logo

Đánh giá ThinkPad P1 Gen 2: Góc nhìn mới, hiệu quả mới

Nguyễn Công Minh 17:32, 26/07/2024

Với ThinkPad P1 Gen 2, người viết cứ ngỡ là đang trải nghiệm lại chiếc ThinkPad X1 Extreme mới lên bài cách đây ít hôm vậy. Từ ngoại hình, vật liệu, cổng kết nối hay CPU,... Mọi thứ là quá giống người anh em bên multimedia. Đúng là không dễ để hào hứng với sự “đóng khuôn” này; nhưng nếu chuyển góc nhìn sang mảng workstation thì bỗng chốc, P1 Gen 2 lại có nhiều điều thú vị hơn hẳn. 

Thiết kế: Cũ người, mới ta

Để miêu tả thiết kế của P1 Gen 2, người viết hoàn toàn có thể “tái sử dụng” toàn bộ phần mô tả của X1 Extreme, hay thậm chí là một số các sản phẩm ThinkPad khác. Điều này kể cũng dễ hiểu, lý do tại sao thì… chúng ta cứ nhìn lại tên dòng máy là hiểu. 

Tuy vậy, khi đặt giữa những người anh em mobile workstation, máy vẫn có nét hấp dẫn riêng chính nhờ kiểu thiết kế “chuẩn mực” vốn có. Một bộ vỏ chắc chắn với hợp kim nhôm và hợp kim Magie, một lớp phủ fiber mềm mại giúp tăng khả năng cầm nắm,... Nếu là người không quan trọng sự đột phá và đặt trải nghiệm sử dụng lên đầu, thiết kế của P1 Gen 2 chắc chắn vẫn là lựa chọn sáng giá. Có điều với lớp phủ carbon, người dùng sẽ cần lau mồ hôi và dấu vân tay thường xuyên để đảm bảo tính thẩm mỹ.

Ngoài ra, với cân nặng chỉ 1.7kg, ThinkPad P1 Gen 2 nhẹ hơn hầu hết những chiếc mobile workstation cùng tầm, nhất là hai đối thủ sừng sỏ HP Zbook Studio G5 và Dell Precision 5510 (2.0kg). Điều này khiến cho máy rất phù hợp cho tuýp người dùng xê dịch nhiều.

Màn hình: Nên ưu tiên tùy chọn HDR

Với tùy chọn màn hình cơ bản (màn hình FullHD, tấm nền IPS), thông số màu sắc của P1 Gen 2 nhìn chung vẫn khá chất lượng: 94% sRGB, 70% AdobeRGB, 73% DCI-P3 cùng độ sai lệch màu (DeltaE) là 1.53. Nếu xét riêng DeltaE thì thậm chí, màn hình P1 Gen 2 còn có độ sai lệch màu thuộc hàng ít nhất.

Tuy vậy, với độ sáng chỉ 255 nits, đây sẽ không phải lựa chọn tối ưu để làm việc ở nhiều không gian như các đối thủ khác (so với 302 nits trên Latitude 5300 và 472 nits trên HP Zbook Studio G5). Nếu mong muốn một độ sáng ấn tượng, người dùng nên tìm mua các tùy chọn màn hình FullHD HDR (510 nits), 4K IPS hoặc 4K OLED của máy. Các màn hình này cũng sẽ có thêm công nghệ Dolby Vision, cho hình ảnh chi tiết, màu sắc chân thực, nhưng không kém phần sống động. 

So với dòng X1 Extreme, không gian hiển thị của P1 Gen 2 không có gì thay đổi do độ dày viền màn hình vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, phần viền trên giờ đã dày một cách... hợp lý hơn với sự xuất hiện của camera Windows Hello. Cần gạt ThinkShutter cũng đã được làm bé lại, cách điệu hơn một chút để thể hiện sự hiện đại.  

Bàn phím và touchpad: Hàng Lenovo có khác

Layout rộng rãi, khung phím chắc chắn, hành trình sâu,... Tất cả những “tinh hoa” của bàn phím ThinkPad điển hình đều hội tụ trên P1 Gen 2. Kết hợp với phần chiếu nghỉ rộng rãi nhờ kích thước 15.6-inch, trải nghiệm gõ mà người viết có được là rất tuyệt. Điểm trừ hiếm hoi thì vẫn như thường lệ, nằm ở vị trí các phím Fn, Ctrl hay PrtSrc. Việc chúng bị thay đổi đi so với những bàn phím thông thường sẽ phần nào gây khó khăn cho những người mới dùng ThinkPad.

