logo

Đánh giá bàn phím cơ Lofree Flow chi tiết: Đáng đến từng xu

Nguyễn Công Minh 14:58, 25/12/2023

Lofree Flow từ một thể loại bàn phím cơ bị cho là “nửa mùa”, kém hấp dẫn, “low-profile” trong khoảng vài tháng trở lại đây, lại trở thành một trong những từ khóa HOT nhất trong cộng đồng. Đặc biệt thay, làn sóng mới này lại được làm nên chỉ nhờ một cái tên vốn chưa bao giờ được đánh giá quá cao: Lofree.

Nổi tiếng với những sản phẩm có ngoại hình độc lạ, nhưng xét chuyên sâu về chất lượng thì thương hiệu này chưa bao giờ được đánh giá cao. Tuy nhiên đó là cho đến khi bàn phím Lofree ra đời và khuấy động tất cả.

Bàn phím cơ Lofree Flow

Theo trải nghiệm của ThinkPro, không sai nếu nói rằng đây là một sản phẩm đáng giá từng xu. Tất nhiên về lý thuyết, khẳng định này sẽ chỉ đúng với mảng phím cơ low-profile, nhưng nếu được tự tay cầm nắm, tận tai thưởng thức âm thanh mà Lofree Flow đem lại, người viết tin rằng tập so sánh của bạn dành cho sản phẩm này sẽ được mở rộng hơn rất nhiều.

Thiết kế bàn phím cơ Lofree Flow

Về thiết kế, Lofree Flow sở hữu thân hình mỏng nhẹ đặc trưng của dòng phím “gầm thấp” low-profile, với những đường nét kết hợp giữa nét cổ điển và tính hiện đại. Nếu như sự hiện đại sẽ thể hiện qua chất liệu Nhôm cứng cáp, phần viền bao rất dày tạo điểm nhấn hay lớp sơn phủ Bạc nhám bóng bẩy, thì nét cổ điển sẽ được thấy thông qua những chi tiết rất nhỏ như chân nâng, phù hiệu tên hãng,... màu Đồng nổi bật, dễ gợi nhớ đến các chi tiết máy móc thời kỳ hơi nước.

Thiết kế bàn phím cơ Lofree Flow

Việc phối màu Đồng và Bạc là rất hợp lý vì đây là hai màu thể hiện rõ nhất tính kim loại của sản phẩm, đồng thời chúng cũng giúp nhau trở nên nổi bật hơn. Nói đến kim loại thì đây cũng là thứ giúp phím có được cảm giác hoàn thiện chắc chắn, ít nhất là trên bình diện phím cơ low-profile khi nó có độ vặn xoắn khá ít khi bị tác động lực, cũng như không phát ra tiếng động ọp ẹp.

Một chi tiết khá thú vị trên Lofree Flow đó chính là việc chiếc bàn phím này cũng có đèn LED, nhưng sẽ ở dạng LED gầm với hai dải ngắn ở hai bên. Vị trí đặt này sẽ giúp LED được chiếu xuống mặt bàn và dội lên, tạo nên hiệu ứng độc đáo. Đây là một cách sắp đặt khá là thú vị của Lofree để vừa tạo điểm nhấn, vừa duy trì được sự tối giản của sản phẩm - thay vì đặt dải LED ở hai bên hông như nhiều kit phím kim loại.

Xem ngay: Hướng dẫn cách bật đèn bàn phím cơ, chỉnh màu đèn nền chi tiết

Cạnh trên của phím sẽ có cần gạt bật tắt / chuyển đổi chế độ kết nối. Theo người viết thì vị trí đặt nút gạt như thế này chưa tối ưu, khá là khó với tới nếu bạn có ngón tay lớn. Một điểm cần lưu ý nữa đó là việc phần chân nâng của sản phẩm này không thể thay đổi độ cao. Tuy nhiên điều này cũng tùy người mà ảnh hưởng ít hay nhiều, vì độ nghiêng ban đầu mà phần chân này tạo ra đã là khá hợp lý.

