Đánh giá chi tiết ASUS ROG Flow Z13: Đánh đổi hiệu năng gaming, bạn có dám?
“Đây là một chiếc Surface Pro Gaming!”, người viết biết rằng đã có quá nhiều đơn vị gọi ASUS ROG Flow Z13 như thế rồi. Nhưng thực sự mà nói, cũng không dễ để tìm ra một sự so sánh thích hợp hơn. Không chỉ dừng lại ở thiết kế, ngay cả về cấu hình thì sản phẩm của chúng ta cũng được thay đổi đáng kể. Và khi được tận tay trải nghiệm, người viết lại nhớ tới đánh giá của một đồng nghiệp trước đó:
“ROG Flow Z13 còn hơn cả một bản nâng cấp so với đời đầu (ROG Flow X13)!”
Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, việc đưa quá nhiều yếu tố mới mẻ, tích cực trên một sản phẩm thì luôn đi kèm với những đánh đổi nhất định. Và nếu phải chỉ ra đó là gì trên ROG Flow Z13 thì với người viết, không gì rõ ràng hơn ngoài “tập người dùng” và “giá cả”. Với con số được ASUS đưa ra lên tới gần 50 triệu Đồng và dựa trên những đặc điểm vốn có, sẽ không dễ để chiếc máy này tới tay quá nhiều người - ngay cả khi họ có đủ tiền để chi trả.
Vậy tất cả những nhận xét kể trên là sao? ASUS ROG Flow Z13 có gì đặc biệt và hay ho? Và tại sao như vậy rồi mà chưa chắc đã có người mua? Hãy cùng ThinkPro tìm hiểu thông qua bài đánh giá ASUS ROG Flow Z13 review ngay hôm nay nhé!
Thiết kế
Có một điều mà chúng ta khó có thể phủ nhận khi ngắm nhìn ASUS ROG Flow Z13 là đúng vậy, trông nó rất giống với Microsoft Surface Pro. Từ phần màn hình tách rời được, bàn phím nam châm, chân nâng bẻ ra từ mặt lưng,... Tất cả yếu tố đặc trưng trên dòng máy của Microsoft đều đang có mặt ở đây. Cũng biết việc so sánh hai sản phẩm này là khập khiễng; nhưng thực sự thì chúng có nhiều điểm tương đồng đến mức khó mà làm ngơ. Tới đây, hãy cùng xem qua phép so sánh mà cây viết Mark Knapp (IGN) đã đưa ra; đơn giản vì người viết thấy nó hay và tương đối hợp lý trong trường hợp này:
“Nếu xem Surface Pro 8 là một cậu sinh viên với gu ăn mặc thanh lịch, gọn gàng thì với ASUS ROG Flow Z13, chúng ta lại có một chàng trai thích diện đồ thể thao và cực kỳ cơ bắp nhờ đi gym đều đặn. Cả hai như thể anh em sinh đôi, có điều phong cách khi lớn lên lại đôi phần khác biệt.”
So với sản phẩm Flow đời trước là ASUS ROG Flow X13, mọi chi tiết kể trên đều là mới cả; và tất cả đều khiến người viết cảm thấy hào hứng khi được trên tay. Thay vì đơn thuần chỉ là mở ra, gập vào hay bẻ ngược 360 độ như nhiều sản phẩm hiện thời; chúng ta sẽ có thêm những tương tác mới như lắp phím vào, tháo phím ra, bẻ chân nâng thoải mái để kê máy nghiêng nhiều kiểu khi viết, vẽ, v.v.
Cá nhân người viết thì ưng ý với những thay đổi trên sản phẩm thuộc dòng ROG Gaming này, vì ít nhất chúng khiến những gì bản thân làm mỗi ngày được dễ chịu, thoải mái. Chẳng hạn khi ghi chú hay vẽ với ASUS Pen, việc dùng chân nâng thay vì bản lề sẽ giúp máy chắc chắn hơn khi mở góc, thoải mái để tì ức bàn tay làm điểm tựa. Hay khi cầm nắm máy ở dạng tablet, chúng ta có thể tháo hẳn phím ra để tay được chạm vào mặt phẳng phía sau, cảm giác dễ chịu hơn hẳn so với X13 - khi phải nắm vào hàng phím gồ ghề.
