Đánh giá chi tiết Monsgeek M1: Chiếc phím cơ "xóa bỏ định kiến"
Với danh xưng “Akko MOD007 v2 bản lỗi” cùng mức giá rẻ hơn phân nửa, Monsgeek M1W thực sự đã gây ấn tượng cho người viết theo khá là nhiều cách. Một mặt vì không biết nó có lỗi gì, và tại sao “hàng lỗi” mà vẫn được hãng bán ra như thế, mặt khác vì mức giá chỉ dưới 2 triệu Đồng cho một chiếc kit bàn phím cơ Nhôm, lại còn mang âm hưởng của một sản phẩm tầm giá khá cao,.. Thật khó có thể từ chối tìm hiểu.
Và sau vài ngày trải nghiệm thì cũng may mắn, kỳ vọng của người viết đã được lấp đầy kha khá. Những “lỗi” của Monsgeek M1 hóa ra cũng chẳng tệ tới vậy, và số điểm cộng nó có được cũng tạo được tương đối sự bất ngờ. Tiếc là với người viết, chiếc phím không thực sự “hợp gu”, nhưng công tâm mà nói thì Monsgeek M1 có đủ mọi thứ để xóa bỏ định kiến xoay quanh bản thân nói riêng, cũng như thương hiệu bàn phím Akko nói chung.
Vậy rốt cuộc tất cả những điều trên là như thế nào? Hãy cùng làm rõ trong bài Monsgeek M1 review của ThinkPro ngay bây giờ nhé.
Đóng hộp bàn phím cơ Monsgeek M1
Về phần đóng hộp, Monsgeek M1 được làm khá đơn giản. Ngoài hộp giấy sẽ chỉ có tên phím và được phủ một màu Đen, các thành phần bên trong như bàn phím, dây cáp, v.v. cũng được sắp xếp gọn gàng. Cáp đi kèm Monsgeek M1 sẽ là cáp xoắn ốc nhìn khá thẩm mỹ. Bên ngoài vỏ cáp sẽ được bọc cao su trùng với màu phím thay vì dù, giống với một vài mẫu cáp rời của bàn phím Akko đang bán ngoài thị trường.
Đi kèm chiếc kit sẽ là một phần nắp nhựa trong suốt để che bụi, và không còn thêm gì nữa. Nếu muốn có kẹp để tháo phím và switch bàn phím cơ thì bạn sẽ cần mua ở ngoài.
Ngoại hình, chất lượng hoàn thiện bàn phím cơ Monsgeek M1
Nếu đã dùng qua MOD007 v2 rồi thì có lẽ, bạn đọc sẽ không còn lạ với thiết kế của Monsgeek M1. Người viết chưa có cơ hội trải nghiệm nên sẽ không nói quá sâu, mà chỉ thuần túy mô tả như một người mới. Vỏ Nhôm của Monsgeek M1 khá nặng, lên tới gần 2,0kg và dễ gây hụt tay, ai lần đầu cầm hẳn cũng sẽ thấy vậy. Điều này khiến M1 thích hợp để nằm yên một chỗ hơn là đem qua đem lại, trừ khi sống lưng của bạn đủ khỏe.
Đổi lại cho độ nặng ghê gớm này sẽ là độ chắc chắn khó tin, đi kèm bề mặt được anode cho đúng với xu thế - trừ bản màu Trắng thì chỉ là sơn phủ thuần túy. Tuy nhiên, câu chuyện anode cũng là nguyên nhân chính khiến Monsgeek M1 bị gọi là “MOD007 v2 bản lỗi”, do chúng vốn được định thành MOD007 v2 nhưng không đạt về kiểm soát chất lượng (QC) - thường là nổ sơn, trầy chấm bi - nên không thể bán ra với giá của MOD.
Chính vì vậy, Akko đã nghĩ ra cách để tiêu thụ những “sản phẩm lỗi” này. Vậy là thương hiệu Monsgeek nổi lên, không rõ do Akko lập ra hay là thương hiệu ngoài nhận hàng về bán. Nghe có vẻ… cơ hội, nhưng thực tế thì có khi lại là điểm lành. Phần vì sản phẩm người viết đang cầm không bị gì quá là chướng tai gai mắt, phần vì giờ chúng ta có một chiếc kit DIY bằng Nhôm cực “ngon” giá dưới 2 triệu Đồng, còn gì tuyệt vời hơn?
Hơn nữa thì sau khi tham khảo thông tin trên mạng, một số người bán lẻ sẵn sàng giảm giá cho bộ kit Monsgeek M1 mà họ bán ra nếu nó bị nổ sơn quá nặng. Có thể những đơn vị lớn hơn phân phối cũng sẽ để tâm tới điều này, ví dụ như ThinkPro chẳng hạn.
Quay lại về chất build, Nhôm trên Monsgeek M1 đã được qua quá trình CNC nên có độ tinh xảo rất cao. Kể cũng phải vì dù sao, nó cũng được định giá là một sản phẩm với giá hơn 4 triệu Đồng từ đầu. Layout bàn phím sẽ là dạng 75%, rất thông dụng và được phần đông người chơi phím yêu thích. Lý do là vì nó vừa đủ để người dùng sử dụng và có nhiều chỗ để khoe cá tính bằng keycap Artisan - ví dụ như nút F13 tách riêng.
