logo

USB4 và Thunderbolt 4: Đâu là sự khác biệt?

Bùi Quang Thành 00:00, 27/01/2021

Người dùng chắc hẳn không quá xa lạ với USB 3.0 với Thunderbolt 3, hay USB-C với Thunderbolt 3, nhưng tuy nhiên, không phải ai cũng biết tới USB4 và Thunderbolt 4. Vậy hai thứ này có những điểm gì giống và khác nhau, cũng như khác với những chuẩn kết nối cũ?

Những điểm chung nhất

Trước hết Thunderbolt 4 và USB4 đều là những giao thức kết nối vô cùng mới mẻ, gần như chưa xuất hiện trên nhiều thiết bị hiện nay. Cả hai đều sử dụng chuẩn USB-C và cùng có tốc độ truyền tải dữ liệu lên tới 40Gbps, đều xuất hình, âm thanh và thậm chí dùng để sạc được. Nhìn vào đây thì ai cũng thấy rằng có vẻ chúng sẽ giống nhau hoàn toàn, nhưng không phải vậy, hai thứ này luôn tồn tại sự khác biệt lớn.

Khác nhau ở đâu?

USB4

USB là một công nghệ vốn có từ rất lâu, cho tới thời điểm này nó đã được 24 năm. Với bước tiến vượt bậc của công nghê, USB4 ra đời, vượt qua hoàn toàn người đàn anh USB3, vốn đã tồn tại gần 10 năm nay của mình. USB4 có nhiều cải tiến lớn, nhất là ở mảng tốc độ, như đã nói ở trên, đạt 40GB/s cho một lần truyền tải. Tuy nhiên, cũng giống như USB3 trước đó, vẫn luôn có sự giới hạn nhất định của chuẩn kết nối này tới từ các OEM. Ví dụ, theo lý thuyết, USB4 có tốc độ truyền tải lên tới 40Gbps, nhưng cấu hình mà nhà sản xuất đưa ra lại chỉ cho tốc độ bằng một nửa. Về cơ bản mà nói, USB4 vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất phần cứng.

USB4 sẽ chỉ có một chuẩn chân cắm duy nhất, đó là USB-C hiện đại, mạnh mẽ và gọn gàng. Tất cả những chuẩn như MicroUSB, USB-A hay các chuẩn khác đều sẽ không được sử dụng. Ngoài ra, USB4 sẽ có logo mới, những thiết bị có chuẩn kết nối này sẽ đều có logo ở trên máy.

Tất nhiên, để phân biệt USB4 20Gbps và 40Gbps, nhà sản xuất đã có sự đầu tư kỹ lưỡng về logo

Thunderbolt 4

Trái lại, Thunderbolt là chuẩn giao thức được Apple và Intel tạo ra vào năm 2011, cho tới này đã là thế hệ thứ 4. Đễ một thiết bị sở hữu Thunderbolt, hãng sản xuất phần cứng phải trả cho Intel một khoản phí nhất định để được cung cấp chipset hỗ trợ, dĩ nhiên phiên bản thứ 4 này cũng vậy, thậm chí các hãng máy tính còn phải trả khoản phí lớn hơn, với những yêu cầu khắt khe hơn nhiều.

Sự thật, Thunderbolt 4 không phải là cú nhảy vọt gì so với Thunderbolt 3, mà chỉ đơn giản là bản nâng cấp về sự ổn định trong đường truyền. Nếu như trước đây, Thunderbolt 3 không thể ổn định với những dây cáp dài 2m, hoặc chí ít muốn ổn định thì phải trả một khoản phí vô cùng đắt đỏ để mua được loại cáp hỗ trợ hoàn toàn, thì Thunderbolt 4 đã khắc phục được điều đó. Ngoài điểm đó ra, tốc độ truyền tải 40Gbps, khả năng xuất 2 màn hình 4K/60FPS, vẫn được giữ nguyên.

Nhưng những quy chuẩn khắt khe mà Intel đưa thêm ra là gì? Trước tiên, chiếc máy muốn có Thunderbolt 4 phải sử dụng CPU Intel Tiger Lake mới ra mắt, vì chỉ dòng CPU này mới bắt đầu hỗ trợ giao thức Thunderbolt 4. Tiếp theo, chiếc máy phải đáp ứng đủ khả năng bảo vệ khỏi các cuộc tấn công trực tiếp vào bộ nhớ (Protection from DMA), và tốc độ truyền Video tối thiểu của Thunderbolt 4 phải cao gấp đôi Thunderbolt 3.

Lẽ dĩ nhiên, những chiếc máy tính sử dụng vi xử lý của AMD sẽ không được trang bị Thunderbolt, nhưng tuy nhiên USB4 thì được. Chúng ta có thể sẽ sớm được trải nghiệm những mẫu laptop với vi xử lý AMD Ryzen 5000, với chuẩn USB4 mà không cần tới Thunderbolt 4. Duy có một ngoại lệ đối với mẫu máy tính để bàn, như trước đây ASRock đã từng có những sản phẩm mainboard AMD X570 có tích hợp Thunderbolt 3, thì nhiều khả năng phiên bản Thunderbolt 4 cũng sẽ có mặt trên nhiều mainboard hỗ trợ AMD hơn nữa, nếu các OEM chấp nhận bỏ thêm chi phí ra để mua chipset tích hợp từ Intel.

Một điểm nữa khá thú vị, Thunderbolt 4 lần này hoàn toàn là do Intel làm chủ, trong khi những phiên bản trước đây là do Apple và Intel hợp tác với nhau. Trong thời điểm Apple đang dần hướng tới tạo ra dòng Macbook sử dụng ARM cho riêng mình, có lẽ Intel cũng sẽ có những nước đi mới hơn trong chiến lược của hãng.

Kết lại

Dù đã xuất hiện nhiều hơn hẳn trên các thiết bị laptop, nhưng Thunderbolt 3 vẫn không thực sự quá nổi bật về những chức năng mà mình sở hữu, cũng như khó tiếp cận với người dùng do các laptop hỗ trợ giao thức này đều thuộc phân khúc cao cấp. Vậy nên, Thunderbolt 4 có lẽ sẽ phải củng cố tính phổ biến của mình nhiều hơn, với đại đa số các sản phẩm sử dụng vi xử lý Intel Tiger Lake, nhất là khi Intel đã từng có công bố sẽ miễn phí chuẩn kết nối này với các OEM sản xuất laptop sử dụng chip Intel. Còn về USB4, sự thành công của USB3, cũng như tính phổ biến của chuẩn kết nối này trên mọi thiết bị sẽ khiến giao thức USB4 dễ dàng tiếp cận tới đa số người dùng hơn, mặc dù chỉ sử dụng duy nhất đầu kết nối Type-C. Rào cản lớn nhất mà USB4 đang sở hữu chính là chưa có nhiều laptop hỗ trợ chuẩn kết nối này được tung ra, hoặc ít nhất là quá ít CPU hỗ trợ.