Bên cạnh bàn phím, chúng ta sẽ có cảm biến vân tay một chạm, khá nhạy nhưng tiếc là diện tích tiếp xúc lại hơi nhỏ. 

Touchpad của P1 Gen 2 cũng tương tự những chiếc ThinkPad cao cấp khác: Được phủ kính, tracking rất tốt và có hệ thống phím cứng phục vụ người dùng lâu năm. 

Hiệu năng: Sức mạnh của kiến trúc Turing

Về sức mạnh phần cứng, thứ làm nên sự khác biệt trên P1 Gen 2 không gì khác chính là card đồ họa Quadro mới sử dụng kiến trúc Turing. So với các dòng card Quadro sử dụng Pascal, hiệu năng trên mỗi W điện của Turing là tốt hơn, qua đó đem lại sức mạnh tổng thể là lớn hơn đáng kể khi sử dụng trong các tác vụ đồ họa kỹ thuật. 

Thật vậy, với phiên bản người viết trải nghiệm sử dụng NVIDIA Quadro T2000 (i7-9850H 6 nhân 12 luồng, card đồ họa NVIDIA Quadro T2000, 16GB RAM và 512GB SSD NVMe); điểm số nó cho ra trong các bài test Specviewpref 13 (3Ds Max, Siemenx NX, Maya, Solidwork, v.v..) có lúc nhỉnh hơn tới 40% so với những gì NVIDIA Quadro P2000 có thể làm. Mặc dù đây dường như là phiên bản Max-Q do công suất điện khi chạy nặng bị giới hạn tại 35W, nhưng những gì T2000 trên P1 Gen 2 thể hiện vẫn có thể khiến người dùng khó tính có thể yên tâm. 

Còn với CPU i7-9850H, sức mạnh đơn nhân lẫn đa nhân của nó vẫn là rất tốt, nhỉnh hơn khoảng 5-10% so với những CPU hiệu năng cao thế hệ 8. Nhờ vậy mà ngay từ những tác vụ sử dụng cơ bản, người dùng cũng có thể hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm này. 

Điểm trừ khi sử dụng của P1 Gen 2 thì vẫn khá quen thuộc, đó là nhiệt độ ở giữa bề mặt phím có thể tăng lên khá nhanh khi máy chạy các tác vụ nặng.

Cổng kết nối: Đầy đủ

Nghe có vẻ quá ngắn, nhưng đó lại là đánh giá vừa nhanh vừa chính xác khi nói về P1 Gen 2 hay đa số những chiếc laptop ThinkPad khác. Với 2 cổng USB-A 3.1 Gen 1, 2 cổng USB-C 3.1 Gen 2 tích hợp Thunderbolt 3, 1 khe thẻ SD, 1 cổng HDMI 2.0, 1 cổng Mini RJ-45 và 1 jack 3.5mm; P1 Gen 2 gần như luôn đáp ứng được nhu cầu kết nối của người viết trong mọi trường hợp. Ngoài ra, trong làng mobile workstation, đây cũng là mẫu máy hiếm hoi có cho mình 2 cổng Thunderbolt 3 một lúc. 

Thời lượng pin: Không quá ấn tượng, nhưng đủ cho một ngày

Với viên pin 80Wh, 6-8 tiếng sẽ là thời lượng sử dụng mà P1 Gen 2 có thể đem lại. Không quá ấn tượng như nhiều mẫu ultrabook khác nhưng nhìn chung, máy vẫn sẽ đồng hành được nguyên một ngày không phải làm các tác vụ đồ họa nặng. 

Kết luận

Với những chiếc laptop ThinkPad, không phải lúc nào chúng cũng đủ hấp dẫn hay “truyền cảm hứng” để có thể đem đến một trải nghiệm quá bùng nổ. Tuy vậy không thể bàn cãi rằng dù lấn sân qua mảng nào, chúng vẫn có những giá trị đủ khiến người ta phải ấn tượng. Với multimedia, đó là X1 Extreme chân phương và chỉn chu. Còn với mobile workstation, đó chính là P1 Gen 2, với tất cả sự hiệu quả của mình ở nhiều mặt.

Ngoài ra, ThinkPro tụi mình còn đang kinh doanh các sản phẩm ThinkPad đến từ nhà Lenovo khác như: ThinkPad T16, ThinkPad T14s Gen 2, ThinkPad T14s Gen 3, ThinkPad P16s Gen 1, Thinkpad X1 Nano Gen 3, Thinkpad X1 Nano, Thinkpad Z16,... đang đợi bạn đến trải nghiệm đấy.