logo

Tương lai nào cho những chiếc "Desktop di động" ?

Bùi Quang Thành 00:00, 27/01/2021

Cách đây không lâu, Dell mới cho ra mắt dòng máy Alienware Area 51m R2, với cấu hình siêu khủng, CPU Comet Lake của dòng Desktop. Đây cũng không phải điều quá mới lạ gì, vì trước đây đã có những hãng tiên phong trong điều này, như là Clevo. Thế nhưng, mục đích của các hãng là gì khi trong những năm gần đây, lại rầm rộ đưa ra những sản phẩm như vậy?

Dell Alienware Area 51m R2 - Chiếc gaming Laptop vừa được Dell ra mắt cách đây ít lâu

Nếu xét trên phương diện để quảng bá thương hiệu, Dell, hay Asus, MSI vốn đã rất nổi tiếng rồi, họ làm như vậy để làm gì nữa? Tất nhiên là những sản phẩm các hãng này làm đều không phải để chơi rồi. Họ tung ra các sản phẩm cấu hình desktop như vậy thực ra là để quảng bá công nghệ của họ, nhất là Asus với MSI. Đây vốn là hai hãng phần cứng rất nổi tiếng trên thị trường thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng.

Vậy nên, cũng chẳng có gì sai khi họ tạo ra những mainboard sử dụng Socket của desktop và đưa chúng vào những chiếc Laptop một cách gọn gàng và tinh tế cả. Bên cạnh đó, họ còn dùng những chiếc laptop này để quảng bá về khả năng tản nhiệt của những chiếc máy đó nữa. Cũng có thể nói đó là một nước đi vô cùng khôn khéo. Thế nhưng liệu các hãng laptop có hỗ trợ chiếc máy của mình đến cùng không thì lại là chuyện khác. Đơn cử như chiếc Asus ROG Strix GL702ZC đình đám, ra mắt với chipset X370 và được trang bị CPU Ryzen R7 1700 mạnh mẽ vào thời điểm đó, nhưng đến nay thì sao, trong khi AMD liên tục đưa ra những bản cập nhật cho các chipset dòng cũ để có thể sử dụng các CPU mới, nhưng có chung Socket AM4, thì chiếc máy này lại vẫn yên vị ở dòng Ryzen 1000, không được cập nhật. Vậy mới nói, tạo ra một sản phẩm để quảng bá thì dễ đấy, nhưng để hỗ trợ cho sản phẩm đó đến hết vòng đời thì không phải hãng nào cũng làm hết mình.

Asus ROG Strix GL702ZC - Chiếc Laptop Gaming sử dụng CPU Ryzen 7 - 1700 trên máy tính bàn

Nhưng cũng phải nói lại, cung xuất phát từ cầu. Người dùng phải có nhu cầu thì mới sinh ra những chiếc laptop khủng long như vậy chứ. Trong thời điểm hiện tại, các phần mềm dựng hình, render hay nhu cầu trainning AI cần phần cứng rất cao, các laptop thông thường hiện nay, thậm chí cả máy trạm cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu được. Vậy nên những người dùng cần chạy những phần mềm, ứng dụng yêu cầu cao về phần cứng, họ cần những chiếc máy có tính di động, nhưng vẫn mang phần cứng cực kỳ mạnh mẽ. Vậy nên việc có những chiếc máy như Area 51m R2, hay GT 76 Titan, là rất phù hợp. Nhưng tất nhiên, người dùng sẽ phải đánh đổi trọng lượng, cũng như kích thước siêu cồng kềnh của chúng. Bên cạnh đó, những chiếc máy như vậy sẽ có mức giá cao, cũng như không dễ để sửa chữa những chiếc máy như này. Thế nên nếu như muốn sở hữu những chiếc máy như vậy, người dùng sẽ phải chấp nhận những nhược điểm như vậy.

MSI GT76 Titan - Chiếc "Desktop di động" đầu tiên của MSI được ra mắt vào năm ngoái

Một điểm nữa khiến chúng ta phải suy nghĩ chính là những hãng phần cứng lớn. Công nghệ ngày càng phát triển, các hệ thống phần cứng sẽ dần được thiết kế trên những quy trình mới hơn, nhỏ hơn và tiết kiệm điện hơn. Đơn cử như AMD, họ đã có bước đột phá khi đưa những dòng CPU và GPU của mình xuống tiến trình 7nm, tiết kiệm nhiều hơn về điện năng, cũng như tăng tối đa hiệu năng. Bước tiến công nghệ càng nhảy vọt, sự tiệm cận giữa các hệ thống phần cứng lại càng gần lại hơn.

