logo

Intel Evo: Phát kiến từ một dự án đã đổ bể hay chỉ đơn thuần là một trò đùa?

Bùi Quang Thành 00:00, 27/01/2021

Intel Evo, với tiền thân là Project Athena, là một quy chuẩn thiết kế mà Intel đưa ra cho các hãng phần cứng, nhằm tạo ra những laptop siêu lý tưởng, phục vụ cho nhu cầu sử dụng lâu dài của người dùng. Một Laptop chuẩn Evo là khi có đủ các yếu tố như:

  • Phải có thời lượng pin ít nhất 9 tiếng đồng hồ, với màn hình Full HD 1080p, độ sáng 250 nits.
  • Mở máy từ chế độ sleep ít hơn một giây
  • Hỗ trợ sạc siêu nhanh, pin có thể trụ được 4 tiếng sau 30 phút sạc.
  • Hỗ trợ Wifi 6 và Thunderbolt 4
  • Phải sử dụng bộ vi xử lý Intel Core i5 và i7 Tiger Lake cao cấp nhất

Về quy chuẩn chung là vậy, nhưng nhìn xem, một ultrabook trong thời điểm hiện tại đã và đang có những gì. Gần như tất cả các laptop, nhất là các ultrabook, đều đã được trang bị màn hình có độ phân giải Full HD, với độ sáng thậm chí lớn hơn 250 nits.

Trong số đó, không ít những ultrabook như Dell XPS 13, ThinkPad T14s, hay cả những sản phẩm sử dụng vi xử lý AMD có hiệu năng cao như chiếc Asus Zephyrus G14 cũng đã có thời lượng pin thời gian thực sử dụng đến hơn 9h đồng hồ. Vậy là một quy chuẩn của Evo đã nằm trên những laptop vốn không đạt Evo. Thậm chí, những laptop sử dụng vi xử lý AMD Ryzen 4000 còn làm điều này tốt hơn.

(Nguồn: Tom's Hardware)

Tiếp đến, mở máy từ chế độ sleep ít hơn 1 giây. Intel đã từng đưa điều này lên những chiếc Zenbook thế hệ trước, nhưng sự thật thì sao, điều này chỉ trụ được khi mà Windows của chiếc máy là Windows sạch, chưa được cài bất cứ phần mềm khác nào lên. Đó là trên phạm vi phần mềm. Còn ở phần cứng, nhiều Laptop cũng đã thực hiện được việc mở máy từ sleep ít hơn 1 giây, nhờ việc tối ưu hoá ở Bios, cộng thêm chức năng được nhúng sẵn từ Windows, thì điều này lại càng khiến Evo trở nên hơi có phần…lố bịch. Tất nhiên là không kể tới Macbook, vì vốn điều này đã được tối ưu từ hệ điều hành cho tới hệ thống phần cứng của mình.

Sạc nhanh, đây là tính năng có thể nói là rất phổ biến trong thời điểm hiện tại, tất cả các thiết bị, cả điện thoại, máy tính bảng, hay thậm chí Laptop còn có. Không ít các laptop có cấu hình Bios cho phép sạc nhanh thiết bị. Điều này đa phần phụ thuộc vào hệ thống phần cứng tối ưu cho khả năng sạc nhanh và đồng bộ với nhau. Đến cả laptop hiệu năng cao cũng còn làm được điều này.

Có thể rất ít người để ý, nhưng đa số các laptop được bán ra trong thời điểm 2019 và 2020 đều hỗ trợ chuẩn kết nối Wi-Fi 6. Ngay cả những sản phẩm hàn chết card Wi-Fi như ThinkPad T490s hay XPS 7390 đều có tuỳ chọn này, khiến ngày càng nhiều laptop, thậm chí laptop phổ thông đều hỗ trợ Wi-Fi 6. Về Thunderbolt 4, thay vì hỗ trợ những điểm mới hơn, thì gần như đó chỉ là một bản nâng cấp nhẹ từ Thunderbolt 3, nên không quá đáng chú ý lắm nếu như người dùng đã sở hữu một thiết bị hỗ trợ sẵn Thunderbolt 3. Có lẽ người dùng quan tâm nhiều hơn ở USB 4, thay vì kết nối này.

Điều duy nhất có lý để trở thành một laptop Evo có lẽ là sở hữu con chip Tiger Lake Core i5 và Core i7 cao cấp, hỗ trợ card đồ hoạ Intel Iris Xe. Nhưng đổi lại, giá thành của những laptop đó sẽ rất cao, mà cũng chẳng có gì khác biệt so với những bản i5 và i7 thông thường. Có lẽ điểm khác biệt là sự ổn định ở mức TDP cao nhất (28W), nhưng cũng chẳng có nghĩa lý gì khi dòng chip này vẫn mắc phải một số lỗi nhất định, cũng như thua thiệt trong những bài test với AMD Renoir.

Intel Evo có lẽ chỉ đơn thuần là một chiêu trò quảng cáo, với mục đích kêu gọi người dùng mua những sản phẩm sử dụng vi xử lý Intel, cũng như để dằn mặt Apple, trước sức ép quá lớn từ đối thủ AMD đang mạnh lên từng ngày từng giờ, cũng như Apple đang dần chuyển mình qua hệ thống ARM đang phát triển vượt bậc. Intel thực sự phải có những đột phá nhiều hơn thế, để Evo mới thực sự là Cuộc cách mạng, nếu không nó sẽ chỉ là một trò hề để móc hầu bao của người dùng.