Tổng hợp 6 điều cần biết về kính thực tế ảo bạn nên biết
6 điều mà bạn cần biết về sản phẩm kính thực tế ảo
Không phải bất cứ ai cũng hiểu rõ kính thực tế ảo, về cách thức mà nó vẫn luôn hoạt động hay những thông tin cần phải biết về loại kính này. Tiếp theo đây mình sẽ bật mí cho các bạn 6 điều cần biết về kính thực tế ảo nhé.
1/ Kính thực tế ảo là gì?
Ngày nay, dưới sự quảng bá của truyền thông, ắt hẳn chúng ta đã nghe rất nhiều về công nghệ VR cũng như về chiếc kính thực tế ảo mà hàng loạt các ông lớn thay nhau công bố sản phẩm đúng chứ?
Thực tế ảo (virtual reality) có thể hiểu là công nghệ mô phỏng không gian thông qua bộ xử lý của máy tính. Thế giới được mô phỏng này có thể giống hệt thế giới thật hoặc là một thế giới ảo hóa trong trí tưởng tượng.
Và kính thực tế ảo (virtual reality glasses) chính là công cụ để giúp con người có thể tiếp xúc với thế giới ảo hóa đó. Kính thực tế ảo có nguyên lý hoạt động khá tương tự với kính 3D khi nó sẽ cùng lúc chiếu cả 2 hình ảnh khác nhau mô phỏng tầm mắt của con người nhằm đánh lừa nhận thức không gian của não bộ.
2/ Lịch sử về kính thực tế ảo
Dù kính thực tế ảo mới trở nên phổ biến trong một vài năm trở lại đây nhưng ý tưởng về xây dựng một thiết bị giúp con người đắm chìm vào một thế giới khác đã hình thành từ rất lâu về trước.
Từ những năm 1968, nhà khoa học Ivan Sutherland đã phát triển một thiết bị gắn màn hình trên đầu và được xem như là chiếc kính VR đầu tiên. Nhảy đến năm 1993, SEGA, một hãng game vẫn cực kỳ nổi tiếng cho đến tận hôm nay đã phát triển và cho ra mắt chiếc kính Sega VR cho loại trò chơi của mình. Tuy dự án này không được thành công nhưng nó đã đánh dấu khởi đầu cho sự quan tâm của các hãng công nghệ và game đến khái niệm kính thực tế ảo.
Nếu bạn là một tín đồ về phim điện ảnh như mình thì ắt hẳn bạn sẽ thấy quen thuộc với những tựa phim khai thác về đề tài này. Một số bộ phim tiêu biểu mà mình có thể kể đến như: The Matrix, Brainstorm, Avalon,... Ngoài ra bộ phim tuổi thơ của mình cũng như phần lớn mọi người “Mật mã Lyoko” cũng là một tác phẩm khai thác về đề tài thế giới ảo khá tốt.
3/ Các loại kính thực tế ảo
Mặc dù hiện nay có rất nhiều cách phân chia thể loại kính thực tế ảo. Tuy nhiên sau khi mình tổng hợp được từ các nguồn cả trong nước và nước ngoài, dựa vào cấu tạo của kính, kính thực tế ảo sẽ được chia làm 2 loại chính bao gồm:
- Standalone: Loại thiết bị sở hữu bộ xử lý và cấu hình riêng, tự đáp ứng tất cả các điều kiện giúp người sử dụng trải nghiệm thế giới ảo. Bạn có thể đã nghe đến một số chiếc kính thực tế ảo độc lập đã và đang phát hành trên thị trường như: Meta Quest 2, Meta Quest 3, HTC Vive XR Elite, Pico 4,...
- Tethered: Loại kính cần kết nối với một thiết bị khác, chẳng hạn như PC, Smartphone hoặc các thiết bị chơi game khác để có thể trải nghiệm thế giới ảo thông qua kết nối cáp hoặc không dây. Một mẫu kính thuộc thể loại Tethered mà mình nghĩ phần lớn các bạn đã từng nghe tới chính là Google Cardboard được ra mắt vào năm 2014 với giá cực rẻ và cực dễ làm tại nhà. Ngoài ra, còn nhiều mẫu kính khác đang được phát hành như: HTC Vive Pro 2, Valve Index, PlayStation VR2,...
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách làm kính thực tế ảo Google Cardboard.
4/ Làm cách nào để tương tác khi sử dụng kính thực tế ảo?
Để thuận tiện hơn cho người dùng cũng như làm đa dạng thêm về tính năng điều khiển của kính thực tế ảo, ngoài bộ điều khiển như thông thường, các nhà sản xuất phát triển và đã tạo ra hàng loại các phương thức điều khiển khác nhau. Mình sẽ liệt kê ra một số loại phổ biến nhất:
- Găng tay VR
- Bộ cảm biến toàn thân (The Full Body Tracker)
- Bộ điều khiển VR
- Cảm biến tay (Hand Tracking)
- Cảm biến điện não: Với công nghệ hiện tại, vẫn chưa thể phát triển ra các loại kính VR có thể sử dụng điện não con người để tương tác trong thế giới ảo. Tuy nhiên, mình nghĩ với một công nghệ có tiềm năng như vậy, các doanh nghiệp sẽ không thể nào bỏ qua được.
5/ Kho ứng dụng đa dạng
Điều đặc biệt nhất mà mình thấy ở những chiếc kính thực tế ảo là việc dù chỉ mới trở nên thịnh hành, hàng loạt các ứng dụng, phần mềm hay game đã được phát triển liên tục để hỗ trợ và cung cấp cho người dùng.
Hầu hết các ứng dụng và game bom tấn hiện tại đều sẽ có cho mình một phiên bản VR dành riêng cho loại kính này. Từ các ứng dụng cơ bản như Youtube VR, Netflix VR cho đến các tựa game nổi tiếng nhiều người chơi như Among Us VR, Minecraft VR. Đến cả Steam, một trong những nền tảng cung cấp game lớn nhất thế giới cũng có phiên bản VR cho riêng mình.
6/ Tương lai của kính thực tế ảo
Kính thực tế ảo đã và đang đóng góp một phần không nhỏ đến sự phát triển của xã hội loài người. Chỉ tính đến hiện tại, kính VR đã được áp dụng vào đa số các ngành nghề quan trọng như giáo dục, y tế, kiến trúc, du lịch cũng như thương mại.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ cũng như nguồn lực đầu tư lớn từ các ông lớn hàng đầu, tương lai của kính thực tế ảo hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội và thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đối với một người dùng thông thường như mình cũng dễ dàng cảm nhận được tiềm năng cực khủng mà ngành công nghiệp này mang lại. Có lẽ trong tương lai, chúng ta sẽ có cơ hội được đắm chìm trong một thế giới khác như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng thì sao.
Xem thêm:
Liệu kính thực tế ảo có gây hại đến mắt không? Lưu ý khi mang
Hướng dẫn cách lựa chọn kính thực tế ảo phù hợp nhất
Review kính thực tế ảo Meta Quest 2 sau hơn 1 năm sử dụng
Dòng kính thực tế ảo nổi tiếng của Google giờ ra sao?
Hướng dẫn chi tiết cách chơi game bằng kính thực tế ảo