"Cá nhân người viết thì ưng ý với những thay đổi trên ASUS ROG Flow Z13, vì ít nhất chúng khiến những gì bản thân làm mỗi ngày được dễ chịu, thoải mái. "
Tuy nhiên, thiết kế này không phải không có nhược điểm, ví dụ khi cần mở máy 180 độ thì chúng ta phải thu chân nâng rồi ngả máy ra - không như Flow X13 chỉ cần mở hết góc là xong. Việc phải tốn thêm bước khi mở máy có thể sẽ gây bất tiện trong một số trường hợp, ví dụ nếu bạn là designer, editor,.. hay đi trao đổi với khách hàng.
Một điểm khác biệt lớn nữa của ASUS ROG Flow Z13 và ROG Flow X13 trong thiết kế sẽ là việc, sản phẩm của chúng ta đã được đầu tư nhiều hơn ở mặt lưng. Cơ chế xoay gập 360 độ không còn, bàn phím không che được nữa thì chẳng tội gì bỏ trống, phải không nào? Thiết kế lưng máy nay tương đối hầm hố với đủ kiểu khe và họa tiết, nhưng đáng kể nhất hẳn phải là khu vực “cửa sổ” trong suốt nhìn thẳng vào bo mạch chủ với LED RGB.
Bàn phím tách ra được, LED RGB hầm hố ở mặt lưng,.. Đến đây thì người viết lại nghĩ tới siêu phẩm ROG Mothership năm nào. Thực ra thì gọi ASUS ROG Flow Z13 là phiên bản thu nhỏ của “chiến hạm” trăm triệu thì cũng không sai lắm.
"Kể ra, cũng không sai nếu chúng ta gọi ASUS ROG Flow Z13 là phiên bản thu nhỏ của “chiến hạm” trăm triệu ASUS ROG Mothership"
Chưa kể, với việc là tablet thì người dùng sẽ có ở máy thêm một chiếc camera sau với độ phân giải 8MP.
Về độ hoàn thiện, ASUS ROG Flow Z13 cũng được đầu tư với phần vỏ Nhôm chắc chắn, cầm nắm ở dạng tablet không hề xảy ra hiện tượng flex. Khi đặt trên mặt phẳng thì người dùng cũng có thể yên tâm sử dụng, khi máy sẽ đứng vững nhờ chân nâng cứng cáp cùng nam châm với lực hút mạnh - đặc biệt hiệu quả với mặt bàn bằng kim loại, thêm một đặc điểm rất giống với Surface Pro.
Cổng kết nối
Hai bên hông của ASUS ROG Flow Z13 sẽ là hệ thống cổng kết nối bao gồm một cổng Thunderbolt 4 và cổng cắm eGPU XG Mobile ở cạnh trái; cũng như 1 cổng USB-A 2.0 và jack tai nghe 3.5mm combo ở cạnh phải. Ngoài ra, chúng ta sẽ có cả nút nguồn kiêm cảm biến vân tay Windows Hello và tăng giảm âm lượng - nay không còn được đặt ở bàn phím như Flow X13 nữa. Điều này sẽ nhằm phục vụ cho trải nghiệm Flow Z13 dưới dạng tablet.
Lật phần chân nâng của máy lên, chúng ta sẽ còn tìm thấy thêm khe thẻ microSD và cả một khe nâng cấp SSD được đậy kín - tương thích với ổ cứng M.2 2230. Sẽ hơi khó để tìm thấy dạng ổ này trên thị trường để lắp vào, nhưng theo người viết thì điều này cũng không quá đáng lo - khi dung lượng bộ nhớ khởi điểm của máy vốn đã khá dồi dào.
Với việc chỉ có đúng một cổng Thunderbolt, ROG Flow Z13 đôi lúc cũng khiến người viết phải cân đo đong đếm: Hoặc là sạc máy, hoặc truyền dữ liệu bằng ổ cứng SSD Samsung T7, không thể làm cả hai một lúc. Muốn có thêm kết nối, chúng ta sẽ cần tính tới hai phương án là mua thêm hub chuyển cũng như eGPU XG Mobile.
"Với việc chỉ có đúng một cổng Thunderbolt, ROG Flow Z13 đôi lúc cũng khiến người viết phải cân đo đong đếm."
