logo

Cách chuyển dữ liệu từ điện thoại sang laptop nhanh nhất

Vũ Luân 11:07, 13/01/2025

Việc chuyển dữ liệu từ điện thoại sang laptop đôi khi gây ra nhiều khó khăn cho người dùng. Bài viết này của ThinkPro sẽ hướng dẫn bạn những cách đơn giản và hiệu quả để chuyển hình ảnh, video, tài liệu và nhiều loại dữ liệu khác từ điện thoại sang laptop một cách nhanh chóng và an toàn. Qua đó, bạn có thể dễ dàng quản lý dữ liệu, giải phóng bộ nhớ điện thoại và sao lưu thông tin quan trọng.

Mục lục bài viết

1. Các cách chuyển dữ liệu từ điện thoại sang laptop sử dụng dây cáp

1.1 Chuyển dữ liệu từ điện thoại Android sang laptop qua cáp USB

Bước 1: Cắm cáp USB vào cổng USB trên laptop và điện thoại.

Bước 2: Trên điện thoại, vuốt màn hình từ trên xuống để mở bảng thông báo. Chọn "Sạc qua USB" hoặc "Đang sạc thiết bị qua USB". Một cửa sổ tùy chọn sẽ hiện ra.

Bước 3: Chọn chế độ truyền file. Thường có hai lựa chọn chính là:

  • MTP (Media Transfer Protocol): Cho phép bạn truy cập các tệp đa phương tiện như ảnh, video, nhạc trên điện thoại. Đây là chế độ phổ biến nhất để truyền dữ liệu.

  • PTP (Picture Transfer Protocol): Sử dụng khi bạn muốn kết nối điện thoại như một máy ảnh kỹ thuật số. Chế độ này phù hợp khi muốn chuyển ảnh sang laptop.

Bước 4: Truy cập và quản lý dữ liệu:

  • Trên Windows: Mở File Explorer (nhấn phím Windows + E). Điện thoại sẽ hiển thị như một ổ đĩa. Bạn có thể sao chép, di chuyển hoặc xóa tệp từ điện thoại.

  • Trên macOS: Tải và cài đặt Android File Transfer từ trang web chính thức. Khi kết nối điện thoại, ứng dụng sẽ tự động mở, hiển thị các tệp trên điện thoại. Bạn có thể thực hiện các thao tác sao chép, di chuyển hoặc xóa tệp.

Bước 5: Sao chép, di chuyển, xóa file:

Các thao tác sao chép, di chuyển, xóa tệp giữa điện thoại và laptop được thực hiện tương tự như trên máy tính. Bạn có thể kéo thả tệp, hoặc sử dụng các phím tắt Ctrl+C (sao chép), Ctrl+X (di chuyển), Ctrl+V (dán) hoặc Delete (xóa).

Để kết nối điện thoại Android với laptop, bạn cần một cáp USB tương thích.

Để kết nối điện thoại Android với laptop, bạn cần một cáp USB tương thích

1.2 Chuyển dữ liệu từ iPhone sang laptop qua cáp USB

Các bước chuyển dữ liệu từ iPhone sang laptop qua cáp USB

Bước 1: Kết nối

  • Cắm một đầu cáp Lightning vào cổng Lightning trên iPhone, đầu còn lại cắm vào cổng USB trên laptop.

  • Một thông báo sẽ hiện lên trên màn hình iPhone hỏi bạn có "Tin cậy" (Trust) máy tính này hay không. Chọn "Tin cậy" để cho phép laptop truy cập dữ liệu trên iPhone.

Bước 2: Đồng bộ và truyền dữ liệu với iTunes/Finder

Sau khi kết nối iPhone với laptop, bạn có thể sử dụng iTunes (trên Windows và macOS Mojave hoặc cũ hơn) hoặc Finder (trên macOS Catalina trở lên) để đồng bộ và truyền dữ liệu.

Sử dụng iTunes (Windows và macOS Mojave hoặc cũ hơn):

  1. Cài đặt iTunes (Windows): Nếu bạn chưa cài đặt iTunes, hãy tải phiên bản mới nhất từ trang web của Apple và cài đặt theo hướng dẫn.

