Đánh giá ThinkPad T490: Chiếc laptop doanh nhân cao cấp đáng cân nhắc!
Trước khi tìm hiểu tới T490, người viết thường sẽ không quá mặn mà với những chiếc ThinkPad dòng T. Trong suy nghĩ của người viết, chúng thường có phần hơi cồng kềnh và “lạc tông” so với một vài quy chuẩn mỏng nhẹ của thời đại mới. Ngay cả với chiếc T480 mới được trên tay cách đây ít ngày, điểm hiếm hoi khiến người viết có phần lấn cấn cũng nằm chính ở thiết kế “xe tăng” mà nó đem lên.
Tuy vậy, với những sản phẩm như T490, người viết bỗng chốc lại tìm được lý do để theo chân dòng máy này thêm một thời gian nữa. Dáng hình cân đối gói gọn nhiều yếu tố không thể xem thường, đây có lẽ vẫn sẽ là một trong những chiếc laptop doanh nhân đáng chú ý nhất ở tầm giá dưới 30tr đang càng ngày càng nhiều thách thức này.
Thiết kế: Chỉn chu, nhưng vẫn thanh thoát
Về thiết kế, bên cạnh sự gọn gàng, chỉn chu thường thấy ở ThinkPad, T490 đem lại cho người viết khá nhiều cảm hứng nhờ sự mỏng (17.9mm) và nhẹ (1.4kg) vốn có. Với việc T490 mang khá nhiều đường nét của T480s, dường như Lenovo đang muốn tiếp tục triết lý hiện đại đã khá thành công trên người tiền nhiệm này. Với dáng vẻ thanh thoát hơn đa số những người anh em dòng T, đây hứa hẹn sẽ là mẫu máy đủ thu hút người dùng ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, người viết cũng khá hài lòng với tổ hợp vật liệu chính của máy là nhựa và sợi thủy tinh. Từ mặt A cho đến mặt C, người viết gần như không thể cảm thấy sự ọp ẹp. Thậm chí ngay cả khi nhấn mạnh để kiểm tra, độ võng xuống của lớp vỏ cũng là không nhiều. Cộng với lớp nhung cứng trên toàn bộ bề mặt, người dùng về cơ bản có thể yên tâm về độ bền và cảm giác tiếp xúc trên T490. Tuy vậy, đây vẫn sẽ là một điểm thiệt thòi nhất định của dòng máy, nhất là khi nếu đặt cạnh những người anh em cùng tầm giá có vỏ kim loại (ví dụ như ThinkPad T480/T480s).
Phần khung xung quanh vẫn sẽ được làm từ hợp kim Magie. Đây là khu vực vốn khá dễ va đập và xước xát trong quá trình sử dụng hàng ngày, vậy nên việc vẫn sử dụng kim loại để làm khung cũng là một ưu điểm.
Bàn lề máy vẫn vậy, rất đầm chắc như bao chiếc ThinkPad khác. Người dùng có thể thoải mái mở máy bằng một tay mà không gặp quá nhiều vấn đề.
Màn hình: Đa dạng tùy chọn
Với người viết, tùy chọn tối đa trên T490 là 2K HDR cho chất lượng là rất tuyệt. Màu sắc nịnh mắt, chất lượng màu sắc tốt (100% sRGB, 100% Adobe RGB) và độ sáng cao (gần 500 nits); trải nghiệm sử dụng để giải trí hay hậu kỳ hình ảnh mà người viết có được thực sự rất tuyệt.
Nếu muốn tiết kiệm chi phí, T490 cũng có những lựa chọn màn FullHD và HD với các mức chất lượng khác nhau để người dùng lựa chọn. Trong danh sách này, tùy chọn FullHD với độ sáng 400 nits và 92% sRGB là phiên bản người viết ưng ý nhất. Dường như với T490, nó đã được thừa hưởng một số tùy chọn từ những dòng máy cao hơn.
Điểm trừ với màn hình T490 nói chung có lẽ sẽ nằm ở phần viền chưa thực sự mỏng, đem lại trải nghiệm thị giác chưa thực sự đã.
Bàn phím khỏi bàn, touchpad… lăn tăn
Với ThinkPad, bàn phím vẫn luôn là điểm nhấn không hề cũ, và bàn phím trên T490 cũng không ngoại lệ. Khi nhập liệu, cảm giác người viết có được là rất an tâm. Layout phím rộng rãi, hành trình phím sâu, mặt phím ôm tay và nhất là có lớp phủ nhám ở bề mặt,... Một trải nghiệm sử dụng với người viết vẫn là thuộc top đầu nếu xét trên laptop.
Tuy vậy với touchpad, người viết lại hơi lăn tăn một chút. Bề mặt có diện tích ổn, tuy nhiên việc phủ lớp nhám như ở bàn phím lại phần nào giảm thiểu độ “sướng” khi thao tác. Các nút cứng trên T490 cũng cho cảm giác không chắc chắn bằng, ảnh hưởng đến tiêu chí “yên tâm” mà người viết luôn kỳ vọng ở bộ phận này.
Hiệu năng: i5 Gen 10 vẫn tối ưu hơn.
