So sánh HP Pavilion X360 14 và Asus Vivobook S14: Nên chọn mẫu nào
Hiện nay, HP Pavilion X360 14 và Asus Vivobook S14 đều là những lựa chọn phổ biến trong phân khúc laptop tầm trung, nhắm đến người dùng cần sự cân bằng giữa hiệu năng và giá trị. Sau khi trải nghiệm cả hai chiếc laptop này, mình sẽ chia sẻ những cảm nhận chân thực để giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn. Nếu bạn đang đứng giữa trong việc lựa chọn nên mua mẫu nào trong 2 dòng laptop này, thì bạn hãy cùng Thinkpro xem qua bài so sánh HP Pavilion X360 14 và Asus Vivobook S14 để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất nhé!
Tổng quan về HP Pavilion và Asus Vivobook
Nếu bạn đang cân nhắc giữa hai chiếc laptop phổ biến trong phân khúc tầm trung là HP Pavilion X360 14 và Asus Vivobook S14, thì mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn để đưa ra quyết định. Cả hai dòng sản phẩm đều được thiết kế hướng đến đối tượng người dùng trẻ trung, năng động và có nhu cầu sử dụng đa dạng, từ công việc văn phòng, học tập cho đến giải trí.
Về HP Pavilion X360 14, từ lâu nó đã chiếc laptop đa năng nổi bật với thiết kế 2-trong-1 linh hoạt. Với thiết kế bản lề độc đáo có thể xoay gập 360 độ, cho phép bạn sử dụng nó như một laptop thông thường, một chiếc tablet, hoặc bất kỳ chế độ nào khác như tent hay stand. Điều này cực kỳ tiện lợi cho những bạn đang tìm kiếm một thiết bị linh hoạt, có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các chế độ sử dụng khác nhau. Mình thấy nó rất phù hợp khi mình cần ghi chú nhanh trong các cuộc họp, xem phim, hoặc thậm chí là làm việc ở những không gian chật hẹp.
Ngược lại, mẫu laptop Asus Vivobook S14 lại ghi điểm với mình bởi thiết kế mỏng nhẹ, hiện đại và cấu hình ổn định. Máy có trọng lượng nhẹ và kích thước gọn gàng, dễ dàng bỏ vào balo mang đi khắp nơi mà không cảm thấy nặng nề. Điều mình thích ở Vivobook S14 là nó vẫn giữ được hiệu năng mạnh mẽ dù có thiết kế nhỏ gọn. Nhờ vào điều đó mà máy chạy mượt mà, đáp ứng tốt các tác vụ từ công việc văn phòng đến giải trí đa phương tiện.
So sánh về thiết kế và chất liệu
Sau khi trải nghiệm cả 2 dòng laptop này, mình có thể nói rằng mỗi chiếc máy đều có những điểm mạnh riêng về thiết kế và chất liệu.
Đầu tiên là về HP Pavilion X360 14: Máy được thiết kế với sự kết hợp giữa nhôm và nhựa cao cấp. Phần nắp và vùng đặt tay làm từ nhôm, tạo cảm giác rất mát lạnh và chắc chắn khi chạm vào. Điều này rất quan trọng vì mình thường xuyên di chuyển và sử dụng máy ở nhiều môi trường khác nhau. Phần dưới và viền màn hình bằng nhựa giúp giảm trọng lượng tổng thể của máy mà không làm giảm độ bền. Bên cạnh đó, mình thấy các thành phần chất liệu khác cũng rất ổn, như các khớp nối khá chắc chắn và không có hiện tượng flex khi sử dụng. Khiến cho cảm giác cầm nắm rất thoải mái, đặc biệt là khi mình sử dụng máy ở chế độ tablet.
Về phía Asus Vivobook S14: Giống như mẫu laptop HP, chiếc máy này cũng không hề kém phần sang trọng với phần nắp và vùng đặt tay làm từ nhôm, kết hợp với nhựa cho phần đáy. Phần nhôm của máy đã được nhà sản xuất hoàn thiện vô cùng mịn màng, mang lại một cảm giác sang trọng và hiện đại. Chất liệu của Vivobook S14 cũng rất đáng khen, các chi tiết được lắp ráp tỉ mỉ và chắc chắn, cho mình cảm giác chắc tay khi cầm nắm. Một điểm mình thích ở Vivobook S14 là phần nhôm này không chỉ trông đẹp mà còn giúp tản nhiệt tốt hơn khi máy hoạt động ở hiệu suất cao. Do phần đáy của máy được làm bằng nhựa nhẹ nên trọng lượng tổng thể của máy có phần giảm xuống, làm cho chiếc máy này nhẹ hơn đáng kể so với HP Pavilion X360 14.
