Đánh giá chi tiết ThinkPad X1 Nano: Lựa chọn hạng Nhất cho doanh nhân!
Với đặc trưng “sinh ra để làm việc”, ThinkPad cùng các sản phẩm của mình đã in sâu vào tâm trí của không ít thế hệ làm việc văn phòng, bao gồm cả tầng lớp doanh nhân. Và khi xã hội phát triển, tầng lớp này càng ngày có nhu cầu càng cao, dòng máy cũng phải dần chuyển đổi, cải tiến mình để đem lại những sản phẩm phù hợp. Lần lượt những mẫu ThinkPad T, ThinkPad P ra đời; với mong muốn mở rộng sang nhiều đối tượng đặc thù hơn nữa.
Nhưng nếu bán chạy và được biết đến nhiều nhất, chắc chắn phải kể đến cái tên ThinkPad X1; với nhiều sản phẩm chất lượng hướng đến giới văn phòng, đặc biệt là doanh nhân. Và khi Intel Evo ra đời cùng cam kết nâng cao đáng kể trải nghiệm, có lẽ Lenovo hiểu rằng đây là thời điểm thích hợp để vươn cao hơn nữa.
Để rồi giờ đây, chúng ta có ThinkPad X1 Nano, với hàng loạt đột phá xoay quanh chính tiêu chuẩn ấy. Cùng với đó là một hiệu suất vượt trội, xứng tầm trở thành lựa chọn hàng Nhất cho đối tượng chính của mình: Giới doanh nhân cao cấp. Vậy tại sao ThinkPad X1 Nano lại nên được giới doanh nhân ưu tiên hàng đầu? Hãy cùng ThinkPro trả lời câu hỏi trên thông qua những lợi ích mà cỗ máy có thể đem lại nhé.
Một thiết kế an tâm, sẵn sàng xê dịch
Đủ nhẹ để mang khắp nơi, đủ bền để làm mọi lúc,.. Đó hẳn là những điều mà ai cũng muốn trên chiếc laptop cá nhân đang sở hữu. Với người dùng phổ thông chúng ta; điều này thường sẽ giúp quãng đường từ nhà đi làm, ra quán café,… được dễ dàng hơn; nhưng riêng với doanh nhân thì đó còn là những chuyến đi quan trọng suốt cả năm dài. Và nếu cần tìm mua một sản phẩm cao cấp thoả mãn điều kiện trên, ThinkPad X1 Nano có lẽ sẽ là lựa chọn đáng tiền nhất trên thị trường.
Đúng như tên gọi “Nano”, sự nhỏ gọn sẽ là một trong những điểm đáng chú ý nhất trên chiếc X1 mới này. Cảm giác như thay vì laptop, thứ mình cầm đang cầm trên tay giống một quyển sổ lớn với lớp bìa cao su mềm min hơn. Điều này có được là nhờ Lenovo đã tinh gọn thành công hai bề dài - rộng của máy – do chuyển qua 13-inch thay vì 14, cộng thêm việc tối ưu trọng lượng xuống dưới 1kg (939g với phiên bản mình đang có). Đó cũng là những thứ mà ngay cả series X1 Carbon nổi tiếng mỏng nhẹ cũng chưa thể làm được.
Cũng vì thế, việc mang vác X1 Nano với mình là cực kỳ dễ chịu. Vừa giảm tải được đáng kể so với mọi ngày (thay cho MacBook Air M1 đang dùng), mà lại tiết kiệm diện tích balo cho nhiều thứ khác. Áp dụng với đối tượng doanh nhân, trải nghiệm trên theo mình sẽ cần thiết khi đi máy bay - có thể mang máy lên cùng mà không sợ cồng kềnh, quá cân.
Về độ mỏng, X1 Nano cũng sẽ chỉ ngang các sản phẩm Carbon trước đó (1,49mm), nhưng với mình thì vậy cũng đủ tốt để cầm nắm, cất giữ rồi. Suy cho cùng, độ dày cũng liên quan đến nhiều vấn đề khác sâu bên trong máy (tản nhiệt, sắp xếp linh kiện, v.v..); vậy nên với mình thì giữ nguyên vẫn là ổn hơn. Kết hợp tất cả yếu tố, cũng không sai khi nói X1 Nano đang là chiếc máy cho trải nghiệm “xê dịch” tốt nhất thị trường.
Còn về độ an tâm, có lẽ chúng ta không cần quá lo nghĩ khi nói về một sản phẩm ThinkPad. Với bộ vỏ cứng cáp làm từ hợp kim Nhôm – Magie; X1 Nano sẽ đủ bền để “sống sót” ngay cả khi balo, cặp táp đã kín đồ. Nhìn chung, không chỉ đáp ứng hai tiêu chí cốt lõi; với mình X1 Nano thậm chí còn làm tốt hơn kỳ vọng, xứng đáng để những đối tượng đặc biệt để ý và cân nhắc.
