MacBook đã chính thức chơi được giả lập PS3, M1 hay Intel đều được hết!
Cách đây ít hôm, kênh YouTube RPCS3 đã đăng tải một video demo chạy game giả lập PS3 trên macOS - cụ thể là trên MacBook M1 và MacBook Pro 16 Intel bản Core i9. Chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của không ít cái tên nổi tiếng như Tomb Raider Trilogy, Skate 3, God of War III hay cả siêu phẩm JRPG Persona 5; và chúng đều hoạt động nhìn chung là khá ổn - thậm chí một số còn chơi được ổn ở tiệm cận 60 FPS.
Dành cho bạn nào chưa biết thì RPCS3 là tên của một trình giả lập PS3 khá nổi tiếng trên Windows và Linux, chuyên được các game thủ tin dùng để trải nghiệm game console thay thế cho PS3 thật. Đây cũng chính là thứ đã khiến người viết một thời Đại học mất ăn mất ngủ, không hiểu tại sao tuỳ chỉnh đến vậy rồi mà chiếc laptop Core i5-4200H 2 nhân vẫn không thể chạy nổi Persona 5 (sau mới biết là do CPU yếu quá).
Có thể thấy ở trong clip thì trong đa phần trường hợp, RPCS3 macOS tỏ ra hiệu quả hơn khi dùng với các sản phẩm chạy SoC Apple M1. Ngay cả với phiên bản chỉ dùng 7 nhân GPU đi kèm 8GB RAM cũng đã chạy tốt với nhiều game ở độ phân giải 1080p - tiêu biểu như Persona 5 (khoảng 45 FPS), Kingdom Hearts HD 2.5 ReMix (55 - 60 FPS) hay Hatsune Miku: Project DIVA F 2nd (xấp xỉ 60 FPS).
Nếu đang sử dụng M1 Max 32 nhân GPU và 32GB RAM, bạn sẽ có thể chạy tốt một số tựa game nổi bật hơn như God of War 3 (45 FPS) hay Ratchet and Clank: Into the Nexus (khoảng 50 FPS). Thậm chí với một vài game dùng ít GPU như Persona 5, nó còn có thể hoạt động mượt ở độ phân giải lên tới 1440p, rất ấn tượng.
Với chip Intel Core i9-9980H, 32GB RAM cùng card đồ hoạ RX 5500M 8GB trên MacBook Pro 16 2019, người dùng cũng có thể chạy game RPCS3. Nhưng trong đa phần trường hợp thì trải nghiệm chúng ta nhận được sẽ không mượt bằng M1, tối đa thì cũng chỉ ngang phiên bản 8 nhân GPU ở một số ít game (ví dụ như Skate 3).

Hiện tại, đội ngũ RPCS3 vẫn đang thu thập thông tin về trải nghiệm của người dùng trên macOS. Danh sách các game chạy được và mức độ tương thích của công cụ này hứa hẹn sẽ được cập nhật liên tục trong tương lai, qua đó mở ra một cách mới để chúng ta “gaming” trên MacBook - điều từng bị coi là không có nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, các sản phẩm thử nghiệm trong clip đều đã được can thiệp theo nhiều cách để làm sao không bị quá nhiệt (Bật quạt tản tối đa, mod thêm pad, v.v.). Vậy nên nếu tự mình chạy game, bạn đọc cũng sẽ cần những tính toán tương tự nếu không muốn chiếc máy thân yêu sớm… đi bụi. Hiện tại thì RPCS3 cho macOS đã có thể được tải về, cụ thể là tại link này.
Tò mò về hiệu năng chơi game RPCS3 trên macOS? Hãy comment vào bài post chia sẻ trên Facebook / Telegram nếu bạn muốn ThinkPro làm bài trải nghiệm nhé!




