logo

Nhìn lại 30 năm trưởng thành của ThinkPad

Đào Tô Quỳnh Ngân 17:44, 26/07/2024

Việc định nghĩa toàn bộ 1 phân khúc sản phẩm hầu như rất hiếm có thương hiệu nào làm được, tuy nhiên từ xưa đến nay, hầu như khi nhắc đến ThinkPad, chúng ta thường nghĩ ngay đến những chiếc “business laptop” - máy tính xách tay cho doanh nhân. Kể từ khi ThinkPad ra đời năm 1992 tại IBM, thương hiệu này đã in sâu vào nhận thức của người dùng toàn cầu về những mẫu laptop doanh nhân, sở hữu thiết kế sang trọng, đẳng cấp và nhiều tính năng di động đáng giá.

"Bình minh" của ThinkPad

Tên gọi “ThinkPad” bắt nguồn từ câu slogan của IBM - “THINK” - do Thomas J. Watson, Sr. đặt ra lần đầu vào những năm 1920. Trên mỗi máy tính mini và mainframe mà IBM lắp đặt (các máy tính của IBM thời kỳ này chỉ cho thuê chứ không bán) đều có 1 bảng nhựa xanh đặt ở bàn điều khiển, với chữ “Think” in trên tấm nhôm. Suốt nhiều thập kỷ, IBM cung cấp cho nhân viên và khách hàng các tập giấy ghi chú nhỏ cũng với chữ “THINK” in trên lớp giả da màu nâu. Từ đây, 1 nhân viên của IBM - Denny Wainwright - đã đề xuất tên gọi ThinkPad, nhưng nhanh chóng bị ủy ban đặt tên của IBM phản đối do họ đang cho thuê máy tính với slogan “THINK”. Dù vậy, nhờ sự khen ngợi của công chúng và cánh nhà báo, cái tên ThinkPad cuối cùng cũng được giữ lại.

5952920_4_thinkpad_cuhiep.png

Thiết bị đầu tiên xuất hiện mang thương hiệu ThinkPad không phải là 1 mẫu laptop truyền thống. Tháng 4/1992, ThinkPad 700T ra đời, là 1 máy tính bảng trang bị cấu hình vi xử lý Intel 386SX/20, RAM 4/8 MB, lưu trữ thể rắn dung lượng 10 MB, có màn hình STN (super-twisted nematic) kích thước 10 inch, đơn sắc, độ phân giải 640 x 480. Như hầu hết những sản phẩm đầu tiên, 700T nhanh chóng thất bại và biến mất khỏi thị trường, tuy nhiên nó cũng mở đường cho 1 trong những thành công lớn nhất của IBM - mẫu ThinkPad 700C. Mẫu laptop này có bộ khung đen bóng bẩy, vuông vức và sang trọng, trang bị màn hình TFT màu 10.4 inch, hoàn toàn vượt trội hơn so với các máy tính xách tay khác lúc bấy giờ, vốn chỉ có màn hình đơn sắc và ngoại hình cồng kềnh, xấu xí.

Những chiếc ThinkPad đặc biệt_text.png3_thinkpad.png

Không chỉ là màn hình màu, ThinkPad 700C còn có 1 thứ mà đến thời điểm hiện tại vẫn là điểm nhấn - “núm đỏ” TrackPoint. Dù không phải là chiếc laptop đầu tiên trang bị TrackPoint, nhưng 700C là thiết bị mang lại trải nghiệm TrackPoint tốt nhất lúc đó, cho phép người dùng điều khiển con trỏ chuột trong Windows GUI (Graphics User Interface) mới. ThinkPad 700C sở hữu mọi thứ cần thiết cho 1 doanh nhân: màn hình màu kích thước lớn, bàn phím và TrackPoint cực tốt, tất cả nằm trong khung máy nhỏ gọn và đẹp. Tiếp nối thành công của 700C, trong 8 năm kế tiếp, IBM đã mang lại nhiều thay đổi cho thị trường business laptop.

4_thinkpad_red.png

Khó khăn khi đang trên đỉnh vinh quang

Với ThinkPad và những gì đã làm được trong những năm đầu tiên của thương hiệu này, IBM nhanh chóng dẫn đầu thị trường business laptop. Nếu như những năm 90 chứng kiến sự ra đời và phát triển của ThinkPad Series thì sang thế kỷ mới, IBM bắt đầu bộc lộ nhiều yếu kém trong sáng tạo. Việc thiếu sự đổi mới cũng như những lựa chọn thiết kế không hợp lý đã dần đẩy IBM vào tình thế khó khăn ngay trên đỉnh vinh quang.