Chỉ cách đây 6 năm, hệ thống card đồ họa trên desktop vẫn có hiệu năng gấp đôi so với những chiếc card đồ họa rời trên Laptop, thì giờ đây, hệ thống card đồ họa của Laptop và Desktop hoàn toàn tương đương nhau, thậm chí có những card đồ họa trên laptop còn có hiệu năng tốt hơn trên desktop, dù sử dụng chung con chip đồ họa. Dù vậy, liệu có thành công không khi kết hợp sức mạnh của CPU hay card đồ họa thuần của Desktop vào những chiếc Laptop? Tất nhiên nếu xét về những sản phẩm đã ra mắt của các OEM lớn thì là được, nhưng nếu xét trên những yêu cầu về một chiếc laptop trong thời điểm hiện tại thì cũng không phải là tối ưu, khi lượng điện tiêu thụ của một chiếc máy tính như vậy vẫn rất cao, cũng như thời lượng pin thấp, chưa kể trọng lượng còn rất nặng nữa. Liệu có thể tối ưu hóa được những điều này trong tương lai hay không, thì còn phụ thuộc vào ba ông lớn Intel, AMD và Nvidia.

Cũng phải nói rằng, vài năm trở lại đây, Nvidia đã đưa ra yêu cầu các hãng laptop không được sử dụng các loại card có thể tháo rời. Tất nhiên, việc này đã làm người dùng phải đau đầu vì một khi card đồ họa gặp trục trặc, là coi như lỗi cả mainboard. Nhưng chính việc sử dụng chip đồ họa có hiệu năng tương đương trên những chiếc máy tính bàn công kềnh, đã đem lại tương lai mở cho những chiếc Laptop lai Desktop như vậy. Chẳng phải chỉ cần CPU thay thế được, còn GPU hiệu năng cao như vậy là ổn hay sao, vừa tiện cho việc sau này người dùng có thể tùy thích thay thế CPU, mà vẫn giữ một card đồ họa hiệu năng cao. Cộng thêm, hệ thống RTX 3000 mới ra gần đây, chưa thể tối ưu ngay cho những chiếc Laptop được, nên việc card RTX 2000 hiện tại tối ưu trên các hệ thống máy tính như bây giờ sẽ là nền tảng rất tốt sau này.

Hệ thống card đồ họa RTX Turing vẫn rất hữu hiệu khi sử dụng trong thời điểm hiện tại

Thêm nữa, việc AMD đang dần nâng cấp hệ thống CPU và card đồ họa lên tiến trình 7nm cũng như nâng cấp IPC liên tục đã kéo Intel rơi vào cuộc chiến CPU dành cho thiết bị siêu di động. AMD đang dần tối ưu hóa các hệ thống phần cứng của mình, phù hợp với các thiết bị laptop, thậm chí miniPC. Vậy nên cũng không quá lạ nếu AMD một lần nữa bước chân vào dòng laptop sử dụng CPU desktop trong thời điểm hiện tại. Biết đâu, việc AMD cạnh tranh với Intel như bây giờ sẽ mở ra hướng đi mới cho những chiếc “Desktop di động” này, khi hai bên cứ đấu đá nhau và đưa ra những dòng chip có hiệu năng cao trong khi mức tiêu thụ điện năng thấp hơn. Tuy nhiên, để có thể tạo ra những chiếc Laptop sử dụng CPU Desktop, mà tối ưu cả về mặt thiết kế, có lẽ các hãng sẽ áp dụng việc cắt giảm hệ thống tản nhiệt cho các tùy chọn CPU thấp hơn, hoặc sẽ hàn chết chúng trên mainboard

Kiến trúc Zen 2 của AMD đã khơi mào cho cuộc chiến về tiến trình CPU

Một đối thủ đáng gờm nữa trên thị trường chính là ARM, khi dần dần đã có những sản phẩm sử dụng nhân ARM như Qualcomm Snapdragon 8cx hay Apple A12x Bionix đã dần trở thành mối đe dọa cho CPU hiện tại. Chính vì lẽ đó mà những chiếc Laptop khủng như trên có lẽ đang nằm trong vùng nguy hiểm, nếu như người dùng không thực sự muốn những chiếc sản phẩm như vậy.

Snapdragon 8CX - System-on-Chip mở ra tương lai cho hệ thống phần cứng

Tạm kết

Trong thời đại mà công nghệ phát triển vượt bậc, những chiếc laptop lai desktop ngày càng được ra đời nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu kỹ thuật cao của người sử dụng. Thế nhưng, liệu có thể tối ưu được điện năng tiêu thụ, cũng như kích thước, trọng lượng của những chiếc máy này hay không, cần có sự cân đối, cũng như phát triển công nghệ từ những hãng phần cứng với nhau. Liệu có tương lai nào cho những “Desktop di động” này, khi chúng vẫn vướng vào những yếu tố trên, cũng như rào cản về mức giá tiếp cận người sử dụng, thì đó vẫn là một ẩn số, bởi người dùng dù muốn một chiếc laptop có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn mà họ mong muốn, nhưng đôi khi họ vẫn muốn sở hữu một chiếc laptop độc, lạ, hay như đã nói ở trên, để phục vụ cho những nhu cầu nhất định. Sau cùng, tương lai dành cho những chiếc laptop lai desktop này vẫn là những ẩn số.