Từ những điểm mình đã chia sẻ, bạn có thể nhận thấy rằng cả hai dòng máy này đều có phần tương đồng về chất liệu, chủ yếu là nhôm và nhựa cao cấp. Tuy nhiên, khi bàn về thiết kế, mỗi chiếc laptop lại mang đến một phong cách riêng biệt và độc đáo, tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Mỗi chiếc máy đều có những đặc điểm thiết kế riêng, từ màu sắc, kiểu dáng đến cách sắp xếp các chi tiết, sẽ mang lại trải nghiệm và cảm giác khác nhau khi bạn người sử dụng.
Về ngoại hình, laptop HP Pavilion x360 14 nghiêng về sự thanh lịch và tinh tế với các tông màu chủ đạo bạc, xanh và vàng. Logo HP quen thuộc được phủ bóng và đặt giữa mặt lưng máy. Đặc biệt, các cạnh máy được bo tròn nhẹ tạo cho mình cảm giác rất thoải mái khi cầm nắm, không bị cấn tay khi sử dụng lâu.. Và đương nhiên, không thể không kể đến thiết kế xoay gập 360 độ. Tính năng này giúp mình dễ dàng chuyển đổi giữa các chế độ sử dụng, từ laptop sang tablet chỉ trong tích tắc, cực kỳ tiện lợi và tiết kiệm không gian.
Trái ngược với HP Pavilion, vẻ ngoài Vivobook S14 lại nổi bật hơn với các tông màu tươi trẻ như xanh lá, hồng và xám đen, mang lại cho người dùng cảm giác năng động và trẻ trung. Thay vì đặt ở giữa như HP hay một số các dòng laptop khác, logo của Asus Vivobook lại được đặt lệch một bên trên nắp, tạo nên một phong cách khác biệt và cá tính. Mặc dù không được thiết kế xoay gập giúp giảm thiểu không gian như HP Pavilion, nhưng viền màn siêu mỏng của chiếc Vivobook này cũng làm cho màn hình trông lớn hơn, mở rộng diện tích hiển thị và mang lại trải nghiệm xem rất đã mắt. Ngoài ra, Asus còn tích hợp một số chi tiết nhỏ nhưng tinh tế như phím Enter với viền màu vàng neon và phần bản lề ErgoLift, giúp nâng bàn phím lên một góc nhỏ khi mở máy, mang lại cho mình cảm giác gõ phím thoải mái hơn nhiều.
Khi nói đến trọng lượng và kích thước, cả hai máy đều có những điểm mạnh riêng, phù hợp với nhu cầu di chuyển và sử dụng hàng ngày. Laptop Asus Vivobook có trọng lượng khoảng 1.4kg. Trong khi đó, cân nặng của HP Pavilion lại có phần nhỉnh hơn tí, cụ thể là khoảng 1.6kg. Nhưng nói chung, cả hai đều có kích thước nhỏ gọn, đều có thể dễ dàng bỏ vào balo và mang theo bên người, cũng như tiện lợi cho việc di chuyển thường xuyên hoặc sử dụng ở các môi trường khác nhau như văn phòng, trường học hay tại các quán cà phê.
Chất lượng màn hình
Để so sánh chất lượng màn hình giữa HP Pavilion X360 14 và Asus Vivobook S14, mình đã trải nghiệm cả hai và có những nhận xét cụ thể như sau:
Sau một thời gian sử dụng HP Pavilion X360 14, mình thấy màn hình 14 inch với độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixels) khá ấn tượng. Màn hình này sử dụng công nghệ IPS (In-Plane Switching) nên màu sắc rất chân thực và có góc nhìn rộng. Khi mình thử nhìn từ các góc độ khác nhau, màu sắc và độ sáng vẫn giữ nguyên, không bị biến đổi. Tuy nhiên, độ sáng của màn hình chỉ đạt khoảng 250 nits, đủ dùng trong nhà nhưng khi ra ngoài trời hoặc dưới ánh sáng mạnh thì thật sự hơi khó nhìn.
