logo

Layout bàn phím cơ là gì? Các loại layout phổ biến hiện nay

Lê Thành Đạt 01:05, 27/07/2024

Hiện nay trên thị trường có đa dạng các kiểu bàn phím với các layout khác nhau, đem đến cho người sử dụng vô vàn lựa chọn về hình thù, kiểu dáng và kích cỡ. Vậy layout bàn phím là gì? Những layout phổ biến hiện nay ra sao? Cùng mình tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Layout bàn phím là gì? Những layout bàn phím phổ biến hiện nay

I. Layout bàn phím là gì

Layout của một chiếc bàn phím được quyết định bởi hai yếu tố, bố cục các phím trên bàn phím và kích thước (form factor) của chiếc bàn phím đó.

Layout bố cục được phân chia dựa trên ba yếu tố:

  • Mechanical layout: Vị trí vật lý của các phím

  • Visual layout: Ký tự in trên keycap

  • Functional layout: Tính năng của các phím

Còn form factor hay được biết đến là kích thước của bàn phím sẽ được phân chia dựa vào số lượng và kích cỡ các phím.

Layout bàn phím

Xem ngay: Bàn phím cơ là gì? Phân biệt bàn phím cơ và bàn phím thường

II. Các layout ký tự bàn phím phổ biến

Dựa vào ba yếu tố mechanical layout, functional layout và visual layout, cộng đồng chơi bàn phím đã phân loại ra các layout phổ biến như:

1. Layout QWERTY

Đây là layout cơ bản và phổ biến nhất. Chúng được trang bị trên hầu hết các máy đánh chữ, bàn phím rời cũng như laptop,... trên thế giới và đặc biệt là ở các quốc gia sử dụng ngôn ngữ có chữ cái Latinh.

Layout QWERTY được nhiều người lựa chọn do dễ sử dụng, dễ học, phù hợp để đánh máy và hiệu quả trong làm việc. Ngoài ra, tên của layout này được lấy từ 5 chữ cái đầu trên bàn phím và được sử dụng nhiều trong tiếng Latinh gồm: Q, W, E, R, TY.

Layout QWERTY

2. Layout Dvorak

Layout Dvorak được thiết kế bởi August Dvorak William Dealey vào năm 1936. Loại layout này có bố cục được cho là tối ưu cho nhất việc đánh máy cũng như sở hữu thiết kế công thái học thông minh. Với bàn phím thuộc layout Dvorak, bạn sẽ ít phải chuyển động tay cổ tay và ngón tay hơn, từ đó tăng tốc độ cũng như độ chính xác khi gõ phím.

Tuy layout Dvorak được đánh giá có nhiều ưu điểm tối ưu hơn so với layout QWERTY, loại layout này vẫn không thể trở thành layout tiêu chuẩn cho bàn phím bởi việc sinh sau, đẻ muộn hơn QWERTY tận 60 năm cũng như những lợi ích nó đem lại không quá rõ rệt.

Layout Dvorak

3. Layout ANSI

Được thiết kế dựa trên layout QWERTY, tên đầy đủ của loại layout này là American National Standards Institute (ANSI) được sử dụng phổ biến, rộng rãi ở Mỹ, Canada và một số nước châu Âu. ANSI được thiết kế dựa theo tiêu chuẩn của Viện tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ với 104 phím đối với kích thước Fullsize và 87 phím trên kích thước TKL.

Layout ANSI

4. Layout ISO

Đây là layout được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và được sử dụng rộng rãi tại châu Âu. Về cơ bản, layout ISO khá giống với layout ANSI trừ việc nó có nhiều hơn 1 phím so với layout ANSI và sở hữu phím enter to hơn.

Layout ISO

5. Layout JIS

Layout JIS sở hữu các phím bấm tương tự như các layout cơ bản khác. Tuy nhiên, nó được nghiên cứu và thiết kế bởi Viện Tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS) để hỗ trợ việc đánh máy tiếng Nhật. Do đó sẽ có thêm 5 phím mới so với các layout khác và tăng số lượng phím Fullsize lên tới 109 phím.