Nhưng vẫn như thường lệ, thiết kế của X1 Nano vẫn sẽ có những điểm trừ nhỏ. Cụ thể thì mình muốn nói đến lớp phủ cao su, dù mềm nhưng lại khá dễ xước dăm và bám dấu tay. Vì vậy, lau chùi vẫn sẽ là điều nên làm nếu người dùng muốn máy sạch đẹp.
Cuối cùng, bản lề máy cho trải nghiệm cơ bản tốt, dù lúc mở một tay thì về cuối cảm giác hơi cứng. Khả năng hỗ trợ sử dụng 180 độ cũng là điểm cộng, đặc biệt đối với bản cảm ứng. Việc chia sẻ thông tin, hình ảnh cho người ngồi quanh / đối diện sẽ trở nên thuận tiện đáng kể.
Trải nghiệm làm việc chất lượng
Một trải nghiệm sử dụng tốt không đơn thuần xoay quanh sức mạnh cấu hình (sẽ đề cập ở phần sau), mà còn phải tính tới cả chất lượng trong viêc tương tác với màn hình, bàn phím,… thì mới trọn vẹn được. Và với việc được Lenovo chăm chút không ít, X1 Nano với người viết cũng đã làm tốt ở khoản này – đủ để đáp ứng ngay cả những nhu cầu khắt khe nhất.
Về màn hình, tỉ lệ 16:10 sẽ là điểm sáng trên X1 Nano, khi nó đã bù trừ xứng đáng 1-inch cắt giảm so với X1 Carbon. Nhờ khả năng tối ưu hiển thị theo chiều dọc; đây sẽ là điểm cộng với những người làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, liên quan nhiều đến đọc, viết hay tra cứu kiến thức. Với công việc đang làm là viết nội dung công nghệ, người viết thấy 16:10 giúp ích nhất khi đọc các bài viết ngắn. Đôi lúc không cần cuộn chuột mà vẫn xem được hết nội dung, khá là tiện. Kết hợp cùng lớp chống chói đặc trưng, người dùng sẽ có thể yên tâm làm việc mà không sợ loá, dù ở bất kỳ đâu.
Về trải nghiệm thị giác; X1 Nano khiến người viết khá ấn tượng với độ sáng lên tới 428 nits - cao so với mặt bằng chung laptop hiện nay. Đây sẽ là điểm lợi lớn nếu chúng ta hay phải ra ngoài làm việc, gặp đối tác, v.v.. - những bối cảnh mà ánh sáng sẽ không ổn định. Khi đó, điều chỉnh được độ sáng thích hợp sẽ khiến mọi thứ được rõ hơn, giúp hai bên có thể thoải mái trao đổi. Về các thông số còn lại (phủ màu, tương phản,…), tất cả đều đạt mức tốt (100% sRGB) và thể hiện nổi bật khi trải nghiệm. Tóm lại về khoản nhìn, màn hình của X1 Nano thực sự không có nhiều điều để chê. Có chăng nếu Lenovo sửa được chút nữa về độ dày viền (hai bên và trên), mọi thứ sẽ là tuyệt vời.
Phía viền trên sẽ là cụm webcam IR với chất lượng 720p – một yếu tố đáng nhắc tới với người dùng ở thời điểm hiện tại. Trong thời buổi các cơ quan đôi lúc vẫn cần làm việc trực tuyến, việc có webcam sẽ khiến khâu trao đổi trở nên trực quan hơn.
Bàn phím và touchpad của X1 Nano cơ bản vẫn khá giống các máy X1 Carbon, do chúng có cách sắp xếp và form dáng là tương đồng. Tuy nhiên với một số thay đổi, khu vực này sẽ cần người dùng dành thời gian làm quen trước khi có được trải nghiệm tốt nhất. Cụ thể; một số phim đặc biệt (PrtSc, Ctrl phải, Backspace hay Enter) nay đã nhỏ lại, cùng với đó là hành trình rút ngắn để phục vụ form nhỏ gọn tổng thể. Nếu có thể vượt qua một vài rắc rối liên quan đến gõ nhầm; người viết tin rằng X1 Nano vẫn sẽ tạo được cảm giác vừa lòng với độ nảy tốt, khung phím chắc, độ ôm tay của keycap và nhiều hơn nữa.
Touchpad của X1 Nano vẫn cho cảm giác vuốt chạm tốt như thường lệ, với chất liệu phủ là kính đi kèm driver Windows Precsion. Tuy nhiên với kích thước khá hẹp, các động tác thu phóng hay dùng nhiều ngón sẽ phần nào bị cản trở. Ngoài touchpad, chúng ta cũng sẽ còn TrackPoint để sử dụng - một biểu tượng không thể thiếu từ lâu ở dòng máy.
