logo

Microsoft thử nghiệm giao diện Handheld cho Windows 11, tối ưu cho các sản phẩm PC cầm tay

Nguyễn Công Minh 01:02, 27/07/2024

Mặc dù đang được cải thiện qua thời gian về độ tương thích game, nhưng hệ điều hành Linux mặc định của Steam Deck đi kèm bộ dịch Proton vẫn còn chặng đường dài để bắt kịp Windows. Chính vì vậy nên khi mua cỗ máy của Valve, nhiều người dùng ngay lập tức đã tìm cách để cài song song SteamOS / Windows để đảm bảo việc chơi và giả lập được tốt nhất.

Tuy nhiên có một vấn đề là trước giờ, Windows không phải nền tảng lý tưởng để dùng trên các thiết bị cầm tay. Ngay cả Windows 11 với nhiều tinh chỉnh để hỗ trợ cảm ứng cũng không được đánh giá quá cao. Khi được cài lên Steam Deck, hệ điều hành này vẫn sẽ cho thấy một số hạn chế, nhưng vì tính tương thích tuyệt vời với game nên nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ qua.

Tin tốt là có vẻ, Microsoft đã nhận ra xu hướng sử dụng Windows trên PC chơi game cầm tay của game thủ, và họ đang cân nhắc thử nghiệm một chế độ riêng cho các thiết bị dạng này. Theo người rò rỉ thông tin này, đó là một phiên bản Windows được tối ưu cho các thiết bị cầm tay, được phát triển trong cuộc thi nội bộ của công ty diễn ra hồi tháng Chín năm ngoái.

Cụ thể, chế độ Cầm tay này sẽ có màn hình thiết lập mới giúp đơn giản hóa việc cài driver, bàn phím cảm ứng tối ưu cho màn hình 7-inch, trình khởi chạy đơn giản hóa giống Nintendo Switch,... tất cả đều điều khiển được bằng nút bấm và analog của Steam Deck. Ngoài ra, một số hành vi mặc định của phần mềm trên Windows cũng sẽ được thay đổi để hợp hơn với Steam Deck.

Mặc dù không rõ chế độ mới này có thực sự xuất hiện hay không, nếu có thì khả năng cao sẽ qua các bản thử nghiệm Windows Insider Preview, nhưng đây vẫn là một ý tưởng thú vị và được trình bày chỉn chu. Với việc lượng người dùng Steam Deck và PC chơi game cầm tay nói chung sẽ còn tăng thêm do tình hình phần cứng đã tạm bình ổn, đây cũng là một thị trường tiềm năng để Microsoft tính đến.

Tìm mua ngay một chiếc Steam Deck với mức giá rất tốt cùng hậu mãi hấp dẫn tại đây.

Theo Ars Technica