Thiết kế bàn phím cơ Lofree Flow 2

Nhìn chung thì phải chiêm ngưỡng tận mắt, chúng ta mới thực sự cảm nhận được sự cao cấp của bàn phím cơ Lofree Flow một cách rõ ràng. Việc để lại ấn tượng ban đầu tốt cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến sản phẩm trở thành thỏi nam châm thu hút sự chú ý suốt thời gian qua, mặc cho trên thị trường cũng có những cái tên cạnh tranh tương đối cứng như bàn phím cơ NuPhy Air 75 v2 - hiện cũng đã cập bến ThinkPro.

Switch và keycap bàn phím cơ Lofree Flow

Switch cũng là một điểm rất đáng chú ý trên Lofree Flow, không chỉ vì đây là dạng switch low-profile mà còn là bởi chất liệu hoàn toàn bằng nhựa POM. Những ai đam mê phím cơ hẳn sẽ hiểu được điều này có ý nghĩa lớn thế nào vì so với chất liệu nhựa thường trên các switch khác, switch nhựa POM sẽ có độ ma sát thấp hơn, độ bền cao hơn và theo hãng thì còn có thêm khả năng tự bôi trơn, tăng độ mượt theo thời gian.

Switch và keycap bàn phím cơ Lofree Flow

Ngoài ra, switch này dường như cũng đã có sẵn một lớp dấu lube từ bên trong nhà máy, nên cảm giác gõ cho ra là khá ít sạn, phù hợp với những ai không quá khó tính trong việc thưởng thức âm thanh. Tuy nhiên, Lofree cũng không vì vậy mà khiến người dùng bớt đi sự hào hứng, khi đã trang bị rất nhiều yếu tố khác trên chiếc phím này, kết hợp với switch để tạo ra chất âm tuyệt hảo - mà bạn sẽ được nghe sau đây.

Quan trọng hơn, để xứng đáng với giá thành gần 3 triệu Đồng, Lofree cũng đã chọn switch của Kailh để đưa lên sản phẩm của mình. Khác với những Gateron, Outemu hay nhiều thương hiệu switch phổ biến khác, Kailh là cái tên từ lâu rất được tin dùng về chất lượng với nhiều thành phẩm đạt độ hoàn thiện cao, được không ít tên tuổi làm phím cơ nổi tiếng chọn mặt gửi vàng.

Keycap của Lofree Flow sẽ được làm từ nhựa PBT, in ký tự theo dạng nhiệt dye-sub và có profile phẳng, bo tròn các góc tạo cảm giác xinh xắn, nhỏ gọn. Trong khi nhựa PBT sẽ đảm bảo độ cứng cáp cho từng nút bấm thì về cách in dye-sub, đây là kiểu in hợp lý vì có thể đảm bảo độ bền và thanh mảnh của ký tự được in ở mức tối đa, thay vì double-shot sẽ hợp hơn với phím cơ truyền thống có ký tự hơi dày hơn.

Switch và keycap bàn phím cơ Lofree Flow 2

Stab bàn phím cơ Lofree Flow

Về stab, Lofree Flow dường như cũng được chăm chút ngay từ trong nhà máy. Ít nhất với phiên bản trên tay người viết thì hiện tưởng lọc xọc ở các phím dài là không diễn ra, chân stem bám chắc chắn vào plate và phía trong cũng được lube khá nhiều mỡ. Mặc dù vẫn còn hiện tương tick ở các phím như Enter hay Backspace, nhưng việc này hoàn toàn có thể sửa chữa và không ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm tổng thể.

Stab bàn phím cơ Lofree Flow

Kết cấu bên trong

Kết cấu bên trong của Lofree Flow cũng được hãng đặc biệt chú ý, cũng là yếu tố không thể xem nhẹ góp phần vào chất âm đã “hớp hồn” không ít thành viên trong cộng đồng phím. Cụ thể thì ngoài những thành phần cơ bản như plate, PCB,.. Lofree đã thêm vào rất nhiều lớp đệm từ poron, silicon, v.v. để giúp phần khung kim loại không bị rỗng, đảm bảo âm thanh phát ra được gọn gàng và mềm xốp.

Kết cấu bên trong

Một điểm thú vị nữa là mặc dù là một chiếc phím low-profile, nhưng Lofree Flow cũng có cả cơ chế gasket mount không thua phím cơ truyền thống. Về cảm giác “nhún nhảy” thì cơ chế này không thể hiện được nhiều trên sản phẩm này, tuy nhiên sự xuất hiện của nó giúp cho buồng âm của phím được đều hơn, gia tăng sự thỏa mãn trong trải nghiệm âm thanh.