Cuối cùng, chúng ta sẽ có hệ thống 4 loa trên X1 Nano, với 2 loa âm cao bên trên và hai loa âm trầm ở dưới đáy. Khi chơi nhạc hay phát video, âm lượng cho ra to và rõ, có thể được tăng cường nhờ Dolby Atmos Speaker.
Hiệu suất tối đa với vi xử lý Intel 11th Gen
Về cấu hình, phiên bản X1 Nano người viết đang có sẽ sử dụng CPU Intel Core i5-1130G7 4 nhân 8 luồng, 16GB RAM LPDDR4x, 512GB SSD NVMe cùng nhân đồ hoạ Intel Iris Xe Graphics. Ngoài ra máy cũng có thêm phiên bản Core i7-1180G7, sẽ phù hợp với người dùng cần thêm hiệu năng trong công việc.
Với cấu hình đang nắm trong tay, hiệu suất cho ra về cơ bản vẫn là rất đầy đủ cho các tác vụ thường thấy ở giới văn phòng, doanh nhân (nhập liệu, tra cứu thông tin, sử dụng các công cụ văn phòng, v.v..). Đặc biệt với lượng RAM mặc định dồi dào cùng công nghệ mới (LPDDR4x so với LPDDR3L), khả năng đa nhiệm của máy cũng rất tốt, giúp người dùng dễ dàng theo dõi và hoàn thành nhiều công việc cùng lúc hơn.
Nhưng khi thử kỹ một chút, người viết cũng được thấy đôi điều thú vị hơn nữa ở X1 Nano. Đầu tiền, Lenovo đã chủ ý đẩy điện năng tối đa của Core i5-1130G7 lên ngưỡng 30W với các tác vụ nặng, trong khi đây vốn chỉ là con chip Tiger Lake UP4 7-15W tiết kiệm điện mà thôi. Thứ hai là dù máy không cắm điện, con số này vẫn có thể được chạm tới nếu máy đang ở High Performance, dẫn tới điểm số gần như không chênh lệch giữa các lần đó. Có chăng khi không cắm điện, khả năng duy trì điện cao của X1 Nano cũng chỉ suy giảm một chút khi về giai đoạn cuối mà thôi. Và nếu thấy câu chuyện này khá quen thì đúng vậy, đấy cũng là những gì mà MacBook làm được để tối ưu hiệu suất mọi lúc mọi nơi.
Có thể đây không hẳn là câu chuyện dành cho giới văn phòng / doanh nhân; nhưng biết được tiềm năng lớn của máy sẽ là không thừa. Chẳng hạn như những lúc cần render video hay chỉnh sửa ảnh ở bên ngoài, đúng vào khu vực không có ổ cấp điện chẳng hạn; chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng khả năng này để hoàn thành công việc nhanh chóng.
Bên cạnh cấu hình, tiêu chuẩn Evo cũng là một yếu tố đáng chú ý trên X1 Nano – cũng là lần đầu xuất hiện trên ThinkPad. Việc được dán tem Evo cũng là minh chứng cho giá trị sản phẩm, nhờ đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe từ Intel để đem đến giá trị tối đa cho người dùng. Trong quá trình trải nghiệm, mình cũng đã thấy không ít trường hợp liên quan tới Evo: Mở máy nhanh từ chế độ Sleep (Khoảng 4s), sạc pin nhanh,.. và còn nhiều nữa.
Với đối tượng người dùng làm việc chuyện nghiệp, chúng ta sẽ còn thêm những Wi-Fi 6 và Thunderbolt 4 để tối ưu truyền tải dữ liệu, gia tăng hiệu quả công việc. Khi xem xét tất cả, sẽ không ngoa khi nói X1 Nano đang là bộ khung lý tưởng cho Intel Gen 11th hiện nay, giúp chúng có thể phát huy hết thực lực để trở nên đáng giá hơn.
Bảo mật đủ đầy, quy mô từ cá nhân đến doanh nghiệp
Với một cỗ máy cho đối tượng đặc biệt như doanh nhân, những phương thức bảo mật sẽ là không thể thiếu. Từ những hình thức cơ bản như cần gạt ThinkShutter (che webcam) hay Windows Hello (nhận diện sinh trắc), chúng ta sẽ có thêm Intel v-Pro – một tính năng đặc trưng đã có trên rất nhiều đời ThinkPad.
Với v-Pro, máy tính của bạn sẽ được bảo vệ trực tiếp bằng phần cứng tích hợp; qua đó giúp dữ liệu quan trọng được an toàn, đồng thời phát hiện luôn cả những mối đe doạ tiềm ẩn. Với mức độ bảo mật của mình, v-Pro thường sẽ được quan tâm và sử dụng bởi các doanh nghiệp lớn; người dùng doanh nhân hoàn toàn có thể tận dụng với mục đích riêng, xứng đáng với số tiền bỏ ra để sử dụng X1 Nano.
