Switch bàn phím cơ là gì? Các loại Switch phổ biến hiện nay
Switch bàn phím cơ là bộ phận cảm nhận lực nhấn phím và chuyển đổi thành tín hiệu điện tử. Chọn switch phù hợp quyết định trải nghiệm gõ phím, từ độ êm đến độ phản hồi. Có nhiều loại switch khác nhau, mỗi loại có đặc điểm riêng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từng loại switch để lựa chọn bàn phím phù hợp nhất.
I. Switch bàn phím cơ là gì?
1. Định nghĩa
Switch bàn phím cơ là bộ phận có dạng công tắc nằm bên dưới phím bấm của bàn phím. Mỗi switch được cấu tạo bởi nhiều bộ phận chuyển động khác nhau, có chân kim loại được cắm vào bảng mạch.
Các switch sử dụng lò xo để đàn hồi, kiểm soát lực nhấn và tạo độ nảy. Tùy thuộc vào từng loại switch sẽ có từng mức lực nhấn khác nhau.
2. Công dụng của Switch
Switch bàn phím cơ không chỉ chuyển đổi lực nhấn thành tín hiệu điện mà còn quyết định trải nghiệm gõ phím. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác nhấn (độ nảy, lực), âm thanh (clicky hay êm ái), độ bền và khả năng tùy biến của bàn phím.
3. Một số thuật ngữ thông dụng liên quan đến Switch
Actuation force: Là lượng áp lực người dùng cần để ấn phím. Các switch khác nhau sẽ cần có lực tác động khác nhau.
Bottom out: Là hành động nhấn phím hết cỡ, phím đi sâu hết hành trình của nó.
Compact layout: Một số bàn phím có số lượng phím gần bằng bàn phím fullsize nhưng vị trí và khoảng cách các phím được sắp xếp lại để tinh giảm kích thước.
Clicky: Clicky Switch là loại switch tạo ra tiếng "Clicky" khi gõ. Chúng thường được ưa chuộng bởi những người làm việc chuyên đánh máy. Tuy nhiên tiếng ồn được tạo ra cũng to hơn các loại switch khác nên hãy cẩn trọng khi sử dụng bạn nhé.
Linear: Linear Switch là loại switch không tạo ra bất cứ cảm giác cũng như âm thanh gì khi nhấn. Loại này được ưa chuộng bởi những người dùng ưa thích sự yên tĩnh.
Tactile: Tactile Switch được cấu tạo có một "khấc bấm" mà người dùng sẽ ngay lập tực cảm nhận được nếu nhấn phím.
Cherry MX switch: Là tên gọi của loại công tắc switch tiêu chuẩn được sử dụng cho hầu hết các loại bàn phím cơ hiện nay. Chúng có nhiều màu sắc, thể loại cũng như tùy biến khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dùng.
Romer-G: Là loại switch riêng độc quyền của Logitech và không tương thích với bất kỳ loại bàn phím nào khác.
Khấc bấm: Khi nhấn phím, chúng ta sẽ cần nhấn đủ sâu đến khấc bấm của switch thì máy tính mới có thể nhận thông tin.
II. Các loại Switch phổ biến hiện nay
1. Black Switch
Loại switch: Linear
Hành trình phím: 2mm
Lực tác động: 60g
Black Switch thuộc dòng Linear do đó khi sử dụng bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ khấc bấm nào và chỉ nhận thấy tiếng "Click" khi phím chạm đáy. Lực tác động của Black Switch khá cao, lên đến 60g do đó sẽ hạn chế trường hợp vô tình nhấn phím. Tuy nhiên nếu không quen, sử dụng lâu sẽ rất mỏi tay.
Do đó, Black Switch sẽ được các game thủ ưa chuộng hơn là người dùng chuyên đánh máy. Ngoài ra, còn có thêm một phiên bản giảm tiếng ồn của Black Switch là Black Switch Silent.
2. Red Switch
Loại switch: Linear
Hành trình phím: 2mm
Lực tác động: 45g
Tương tự như Black Switch, Red Switch cũng thuộc dòng Linear do đó cảm giác bấm sẽ cực thoải mái. Tuy nhiên Red Switch lại có lực tác động nhẹ hơn dòng Black, chỉ 45g mang lại khả năng thao tác nhanh hơn cũng như hạn chế tình trạng mỏi tay khi phải liên tục sử dụng.
