logo

Cấu tạo bàn phím cơ gồm những bộ phận nào?

Phạm Quốc Toàn 01:05, 27/07/2024

Bàn phím không chỉ là thiết bị để gõ phím mà còn là một món phụ kiện, một thú chơi tao nhã khó mà cưỡng lại được. Nếu bạn là một newbie đang muốn dấn thân vào thú chơi custom bàn phím cơ thì hãy cùng mình tìm hiểu ngay về các thành phần, cấu tạo bàn phím cơ thông qua bài viết bên dưới nhé!

Cấu tạo bàn phím cơ

I. Bàn phím cơ là gì?

Bàn phím cơ (Mechanical Keyboard) là một loại bàn phím rời sử dụng nguyên tắc đàn hồi của lò xo bên trong các Switch để tạo độ nảy thay vì các phím bấm bằng cao su như các loại bàn phím thông thường.

Để tìm hiểm rõ hơn về nguyên lý hoạt động của bàn phím cơ, mời bạn tham khảo qua bài viết:

Bàn phím cơ là gì? Phân biệt bàn phím cơ và bàn phím thường

Bàn phím cơ là gì?

II. Cấu tạo bàn phím cơ

Các loại bàn phím cơ thông thường sẽ được cấu tạo nên bởi 8 bộ phận chính gồm: Case, PCB, Plate, Keycap, Switch, Stabilizer, Led, Cable.

1. Case

Bộ phận quan trọng nhất khi nhắc đến một chiếc bàn phím được nhiên sẽ là phần case hay còn được biết là vỏ bàn phím. Chất liệu của phần case bàn phím cơ thường được làm bằng nhựa hoặc kim loại. Đây là phần bao quanh bàn phím, giúp bảo vệ mọi linh kiện bên trong cũng như định hình layout cho chiếc bàn phím cơ của bạn.

Case

2. PCB

Có thể nói case là lớp áo của một chiếc bàn phím cơ còn PCB chính là trái tim vận hành nên chiếc bàn phím. Toàn bộ chức năng soạn thảo văn bản cũng như các tổ hợp chức năng của phím hay khả năng kết nối đều được tích hợp trên bảng mạch in này. Thông thường, để tăng độ chính xác, các Switch sẽ bị hàn chết trên bảng mạch PCB. Tuy nhiên để người dùng có thể tùy ý tùy biến, custom bàn phím cơ, các bảng mạch PCB hotswapđã ra đời.

PCB

3. Plate

Tiếp theo bên trên bảng mạch PCB sẽ là một tấm plate có nhiệm vụ giữ chặt switch với bảng mạch. Mặc dù nghe có vẻ không cần thiết lắm, tuy nhiên khi bàn phím sở hữu một tấm plate tốt sẽ giúp bàn phím không xuất hiện tình trạng flex, ọp ẹp không chắc chắn và mang lại cảm giác nhấn được tốt hơn. Ngoài ra, một số plate còn có khả năng chống ẩm, chống nước, từ đó hỗ trợ tốt cho tuổi thọ và độ bền của toàn bộ bàn phím.

Plate

4. Switch

Switch chính là điểm khác biệt nhất giữa bàn phím cơ và các loại bàn phím khác. Bộ phận này sẽ nằm bên trên tấm plate và có chân được tiếp xúc trực tiếp với bảng mạch PCB. Đây được xem là bộ phận chịu trách nhiệm truyền tải tín hiệu giữa tác động của người dùng lên bảng mạch để thực hiện các câu lệnh đối với máy tính.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại switch khác nhau. Tuy nhiên chúng thường sẽ thuộc 3 kiểu thông dụng nhất trên tất cả các mẫu bàn phím cơ từ giá rẻ cho đến cao cấp gồm:

  • Clicky: Clicky Switch là loại switch tạo ra tiếng "Clicky" khi gõ

  • Linear: Linear Switch là loại switch không tạo ra bất cứ cảm giác cũng như âm thanh gì khi nhấn.

  • Tactile: Tactile Switch được cấu tạo có một "khấc bấm" mà người dùng sẽ ngay lập tực cảm nhận được nếu nhấn phím.

Để tìm hiểu kỹ hơn về cấu tạo của switch cũng như các loại switch thông dụng trên thị trường hiện nay, mời bạn tham khảo bài viết:

Switch bàn phím cơ là gì? Các loại switch bàn phím cơ hiện nay

5. Keycap

Keycap (nắp phím) là linh kiện bằng nhựa được đặt phía trên Switch của bàn phím cơ với mục đích đánh dấu tính năng, ký tự trên bàn phím. Chúng vừa giúp người dùng có thể dễ dàng nhận biết chức năng của từng phím lại vừa mang lại giá trị thẩm mỹ cao.

Xem ngay: Keycap là gì? Những điều cần biết và lưu ý về Keycap

Keycap

6. Stabilizer

Stabilizer hay còn thường được gọi là stab, là bộ phận giúp tạo nên sự cân bằng và ổn định cho các phím dài hoặc có hình dáng to như phím Space, Enter, Shift,... Có ba loại stab phổ biến trên thị trường được nhiều người dùng ưa chuộng nhất hiện nay gồm: Stab Cherry, stab Costarstab Optical.

Xem ngay: Mod stab bàn phím cơ, hướng dẫn chi tiết và lưu ý

Stabilizer

7. LED

LED thường sẽ được trang bị trên các dòng bàn phím cơ tầm trung trở lên và người dùng sẽ có hai tùy chọn để lựa chọn gồm: LED đơn sắcLED RGB. Dựa trên sở thích của mỗi người, họ sẽ chọn các tùy chọn đèn khác nhau. Thông thường các bàn phím sở hữu đèn LED RGB có thể điều chỉnh màu đèn thông qua các tổ hợp phím được hãng cố định sẵn hoặc thông qua phần mềm điều chỉnh.

Xem ngay: Hướng dẫn cách bật đèn bàn phím cơ, chỉnh màu đèn nền chi tiết

LED

8. Cable

Cable (cáp) là loại kết nối thông dụng nhất đối với bàn phím cơ bởi sự ổn định, tốc độ truyền tải dữ liệu, phản hồi có độ trễ thấp hơn hẳn so với loại không dây (wireless). Do đó, đối với những người thường xuyên chơi game hay cần nhập liệu với tốc độ cao thì bàn phím được được trang bị dây cable sẽ là lựa chọn tối ưu hơn hẳn. Cáp kết nối có một đầu được cắm vào bàn phím và một đầu cắm vào cổng USB của PC hay laptop.

Cable

Xem thêm:


Trên đây là tổng hợp về các thành phần chính cực kỳ quan trọng của một chiếc bàn phím cơ mà anh em đam mê custom hay mod bàn phím cơ nên biết. Hy vọng bài viết của mình sẽ mang lại những thông tin hữu ích để các bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về thú vui tao nhã này nhé!