Cuối cùng, phía dưới cùng của kết cấu này sẽ có một tấm màng cách điện, ngăn cho PCB trong quá trình gõ chạm vào đáy Nhôm gây nhiễu tín hiệu. Hiện tượng chạm PCB vào mặt đáy là thứ thường xuyên bắt gặp trên các sản phẩm phím cơ dùng cơ chế gasket mount, và việc trang bị lớp cách điện bên dưới sẽ là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn rủi ro nhiễu sóng do hiện tượng này tạo ra.

Âm thanh bàn phím cơ Lofree Flow

Phiên bản người viết đang trải nghiệm sẽ sử dụng switch Kailh Ghost, một loại switch linear phù hợp với những người gõ nhanh, cần trải nghiệm tiếng không quá ồn ào. Khi được lắp vào bộ khung của Flow thì thành quả có được sẽ là chất âm mềm xốp, vui tai, mà các dân chơi phím cơ thường gọi là “creamy”. Dưới đây sẽ là ví dụ để bạn đọc tham khảo về chất âm của phiên bản Lofree Flow sử dụng Kailh Ghost Switch:

Còn đây là ví dụ về phiên bản Lofree Flow sử dụng Kailh Phantom Switch (switch tactile):

Nhìn chung, cá nhân người viết vẫn sẽ khuyến khích bạn đọc tham khảo phiên bản sử dụng Kailh Ghost Switch của Lofree Flow hơn. Thông qua tham khảo những người chuyên về phím cơ mà người viết quen biết, họ đều đánh giá cao hơn chất âm creamy tạo ra bởi switch này, và phần đông các sản phẩm Lofree Flow được đánh giá trên Internet cũng sử dụng Kailh Ghost.

Tính năng

Về tính năng, Lofree Flow sẽ hỗ trợ hai loại kết nối là không dây (Bluetooth) và có dây. Điều này gia tăng thêm sự linh hoat cho sản phẩm, giúp người dùng chủ động lựa chọn để thích hợp với hoàn cảnh sử dụng.

Tính năng bàn phím cơ lofree flow

Ngoài ra, khả năng hotswap (thay nóng) với switch sẽ giúp chúng ta tùy biến switch ở một số phím để phù hợp với thói quen sử dụng, cũng như thay thế sửa chữa nếu có hỏng hóc xảy ra.

Thời lượng pin

Với một mẫu phím cơ động như Lofree Flow, thời lượng pin cũng là một yếu tố quan trọng. Sở hữu viên pin dung lượng 2.000mAh, người viết mỗi ngày dùng sản phẩm khoảng 6h thì sẽ mất khoảng gần 1 tuần để phải sạc phím một lần.

Tạm kết

Và đó là Lofree Flow, mẫu bàn phím cơ tuy nhỏ nhưng đang tạo nên tầm ảnh hưởng rất lớn trên thị trường trong vài tháng trở lại. Đáng chú ý, không ít sự so sánh với sản phẩm này thậm chí đã hướng tới cả bàn phím cơ truyền thống, và điều này là xứng đáng với chất lượng mà hãng đã tạo ra: Một chiếc phím mỏng nhẹ nhưng cứng cáp, đi kèm kết cấu chỉn chu và chất âm “ấm áp” không thể xem thường.

Và đó là Lofree Flow, mẫu bàn phím cơ tuy nhỏ nhưng đang tạo nên tầm ảnh hưởng rất lớn trên thị trường

Tất nhiên, những lời có cánh với Lofree Flow sẽ không hoàn toàn đúng với tất cả, đặc biệt là những ai đã quen với phím cơ truyền thống có hành trình sâu, thiết kế dày bản, v.v. Vậy nên tốt nhất trước khi mua sản phẩm này, bạn nên thực sự hiểu về phím cơ low-profile, về những khác biệt mà nó đem lại so với phím cơ truyền thống để có được kỳ vọng đúng đắn nhất.

Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo qua một số mẫu bàn phím đang được kinh doanh tại ThinkPro: Monsgeek M1W, FL ESPORT CMK75, CIDOO V75 Pro, Xinmeng M75,...