3. Blue Switch
Loại switch: Clicky
Hành trình phím: 2.2mm
Lực tác động: 50g
Blue Switch là loại switch được hầu hết người dùng đam mê gõ phím ưa chuộng. Chúng mang lại cảm giác phản hồi rõ rệt cũng như có âm thanh "Click" to và vang. Khi đã quen với cảm giác bấm, loại switch này sẽ hỗ trợ bạn gõ phím cực nhanh.
Blue Switch được ưa chuộng bởi cộng đồng người dùng thường xuyên đánh máy. Tuy nhiên hãy cân nhắc khi lựa chọn bạn nhé bởi tiếng ồn từ loại switch này có thể gây khó chịu cho đồng nghiệp hoặc mọi người xung quanh đấy.
4. Brown Switch
Loại switch: Tactile
Hành trình phím: 2mm
Lực tác động: 55g
Brown Switch là một trong những loại switch phổ biến nhất hiện nay. Loại switch này là sự kết hợp hài hòa giữa 2 nhu cầu chơi game và đánh máy. Switch này thuộc dòng tactile nên cảm giác bấm khá rõ ràng tuy nhiên lại không ồn ào như Blue Switch.
Loại switch này cực phù hợp để chơi các tựa game MOBA, MMO, RTS và các thể loại tương tự.
5. MX Speed (Silver) Switch
Loại switch: Linear
Hành trình phím: 1.2mm
Lực tác động: 45g
MX Speed Switch hay còn gọi là Silver Switch có thông số tương tự như Red Switch, tuy nhiên chúng có hành trình phím ngắn hơn, chỉ 1.2mm. Do đó, độ nhạy của phím cực kỳ cao giúp cho người dùng có thể thao tác nhanh hơn. Loại switch này được sử dụng chủ yếu bởi các game thủ chuyên nghiệp và streamer.
6. MX Green Switch
Loại switch: Clicky
Hành trình phím: 2.2mm
Lực tác động: 80g
MX Green Switch về cơ bản sẽ tương tự như Blue Switch. Tuy nhiên lực tác động của dòng switch này lên tới 80g. Vì thế chúng thường được sử dụng cho các thanh Space.
7. MX Clear / MX Grey Switch
Loại switch: Tactile
Hành trình phím: 2mm
Lực tác động: 65g / 80g
MX Clear Switch có thông số tương tự như Brown Switch nhưng có lực tác động là 65g. Còn MX Grey Switch là một biến thể khác của Brown Switch với lực tác động lên đến 80g. Dù được ra đời sau các loại switch khác tuy nhiên lại khá hiếm được sử dụng.
8. Silent Switch
Loại switch: Linear
Hành trình phím: 2mm
Lực tác động: 45g
Thông số của Silent Switch giống hệt với Red Switch tuy nhiên chúng được thiết kế đặc biệt để không phát ra âm thanh khi gõ, thích hợp cho những ai thường xuyên gõ phím mà lại sở ảnh hưởng đến người xung quanh.
III. Một số loại Switch độc quyền
1. Razer Green / Orange / Yellow Switch
Razer Green Switch
Loại switch: Clicky
Hành trình phím: 1.9mm
Lực tác động: 50g
Razer Green Switch có thông số cũng như cảm giác tương tự như Blue Switch nhưng lại có hành trình phím và lực tác động nhỏ hơn.
Razer Orange Switch
Loại switch: Tactile
Hành trình phím: 1.9mm
Lực tác động: 45g
Razer Orange Switch thì lại tương tự như Brown Switch, nhưng lại có hành trình phím hơn một chút.
Razer Yellow Switch
Loại switch: Linear
Hành trình phím: 1.2mm
Lực tác động: 45g
Razer Yellow Switch lại tương tự như Red Switch nhưng với hành trình phím ngắn hơn nhiều rất nhiều. Switch này rất nhạy và cực phù hợp với game thủ chuyên nghiệp
2. Romer-G
Romer-G Tactile
Loại switch: Tactile
Hành trình phím: 1.5mm
Lực tác động: 45g
Romer-G Linear
Loại switch: Linear
Hành trình phím: 1.5mm
Lực tác động: 45g
Romer-G Switch là loại switch độc quyền được sản xuất bởi Logitech. Chúng có hành trình phím ngắn cũng như yên tĩnh hơn hầu hết các loại switch khác trên thị trường.