Ví dụ, có lần mình mang laptop ra quán cà phê ngoài trời để làm việc, dưới ánh nắng thì thực sự rất khó nhìn màn hình. Nhưng khi quay lại trong nhà thì mọi thứ lại trở nên rõ ràng và sắc nét. Với các bạn thường làm việc trong nhà hay văn phòng, độ sáng này có thể chấp nhận được, nhưng đối với các bạn có nhu cầu cần sử dụng ngoài trời nhiều, mình nghĩ có lẽ nên cân nhắc kỹ hơn.
Asus Vivobook S14 cũng có màn hình 14 inch Full HD (1920 x 1080 pixels) và sử dụng công nghệ IPS tương tự. Nhưng điểm mình thích nhất ở Vivobook S14 là độ sáng của nó cao hơn, lên tới 300 nits. Điều này thực sự tạo ra sự khác biệt khi mình làm việc ngoài trời hoặc trong các điều kiện ánh sáng mạnh. Hình ảnh trên màn hình Vivobook S14 hiển thị rõ ràng và dễ nhìn hơn nhiều.
Để trải nghiệm thực tế chất lượng màn hình, mình đã mang Vivobook S14 ra ngoài sân vườn để làm việc, dưới ánh nắng nhẹ thì màn hình vẫn hiển thị rất tốt, không gặp khó khăn gì. Màu sắc trên Vivobook S14 cũng rất sống động và sắc nét, đặc biệt là khi mình xem phim hoặc làm các công việc liên quan đến đồ họa, mọi hình ảnh cũng trở nên rực rỡ và cuốn hút hơn.
Khả năng cảm ứng của mỗi laptop
Một điểm mạnh khác của HP Pavilion X360 14 chính là màn hình cảm ứng của nó. Độ nhạy của màn hình rất tốt, phản hồi nhanh và chính xác với từng thao tác chạm. Điều này rất hữu ích khi mình sử dụng các ứng dụng đồ họa hoặc ghi chú nhanh. Mình rất thích tính năng xoay 360 độ của laptop này, nhờ nó mà mình có thể biến một chiếc laptop thành một chiếc máy tính bảng ngay lập tức khi cần.
Chẳng hạn, khi mình tham gia một buổi họp nhóm, mình có thể dễ dàng xoay màn hình và sử dụng nó như một bảng vẽ để minh họa ý tưởng cho đồng nghiệp. Khả năng xoay linh hoạt này cũng rất tiện khi mình muốn thư giãn bằng cách xem phim hoặc đọc sách điện tử ở các tư thế khác nhau.
Màn hình cảm ứng của Asus Vivobook S14 cũng rất tốt, nhưng theo mình cảm nhận thì độ nhạy và khả năng nhận diện đa điểm không tốt bằng Pavilion X360 14. Phản hồi của màn hình vẫn nhanh, nhưng đôi khi mình cảm thấy có chút lag khi thao tác nhiều điểm cùng lúc. Vivobook S14 không có khả năng xoay 360 độ, nên màn hình cảm ứng không thực sự tiện lợi trong một số tình huống sử dụng.
Ví dụ, khi mình cần sử dụng màn hình cảm ứng để vẽ hoặc ghi chú, mình thấy nó hơi khó khăn hơn so với Pavilion X360 14. Tuy nhiên, màn hình cảm ứng của Vivobook S14 vẫn đủ tốt cho các tác vụ cơ bản như lướt web hoặc thao tác các ứng dụng văn phòng.
So sánh độ sắc nét và rõ ràng của màn hình
Cả hai laptop đều có màn hình Full HD, nhưng mình thấy Asus Vivobook S14 có độ sáng cao hơn, giúp hình ảnh rõ ràng và dễ nhìn hơn trong các điều kiện ánh sáng mạnh. Màu sắc trên Vivobook S14 cũng sống động hơn, khiến mình cảm thấy thích thú hơn khi xem phim hay làm việc liên quan đến đồ họa. Tuy nhiên, HP Pavilion X360 14 cũng không tệ chút nào, chỉ là độ sáng thấp hơn một chút, nhưng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng trong nhà.