Về cấu hình, phiên bản T490 người viết đang trên tay sở hữu tổ hợp phần cứng gần cao cấp nhất: CPU Intel Core i5-10210U 4 nhân 8 luồng, 16GB RAM DDR4, 512GB SSD NVMe và card đồ họa rời NVIDIA GeForce MX250 2GB. Theo người viết, đây có thể xem là tùy chọn có lợi cho người dùng ở nhiều mặt: Giá thành, hiệu năng cũng như khả năng nâng cấp.
Về CPU Intel Core i5 Gen 10, Lenovo vẫn tiếp tục “truyền thống” đẩy điện năng cơ bản lên 25W thay cho 15W mặc định. Kết hợp với việc có thể đẩy xung nhịp lên tối đa 4.1GHz và duy trì ở 3.8GHz, hiệu năng đa nhân của máy cũng nhỉnh hơn một chút so với khi ở trên các hệ thống khác. Điều này thể hiện một phần qua điểm số của bài test Cinebench R15, với CPU của T490 thường sẽ nhỉnh hơn khoảng 10% so với kết quả trung bình.
Tuy vậy, nhược điểm của tùy chọn i5 Gen 10 sẽ nằm ở xung nhịp của card đồ họa tích hợp Intel UHD 620. Nếu so với tùy chọn i7-8565U ngang giá của chính T490, UHD 620 của i5-10210U sẽ thua một chút về hiệu năng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình render dùng tới Intel QuickSync của người dùng, ví dụ như khi sử dụng Adobe Premiere Pro. Ngoài ra khi chạy nặng, nhiệt độ trung bình của CPU máy cũng ở mức cao (90 độ hoặc hơn), dẫn đến hiện tượng nóng lên bề mặt và quạt ồn ảnh hưởng đến trải nghiệm.
Với card đồ họa MX250, đây là một tùy chọn với người viết là khá tốt. So với card đồ họa MX150 quen thuộc, MX250 có tăng nhẹ về xung nhịp, dẫn đến hiệu năng chênh lệch sẽ vào khoảng 5-10%. Với việc đây là phiên bản tiêu chuẩn (TDP 25W, để phân biệt với phiên bản tiết kiệm điện 10W), người dùng sẽ có hiệu năng đủ để làm các tác vụ đồ họa và giải trí ở mức trung bình. Về nhiệt độ, phiên bản được trang bị MX250 cũng làm tốt nhờ được trang bị 2 ống đồng, trong khi phiên bản chỉ sử dụng GPU tích hợp chỉ có một ống đồng dẫn ra quạt.
Một điểm thú vị ở phiên bản i5 Gen 10 này đó là việc khe RAM hàn chết sẽ lên đến 16GB thay vì hàn chết 8GB trên tùy chọn i7 Gen 8. Chính vì vậy, người viết có thể tính toán để nâng cấp lên tới 32GB RAM chạy kênh kép, có lẽ là quá đủ với các nhu cầu công việc của đa số người dùng. Nhìn chung, đây là một cấu hình đảm bảo về nhiều mặt, đủ để người viết tính toán để dùng ở thời điểm hiện tại lẫn tương lai.
Cổng kết nối: Vẫn luôn đầy đủ
Về cổng kết nối, T490 có gần như mọi thứ bên mình: 1 cổng USB-C 3.1 Gen 1, 1 cổng Thunderbolt 3, 1 cổng mini Ethernet, 2 cổng USB-A 3.0, 1 cổng HDMI, khe thẻ SD, 1 cổng RJ-45 và jack tai nghe combo 3.5. Sự bổ sung đáng giá nhất có lẽ sẽ là khe thẻ SD, thứ đã khiến công việc chụp ảnh của người viết dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Thời lượng pin: 2K ảnh hưởng khá nhiều.
Với viên pin 50Wh, T490 có thể cho người viết thời lượng sử dụng vào khoảng 6 giờ với độ sáng 50%. Không quá ngạc nhiên khi đây là phiên bản màn 2K và có card đồ họa rời MX250. Vậy nên nếu muốn có thời lượng pin lâu bền hơn (khoảng 7.5 giờ trong điều kiện tương tự), người dùng có thể chọn phiên bản màn hình FullHD để tránh màn hình tiêu thụ quá nhiều điện.
Kết luận:
Với tất cả những cải thiện mà Lenovo đem lại, bản thân T490 hoàn toàn có thể trở thành một tùy chọn thú vị. Bạn là người dùng có thời lượng làm việc cao? Bạn đang tìm kiếm những tùy chọn máy có thể đi theo bạn trong một khoảng thời gian khá lâu nữa? Với tất cả những ưu điểm của mình về chất build, hiệu năng hay khả năng nâng cấp,... ThinkPad T490 hoàn toàn xứng đáng để đặt lên bàn cân nhắc.
Có thể độ mỏng và nhẹ của T490 vẫn chưa đạt tới mức “tiệm cận hoàn hảo” để đối chọi với các sản phẩm ultrabook hiện tại. Nhưng với sức mạnh và tiềm năng rất mạnh mẽ của phần cứng thì suy cho cùng, Lenovo cũng đã nỗ lực rất nhiều với vẻ ngoài đã trau chuốt và thanh thoát hơn của máy.




