logo

Apple Universal Apps: Thành tựu của Apple trong việc đồng nhất hệ sinh thái?

Bùi Quang Thành 17:33, 26/07/2024

Universal Apps không phải là một thứ gì quá khác biệt, mới mẻ. Chúng ta đều đã nghe tới cái tên này từ khi Microsoft có tham vọng lập ra hệ sinh thái Windows, với sự xuất hiện của Project Astoria và Project Centennia, nhằm đưa các ứng dụng của Windows 10, Android và iOS lên Windows phone.

Tuy nhiên, Microsoft đã thất bại hoàn toàn, kết quả thì ai cũng thấy rõ, Windows 10 Mobile biến mất hoàn toàn.

Cho tới cách đây vài tiếng, Apple chính thức tung ra những chiếc máy tính Mac sử dụng chip ARM có tên Apple M1. Đây là con chip nền tảng, mở ra cánh cửa vô cùng lớn cho hệ sinh thái Apple, nhất là việc có thể đồng bộ hoá toàn bộ mã nguồn, lập trình và hơn hết, các ứng dụng. Như Craig Federighi đã nói, tất cả ứng dụng từ MacOS đều hoạt động được trên nền tảng chip Intel và nền tảng Apple M1. Vậy điều gì sẽ khiến cho điều này thành công?

Cách thức mà Apple Universal hoạt động

Vốn dĩ, Universal Apps của Apple không hoạt động giống như Windows 10.

Trong khi Windows Universal Apps đơn thuần là chuyển giao các ứng dụng thông qua một bộ chuyển mã được dựng sẵn, yêu cầu thiết bị phải có bộ phần mềm phát triển mở rộng (SDK) để chạy những ứng dụng được chuyển mã đó, thì Universal Apps trên Apple lại là sự tương thích đồng thời của hai nền tảng chip khác nhau. Cùng một ứng dụng Adobe Lightroom, như Apple đã lấy ví dụ, Macbook chạy CPU Intel và Macbook với Apple Silicon hoạt động với hiệu năng tương đương, độ ổn định như nhau.

Tất nhiên Apple đã tính toán rất kỹ càng trong vấn đề đó. Windows 10 Mobile để chạy được Facebook của Project Astoria cần phải có sẵn SDK của Android, vậy nên điều này khiến một chiếc máy Windows 10 Mobile hoạt động chậm chạp và thiếu ổn định hơn, còn Apple chỉ tinh chỉnh một chút về mã nguồn là có thể sử dụng được. Ngay cả việc hãng chỉ tập trung vào một nền tảng để cải thiện sự ổn định cũng cho thấy Apple rất biết học hỏi sai lầm từ đối thủ, nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm của mình.

Hơn cả một SoC ARM đơn thuần

Tất nhiên, Apple cũng phải suy xét rất chu toàn để chạy được các ứng dụng vốn thuộc nền tảng x64 chạy trên ARM. Có thể nói nhà Táo đã nghiên cứu rất sâu về vấn đề sử dụng ứng dụng x64 đơn thuần trên Apple Silicon, trong khi đối thủ Windows vẫn còn đang chật vật với điều đó. Cũng có thể do tối ưu hệ điều hành từ các phần cứng với nhau, nên Universal Apps mới làm được như vậy.

Cũng phải để ý rằng, Apple cũng có một cuộc đại cách mạng với việc tung ra MacOS Big Sur với nhiều thay đổi, hay iPadOS và iOS 14. Chúng có rất nhiều điểm tương đồng về màu sắc, thanh trạng thái hay cách nhóm các ứng dụng, tiện ích hiển thị. Đây chính là cách để Apple có thể tim ra những vấn đề tồn đọng mà một Apple Silicon đang gặp phải trên những mã nguồn đó, để rồi giải quyết chúng. Sau đó, hãng hiện thực hoá việc tối ưu cho một máy tính với con chip ARM, hoạt động trơn tru, mượt mà và không gặp lỗi tương thích. Việc chạy một MacOS vốn thiết kế cho nền tảng x64 trên ARM64 đã là điều đáng nói rồi, nhưng chạy ổn định ứng dụng x64 trên ARM64 nữa còn là một kỳ tích.

Cầu nối cho các thiết bị khác sau này

Như đã nói ở trên, Apple đã có cuộc đại cách mạng khi cập nhật iPhone, iPad và Mac PCs có hệ thống giao diện sử dụng đồng nhất. Cũng chính vì điều đó, gã khổng lồ có thể quản lý đồng bộ hệ thống mã nguồn của các sản phẩm Apple. Tuy vậy, do sự khác biệt về phần cứng, nên hãng khó lòng tìm được những vấn đề tồn đọng của việc đồng nhất hệ thống mã nguồn này. Chính thế mà Mac ARM ra đời, giải quyết được những vấn đề còn sót lại, cũng là lời chia tay Intel sau 15 năm gắn bó. Nhưng đó không phải là tất cả. Mac ARM có khả năng lập trình Xcode, ObjectC rất tốt, tương thích với toàn bộ những bộ code của Apple đề ra. Chưa kể, nhiều nguồn tin, thậm chỉ cả Apple cũng hoàn toàn xác nhận Mac ARM có thể chạy được ứng dụng iOS/iPadOS, nên dễ dàng nhận thấy, Mac ARM sẽ là những thiết bị cầu nối, chung chuyển, sửa chữa và hoàn thiện những vấn đề mà một mình iPhone, iPad hay máy tính Mac sử dụng chip Intel không thể xử lý.

Apple là một hãng máy tính luôn khiến người dùng cảm thấy khó hiểu. Nhưng ít ai ngờ rằng, nhà Táo lại luôn chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn, thay vì thực hiện kiểu mì ăn liền như đa số các hãng sản xuất khác đang làm bây giờ. Có thể thấy rõ những gì Apple đang làm là đúng hướng, nếu như người dùng thực sự đang đi theo hệ sinh thái Apple. Còn với người dùng thông thường, có thể họ sẽ thấy Apple đang thực sự ích kỷ, lấy đi sự tương thích, sự thuận tiện của họ khi sử dụng ARM. Nhưng với những gì mà Apple đang làm, nhất là với Universal Apps, đây sẽ dễ dàng trở thành cú hích cực lớn, thay vì trở thành một kế hoạch đổ bể.