logo

Đánh giá chi tiết ThinkBook 14: Một chiếc ThinkPad “giá mềm”

Bùi Quang Thành 00:00, 27/01/2021

ThinkPad, một thương hiệu vô cùng nổi tiếng trong giới laptop doanh nhân, luôn được ưa chuộng bởi thiết kế bền bỉ, chắc chắn, cùng hệ thống bàn phím tuyệt vời của mình. Tuy nhiên mức giá của chúng quá cao so với đại đa số người dung. Vậy nên để có thể đem những công nghệ tiên tiến nhất, cùng khả năng bảo mật doanh nghiệp tốt nhất đến cho cả lớp người dùng phổ thông, Lenovo đã tạo ra dòng máy tính với cái tên rất kêu – “ThinkBook”.

Mặc dù đã ra mắt được hơn 1 năm, nhưng ThinkBook vẫn không được nhiều người biết đến, bởi hễ cứ nhắc đến dòng Think của Lenovo, người dùng chỉ có thể nghĩ ngay tới ThinkPad. ThinkPad vẫn là một cái bóng quá lớn đối với chính ThinkBook ở thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, mức giá và cấu hình không quá khác biệt với các dòng IdeaPad của chính Lenovo, vốn là dòng phổ thông với thiết kế bắt mắt hơn, cũng khiến ThinkBook gặp đôi chút khó nhằn.

Phiên bản được đánh giá ở đây là ThinkBook 14 IIL, với màn hình 14 inches. Ngoài ra ThinkBook còn có các dòng 13.3 inches và 15.6 inches, phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau. Chiếc ThinkBook 14 IIL này có cấu hình ở mức rất cơ bản, CPU Ice Lake Core i3 1005G1 với 2 nhân 4 luồng, RAM 4GB bus 2666 và SSD 512GB. Đây có thể nói là cấu hình hơi có phần lỗi thời ở thời điểm hiện tại, nhưng xét trên nền các tác vụ văn phòng hay học tập vừa phải, đây lại là cấu hình rất đỗi phù hợp.

Thiết kế

Lần đầu khi cầm chiếc máy này, mình đã phải thốt lên “Đây chẳng phải là một chiếc ThinkPad sao?”. Đúng vậy, thiết kế của chiếc máy được làm vuông vức, có những điểm vát cong nhẹ, trông giống với đa số những chiếc ThinkPad thường thấy. Chưa hết, các cổng kết nối được bố trí đều đặn, dàn xung quanh hai bên cũng càng khiến người ta phải liên tưởng ngay đến những chiếc ThinkPad phiên bản đặc biệt.

Máy có kích thước ở mức vừa phải, nếu so với phiên bản ThinkBook 14 tiền nhiệm cách đây 1 năm, chiếc máy này lại không quá khác biệt trong thiết kế. Vẫn là lớp vỏ nhôm nguyên khối mịn màng, sáng bóng, vô cùng bắt mắt. Mặt lưng máy trơn, với logo Lenovo được điểm ở mép phải, khá giống với những chiếc IdeaPad, còn logo ThinkBook nằm chễm trệ trên góc trái, trông có phần hơi...kém sang.

Tuy nhiên khi mở nắp máy lên, ThinkBook 14 lại cho cảm giác rất khác. Toàn bộ phần kê tay láng mịnh, với dòng chữ Lenovo được in trên góc phải. Nút nguồn được đặt sát với màn hình, trông tạo hình chẳng khác gì những chiếc ThinkPad là bao. Nút nguồn này còn được tích hợp cảm biến vân tay một chạm siêu nhạy, thậm chí hơn cả TouchID mà MacBook đang sở hữu. Có vẻ Lenovo đã khéo léo học hỏi Dell kiểu tích hợp này.

Viền màn hình mỏng, rất mỏng. Hiếm có chiếc laptop phổ thông nào có thể sở hữu viền màn hình như chiếc máy này. Thậm chí viền màn hình của máy còn mỏng hơn cả người an hem ThinkPad E14, hay chiếc HP Probook 440 G7 mới ra mắt đầu năm nay. Bản lề máy được thiết kế một cụm liền khối, tựa những chiếc Dell XPS, hay những chiếc IdeaPad của hãng. Khe tản nhiệt, tất nhiên được đặt ngay sát cụm bản lề. Có vẻ như kiểu thiết kế được pha trộn giữa ThinkPad và IdeaPad đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trẻ trung, bắt mắt như vậy. Tất nhiên, viền máy lại được làm đen thay vì xám bạc khiến cho tone màu hơi bị lệch đôi chút.