Những chi tiết nhỏ trên bàn phím cơ Monsgeek M1
Một điểm thú vị của Monsgeek M1 đó là nó còn có những chi tiết nổi bật, khẳng định rằng mình không chỉ đơn thuần là hàng “tái chế”. Người viết đang muốn nói tới hai dải màu Vàng ở hông bộ kit, tháo ra thì sẽ thấy đó là hai thanh kim loại.
Thực ra đây cũng là một “chiêu” của Akko, vì những chiếc kit này không thể thành MOD007 v2 còn là do vấn đề ở hai bên hông. Thế là hãng đã khoét phần hông đi rồi vá lại như thế này, kể cũng sáng tạo.
Tất nhiên, sự xuất hiện của phần núm vặn cũng phải được kể tới. Ở tầm giá hai triệu Đồng của Akko thì người viết đã từng thất vọng với phần núm của Akko PC75B, và Monsgeek M1 đã tới với chất lượng khác hẳn.
Chiếc núm này cho cảm giác vặn mượt mà và đặc biệt là không phải lo về vấn đề tróc sơn nếu có lỡ cà móng tay vào. Thôi thì chúng ta đều biết, độ hoàn thiện này vốn thuộc về một phân khúc hoàn toàn khác rồi.
Cổng cắm USB-C của Monsgeek M1 sẽ được làm sâu vào trong thay vì để nổi lên. Cắm cáp của Akko thì không vấn đề, nhưng nếu chuyển qua các sợi cáp coil được bọc kim loại CNC ở đầu là sẽ không vừa. Vậy nên khi chọn cáp cho Monsgeek M1, bạn đọc nên tránh các loại cáp này.
Tính năng trên bàn phím cơ Monsgeek M1
Điểm đáng nói đầu tiên về tính năng của Monsgeek M1 sẽ là việc nó có mạch xuôi. Điều này sẽ giúp những vấn đề cấn switch, cấn keycap Cherry biến mất để dễ dàng hơn cho việc phối kết hợp. Nhân nói đến switch thì Monsgeek M1 sẽ hỗ trợ hot-swap với cả switch 5 chân và 3 chân, socket hot-swap theo người viết tham khảo thì là của TTC - một đơn vị được đánh giá rất cao ở mảng linh kiện này.
LED của phím cũng là điều cần nhắc đến, vì nó là LED RGB từng phím và hỗ trợ chỉnh qua rất nhiều chế độ bằng phần mềm. Việc tăng giảm độ sáng LED này cũng rất dễ dàng, khi chúng ta chỉ cần ấn Fn và núm cùng lúc để chuyển chế độ, sau đó vặn qua lại là được. Với những bạn muốn tinh chỉnh nhiều hơn bằng QMK / VIA, Monsgeek M1 cũng có hỗ trợ đầy đủ.
Về khả năng kết nối, Monsgeek M1 sẽ chỉ có một chế độ duy nhất là kết nối có dây. Đây có lẽ là hệ quả của việc cắt giảm để có được mức giá tốt và phân biệt nhiều hơn với MOD007 v2.
Cập nhật Tháng 6/2023: Hiện tại, Monsgeek M1 đã có thêm một phiên bản sử dụng được không dậy với tên gọi Monsgeek M1 Wireless (M1W). Cụ thể, M1W sở hữu tới ba chế độ kết nối là Wireless 2.4GHz, Bluetooth và USB-C có dây, qua đó trở thành lựa chọn đáng mua với những bạn cần tối đa sự tiện lợi.
Kết cấu bên trong của bàn phím cơ Monsgeek M1
Để thấy rõ hơn về kết cấu bên trong, mời bạn xem video clip sắp ra mắt của YouTube ThinkPro về Monsgeek M1. Link video sẽ được gắn ngay khi được xuất bản, vậy nên hãy theo dõi thêm bài viết hoặc YouTube của cửa hàng để không bỏ lỡ nhé.
Tuy nhiên để tóm gọn lại, người viết cũng đã tham khảo ý kiến của bạn tháo phím, và dưới đây là tóm tắt về kết cấu của sản phẩm:
Monsgeek M1 trừ mạch ra thì các phụ kiện khác như foam, plate đều khác MOD007 v2. Người viết sẽ có bài so sánh cụ thể trong tương lai gần.
Plate phím sẽ được làm từ nhựa PC rất dẻo, kết hợp với cơ chế Gasket Mount và viền gasket silicon sẽ tạo nên độ nhún rất cao. Ai thích cảm giác gõ mềm mại sẽ rất thích.
Ở giữa plate và mạch PCB sẽ có hai lớp foam, lớp đầu tiên theo Akko là “vật liệu tự nghiên cứu” dày 3mm và cho ra cảm giác tốt như Poron. Lớp thứ hai thì có vẻ sẽ là cao su lưu hóa.