Màn hình
ASUS ROG Flow Z13 được trang bị màn hình với bộ thông số tương đối “chuẩn chỉ” cho gaming; cụ thể chúng ta sẽ có độ phân giải 1920 x 1200 trên kích thước 13.4-inch, tỉ lệ 16:10, tấm nền IPS đi kèm tần số quét 120Hz - ngang bằng với nhiều thiết bị di động cao cấp hiện nay. Điều này giúp cho việc sử dụng máy ở tất cả các tác vụ, dù ở dạng tablet hay laptop, đều đem lại cảm giác mượt mà thỏa mãn: Từ việc di con trỏ, vuốt chạm đóng mở tab, viết vẽ,... cho tới chơi game đều ổn cả.
"Các thông số chuẩn chỉ ở màn hình ROG Flow Z13 giúp việc sử dụng máy ở tất cả các tác vụ đều đem lại cảm giác thỏa mãn: Từ việc di con trỏ, vuốt chạm đóng mở tab, viết vẽ,... cho tới chơi game."
Trên thực tế, Flow Z13 vẫn còn một phiên bản cao hơn với độ phân giải lên đến 4K, có điều tần số quét của nó chỉ dừng ở 60Hz mà thôi - khiến trải nghiệm sẽ kém đi phần “mướt mắt”.
Về tính năng thì trên lý thuyết, chúng ta sẽ có công nghệ Adaptive Sync chống xé hình cũng như Dolby Vision để hỗ trợ hiển thị hình ảnh HDR. Bản thân người viết chưa thử nghiệm quá sâu, nhưng theo một số nguồn đánh giá thì cả hai đang hoạt động chưa được ổn định khi đi kèm với NVIDIA Control Panel và Windows 11. Nếu đúng là như vậy, hi vọng các bản cập nhật sẽ có sớm từ những bên liên quan để giúp mọi thứ trở lại bình thường.
Về chất lượng màu sắc, tùy chọn màn hình mà người viết trải nghiệm cũng tỏ ra ấn tượng với chứng nhận từ PANTONE và bộ thông số phủ màu cao. Khi đo bằng thiết bị SpyderX Elite, ASUS ROG Flow Z13 cho ra 98% sRGB, 74% AdobeRGB, 78% DCI-P3, tương phản 1290:1, độ sáng 523 nits cùng độ sai lệch màu DeltaE chỉ là 0,86. Nhìn chung, dù có nhu cầu cao khi chơi game, giải trí với phim ảnh hay làm các công việc liên quan tới đồ họa, máy cũng đều sẽ đáp ứng tốt.
Viền màn hình của ASUS ROG Flow Z13 cũng tương đối mỏng, đặc biệt là viền dưới trông đã thẩm mỹ hơn nhiều so với X13 tiền nhiệm. Không gian vẫn đủ ở phía trên để hãng đặt cụm webcam HD, chất lượng vừa đủ để phục vụ đàm thoại online.
Nếu có điểm gì mà người viết muốn bạn đọc lưu ý thì có lẽ, đó sẽ là việc tỉ lệ 16:10 sẽ khiến viền đen trên dưới của máy trở nên rất dày khi chúng ta xem video. Nhưng suy cho cùng thì đây cũng là hiện trạng chung của các máy sử dụng màn hình kiểu này ở thời điểm hiện tại rồi.
Bàn phím và touchpad
Khác với Flow X13 với bàn phím gắn liền truyền thống, với ASUS ROG Flow Z13 thì linh kiện này sẽ kết nối qua chấu nam châm giống Surface Pro, có thể tháo rời. Lực hút của chấu bàn phím với thân máy là rất mạnh, và nếu được đặt trên mặt bàn kim loại thì nó cũng bám rất chắc. Layout phím của ROG Flow Z13 gần như không có sự khác biệt so với X13, trừ việc cụm 4 phím chức năng (Tăng giảm âm lượng, tắt bật ROG Armoury Crate) đã được chuyển ra cạnh thân máy hoặc đưa vào trong.
Về cảm giác gõ, bàn phím của ROG Flow Z13 vẫn được lòng người viết như nhiều sản phẩm cùng dòng: Hành trình sâu với 1.7mm, độ nảy cao và có thể thiết lập để nghiêng nhẹ so với mặt bàn, giúp việc gõ được thoải mái hơn.