  2. Mở iTunes: Sau khi kết nối iPhone, iTunes sẽ tự động mở. Nếu không, hãy mở iTunes thủ công.

  3. Chọn iPhone: Click vào biểu tượng iPhone ở góc trên bên trái cửa sổ iTunes.

  4. Đồng bộ và truyền dữ liệu: Bạn có thể đồng bộ nhạc, phim, ảnh, ứng dụng và các dữ liệu khác giữa iPhone và laptop. iTunes cũng cho phép bạn sao lưu dữ liệu iPhone vào máy tính.

Để chuyển dữ liệu từ iPhone sang laptop, bạn cần sử dụng cáp Lightning

Để chuyển dữ liệu từ iPhone sang laptop, bạn cần sử dụng cáp Lightning

1.3 Chuyển dữ liệu bằng thẻ nhớ MicroSD (Áp dụng cho điện thoại Android)

Bước 1: Chuyển dữ liệu từ bộ nhớ trong sang thẻ nhớ

  • Vào "cài đặt", tìm tùy chọn quản lý bộ nhớ và thẻ SD trong phần "Bộ nhớ" hoặc "Lưu trữ"

  • Tại đây, người dùng có thể xem dung lượng bộ nhớ đã sử dụng và dung lượng còn trống, đồng thời có thể chọn di chuyển dữ liệu sang thẻ nhớ.

Vào Cài đặt > tìm dữ liệu hoặc ứng dụng > Lưu trữ > Thay đổi > Chọn Thẻ nhớ > Di chuyển

Vào Cài đặt > tìm dữ liệu hoặc ứng dụng > Lưu trữ > Thay đổi > Chọn Thẻ nhớ > Di chuyển

Bước 2: Tháo thẻ nhớ MicroSD khỏi điện thoại

Trước khi tháo thẻ nhớ, hãy đảm bảo tắt nguồn điện thoại để tránh lỗi hoặc mất dữ liệu. Sau đó, dùng que chọc SIM để mở khay đựng SIM và thẻ nhớ. Nhẹ nhàng lấy thẻ nhớ ra khỏi khay.

Bước 3: Sử dụng đầu đọc thẻ để kết nối với laptop

Đầu đọc thẻ nhớ là một thiết bị nhỏ gọn giúp kết nối thẻ nhớ MicroSD với laptop thông qua cổng USB. Bạn chỉ cần cắm thẻ nhớ vào đầu đọc, sau đó cắm đầu đọc vào cổng USB của laptop.

Bước 4: Truy cập và sao chép dữ liệu từ thẻ nhớ sang laptop

Sau khi kết nối, thẻ nhớ sẽ xuất hiện như một ổ đĩa di động trên laptop. Bạn có thể truy cập vào ổ đĩa này và sao chép dữ liệu từ thẻ nhớ sang laptop như thao tác với các ổ đĩa thông thường khác.

Lưu ý:

  • Định dạng thẻ nhớ: Nên định dạng thẻ nhớ sang định dạng FAT32 hoặc exFAT để đảm bảo tính tương thích với điện thoại và laptop.

  • Giới hạn dung lượng: Kiểm tra giới hạn dung lượng thẻ nhớ mà điện thoại hỗ trợ. Một số điện thoại chỉ hỗ trợ thẻ nhớ có dung lượng nhất định.

Chuyển dữ liệu từ bộ nhớ trong của điện thoại Androi sang thẻ nhớ MicroSD

Chuyển dữ liệu từ bộ nhớ trong của điện thoại Androi sang thẻ nhớ MicroSD

2. Các cách chuyển dữ liệu từ điện thoại sang laptop không dây

Ngoài việc sử dụng cáp, bạn còn có nhiều lựa chọn không dây để chuyển dữ liệu từ điện thoại sang laptop. Cùng tìm hiểu các phương pháp phổ biến và tiện lợi sau nhé.

2.1 Chuyển dữ liệu qua Bluetooth

Bước 1: Bật Bluetooth trên điện thoại và laptop

Trên điện thoại: Vào Cài đặt > Bluetooth để bật.

Trên laptop:

  • Windows: Nhấp vào biểu tượng Start Menu ở góc dưới bên trái màn hình, sau đó chọn Settings (biểu tượng hình bánh răng). Trong cửa sổ Settings, tìm và chọn Devices. Tiếp theo, click vào Bluetooth & other devices. Gạt nút Bluetooth sang vị trí On để kích hoạt.