6_thinkpad.png

Những năm đầu thế kỷ, ThinkPad vẫn còn gặt hái được vài thành công nhất định. ThinkPad T Series ra mắt với mẫu T20 vào tháng 5/2000, được truyền thông là mẫu laptop doanh nhân mỏng nhẹ nhưng không hề yếu nhờ sử dụng vi xử lý Intel Pentium III trong 1 thiết kế bộ khung gọn gàng.

5_thinkpad.png

Hầu hết những sản phẩm ThinkPad mà IBM cho ra mắt vào thời gian này đều có phiên bản kế nhiệm hiện tại, trong đó T Series hướng đến sự cân bằng, X Series thiên về tính di động và A Series dành cho những ai cần hiệu năng cao. Năm 2001, IBM ra mắt ThinkPad R Series với đại diện là R30, hướng đến giá thành phù hợp hơn, có thể xem như là khởi nguồn của L Series ngày nay.

Sau vài năm đầu thế kỷ mới, ThinkPad mất dần tính sáng tạo, chỉ còn những cải tiến lặp đi lặp lại cũng như không còn gì đáng chú ý. IBM cố gắng cứu vãn tình thế bằng những sản phẩm tích hợp rất “nổi bật”, điển hình như ThinkPad TransNote - 1 chiếc notebook computer tích hợp với 1 cuốn notebook thực thụ. Dĩ nhiên, hầu hết người dùng đều không thể “nuốt trôi” được sự kết hợp này và sản phẩm rất nhanh biến mất.

Năm 2004, IBM báo lỗ hàng tỉ USD ở bộ phận kinh doanh máy tính, dẫn đến quyết định bán toàn bộ dòng sản phẩm cũng như thương hiệu ThinkPad cho Lenovo. Giao dịch hoàn tất vào tháng 5/2005 và Lenovo bắt đầu hoạt động, đưa ThinkPad trở lại thời kỳ đỉnh cao.

Hồi sinh từ đống tro tàn

Mẫu laptop đầu tiên mà Lenovo ra mắt sau khi mua lại từ IBM là ThinkPad T60, vào tháng 1/2006. ThinkPad T60 không thực sự có những cải tiến mới, nhưng rất may, sản phẩm sở hữu 1 thành phần quan trọng đang cách mạng hóa thế giới máy tính - những vi xử lý đa nhân. T60 là chiếc ThinkPad đầu tiên sử dụng CPU Intel Core Duo và Core 2 Duo, bộ khung hợp kim magnesium, đồng thời cũng là chiếc laptop mà nhiều người dùng coi là sản phẩm ThinkPad thực thụ cuối cùng (do ngôn ngữ thiết kế, chất lượng hoàn thiện và màn hình tỉ lệ 4:3).

7_thinkpad.png

ThinkPad T60 tốt đến nỗi chính nó đã vực dậy toàn bộ ThinkPad Series sau những thất bại khi còn nằm trong tay IBM. T60 giống như 1 ngọn lửa khởi đầu cho sự hồi sinh của thương hiệu ThinkPad, khi mà Lenovo tận dụng rất tốt sự đón nhận của người dùng để tiếp tục ra mắt ThinkPad X60 (siêu di động), ThinkPad T60p (thiên về hiệu năng) và ThinkPad Z61p. Năm 2007, Lenovo tiếp tục có thêm lợi nhuận từ ThinkPad T61, ThinkPad X61 cùng các phiên bản khác.

Lenovo sau đó đã biến T60/T61 trở thành T400 với thay đổi về tỉ lệ màn hình. Giai đoạn này, các sản phẩm laptop khác trên thị trường đã chuyển sang màn hình rộng, nhưng những người dùng yêu mến ThinkPad đã hi vọng tỉ lệ 4:3 ưa thích sẽ được giữ lại, vì vậy sự ra đời của T400 đã tạo nên nhiều tranh cãi khi sử dụng tỉ lệ 16:10. Tiếp theo đó, ThinkPad X Series cũng chuyển sang màn hình rộng mà điển hình là X200.