"Về cảm giác gõ, bàn phím của ROG Flow Z13 vẫn được lòng người viết như nhiều sản phẩm tới từ ASUS ROG."
Khung phím khi gõ nhanh thì sẽ có một chút hiện tượng flex, nhưng nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm chung. Nếu phải chỉ ra điểm gì thực sự đáng tiếc thì đó sẽ là LED phím, khi chúng ta sẽ chỉ có LED một vùng thay vì 4 vùng hay RGB từng phím đẹp mắt hơn.
Touchpad của máy khá nhỏ, một đánh đổi khó tránh để có chỗ cho bàn phím với keycap lớn. Tuy vậy nếu cần dùng thì người viết vẫn hài lòng về khả năng tracking cùng bề mặt phủ kính mịn mượt của nó. Chuột trái phải nhấn xuống cũng cho phản hồi tốt, khấc cảm nhận rõ và tiếng ồn vừa phải.
Hiệu năng
Về cấu hình, phiên bản ASUS ROG Flow Z13 đang có trong bài sẽ được trang bị con chip xử lý Intel Core i7-12700H 14 nhân 20 luồng thuộc thế hệ 12 mới nhất, 16GB RAM LPDDR5-5200MHz chạy kênh đôi, 512GB SSD NVMe phục vụ lưu trữ cùng card đồ họa rời NVIDIA GeForce RTX 3050 4GB GDDR6. Theo công bố từ ASUS, Flow Z13 vẫn còn hai phiên bản khác với card đồ họa RTX 3050Ti và Intel Iris Xe Graphics, tuy nhiên cả hai đến lúc này (thời điểm bài viết được xuất bản) đều chưa được phân phối chính hãng tại Việt Nam.
Toàn bộ thử nghiệm trong bài dưới đây đều sẽ được thực hiện khi máy đang chạy ở chế độ Turbo, thiết lập bên trong phần mềm ROG Armoury Crate. Đồng thời, sẽ không có phần đánh giá hiệu năng khi máy đi kèm eGPU XG Mobile do người viết không có sẵn.
Về CPU Core i7-12700H, đây là một trong những vi xử lý hiệu năng cao mới nhất vừa được Intel ra mắt trên laptop. i7-12700H sở hữu cho mình 14 nhân 20 luồng, xung nhịp được tăng cường so với i7-11800H cùng phần nhân thực được chia thành 2 loại: Nhân Hiệu suất (P-core, 6 nhân) và nhân Hiệu quả (E-core, 8 nhân). Các nhân này theo như “đội Xanh” thì sẽ được điều tiết để hoạt động tùy vào độ năng tác vụ mà máy đảm nhiệm, qua đó đem lại sự cân bằng tốt nhất giữa hiệu năng và năng lượng tiêu thụ.
Để giúp i7-12700H hoạt động tốt trên ROG Flow Z13 thì thay vì thả tới 90 - 100W như trên nhiều hệ thống cao cấp, ASUS sẽ chỉ để nó chạy vào khoảng từ 50 - 55W với đa phần các tác vụ. Khi render thì cũng có lúc CPU sẽ ăn được vào khoảng 65 - 90W, nhưng đó chỉ là thời gian đầu trước khi trở về ngưỡng ổn định như trên. Điều này cũng dẫn tới việc nhiệt độ của nó khi chạy nặng cũng không đến mức quá nóng, dao động từ 70 - 80 độ C.
"Để giúp i7-12700H hoạt động tốt trên ROG Flow Z13 thì thay vì thả điện, ASUS sẽ chỉ để nó chạy vào khoảng từ 50 - 55W với đa phần các tác vụ.
Theo nhiều nguồn tham khảo thì khi gắn eGPU XG Mobile, i7-12700H sẽ ăn được nhiều điện hơn và trở về đúng với sức mạnh vốn có. Nếu đúng như vậy thì cũng là điều dễ hiểu vì nhìn lại XG Mobile 2021, bộ sạc đi kèm của nó đã có công suất lên tới 280W rồi. Hiện tại thì người viết chưa có eGPU XG Mobile 2022 trong tay để thử nghiệm, nếu có cơ hội thì kết quả mới sẽ được cập nhật ngay tại bài viết này.