Các thông số hiệu năng
Mình đã sử dụng HP Pavilion X360 14 với tùy chọn CPU Intel Core i5-1135G7. Đây là bộ vi xử lý thế hệ thứ 11 của Intel, có 4 nhân và 8 luồng, với tốc độ xung nhịp cơ bản là 2.4GHz và có thể tăng lên đến 4.2GHz khi cần. Để kiểm tra hiệu năng thực tế, mình đã chạy thử một vài bài benchmark. Trong Cinebench R23, máy đạt khoảng 5800 điểm đa nhân và 1500 điểm đơn nhân. Khi sử dụng thực tế, mình thấy máy hoạt động rất ổn định với các công việc đơn giản hàng ngày như xử lý văn bản, duyệt web, hoặc thậm chí là chỉnh sửa ảnh cơ bản. Tuy nhiên, khi mở nhiều ứng dụng cùng lúc, mình có cảm giác máy hơi chậm lại một chút, nhưng không đáng kể.
Về phía Asus Vivobook S14, mình đã lựa chọn máy được trang bị CPU AMD Ryzen 7 5700U. Đây là một con chip mạnh mẽ với 8 nhân và 16 luồng, tốc độ xung nhịp cơ bản là 1.8GHz và có thể boost lên đến 4.3GHz. Khi mình chạy Cinebench R23, máy đạt khoảng 11000 điểm đa nhân và 1400 điểm đơn nhân. Trong quá trình sử dụng hàng ngày, Vivobook S14 xử lý mọi tác vụ một cách khá là mượt mà. Mình có thể mở nhiều tab trình duyệt, chạy các phần mềm đồ họa và chỉnh sửa video mà không gặp tình trạng giật lag.
HP Pavilion X360 14 sử dụng đồ họa tích hợp Intel Iris Xe, một trong những GPU tích hợp mạnh mẽ nhất của Intel. Với Iris Xe, mình thấy nó đủ khả năng để thực hiện các tác vụ hàng ngày như xem phim Full HD, chỉnh sửa ảnh cơ bản và thậm chí là chỉnh sửa video. Khi chơi các game eSports như Dota 2 và CS: GO ở mức cài đặt trung bình, máy chạy khá mượt mà, không gặp nhiều vấn đề về hiệu suất. Nhưng khi mình thử sức với các game nặng hơn như The Witcher 3 hay Cyberpunk 2077, máy lại không đáp ứng tốt và bắt đầu xuất hiện tình trạng giật lag về phần hình ảnh bị giật lag, khiến cho trải nghiệm chơi game không còn mượt mà nữa. Tuy nhiên, với các tác vụ văn phòng và giải trí nhẹ, đồ họa Iris Xe vẫn hoạt động rất tốt.
Như khi chơi Dota 2, mình có thể đạt được khoảng 60 FPS ở cài đặt trung bình nhưng với The Witcher 3, FPS chỉ ở mức 20-25, thậm chí còn thấp hơn ở những cảnh phức tạp. Điều này cho thấy đồ họa tích hợp Iris Xe phù hợp cho các tác vụ văn phòng và giải trí nhẹ nhàng hơn là các công việc đòi hỏi đồ họa cao.
Về GPU, Asus Vivobook S14 được trang bị đồ họa tích hợp AMD Radeon RX Vega 8. Hiệu suất đồ họa của nó thực sự khiến mình ấn tượng, nhất là khi đối với một chiếc laptop không có card đồ họa rời. Mình có thể chơi các game như Fortnite, PUBG ở mức cài đặt trung bình mà không gặp nhiều vấn đề. Khi chỉnh sửa video, máy cũng hoạt động mượt mà, không bị giật lag. FPS trong các game này thường duy trì ở mức 30-40, mang lại cho mình trải nghiệm chơi game khá ổn định.
Đặc biệt, khi chỉnh sửa video, Vivobook S14 hoạt động rất mượt mà, không bị giật lag như Pavilion X360 14. Mình đã thử chỉnh sửa một video 4K trên Adobe Premiere Pro và máy xử lý rất tốt, không gặp tình trạng bị đứng hình hay chậm chạp. Card đồ họa này cũng đã hỗ trợ mình rất tốt trong việc chỉnh sửa ảnh và thiết kế đồ họa, giúp mình dễ dàng làm việc với các phần mềm như Photoshop và Illustrator.
