logo

APU là gì? Điểm khác biệt giữa APU với CPU và GPU

Phạm Quốc Toàn 14:34, 02/04/2024

APU là một bộ xử lý đặc biệt tích hợp công năng của của cả GPU và CPU. Đây là công nghệ tiên tiến đem đến rất nhiều lợi ích về hiệu năng và giá thành cho người sử dụng. Để tìm hiểu sâu hơn, mời bạn xem qua bài viết dưới đây.

APU là gì?

I. APU là gì?

1. Định nghĩa

APU(Accelerated Processing Unit) là một bộ xử lý đặc biệt tích hợp cả CPU (Central Processing Unit) và GPU (Graphics Processing Unit) trên cùng một khuôn. Điều này giúp cho APU đồng thời có khả năng xử lý các tác vụ tính toán và cả đồ họa thay vì việc sử dụng CPU và GPU riêng lẻ. Bộ xử lý này thường được sử dụng trên các máy tính yêu cầu không gian nhỏ gọn và tiết kiệm năng lượng, như máy tính xách tay hay các thiết bị di động.

APU là gì?

Công nghệ APU được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2011 bởi AMD. Tuy nhiên, khái niệm về việc tích hợp CPU và GPU vào cùng một khuôn đã xuất hiện từ trước đó. Năm 2006, AMD đã giới thiệu Fusion, một dự án nhằm tích hợp chung hai bộ xử lý CPU và GPU lên cùng một khuôn. Dự án Fusion đã dẫn đến sự ra đời của APU đầu tiên, có tên mã là Llano, vào năm 2011. Kể từ đó, APU đã được phát triển và cải tiến liên tục bởi cả hai nhà phát triển chip hàng đầu là AMD Intel.

2. Các thành phần chính của APU

Hai thành phần chính của APU bao gồm lõi CPU và GPU:

  • Phần lõi CPU đảm nhiệm các tác vụ chung như khởi chạy phần mềm và thực hiện các tác vụ cơ bản của người dùng.

  • Trong khi đó, phần GPU sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ liên quan đến đồ họa, như render ảnh và video.

Các thành phần chính của APU

3. APU hoạt động như thế nào?

APU hoạt động dựa trên khả năng sử dụng cả CPU và GPU để xử lý các tác vụ một cách hiệu quả. Khả năng trung hòa hai linh kiện quan trọng này sẽ giúp cải thiện hiệu năng của máy mà không ngốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, khi kết hợp hai thành phần quan trọng của máy tính trong cùng một khuôn cũng sẽ giúp giảm thiểu độ trễ khi hai linh kiện này trao đổi thông tin với nhau.

APU hoạt động như thế nào?

APU có thể được xem là một bước đệm quan trọng trong quá trình phát triển SoC (System on a Chip). Đây là một công nghệ thiết kế chip được lấy nhiều ý tưởng từ APU khi cả hai đều tích hợp nhiều thành phần xử lý vào cùng một con chip: APU thường chỉ bao gồm CPU và GPU, trong khi SoC sẽ bao gồm cả CPU, GPU, bộ nhớ, bộ điều khiển I/O và các thành phần khác.

SoC Snapdragon

Hiện nay, công nghệ SoC thường được tìm thấy trên các thiết bị có kích thước nhỏ gọn như đồng hồ thông minh, máy tính bảng, tai nghe không dây hay thậm chí cả laptop PC. Các dòng CPU đời mới của Intel, Apple AMD cũng đều sử dụng thiết kế SoC. Đây là minh chứng cho sự ưu việt về công dụng của SoC thứ vốn được lấy cảm hứng từ APU.

II. Ưu và nhược điểm của APU

1. Ưu điểm của APU

  • Giá thành sản xuất rẻ hơn

Về mặt chi phí, giá thành sản xuất của APU cũng rẻ hơn so với việc mua CPU và APU riêng biệt. Nhờ đó, bộ xử lý này sẽ trở nên dễ tiếp cận đối với số đông người dùng.