Trên laptop Windows: Vào Settings > Devices > Bluetooth & other devices > Bật On

Trên laptop Windows: Vào Settings > Devices > Bluetooth & other devices > Bật On

  • macOS: Nhấp vào biểu tượng Apple ở góc trên bên trái màn hình. Chọn System Preferences. Trong System Preferences, tìm và nhấp vào Bluetooth. Nhấp vào "Turn Bluetooth On".

Bước 2: Ghép đôi điện thoại với laptop

  1. Đặt hai thiết bị gần nhau

  2. Bắt đầu tìm kiếm thiết bị: Trên laptop, trong phần cài đặt Bluetooth, chọn "Add Bluetooth or other device". Trên điện thoại, trong phần cài đặt Bluetooth, hãy chắc chắn rằng chế độ "khám phá được" (discoverable) đã được bật. Một số điện thoại sẽ tự động bật chế độ này khi bạn mở cài đặt Bluetooth.

  3. Chọn thiết bị để ghép đôi: Trên laptop, danh sách các thiết bị Bluetooth khả dụng sẽ hiện ra. Tìm tên điện thoại của bạn trong danh sách này và chọn nó. Một mã PIN sẽ xuất hiện trên cả hai thiết bị. Xác nhận mã PIN trên cả điện thoại và laptop để hoàn tất quá trình ghép đôi.

Tìm tên điện thoại của bạn trong danh sách và chọn nó. Sau đó nhập mã Pin ở cả 2 thiết bị

Tìm tên điện thoại của bạn trong danh sách và chọn nó. Sau đó nhập mã Pin ở cả 2 thiết bị

Bước 3: Gửi file từ điện thoại sang laptop và ngược lại

  1. Mở ứng dụng quản lý file trên điện thoại.

  2. Tìm đến file bạn muốn gửi.

  3. Chọn tùy chọn "Chia sẻ" hoặc "Gửi".

  4. Trong danh sách các phương thức chia sẻ, chọn "Bluetooth".

  5. Chọn tên laptop của bạn từ danh sách thiết bị Bluetooth khả dụng.

  6. Trên laptop, một thông báo sẽ hiện ra yêu cầu bạn chấp nhận hoặc từ chối việc nhận file. Chọn "Chấp nhận" để bắt đầu quá trình truyền file.

Một số lưu ý:

  • Tốc độ truyền dữ liệu qua Bluetooth khá chậm và chỉ phù hợp với các file có dung lượng nhỏ.

  • Nếu gặp sự cố khi kết nối, hãy thử khởi động lại Bluetooth hoặc kiểm tra lại cài đặt.

2.2 Chuyển dữ liệu qua Wi-Fi Direct (Android) / AirDrop (iOS)

Wi-Fi Direct (Android):

Wi-Fi Direct cho phép kết nối hai thiết bị Android với nhau mà không cần thông qua mạng Wi-Fi. Tính năng này có thể được tích hợp sẵn trong một số dòng laptop.

  • Bật Wi-Fi Direct trên điện thoại Android: Mở Cài đặt > Kết nối > Wi-Fi > Wi-Fi Direct. Chọn thiết bị muốn kết nối từ danh sách hiển thị.

  • Bật Wi-Fi Direct trên laptop (nếu có): Thao tác có thể khác nhau tùy thuộc vào hệ điều hành và dòng máy. Thông thường, bạn sẽ tìm thấy tùy chọn Wi-Fi Direct trong phần Cài đặt mạng.

  • Kết nối và truyền file: Sau khi bật Wi-Fi Direct trên cả hai thiết bị, chọn thiết bị bạn muốn kết nối. Xác nhận kết nối trên cả hai thiết bị. Sau đó, bạn có thể chia sẻ file từ ứng dụng quản lý file hoặc thư viện ảnh.

Mở Cài đặt > Kết nối > Wi-Fi > Wi-Fi Direct. Sau đó chọn thiết bị bạn muốn kết nối và xác nhận

Mở Cài đặt > Kết nối > Wi-Fi > Wi-Fi Direct. Sau đó chọn thiết bị bạn muốn kết nối và xác nhận

Chia sẻ file từ ứng dụng quản lý file hoặc thư viện ảnh

Chia sẻ file từ ứng dụng quản lý file hoặc thư viện ảnh

AirDrop (iOS và macOS):

AirDrop là tính năng chia sẻ file không dây giữa các thiết bị Apple (iPhone, iPad, MacBook).