Nửa cuối 2008, Lenovo giới thiệu ThinkPad W Series với model W500 và W700, được thiết kế để trở thành các mẫu máy trạm di động hiệu năng cao. ThinkPad W700 có cấu hình Intel Core 2 Extreme QX9300 và đồ họa NVIDIA QuadroFX 3700M. Vài tháng sau, phiên bản W700DS ra mắt với 2 màn hình TFT 10.6 inch, độ phân giải 1280 x 768. Tháng 6/2009, ThinkPad T400s xuất hiện, là sự kết hợp của tính cân bằng trên T Series và sự gọn nhẹ, di động cao của X Series. ThinkPad T4xxs vẫn là 1 trong những dòng sản phẩm ThinkPad phổ biến nhất hiện nay.

8_thinkpad.png

Trở thành một ThinkPad hiện đại

ThinkPad T400 tạo ra công thức cơ bản cho những chiếc laptop ThinkPad hiện đại: sự gọn nhẹ, sang trọng, chắc chắn và hiệu năng đảm bảo. ThinkPad T410 (2010) và ThinkPad T420 (2011) được người dùng đón nhận trong êm đềm, nhưng ThinkPad T430 và T430s lại không được như vậy cũng vì 1 thay đổi gây tranh cãi. Từ xưa đến nay, bàn phím có cạnh phím vát cong trên ThinkPad được coi là bàn phím laptop tốt nhất thế giới, nhưng Lenovo đã loại bỏ chúng và thay bằng kiểu phím chiclet. Dù rằng chất lượng và cảm giác gõ có thể tương đương hoặc không thay đổi nhiều, thế giới người dùng chia làm 2 phe: khen ngợi thay đổi và phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, Lenovo đã quyết định mang bàn phím chiclet xuống cả dòng X, W và các dòng khác trong dải sản phẩm ThinkPad.

10_thinkpad.png

Mùa thu 2013, Lenovo tiếp tục tạo ra tranh cãi mới với ThinkPad T440 và T440s khi loại bỏ các nút chuột trái/phải ở cạnh trên và dưới touchpad, thay thế bằng ClickPad. Ý tưởng của Lenovo là chuyển sang sử dụng ClickPad hiện đại nhưng vẫn giữ lại TrackPoint, vì vậy ClickPad cho phép người dùng bấm ở cạnh trên và dưới - điều này khiến cho người hâm mộ ThinkPad cực ghét, dẫn đến hậu quả là T440, W540 và X240 không hề được đón nhận. Rất may, Lenovo lắng nghe khách hàng và vào năm 2015, mẫu ThinkPad T450 mang 2 nút chuột trên (TrackPoint) trở lại, tuy nhiên phần ClickPad vẫn giữ nguyên.

11_thinkpad.png

Phải theo đuổi những tiêu chuẩn mới cũng như nhu cầu di chuyển ngày càng nhiều, ThinkPad laptop ngày càng nhẹ và mỏng hơn, bù lại cần đánh đổi ở các cổng kết nối mất tính đa dạng, khả năng mở rộng, sửa chữa và tính năng hạn chế như pin không thể tháo rời hay nâng cấp RAM…

ThinkPad X1 series - đỉnh cao laptop doanh nhân

Được giới thiệu vào năm 2011, ThinkPad X1 là lời đáp trả của Lenovo cho những sản phẩm ultrabook mỏng nhẹ mà MacBook Air là 1 điển hình. Mẫu X1 đầu tiên có thiết kể mỏng gọn, tuy nhiên phải đánh đổi 1 số thứ để đạt được kích thước tối ưu. X1 cũng là chiếc laptop góp công lớn (cùng với T430) trong việc phổ biến hơn bàn phím kiểu chiclet trên ThinkPad Series. Là khởi đầu cho 1 dòng sản phẩm mới, ThinkPad X1 nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng năm 2012, mẫu ThinkPad X1 Carbon lại có nhiều cải tiến tốt đến mức gần như ngập trong mưa lời khen. X1 Carbon trang bị màn hình 14 inch có lớp phủ chống chói, độ phân giải cao, tái tạo màu sắc tốt hơn và độ sáng cũng cao hơn. Như tên gọi, X1 Carbon sử dụng sợi carbon làm bộ khung máy, vì vậy sản phẩm trở nên nhẹ và cứng cáp hơn so với X1 nguyên bản.