Màn hình

ThinkBook nói chung và ThinkBook 14 nói riêng không được thừa hưởng quá nhiều lựa chọn màn hình. Máy chỉ có duy nhất 2 tuỳ chọn màn Full HD với tấm nền hoặc TN, hoặc IPS, cả hai đều được phủ lớp chống chói quen thuộc thường thấy.

Chiếc máy được đánh giá này sử dụng màn hình Full HD 14 inches với tấm nền TN. Phải rồi, 2020 mà vẫn sử dụng TN thì chẳng phải là quá tệ hay sao? Nhưng không, đây vẫn là một tấm màn hình rất tốt, với độ phủ màu sắc khiến cho ai nhìn vào nó cũng phải ngạc nhiên. Màn hình có độ phủ màu 66% sRGB và 49% AdobeRGB. Đây là mức điểm số thậm chí còn trội hơn cả những tấm màn hình IPS hiện nay trên những chiếc laptop tới từ Asus (với dòng Vivobook S14) và Dell Inspiron 5000, không những thế còn vượt qua cả màn hình ThinkPad.

Việc sử dụng màn hình TN cũng mang lại cái lợi rất lớn, đó chính là khả năng tiêu thụ điện năng thấp, khiến những chiếc laptop phổ thông có thể sử dụng được lâu dài. Thêm vào đó, tấm màn hình này còn cho thời gian phản hồi cực nhanh, phù hợp cho những ai muốn giải trí bằng những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất. Đây cũng là lý do vì sao mà trên thị trường, màn hình gaming có nhiều tuỳ chọn sử dụng tấm nền TN như vậy.

Tất nhiên, đây cũng là tấm màn hình tai tiếng nhất. Đây là tấm màn hình có góc nhìn hẹp, vậy nên khi nhìn từ mọi góc độ khác nhau, sẽ trả về những màu sắc khác nhau, màu sẽ nhạt đi khi người dùng không nhìn trực diện. Thêm vào đó, do độ tương phản thấp (450:1), màu sắc chiếc máy rất nhợt nhạt, khá khó chịu cho những ai sử dụng để làm ảnh. Mức độ sai lệch màu sắc cũng là điểm trừ cố hữu của chiếc màn hình này, khi DeltaE lên tận 13.15. Chưa kể, tiêu thụ điện thấp cũng khiến tấm màn hình này có độ sáng không được cao, nhưng điểm này không hoàn toàn đáng chê trách khi có thể giúp người dùng làm việc trong đêm mà không gây hại tới mắt.

Khả năng nâng cấp, bảo trì

Do sử dụng nhôm nguyên khối cho thiết kế của mình, ThinkBook 14 có phần hơi khó tháo một chút, nên cần phải có dụng cụ tháo lắp đi kèm. Cách bố trí linh kiện bên trong cũng không khác biệt nhiều so với thế hệ trước, với thỏi pin chữ L xếp cạnh khay 2.5mm và RAM được đặt trong miếng thép bảo vệ. Ống đồng tản nhiệt hơi mỏng một chút, nhưng với cấu hình Core i3 đang được đánh giá lại khá ổn.

Về khả năng nâng cấp, máy được trang bị sẵn một khay 2.5mm như đã nói ở trên, cho khả năng nâng cấp tối ưu về dung lượng lưu trữ. Người dùng có thể lắp SSD hoặc HDD vào đó tuỳ vào tài chính, nhưng với một chiếc máy đã trang bị sẵn một SSD NVMe 512GB, lắp thêm HDD có vẻ hợp lý hơn. Máy được trang bị duy nhất 1 khe RAM, nên chỉ có thể chạy Single Channel, tuy nhiên lại hỗ trợ tới 32GB RAM với Bus 3200MHz, hơn hẳn so với những laptop cùng tầm giá. Card Wi-Fi có thể thay thế được, nên người dùng có thể thay sang Wi-Fi 6 nếu như có Rounter hỗ trợ.