So sánh đồ họa tích hợp và đồ họa rời
Mặc dù cả HP Pavilion X360 14 và Asus Vivobook S14 đều sử dụng card đồ họa tích hợp, nhưng hiệu suất của Radeon RX Vega 8 trên Vivobook S14 rõ ràng vượt trội hơn so với Intel Iris Xe trên Pavilion X360 14. Điều này đã được thể hiện rõ trong quá trình mình thực hiện các tác vụ đòi hỏi đồ họa cao như chơi game và chỉnh sửa video. Với Radeon RX Vega 8, Vivobook S14 có thể xử lý các game và phần mềm đồ họa một cách mượt mà và ổn định hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn không có nhu cầu chơi game nặng hay làm việc với các ứng dụng đồ họa cao, Intel Iris Xe trên Pavilion X360 14 vẫn là một lựa chọn đáng được cân nhắc cho các công việc văn phòng, xem phim, và chỉnh sửa ảnh cơ bản. Đồ họa tích hợp Iris Xe cũng tiêu thụ ít điện năng hơn, từ đó thời lượng pin của máy cũng sử dụng được dài hơn.
So sánh trải nghiệm khi sử dụng HP Pavilion 14 x360 và Asus Vivobook S14
Về bàn phím và chuột
Sau một thời gian sử dụng bàn phím của HP Pavilion, mình rất hài lòng với nó, cũng như có một số nhận xét sau đây. Độ nảy của phím rất tốt, không quá cứng cũng không quá mềm, mang lại cảm giác gõ phím rất thoải mái. Mỗi lần gõ phím, mình cảm thấy có một lực đàn hồi vừa đủ giúp các ngón tay không bị mỏi dù phải gõ trong thời gian dài.
Bố trí bàn phím cũng rất hợp lý, các phím được đặt ở vị trí dễ bấm và có khoảng cách đủ rộng để tránh gõ nhầm. Đèn nền bàn phím là một điểm cộng lớn, tính năng này khá hữu ích khi mình làm việc trong điều kiện ánh sáng yếu, như buổi tối hoặc trong phòng tối. Ánh sáng từ đèn nền phân bố rất đều, không quá chói, giúp mình dễ dàng nhìn thấy các phím mà không cần căng mắt.
Mình nhớ có lần phải hoàn thành một bài báo cáo dài hạn vào buổi tối muộn, đèn nền của bàn phím đã hỗ trợ mình rất nhiều. Ánh sáng mềm mại giúp mình tập trung vào công việc mà không bị phân tâm bởi ánh sáng xung quanh.
Bàn phím của Asus Vivobook S14 cũng rất ấn tượng. Nhưng có vẻ độ nảy của phím hơi mềm hơn một chút so với Pavilion X360 14, nên mình có cảm giác gõ phím nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Các phím cũng có độ phản hồi tốt, mình có thể gõ nhanh mà không cần dùng nhiều lực. Giống như laptop HP Pavilion, bố trí bàn phím của Asus Vivobook cũng rất hợp lý, các phím được sắp xếp một cách khoa học và có khoảng cách vừa đủ rộng, giúp mình dễ dàng gõ mà không lo sợ bị nhầm lẫn hay gõ sai.
Kích thước bàn di chuột, độ nhạy và hỗ trợ cử chỉ
Về bàn di chuột, cả hai mẫu laptop này đều có kích thuớc khá lớn, giúp cho mình có một không gian vừa đủ để thực hiện các thao tác di chuột một cách thoải mái nhất. Độ nhạy touchpad của cả hai cũng đều rất tốt, nó phản hồi khá nhanh và chính xác với từng thao tác. Khi sử dụng, mình chưa bao giờ gặp phải tình trạng lag hay thiếu chính xác. Mà ngược lại, mình có thể dễ dàng thực hiện các thao tác di chuột và điều khiển mà không gặp khó khăn gì.