  • Tiết kiệm điện năng tiêu thụ

Ngoài ra, APU còn mang lại khả năng tiết kiệm điện năng hơn khi so với các mẫu card đồ họa chuyên dụng, khiến chúng dễ dàng sử dụng hơn. Đồng thời, lượng nhiệt tỏa ra cũng sẽ thấp hơn, giúp gia tăng tuổi thọ cho các linh kiện khác của máy.

  • Không cần phải thường xuyên cập nhật phần mềm

Cuối cùng, khi sử dụng APU, bạn cũng sẽ không cần phải cập nhật trình điều khiển driver nhiều lần như khi sử dụng các bộ phận riêng lẻ. Nhờ đó, máy sẽ tránh gặp phải tình trạng giảm hiệu năng do phần mềm nặng hay xung đột gây ra lỗi không đáng có.

  • Tiết kiệm diện tích

APU được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về một thiết bị có hiệu năng tốt với thiết kế nhỏ gọn. Do đó, các nhà sản xuất đã tích hợp các thành phần của CPU và GPU thành 1 con chip duy nhất, giúp tiết kiệm không gian lắp đặt mà vẫn đảm bảo được hiệu năng của người dùng.

Ưu điểm của APU

2. Nhược điểm của APU

Đánh đổi cho kích thước nhỏ gọn và tiết kiệm điện năng là hiệu năng có hạn của APU. Khi đặt lên bàn cân so sánh, APU chỉ có thể xử lý các tác vụ máy tính và đồ họa từ cơ bản đến trung bình trong khi đó CPU và GPU đem đến hiệu năng vượt trội hơn hẳn. Ngoài ra, APU cũng rất khó để nâng cấp phần cứng hay mở rộng nên rất khó để người dùng cải thiện hiệu năng.

Nhìn chung, APU chỉ phù hợp với các tác vụ văn phòng thông thường, chơi game nhẹ nhàng hay chỉnh sửa ảnh cơ bản. Còn đối với các tác vụ yêu cầu quá nhiều về hiệu năng xử lý sẽ có phần hơi quá sức đối với bộ xử lý này.

III. Điểm khác biệt giữa APU, CPU và GPU

APU, GPU và CPU là 3 linh kiện có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, mỗi linh kiện lại có thế mạnh riêng cũng như giá thành, hiệu năng khác nhau. Bảng so sánh bên dưới đây của mình tổng hợp các điểm khác biệt của 3 loại chip này:

Điểm khác biệt giữa APU, CPU và GPU

IV. Khi nào bạn nên cân nhắc sử dụng APU?

Với những người dùng phổ thông, APU là một lựa chọn tốt khi có thể đảm nhiệm các tác vụ như lướt web, sử dụng các ứng Office cũng như xem phim, giải trí. Ngoài ra, APU cũng sẽ giúp thiết bị ít tốn điện năng hơn, đảm bảo có thể sử dụng cả ngày.

Bộ xử lý này cũng là 1 lựa chọn tốt với đối tượng học sinh, sinh viên khi có thể làm tốt các tác vụ như làm bài tập về nhà qua các ứng dụng Office, nghiên cứu học liệu cũng như giải trí nhẹ. Đặc biệt, giá thành APU cũng rẻ hơn GPU và CPU, giúp cho học sinh, sinh viên dễ tiếp cận hơn.

Khi nào bạn nên cân nhắc sử dụng APU?

Nếu bạn đang cần một cỗ máy hiệu năng cao cho các tác vụ như chơi game nặng, chỉnh sửa video, thiết kế đồ họa,... thì APU lại không phải là 1 lựa chọn tốt. Thay vào đó, bạn nên cân nhắc sử dụng CPU và GPU riêng biệt khi chúng đem lại hiệu năng cao hơn hẳn APU.

Thêm vào đó, khi lựa chọn APU, bạn nên chú ý đến các thông số kỹ thuật như số lượng nhân, xung nhịp, bộ nhớ cache, card đồ họa tích hợp,... để lựa chọn một bộ xử lý phù hợp với nhu cầu của bản thân.


Xem thêm:


Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin bạn cần biết về APU. Mong rằng bài viết này của ThinkPro có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn hợp lý nhất khi mua APU.