3. SteelSeries QS1
Loại switch: Linear
Hành trình phím: 1.5mm
Lực tác động: 45g
QS1 Switch của SteelSeries là loại switch thuộc dòng Linear. Chúng sở hữu hành trình phím ngắn, lực tác động nhẹ và tối ưu cho việc thao tác tốc độ cao. Do đó, đối tượng hưởng tới chủ yếu của loại Switch này là các game thủ chuyên nghiệp.
IV. Các hãng Switch bàn phím cơ nổi tiếng
Dựa trên độ phổ biến và nhận diện thương hiệu trong cộng đồng người dùng bàn phím cơ, dưới đây là 5 hãng sản xuất switch nổi bật nhất hiện nay, mỗi hãng đều có những thế mạnh và đặc điểm riêng biệt.
1. Cherry MX
Ra đời từ năm 1953 (mặc dù ban đầu không chuyên về switch bàn phím), Cherry MX là người tiên phong, đặt nền móng cho ngành công nghiệp bàn phím cơ hiện đại.
Được biết đến với chất lượng cao cấp và độ bền vượt trội, Cherry MX cung cấp nhiều loại switch (Blue, Brown, Red, Black, Silver, Clear...) mang đến trải nghiệm gõ phím đa dạng. Mỗi loại switch có lực nhấn, độ êm và âm thanh khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng.
2. Razer
Razer là thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực gaming gear, tự thiết kế switch độc quyền cho bàn phím của mình. Razer tập trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm chơi game, với switch nhạy bén, phản hồi nhanh và độ bền cao. Các switch Razer Green, Orange và Yellow được sử dụng phổ biến trong bàn phím gaming của hãng.
3. Logitech (Romer-G)
Logitech là ông lớn trong ngành thiết bị ngoại vi máy tính, sở hữu dòng switch Romer-G độc quyền. Romer-G được đánh giá cao về độ êm ái, bền bỉ và tốc độ phản hồi nhanh, phù hợp cho cả game thủ và người dùng văn phòng. Tuy nhiên, điểm hạn chế là Romer-G chỉ dùng được trên bàn phím Logitech.
4. Gateron
Gateron, một thương hiệu đến từ Trung Quốc, nổi lên trong những năm gần đây với chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Switch Gateron nổi tiếng với độ mượt mà, dễ sử dụng, thích hợp cho người mới bắt đầu. Hãng này cung cấp nhiều loại switch tương tự Cherry MX (Red, Brown, Blue, Black, Yellow...), nhưng với giá thành tiết kiệm hơn.
5. Kailh
Cũng đến từ Trung Quốc, Kailh là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Gateron và Cherry MX. Kailh gây ấn tượng với sự đa dạng về loại switch, bao gồm cả những thiết kế độc đáo và sáng tạo.
Hãng này luôn cập nhật công nghệ, mang đến trải nghiệm gõ phím mới mẻ. Chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh là những điểm mạnh của Kailh. Dòng Kailh BOX nổi tiếng với độ bền cao và âm thanh đặc trưng.
6. SteelSeries (QS1)
SteelSeries, thương hiệu chuyên về thiết bị gaming, phát triển switch QS1 độc quyền. Switch này có hành trình phím ngắn, lực nhấn nhẹ và độ nhạy cao, hoàn hảo cho các thao tác nhanh chóng trong game. QS1 được thiết kế đặc biệt dành cho game thủ chuyên nghiệp.
Xem thêm:
Lót Foam bàn phím cơ là gì? Nên hay không nên lót Foam cho bàn phím cơ.
Stab bàn phím cơ là gì? Giới thiệu một số hãng stab phổ biến
Layout bàn phím cơ là gì? Các loại layout phổ biến hiện nay
Vậy là bài viết của mình đã giúp bạn hiểu rõ hơn về switch bàn phím cơ, từ định nghĩa, công dụng đến các loại switch phổ biến và các hãng sản xuất hàng đầu. Việc lựa chọn switch phù hợp sẽ mang lại trải nghiệm gõ phím tuyệt vời, đáp ứng nhu cầu sử dụng của bạn. Nếu thấy hay, đừng quên chia sẻ cho bạn bè cùng biết nhé!