Một điểm đáng chú ý là touchpad của HP Pavilion và Asus Vivobook đều hỗ trợ đầy đủ các cử chỉ đa điểm của Windows 10. Mình thường xuyên sử dụng các cử chỉ như vuốt ba ngón tay để chuyển đổi giữa các cửa sổ, hay kéo hai ngón tay để phóng to/thu nhỏ. Các cử chỉ này hoạt động rất mượt mà và giúp mình dễ dàng thao tác hơn khi làm việc. Đặc biệt, cảm giác di chuột trên bề mặt touchpad rất mịn màng và dễ chịu, giúp mình làm việc lâu mà không bị mỏi tay.
Chất lượng âm thanh
Khi mình sử dụng HP Pavilion X360 14 để xem phim, nghe nhạc và thậm chí tham gia các cuộc họp video, chất lượng âm thanh thực sự khiến mình rất hài lòng. Loa của máy được đặt ở phía trên bàn phím, điều này giúp âm thanh phát ra rõ ràng và hướng thẳng đến người dùng là mình. Âm thanh khá to và rõ, dải trung và cao rất tốt. Tuy nhiên, âm bass không được mạnh mẽ lắm, nhưng đối với một chiếc laptop thì mình thấy như vậy là ổn.
Khi nghe nhạc, mình có thể phân biệt rõ từng nhạc cụ trong bản nhạc và lời bài hát cũng rất rõ ràng. Nhờ vậy mà trải nghiệm nghe nhạc của mình cũng trở nên tuyệt vời hơn. Trong các cuộc gọi video, âm thanh từ loa rất rõ, giọng nói của người đối diện không bị rè hay méo, điều này rất quan trọng khi mình phải tham gia các cuộc họp trực tuyến.
Chất lượng âm thanh mà Asus Vivobook S14 mang đến cho mình cũng không hề kém cạnh với HP Pavilion. Mặc dù loa được đặt ở phía dưới máy, có thể ảnh hưởng đến âm lượng khi đặt trên bề mặt mềm, nhưng khi đặt trên bàn, âm thanh vẫn rất to và rõ ràng. Đặc biệt, âm bass của Vivobook S14 mạnh mẽ hơn so với Pavilion X360 14, khiến cho âm thanh có chiều sâu hơn khi nghe nhạc và xem phim. Như khi xem một bộ phim nào đó, mình có thể cảm nhận được sự sống động từ các hiệu ứng âm thanh, từ tiếng bước chân nhẹ nhàng đến những pha hành động hoành tráng. Trong các cuộc gọi video, loa của Vivobook S14 cũng hoạt động rất tốt. Giọng nói của người đối diện rõ ràng, dễ nghe, giúp mình có thể giao tiếp hiệu quả mà không gặp trở ngại gì.
Độ rõ ràng của micro và các tính năng khử tiếng ồn cho cuộc gọi và ghi âm
Micro của HP Pavilion X360 14 thực sự ghi điểm với mình về độ rõ ràng và tính năng khử tiếng ồn. Khi mình ghi âm hay thực hiện các cuộc gọi video, chất lượng âm thanh từ micro luôn luôn ổn định. Giọng nói của mình được thu lại rất rõ ràng, không bị méo hay rè. Nhờ vào tính năng khử tiếng ồn hiệu quả của chiếc laptop này, mình có thể loại bỏ các tiếng ồn xung quanh khi đang ghi âm hoặc gọi điện ở những môi trường đông người như quán cafe.
Ví dụ, trong một lần họp trực tuyến, mình đang ngồi ở một quán cà phê khá ồn ào, nhưng đồng nghiệp vẫn nghe rõ từng lời mình nói mà không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh. Khi ghi âm, chất lượng âm thanh cũng rất tốt, giọng nói của mình rõ ràng và tự nhiên, giúp mình dễ dàng nghe lại và điều chỉnh nội dung.
Không hề kém cạnh người bạn HP, micro của Asus Vivobook S14 cũng hoạt động rất tốt, nhưng lại có một chút khác biệt hơn. Độ rõ ràng của micro rất ổn, giọng nói của mình được thu lại khá rõ ràng và chi tiết. Tuy nhiên, mình cảm nhận rằng tính năng khử tiếng ồn của Vivobook S14 chưa thực sự mạnh mẽ bằng Pavilion X360 14. Khi mình ghi âm hoặc gọi điện trong môi trường có nhiều tiếng ồn, micro của Vivobook S14 vẫn thu lại một ít tiếng ồn xung quanh.