Khác với i7-12700H trẻ trung thì RTX 3050 đã là một sản phẩm “có tuổi”, chính xác là ra mắt cách đây gần 1 năm dành cho các hệ thống gaming có công suất tiêu thụ điện nhỏ, laptop gaming phổ thông,.. Dù có vẻ hơi “lệch” khi được đặt cạnh CPU đời mới, nhưng đây vẫn là nâng cấp theo người viết là rất ý nghĩa. Cụ thể thì trước đây, Flow X13 với GTX 1650 sẽ không thể chạy game Ray Tracing nếu thiếu eGPU. Giờ đây với RTX 3050 thì tất nhiên rồi, linh kiện đó sẽ không còn cần thiết.
Giống như i7-12700H, RTX 3050 4GB được trang bị trên ROG Flow Z13 cũng sẽ được giới hạn điện - cụ thể là 40W (35W mặc định + 5W với DynamicBoost 2.0) so với con số thường thấy là 60 - 75W. Điều này sẽ giúp cho linh kiện khi chạy nặng không bị quá nhiệt, bù lại thì xung nhịp sẽ không cao dẫn tới hiệu năng không quá nổi trội. Nhưng khách quan mà nói, ROG Flow Z13 vẫn là một sản phẩm tablet lai laptop, vậy nên chạy được game với công nghệ mới đã là điều đáng mừng rồi.
"Khách quan mà nói, ROG Flow Z13 vẫn là một sản phẩm tablet lai laptop, vậy nên chạy được game thôi với công nghệ mới đã là điều đáng mừng rồi."
Thử nghiệm với Cyberpunk 2077 (patch 1.5) ở độ phân giải FullHD cùng thiết lập Ray Tracing: Medium, ROG Flow Z13 tỏ ra chất vật với khoảng 20 - 22 FPS. Nhưng nếu bật thêm DLSS 2.0 - một tuỳ chọn giúp tăng FPS nhờ giảm nhẹ độ phân giải xuất ra từ card - thì chúng ta sẽ có ngay con số ổn định vào khoảng 28 - 30, có thể gọi là chơi được rồi.
Về nhiệt độ thì như trên hình, cả CPU lẫn card của Flow Z13 đều đang chỉ ở 55 - 65 độ C mà thôi, rất mát. Có lẽ đây là thành quả không chỉ từ việc giới hạn điện, mà còn nhờ cả hệ thống tản nhiệt buồng hơi (Vapor Chamber) cũng như kem kim loại lỏng mà ASUS trang bị cho phần cứng máy.
Chuyển sang Metro Exodus: Enhanced Edition, DLSS 2.0 cũng giúp ích rất nhiều để game chạy được ở 40 - 45 FPS dù đang ở Ray Tracing: Ultra. Nếu điều chỉnh DLSS 2.0 lên Auto và giảm Ray Tracing xuống cỡ Medium, 55 - 60 sẽ là con số mà chúng ta có, rõ ràng là tốt hơn nhiều.
Tuy không có Ray Tracing, nhưng Horizon Zero Dawn vẫn được người viết đưa vào bài test này. Với thiết lập Favor Performance, trung bình người chơi sẽ được trải nghiệm game với 45 khung hình/giây - có thể cao hơn nếu người chơi bật thêm tuỳ chọn thuật toán FidelityFX Super Resolution (Công dụng tương tự DLSS 2.0).
Nhìn chung, đúng là RTX 3050 40W trên ROG Flow Z13 vẫn giúp người dùng trải nghiệm được game Ray Tracing. Có điều nếu so về trải nghiệm chơi thì chắc chắn, sản phẩm của chúng ta sẽ thua kém không ít đối thủ cùng tầm giá. Cầm khoảng 50 triệu Đồng đi mua laptop gaming lúc này, không khó để tìm ra những chiếc laptop ASUS như ROG Strix G513 2022, ROG Strix G17 2022,... với phần cứng mạnh hơn (nhiều). Sự cơ động, sáng tạo đánh đổi bằng hiệu năng, quan trọng là bạn có chấp nhận hay không mà thôi.
"Sự cơ động, sáng tạo đánh đổi bằng hiệu năng. Liệu bạn có chấp nhận được điều này để mua ASUS ROG Flow Z13?"