Cải tiến tiếp theo của Lenovo mang đến cho người dùng mẫu X1 Carbon Touch với màn hình cảm ứng chống chói 14 inch, độ phân giải 1600 x 900. Phiên bản Touch cũng sở hữu sự kết hợp đáng chú ý giữa bàn phím đèn nền và touchpad kính có chất lượng rất tốt. Năm 2014, thế hệ thứ 2 của X1 Carbon trang bị dãy cảm ứng Adaptive Keyboard ngay trên phần phím chính, thay thế các phím F, có thể tùy biến theo nhu cầu sử dụng. Đây chính là thủy tổ của Touch Bar trên MacBook Pro 5 năm sau, đáng tiếc là thiết kế này không được người dùng ThinkPad đón nhận lúc đó.

Trong những năm sau, X1 và X1 Carbon đều có những cập nhật thông thường, đến 2018, ThinkPad X1 Extreme thế hệ đầu tiên xuất hiện, trở thành mẫu ThinkPad xuất sắc nhờ khả năng nâng cấp RAM, trang bị vi xử lý Intel Core i HQ Series mạnh mẽ, là sự thay thế cho Apple MacBook Pro 15 inch hoặc Dell XPS 15. Thế hệ X1 Extreme thứ 2 là chiếc laptop ThinkPad không phải Yoga đầu tiên có tùy chọn màn hình OLED. Năm ngoái, X1 Extreme thế hệ 3 là mẫu ThinkPad X1 cuối cùng vẫn còn trang bị bàn phím có hành trình di chuyển 1.8 mm.

Chiếc laptop doanh nhân của tương lai mà Lenovo theo đuổi

Đã 2 năm kể từ khi cơn đại dịch Covid-19 càn quét khắp thế giới và thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc. Khái niệm làm việc trong 2 năm qua biến đổi từ Work From Home, Remote Working cho tới Hybrid Working vốn đã trở thành xu thế như hiện tại. Dù vậy, bất kể là Remote Working hay Hybrid Working, về bản chất thì đó vẫn là làm việc dù bạn đang ở đâu.

Cũng nhờ 2 năm qua, chúng ta càng hiểu hơn được rằng hiệu suất công việc tổng thể không bị ảnh hưởng bởi địa lý hoặc môi trường. Thậm chí, một nghiên cứu mang tên Future of Work tiến hành bởi chính Lenovo còn chỉ ra rằng phần lớn (67%) các nhân viên và nhóm IT đều cho rằng năng suất làm việc của họ còn được cải thiện khi làm việc từ xa.

Bởi thế, vai trò của thiết bị tiếp tục là hạt nhân nhằm đảm bảo công việc một cách hiệu quả. Những chiếc laptop trong thời đại mới này không chỉ đòi hỏi độ ổn định, độ tin cậy mà còn phải đảm bảo được tính di động, tính liên kết để làm việc nhóm và cả sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo AI được tích hợp ngay trên máy.

Một nghiên cứu của Đại học Stanford đã chỉ ra rằng AI đang phát triển theo hướng cải thiện khả năng hợp tác làm việc và hỗ trợ con người. Định nghĩa này khác xa so với lối suy nghĩ trước đây vốn cho rằng AI chỉ đi bắt chước lại cách suy nghĩ con người. Do đó, chúng ta hiện đang bước vào kỷ nguyên mà các thiết bị, bao gồm cả PC, có thể học hỏi hành vi của người dùng và đáp ứng theo thời gian thực để tối ưu hóa năng suất và kết nối đồng thời cung cấp trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa hơn.

Chưa dừng lại ở đó, vấn đề an toàn trên mạng sẽ là ưu tiên của mọi nhân viên, không chỉ bộ phận IT. Khi cuộc sống công việc của chúng ta ngày càng số hóa nhiều hơn, thì các mối đe dọa bảo mật cũng vậy. Theo thống kê từ Cognyte, nửa đầu năm 2021 chứng kiến gần như nhiều cuộc tấn công ransomware so với toàn bộ năm 2020, vốn đã chứng kiến số lượng cuộc tấn công kỷ lục. An ninh mạng được đặt lên hàng đầu trong các ưu tiên của nhà tuyển dụng, đặc biệt là khi lực lượng lao động ngày càng phân tán về mặt thể chất. Việc bảo mật các điểm cuối của thiết bị khỏi các mối đe dọa bên ngoài sẽ yêu cầu sự tham gia tích cực của mọi nhân viên. Người dùng chắc chắn sẽ đòi hỏi nhu cầu về hiệu suất cùng lúc với sự đảm bảo an toàn về bảo mật, xem đó như một phần sống còn trong nhu cầu công việc của họ.