Bàn phím và Touchpad

Thoạt nhìn, chiếc máy sở hữu bộ layout phím giống hệt với những chiếc ThinkPad, tuy nhiên hệ thống phím chức năng, cũng như màu sắc lại khác hẳn. Thêm nữa, bàn phím này được làm phẳng, không ôm tay như những chiếc ThinkPad hay IdeaPad dòng mới. Hành trình phím ở mức trung bình khá, khoảng 1.4nm, hơi ngắn so với những chiếc IdeaPad, nhưng tuy nhiên lại cho phản hồi cực kỳ tốt. Trong quá trình sử dụng, mình không thấy hiện tượng delay nào cả, thậm chí còn nhạy hơn cả bàn phím True Strike trên Lenovo Legion 5. Rất tiếc phiên bản được đánh giá này lại không có LED phím, hơi khó sử dụng trong đêm.

TouchPad của máy cũng dừng ở mức vừa phải. Do là sản phẩm tầm thấp, touchpad không được trang bị Driver Precision của Windows, vậy nên không có hệ thống cử chỉ như những dòng máy tính cao cấp. Mặc dù vậy, touchpad vẫn cho mức độ di rất mượt. Đây không phải là touchpad quá to, tuy nhiên lại cho phản hồi tốt. Touchpad nhìn giống như được phủ một lớp kính, tuy nhiền lại chỉ là một lớp nhựa trong, nhưng vẫn cho khả năng bám tay tốt, không bị rít khi sử dụng. Có thể nói touchpad này còn tốt hơn hẳn so với touchpad của những chiếc Inspiron 7000 của Dell.

Tuy nhiên, chiếc máy vẫn thiếu đi nét đặc trưng thường thấy của dòng laptop ThinkPad, đó chính là TrackPoint đỏ quen thuộc, nên sẽ không thể thực hiện những thao tác sử dụng chuột bằng một tay.

Cổng kết nối

Hơi ngạc nhiên khi chiếc máy này lại có dày đặc hệ thống cổng kết nối đến vậy. Cạnh trái máy là nhiều cổng kết nối nhất, với 1 USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng HDMI 1.4b, 1 cổng mạng RJ-45, một jack 3.5mm combo và hai USB-C. Tuy nhiên 1 cổng USB-C là 3.2 Gen 1, chỉ truyền nhận dữ liệu, cổng còn lại là 3.2 Gen 2, hỗ trợ cả sạc và xuất hình. Đây chính là lý do vì sao nhà sản xuất đã bán chiếc máy kèm với một Adapter sạc C, nhằm tối ưu khả năng và thời gian sạc chiếc máy.

Bên phải có ít cổng hơn, với 1 cổng USB-A 3.2 Gen 1, 1 khe thẻ nhớ SD truyền thống, cổng sạc chân dẹt truyền thống của ThinkPad, cho những ai hay tận dụng bộ sạc cũ và một cổng USB-A được thiết kế vô cùng đặc biệt, giấu thẳng bên trong. 

Đây là cổng USB được thiết kế để lắp receiver chuột hay bàn phím không giây, tất nhiên vẫn truyền dữ liệu được, nhưng sẽ chỉ hoạt động ở giao thức 2.0.

Hiệu năng

ThinkBook 14 có rất nhiều tuỳ chọn cấu hình, phù hợp với từng đối tượng sử dụng. Máy sử dụng CPU Ice Lake thế hệ thứ 10 với quy chuẩn 10nm, với tuỳ chọn từ i3 cho tới i7. Máy có 2 tuỳ chọn card đồ hoạ là card Intel tích hợp và card rời AMD Radeon 630.

Phiên bản hiện tại sở hữu cấu hình rất cơ bản, Intel Core i3 1005G1, RAM 4GB Bus 2666 và SSD 512GB, không có card rời. Những tưởng chiếc máy này yếu, nhưng không, điểm số cho ra của chiếc máy này lại khá ổn. Trong bài test Cinebench R2, điểm đơn nhân của máy ở mức 340 điểm, tuy nhiên trong quá trình chạy test, mức điện năng tiêu thụ có sự dao động hơi thất thường, từ 10 cho tới 15W, ổn định nhất là ở 11.5W. Điểm đa nhân là 957, nhưng cũng gặp vấn đề tương tự, khi điện năng từ 15 cho tới 22.5W, có những lúc xuống tận 10W. Điều này là do VRM của máy không thực sự tốt, cũng như hệ thống tản nhiệt của máy hơi kém. Cũng phải chấp nhận vì đây là một chiếc máy giá rẻ, cũng như hệ thống tản nhiệt không được tốt.