Layout JIS

III. Các layout form factor bàn phím cơ bản

1. Full-sized

Layout Fullsize là layout bàn phím phổ biến nhất bao gồm 104 phím, đầy đủ phím function cùng numpad phím hướng. Đây là layout phổ biến ở trên hầu hết các loại bàn phím thường và bàn phím cơ. Nó được sử dụng rộng rãi bởi dân văn phòng nhờ có thêm numpad, dễ dàng nhập số liệu hơn.

Layout bàn phím Full size

2. 1800 Compact (Layout 96%)

Layout 1800 Compact hay còn được biết đến là layout 96% bao gồm đầy đủ các phím có trên bàn phím Fullsize bình thường nhưng khoảng cách giữa các cụm phím được thu nhỏ lại. Việc này sẽ giúp bàn phím được nhỏ gọn hơn, chỉ bằng 96% kích thước bàn phím Fullsize thông thường.

Layout bàn phím 1800 Compact

3. Tenkeyless (TKL)

Layout TKL hay còn được gọi là Tenkeyless là một layout được nhiều người sử dụng do kích thước nhỏ gọn hơn nhiều so với bàn phím Fullsize. Bàn phím TKL chỉ bao gồm 87 phím vì đã bỏ cụm phím Numpad ở bên phải. Nhờ đó kích thước bàn phím sẽ được thu gọn chỉ bằng 80% bàn phím Fullsize bình thường.

Bàn phím TKL sẽ phù hợp với người dùng không có nhu cầu sử dụng Numpad trong học tập và làm việc. Kích thước nhỏ gọn hơn sẽ giúp bạn có thể dễ dàng đem theo khi di chuyển cũng như tạo thêm khoảng trống trên bàn làm việc

Layout bàn phím TKL

4. Layout 75%

Layout 75% có cùng số lượng phím với bàn phím TKL với 87 phím nhưng kích thước đã được thu gọn lại nhờ việc bỏ đi khoảng trống giữa các phím. Nhờ đó chiếc bàn phím sẽ trở nên gọn gàng hơn.

Layout bàn phím layout 75%

5. Layout 65%

Nhằm mục đích tiết kiệm tối đa diện tích trên bàn làm việc và tối ưu cân nặng, layout 65% đã bỏ luôn hàng phím function ở phía trên và giảm số lượng phím đi còn 67-68 phím. Layout này được nhiều game thủ sử dụng do họ không cần dùng đến numpad và phím function.

Layout bàn phím 65%

6. Layout 60%

Đây là layout bàn phím có kích thước nhỏ gọn nhất mà vẫn đủ các phím cần thiết để chơi game và đánh văn bản. Layout 60% loại bỏ 4 phím hướng mũi tên và phím chức năng từ layout 65% để tối giản hết cỡ kích thước và cân nặng. Nếu bạn muốn một chiếc bàn phím gọn nhẹ thì layout 60% là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

Layout bàn phím 60%

7. Layout 40%

Đây là layout bàn phím ít phổ biến nhất và cũng khó tìm nhất vì ít hãng sản xuất một bàn phím có kích cỡ nhỏ đến vậy. Ở layout 40%, bàn phím đã bỏ hoàn toàn các phím chức năng, mũi tên và hãng số phía trên cùng bàn phím. Về cơ bản, bạn vẫn có thể sử dụng bàn phím để đánh máy và chơi game như bình thường tuy nhiên sẽ gặp một vài hạn chế khi sử dụng.

Layout bàn phím 40%

Xem thêm:


Bên trên là những kiến thức cơ bản về layout bàn phím và các layout phổ biến được nhiều người sử dụng hiện nay, nếu bạn thấy bài viết hay thì đừng quên chia sẻ với mọi người nhé!