Monsgeek M1 cũng có lót foam đáy, nhưng rất mỏng và gần như không có tác dụng. Bạn đọc có thể thay thế bằng foam cao su lưu hóa để chống vang hiệu quả hơn, đồng thời giảm độ nhún bởi plate PC để phù hợp hơn với kiểu gõ của bản thân.
Stab của bàn phím cơ Monsgeek M1
Stab bàn phím của Monsgeek M1 sẽ là stab plate-mount, gắn trực tiếp vào plate và dễ dàng thay thế. Tuy nhiên thì bộ kit này cũng hỗ trợ cho bạn đọc dùng luôn cả stab PCB-mount nếu bạn muốn dùng. Theo bạn reviewer đã độ M1 thì stab này khá tốt ở thanh Space, chỉ cần cân wire lại và lube là tiếng đã khá ổn, bạn đọc xem video bên trên sẽ thấy rõ hơn.
Âm thanh khi gõ
Về âm thanh, cá nhân người viết thấy rằng Monsgeek M1 sẽ phù hợp hơn để bạn đọc độ theo hướng âm xốp xốp, mềm mềm (creamy) thay vì nổ to, cành cạch (clacky) để khoe cá tính. Bởi vì ngay cả khi đã bỏ hết foam đáy hay PCB ra thì cảm giác âm của bộ kit này vẫn khá… tịt, hoặc ít nhất là không vui tai như kỳ vọng.
Người viết trong quá trình gõ có sử dụng switch của SOTC, cũng thuộc dạng “to tiếng” cùng một bộ keycap dye-sub. Kết quả cho ra thì tương tự lúc trải nghiệm NJ81: Hơi hẫng vì không clack được như khi lắp trên nhiều kit khác.
Một số dự đoán của ThinkPro cho việc này là vì phôi Nhôm của Monsgeek M1 khá dày, tạo nên bất lợi trong việc độ theo nhiều kiểu âm khác nhau. Akko MOD007 v2 thì bị vang, nhưng để làm lại để gõ ra nhiều kiểu âm thanh thì vẫn được, không như chiếc M1 này.
Một điểm trừ nhỏ
Nãy giờ có vẻ ThinkPro đã khen Monsgeek M1 khá nhiều rồi, nếu có chút gợn thì cũng “nói đỡ” cho nó tương đối. Đơn giản thôi, vì chiếc phím này quá rẻ để sở hữu những đặc điểm đáng tiền đến vậy. Tuy nhiên nếu phải chê một điều gì đó của sản phẩm này thì có lẽ, đó sẽ là quy trình kiểm soát chất lượng - hay QC như người viết đã nói ở đầu.
Sở dĩ phải đề cập tới việc này là do theo chia sẻ của nhiều người đã mua, Monsgeek M1 khi được bán ra sẽ có tỉ lệ tương đối gặp các hiện tượng như về anode, cấn nhẹ ở vài điểm nhỏ,... ngay từ trong hộp. Một lý giải mà người viết thấy khá hợp lý là do Akko không đầu tư nhiều vào khâu kiểm soát, do giá thành của bộ kit này ngay từ đầu đã rất rẻ.
Vậy nên theo người viết, có hai hướng để giải quyết khi chiếc Monsgeek M1 của bạn gặp vấn đề về ngoại hình. Một là có thể cân nhắc chấp nhận sử dụng tùy tình hình lỗi, hai là tham khảo trước với người bán về những trường hợp như vậy để có cách xử lý phù hợp.
Tạm kết
Và đó gần như là mọi thứ mà ThinkPro đã trải nghiệm trên bộ kit phím Monsgeek M1, thứ có thể xóa bỏ tương đối định kiến của người dùng về nhiều thứ. Chẳng hạn như “phím của Akko tầm dưới 2 triệu Đồng chưa ngon” hay “Monsgeek M1 là bản lỗi của MOD007 v2”, v.v. Nếu còn mang những suy nghĩ ấy thì khả năng cao chúng sẽ biến mất nếu bạn được chạm tay trực tiếp vào sản phẩm này.
Việc bị lỗi QC tưởng chừng như là một điểm xấu, nhưng Akko đã rất biết cách xoay sở để tạo ra một dòng sản phẩm 2 triệu Đồng, nhưng chất lượng nhiều chỗ chẳng khác nào 4 triệu. Tuy nhiên nhìn vào cái điểm chê đã nói ở trên, người viết hi vọng hãng sẽ tìm ra cách để khai thác thương hiệu Monsgeek hợp lý hơn, tạo ra những sản phẩm mà người ta sẽ không phải so sánh hay gọi nó là “ABC phiên bản lỗi” nữa.
Xem thêm:
Trên tay bàn phím cơ Keydous NJ80: Đầy đủ thế này bảo sao thành "quốc dân"
Đôi điều về phím cơ: Khái niệm, lợi ích và vài lựa chọn khởi đầu lý tưởng
Trên tay bàn phím cơ Keychron K2 Pro: Đầy đủ, chỉn chu, tương thích ưu việt và tùy biên vô hạn
Bàn phím cơ không dây Fantech Maxfit67: Hoàn hảo trên từng con phím