Còn hiệu năng đồ hoạ thì sao? Với card màn hình UHD G1 tích hợp chiếc máy cũng cho một vài con số khả quan. Với bài test 3Dmark Fire Strike, máy cho ra điểm số 810.

Con số này là 387 ở 3Dmark Fire Strike và điểm Sky Driver là 3464. Tất nhiên cũng không quá trông mong gì nhiều vào hiệu năng đồ hoạ này.

Điểm số PCMark10 của chiếc máy là 3253 điểm, một con số ở mức trung bình, tuy nhiên vẫn cao hơn hẳn điểm số tổng thể của chiếc HP Zbook 15u G6, với 2817 điểm dù sử dụng CPU Core i7 8565U.

Nhưng đây không phải là chiếc máy tệ về khả năng giải trí. Với tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất HALO, máy cho mức FPS khá thấp, khoảng 20FPS với mức thiết đặt trung bình, nếu để thấp nhất có lẽ sẽ cho mức FPS cao hơn

Ở tựa game Dota 2, với thiết đặt trung bình thấp, chiếc máy cho điểm số dao động từ 45 cho tới 50FPS. Dĩ nhiên, Dota 2 là một game khá đòi hỏi phần cứng, vậy nên với những tựa game không yêu cầu về cấu hình, chiếc máy này vẫn có thể đáp ứng được.

Hệ thống âm thanh

Theo như nhà sản xuất, máy được trang bị 2 loa 2W kèm hệ thống âm thanh Dolby Audio, hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm âm thanh trong trẻo, sống động. Nhưng khi trải nghiệm thực tế, hệ thống âm thanh này lại không thực sự tốt như mong đợi, do quá chú trọng vào dải mid, bass hơi yếu, nhưng vocal lại rõ ràng. Dải loa này phù hợp với nghe những bản nhạc pop hay ballad nhiều hơn là Pop/Dance.

Ổ cứng lưu trữ

Phiên bản được đánh giá sử dụng SSD Samsung PM991 512GB mới nhất. Tốc độ đọc của chiếc SSD này khoảng 2305MB/s, tốc độ ghi 1365MB/s. Đây là tốc độ ở mức trung bình khá, nhưng cũng đúng, bởi dòng SSD này định hướng cho những sản phẩm tầm trung cho đến phổ thông. Nhưng nhìn chung, đây cũng là một SSD có tốc độ rất tốt rồi, thậm chí tốc độ này còn nhanh hơn cả trên nhưng chiếc laptop cao cấp như Asus Zenbook hay Dell XPS.

Thời lượng pin

Phiên bản được đánh giá sử dụng viên pin 45Wh, nhưng lại cho thời gian sử dụng rất dài. Máy cho thời gian sử dụng 9 tiếng đồng hồ với tác vụ văn phòng, lướt web, với độ sáng 70%. Khi chạy Full Load, chiếc máy sử dụng được 2 tiếng rưỡi cho tới 3 tiếng, do sử dụng CPU tiết kiệm điện. Nhưng dĩ nhiên, chẳng ai lại chạy Full Load trên chiếc laptop chỉ sử dụng CPU Core i3 tiết kiệm điện cả.

Kết lại

ThinkBook 14 là một chiếc laptop doanh nhân tuyệt vời, với mức giá vô cùng phù hợp và dễ tiếp cận tới nhiều đối tượng. Tất nhiên, với tuỳ chọn cơ bản như Core i3 1005G1, RAM 4GB và SSD 512, chiếc máy sẽ không thể chạy những tác vụ nặng, nhưng đây có lẽ là một cấu hình vừa đủ để người dùng làm những công việc học tập, văn phòng nhẹ, hay chơi một ít game nhẹ nhàng chẳng hạn.

 

Hiện tại sản phẩm ThinkBook 14 đang được bán tại cửa hàng ThinkPro với giá ưu đãi. Chi tiết tại: https://thinkpro.vn/lenovo-thinkbook-14-chinh-hang