm đi từ 2-3 tiếng. Nhưng đổi lại thì chúng ta sẽ có được thêm nhiều sức mạnh xử lý, chưa kể là cả một chế độ riêng với tên gọi “High Power” để đẩy hiệu suất phần cứng lên cao nữa.
Kết luận
Nhìn chung, mặc dù không dành cho tất cả mọi người, nhưng những ai đã chọn tin tưởng MacBook Pro 16 M1 Pro hay MacBook Pro 16 M1 Max - chắc chắn sẽ không phải thất vọng về những gì cỗ máy này có thể đem lại. Với người viết, đây có thể xem là một bước ngoặt lớn với dòng Pro, khi nó đã có thể phá bỏ rất nhiều giới hạn từ tản nhiệt, xung nhịp,.. để thực sự đem lại một trải nghiệm thoả mãn tối đa cho người dùng - đúng những gì mà MacBook Air M1 đã làm được cách đây hơn một năm.
Bạn muốn một trải nghiệm làm việc đáng tới từng xu - đặc biệt là các công việc liên quan tới multimedia như thiết kế hình ảnh, dựng video, v.v ? Bạn cần sức mạnh gần như không giới hạn (tính tới thời điểm bài viết được đăng) để xử lý công việc một cách nhanh gọn nhất? Chắc chắn những sản phẩm MacBook Pro mới chạy M1 Pro và M1 Max - như chiếc MacBook Pro 16 2021 này - là không nên bị bỏ qua.
Hiện tại, các sản phẩm MacBook Pro sử dụng chip M1 Pro và M1 Max đều đang sẵn hàng tại ThinkPro, đi kèm khuyến mại giảm trực tiếp 2.000.000đ vào giá bán (Chỉ từ 50.490.000đ) áp dụng từ 11/2 đến hết ngày 28/2.
Ngoài ra, ThinkPro đang phân phối chính hãng các sản phẩm của Apple như Macbook Air 2020, MacBook Air 2022 M2, Macbook Air 2023, Macbook Air M1 2020, Macbook Pro 16 M1,...
Quý khách cũng có thể liên hệ đặt hàng trực tiếp tại trang sản phẩm trên ThinkPro, Hotline 1900.63.3579 hoặc Fanpage ThinkPro - Hệ thống Máy tính và Phụ kiện, Telegram Pro Community và Zalo ThinkPro để được tư vấn miễn phí. Quý khách cũng có thể ghé thăm các Showroom Dạo Bước Công Nghệ của ThinkPro trên toàn quốc để trải nghiệm sản phẩm trực tiếp nếu có nhu cầu.
---------------------------
ThinkPro là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.