quote cuoi.png

Trong một buổi nói chuyện, Jerry Paradise, phó chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm Commercial, PC và thiết bị thông minh toàn cầu của Lenovo từng khẳng định "Sự an toàn của người lao động là trên hết. Cuộc cách mạng công việc toàn cầu kéo theo việc người ta dành nhiều thời gian hơn nữa cho các thiết bị của chúng tôi. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 41% người lao động đã trải qua tình trạng kiệt sức trong vài tháng qua và người Mỹ trung bình dành tới 13 giờ mỗi ngày trước các thiết bị kỹ thuật số. Công nghệ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người lao động duy trì những thói quen lành mạnh và bền vững để ngăn chặn tình trạng kiệt sức hơn nữa. Ví dụ: PC của Lenovo cung cấp bộ lọc ánh sáng xanh để tăng cường sự thoải mái cho mắt và cũng có thể gửi thông báo khuyến khích thời gian sử dụng màn hình hoặc điều chỉnh tư thế sau thời gian dài sử dụng màn hình."

Gần đây, khi ra mặt loạt sản phẩm Think mới, Lenovo cũng cho biết rằng: “Những chiếc Lenovo ThinkPad vẫn tiếp tục mở rộng các giới hạn, không chỉ thông qua những đổi mới đột phá mà còn mang tới các lựa chọn phong phú hơn cho người dùng. Một kiểu sẽ không thể nào phù hợp với mọi người. Những người làm việc hybrid và ra quyết định mảng IT sẽ có những nhu cầu và đỏi hỏi rất khác nhau đối với các phân khúc và kịch bản sử dụng. Ưu tiên của Lenovo là mang đến cho người dùng cuối những thiết bị làm việc hiệu quả với tính liên kết cao, đồng thời giảm thiểu gánh nặng quản trị và hỗ trợ cho các nhân viên IT.”

Sau 30 năm, ThinkPad đã trở thành một biểu tượng trong thế giới những chiếc laptop doanh nghiệp. Một cách công bằng, họ đã tạo nên một công đồng người hâm mộ nhất định. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có những chiếc ThinkPad với thiết kế doanh nhân, độ ổn định và độ tin cậy đã được xác nhận, bàn phím huyền thoại với chất lượng cao, màn hình liên tục được nâng cấp qua từng năm theo hướng thực tế hơn bao giờ hết. Dù vậy, dòng chảy của công nghệ chưa bao giờ là dừng lại, đặc biệt trong bối cảnh mà sự trỗi dậy của những chiếc máy ARM đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặt ra tiền đề để chiếc ThinkPad phải được hoàn thiện hơn nữa.

Trong lịch sử của ThinkPad nói riêng và máy tính xách tay nói chung, cái đích mà chúng ta cần phải giải quyết bên cạnh thiết kế, hiệu năng hay độ tin cậy chính là "pin". Một chiếc laptop doanh nhân với pin trụ được hơn 10 tiếng làm việc liên tục hoặc hơn thế nữa luôn là mong mỏi của nhiều người. Đó cũng là những gì mà mình hy vọng có được từ chiếc ThinkPad mới nhất vừa được trên tay là X13s. Nhờ vào giải pháp Snapdragon 8cx Gen 3 của Qualcomm, kết hợp với sự hoàn thiện hơn của Windows 11 mà điểm nhất là bộ giả lập các app x64 trên nền tảng ARM một cách hoàn chỉnh hơn, chúng ta có quyền tin rằng những chiếc ThinkPad sẽ nhanh chóng thích ứng với tương lai đó, góp phần hoàn thiện hơn khái niệm “hoàn hảo” của một chiếc máy tính xách tay dành cho doanh nhân. Hãy cùng chờ xem nhé.

Tham gia cộng đồng yêu công nghệ Pro Community của ThinkPro ngay để cùng bàn luận, chia sẻ các kiến thức, thủ thuật, cập nhật tin tức công nghệ nhanh chóng, chính xác. 

---------------------------

ThinkPro là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.