Vài điểm khiến người viết cảm thấy chưa vừa ý
Về cổng kết nối, đây sẽ là điểm khiến nhiều bạn đọc phải suy nghĩ, khi toàn bộ khả năng kết nối ngoại vi của X1 Nano sẽ dồn cả vào hai cổng Thunderbolt 4 và một jack tai nghe 3.5 combo ở cạnh trái. Các cổng kết nối cơ bản như HDMI, USB-A hay khe thẻ SD/MicroSD có mặt từ lâu trên ThinkPad X1 đều sẽ không có mặt.
Đúng là Thunderbolt 4 trên lý thuyết cũng có những ưu điểm riêng, nhưng không phải tất cả người dùng / thiết bị nào hiện tại cũng có thể tận dụng sức mạnh của nó ở thời điểm hiện tại. Vậy nên mình nghĩ hệ thống cổng này sẽ phù hợp hơn với tương lai gần, còn lúc này thì người dùng vẫn nên mua kèm hub chuyển để mở rộng kết nối nếu muốn dùng X1 Nano.
Bên cạnh phải của máy cũng là nơi đặt nút nguồn, một điểm đã bắt đầu có trên dòng X1 kể từ thế hệ X1 Carbon Gen 7. Với ai chưa từng dùng qua các mẫu máy bố trí nút tương tự (X1 Carbon Gen 7 trở lên, Yoga Slim 7 / Slim 7i, v.v.) thì sẽ hơi mất chút thời gian ban đầu làm quen. Ngoài ra, SSD cũng là một điểm mình chưa thực sự ưng trên X1 Nano, khi chiếc SN530 từ Western Digital lại chưa được nhanh so với mặt bằng ổ cứng chung trên ultrabook cao cấp.
Thời lượng pin
Cuối cùng về pin, X1 Nano sẽ đi kèm viên pin dung lượng 48Wh, với khả năng sạc nhanh lên được tới 80% sau 1h đồng hồ - theo như công bố của nhà sản xuất. Đây sẽ là điểm lợi với những người dùng thường xuyên di chuyển, không có quá nhiều thời gian dừng chân một chỗ để cắm sạc khi cần.
Ngoài ra với Intel Evo, thời lượng pin của X1 Nano trên lý thuyết sẽ kéo dài ít nhất 9h. Và sau một vài bài thử thì mình cũng đến khá gần con số này, với khoảng 6h45h khi xem YouTube ở chế độ Better Performance (độ sáng màn tối đa) và 9h15p lướt web ở chế độ Balanced (độ sáng màn 50%).
Tạm kết
Và đó là những chia sẻ của mình sau khi trải nghiệm ThinkPad X1 Nano - chiếc máy đã vượt khỏi cái bóng “tiểu X1 Carbon” để toả sáng hơn nữa. Một thiết kế làm mới thành công, một hiệu suất đáng nể, cũng với đó là khả năng tận dụng bộ đôi Intel Gen 11th và Intel Evo gần như triệt để,… Chừng đó cũng là khá đủ để cho X1 Nano một viễn cảnh đủ tươi sáng trong tương lai – ít nhất là với tập khách hàng doanh nhân / người làm văn phòng cao cấp mà nó đang theo đuổi.
Và nếu có nhu cầu tìm mua một chiếc ThinkPad X1 Nano cho riêng mình, đừng quên rằng ThinkPro đang có chương trình khuyến mại rất lớn dành cho sản phẩm này. Cụ thể, khi mua sản phẩm trong khoảng thời gian từ 15/06 – 10/08, khách hàng sẽ nhận được bộ quà tặng bao gồm Túi chống sốc LAUT PRESTIGE cho laptop 13-inch (trị giá 1.119.000đ), bộ phần mềm Microsoft 365 Personal bản quyền (Trị giá 1.290.000đ), Chuột văn phòng không dây cao cấp Logitech MX Anywhere 2S (Trị giá 1.490.000đ) và Cổng chuyển USB-C HyperDrive BAR 6-in-1 (Trị giá 1.799.000đ).
Nếu không có nhu cầu lấy quà, bạn đọc cũng có thể lựa chọn giảm thêm 3.000.000đ vào giá bán. Cuối cùng, với ThinkPad X1 Nano mua tại ThinkPro, khách hàng sẽ còn được hưởng chế độ bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 12 tháng duy nhất trên thị trường lúc này. Với nhiều ưu đãi đến vậy, còn chần chừ gì nữa mà không ghé qua website ThinkPro để đem về một chiếc ThinkPad X1 Nano ngay hôm nay?
---------------------------
ThinkPro là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.