Quay trở lại với các tựa game Esports quen thuộc, ROG Flow Z13 vẫn có thể chơi được ở thiết lập đồ hoạ cao nhất. Người chơi cũng có thể tinh chỉnh về các mức đồ hoạ khác như Thấp hoặc Trung bình, kết hợp với tính năng MUX Switch (Cho phép card rời phụ trách hoàn toàn khâu xuất hình) để có mức khung hình cao tối đa, giúp độ mượt trải nghiệm được đẩy lên cao.
Dưới đây là một vài thông số benchmark khác mà người viết thu thập từ ASUS ROG Flow Z13. Bạn đọc có thể lấy để tham khảo hoặc so sánh với các thiết bị khác nếu cần:
Ổ cứng
Về bộ nhớ trong, ROG Flow Z13 sẽ sử dụng ổ cứng SSD M.2 NVMe 512GB của Micron, với tốc độ đọc vào khoảng 3.2GB/s và tốc độ ghi vào khoảng 3.1GB/s - tương đối đồng đều và có thể coi là tương đối tốt. Nếu có nhu cầu nâng cấp thì như đã nói, người dùng sẽ có một khe ổ cứng trống để lắp thêm ổ - có điều đây lại là M.2 2230.
Thời lượng pin
Với các sản phẩm tới từ ASUS ROG thì để có thời lượng pin tối đa, người dùng sẽ cần tắt hẳn card rời đi thông qua chế độ Eco trong GPU Power Saving. Và nếu làm vậy thì với viên pin 56Wh, máy sẽ cho ra khoảng 4.5 - 5h sử dụng với các tác vụ văn phòng cùng độ sáng 50% - tạm ổn trên phạm trù tablet hiệu năng cao.
Kết luận
Và đó cơ bản là trải nghiệm và đánh giá chi tiết của ThinkPro về ASUS ROG Flow Z13, gọi là chiếc tablet mạnh mẽ nhất thế giới thì có lẽ cũng không ngoa. Một sản phẩm tưởng chừng khó có thể làm được những điều lớn lao, nhưng qua những bài test thì nó đã đường hoàng chứng minh điều ngược lại. Có điều, mọi thứ đúng là chỉ dừng ở mức “làm được”, còn về mức độ thì sẽ khó lòng so được với các đối thủ cùng tầm. Đơn giản thôi, vì nó đã phải đánh đổi nhiều chất “game” để có được những sự độc đáo về thiết kế, công năng,... và còn nhiều hơn nữa.
"ASUS ROG Flow Z13 đã phải đánh đổi nhiều chất “game” để có được những sự độc đáo về thiết kế, công năng,... và còn nhiều hơn nữa"
Khá là trớ trêu khi theo như mô tả phía trên, những sự cách tân trên ASUS ROG Flow Z13 lại ảnh hướng lớn hơn với các hoạt động… không phải gaming: Viết vẽ, cầm nắm, vuốt chạm, v.v. Vậy nên nếu có thói quen sử dụng hoặc làm các công việc cần tới những thao tác kể trên (Thiết kế đồ họa, họa sĩ, v.v.) thì chiếc “Surface Pro Gaming” này sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc.
Hoặc bạn thực sự chỉ muốn trải nghiệm game Ray Tracing mọi lúc và không xét nét về hiệu năng; đây sẽ là cái tên thú vị nhất mà bạn có thể tìm được lúc này. Còn nếu không thuộc bất kỳ trường hợp nào kể trên thì có lẽ, tìm đến những sản phẩm khác với 50 triệu Đồng sẽ là tốt hơn.
Liên hệ đặt hàng trực tiếp ASUS ROG Flow Z13 tại trang sản phẩm trên Website, Hotline 1900.63.3579 hoặc Fanpage ThinkPro - Hệ thống Máy tính và Phụ kiện, Telegram Pro Community và Zalo ThinkPro để được tư vấn miễn phí. Quý khách cũng có thể ghé thăm các Showroom Dạo Bước Công Nghệ của ThinkPro trên toàn quốc để trải nghiệm sản phẩm trực tiếp.
Xem thêm
ASUS ROG Zephyrus G14 2023: Hơi hướng tối giản, vượt tầm hiệu suất
ASUS ROG Strix SCAR 18: Hiệu năng chuẩn chỉ, chất build tỉ mỉ
---------------------------
ThinkPro là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.