Tuy nhiên, khi mình sử dụng Vivobook S14 trong môi trường yên tĩnh, chất lượng âm thanh từ micro rất tốt. Giọng nói của mình rất rõ và không bị méo. Trong các cuộc gọi video, đồng nghiệp của mình cũng có thể nghe rõ từng lời mình nói, nhưng mình phải chú ý hơn đến môi trường xung quanh để tránh tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc gọi.
Một số câu hỏi so sánh giữa laptop HP Pavilion và Asus Vivobook (FAQs)
Q1: Laptop nào có thời lượng pin tốt hơn, HP Pavilion x360 14 hay ASUS Vivobook S14?
Mình đã sử dụng cả HP Pavilion x360 14 và ASUS Vivobook S14 và thấy rằng thời lượng pin của ASUS Vivobook nhỉnh hơn một chút so với HP Pavilion. Pavilion x360 14 thường kéo dài khoảng 7-8 giờ khi mình sử dụng để lướt web, xem video và làm việc văn phòng, còn Vivobook S14 có thể kéo dài lên đến 9-10 giờ trong cùng điều kiện. Điều này khiến cho Vivobook S14 sẽ phù hợp hơn nếu bạn cần làm việc trong thời gian dài mà không cần cắm sạc.
Q2: Cả hai laptop có phù hợp để chơi game không?
Cả hai laptop đều được trang bị đồ họa tích hợp, phù hợp cho các trò chơi nhẹ và ít đòi hỏi. Đối với các trò chơi nặng hơn, không có laptop nào là lựa chọn tốt nhất, vì các laptop chuyên dụng cho chơi game với card đồ họa rời sẽ phù hợp hơn.
Q3: Màn hình của hai laptop này so sánh như thế nào?
Mình thấy màn hình của ASUS Vivobook S14 có độ sáng cao hơn và màu sắc sống động hơn so với HP Pavilion x360 14. Pavilion x360 14 có màn hình IPS với độ sáng khoảng 250 nits, đủ tốt để sử dụng trong nhà nhưng hơi khó nhìn dưới ánh sáng mạnh. Màn hình của Vivobook S14 cũng là IPS nhưng độ sáng lên đến 300 nits, giúp hiển thị rõ ràng hơn trong điều kiện ánh sáng mạnh. Ngoài ra, màu sắc trên Vivobook S14 cũng sống động và rực rỡ hơn, giúp nâng cao trải nghiệm xem phim và chỉnh sửa ảnh khiến cho nó trở nên thú vị hơn.
Q4: Laptop nào tốt hơn cho sinh viên?
Cả hai laptop đều có những ưu điểm riêng, nhưng mình nghĩ ASUS Vivobook S14 có thể là lựa chọn tốt hơn cho sinh viên. Với thời lượng pin dài hơn và màn hình sáng hơn, Vivobook S14 sẽ thuận tiện hơn cho việc học tập và làm việc ở nhiều nơi khác nhau. Ngoài ra, hiệu suất của Vivobook S14 với CPU AMD Ryzen 7 và đồ họa Radeon RX Vega 8 cũng mạnh mẽ hơn, giúp bạn xử lý các tác vụ đa nhiệm và đồ họa một cách mượt mà. Tuy nhiên, nếu bạn thích tính linh hoạt và màn hình cảm ứng, HP Pavilion x360 14 với khả năng xoay 360 độ cũng là một lựa chọn tuyệt vời.
Tổng kết
Qua trải nghiệm của mình, cả 2 dòng máy này đều có những ưu điểm riêng và là những sự lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, sau khi so sánh HP Pavilion X360 14 và Asus Vivobook S14, mình có một vài gợi ý đến các bạn về việc lựa chọn mẫu nào sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng, theo quan điểm cá nhân của bản thân. Nếu bạn đang tìm kiếm một laptop linh hoạt và dễ dàng chuyển đổi chế độ sử dụng, Pavilion X360 14 sẽ làm bạn hài lòng. Còn nếu bạn đang cần một chiếc máy có chất lượng màn hình vượt trội về độ sáng và màu sắc để làm việc và giải trí, Vivobook S14 chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Nói chung, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người mà lựa chọn giữa hai laptop này sẽ khác nhau, nhưng với mình, cả hai đều là những sự lựa chọn đáng cân nhắc.