  • Bật AirDrop trên iPhone/iPad: Vuốt xuống từ góc trên bên phải màn hình để mở Trung tâm điều khiển. Nhấn giữ vào ô AirDrop để lựa chọn chia sẻ với Mọi người hoặc Chỉ liên hệ.

  • Bật AirDrop trên MacBook: Mở Finder, chọn AirDrop từ thanh bên trái. Lựa chọn chia sẻ với Mọi người hoặc Chỉ liên hệ.

  • Kết nối và truyền file: Chọn file bạn muốn chia sẻ. Trong menu chia sẻ, chọn thiết bị Apple mà bạn muốn gửi file đến. Xác nhận trên thiết bị nhận để bắt đầu truyền file.

Cách chuyển dữ liệu từ Iphone qua Macbook bằng Airdrop

Cách chuyển dữ liệu từ Iphone qua Macbook bằng Airdrop

Lưu ý:

  • Tốc độ truyền file của Wi-Fi Direct, AirDrop nhanh hơn so với Bluetooth.

  • Không phải tất cả laptop đều hỗ trợ Wi-Fi Direct. Hãy kiểm tra thông số kỹ thuật của máy.

2.3 Chuyển dữ liệu qua các dịch vụ lưu trữ đám mây

Các dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến

Tiêu chí

Google Drive

iCloud

Dropbox

OneDrive

Dung lượng miễn phí

15GB

5GB

2GB

5GB

Ưu điểm

Tích hợp hệ sinh thái Google

Đồng bộ tốt với thiết bị Apple

Dễ sử dụng, giao diện thân thiện

Tích hợp tốt với Windows

Nhược điểm

Bảo mật ở mức trung bình

Dung lượng miễn phí ít

Dung lượng miễn phí hạn chế

Tính năng hạn chế hơn Google Drive

Chia sẻ tệp

Cho phép chia sẻ qua link hoặc email, tùy chỉnh quyền truy cập

Chia sẻ qua link hoặc AirDrop

Chia sẻ qua link hoặc email

Chia sẻ qua link hoặc email

Giá cả

Có nhiều gói dung lượng trả phí

Có nhiều gói dung lượng trả phí

Có nhiều gói dung lượng trả phí

Có nhiều gói dung lượng trả phí

Hướng dẫn tải tệp từ điện thoại lên Google Drive

  • Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản của bạn.

  • Bước 2: Tìm nút hoặc biểu tượng "Tải lên" (thường là biểu tượng dấu cộng hoặc mũi tên hướng lên).

Đăng nhập vào Drive và ấn vào mũi tên

Đăng nhập vào Drive và ấn vào mũi tên

  • Bước 3: Chọn tệp bạn muốn tải lên từ bộ nhớ điện thoại.

  • Bước 4: Đợi quá trình tải lên hoàn tất. Thời gian tải lên phụ thuộc vào kích thước tệp và tốc độ mạng.

Chọn tệp bạn muốn tải lên từ điện thoại

Chọn tệp bạn muốn tải lên từ điện thoại

  • Bước 5: Ở máy tính, bạn cũng đăng nhập vào drive. Tìm và chọn dữ liệu vừa tải lên, sau đó nhấn tải xuống để lưu dữ liệu vào máy tính.

Tìm và chọn dữ liệu vừa tải lên, sau đó nhấn tải xuống để lưu dữ liệu vào máy tính

Tìm và chọn dữ liệu vừa tải lên, sau đó nhấn tải xuống để lưu dữ liệu vào máy tính

2.4 Chuyển dữ liệu qua các ứng dụng tin nhắn và email

1. Sử dụng ứng dụng tin nhắn (Zalo, Messenger)

  • Đính kèm file: Để đính kèm file vào tin nhắn, bạn chỉ cần mở cuộc trò chuyện, tìm biểu tượng đính kèm file (thường là hình chiếc ghim giấy hoặc dấu cộng) và chọn file muốn gửi từ điện thoại.

  • Tải file về laptop: Sau khi file được gửi đi, bạn có thể mở ứng dụng Zalo hoặc Messenger trên laptop, truy cập vào cuộc trò chuyện và tải file về máy.

  • Giới hạn dung lượng: Mỗi ứng dụng có giới hạn dung lượng file khác nhau. Messenger giới hạn dung lượng file dưới 25MB, trong khi Zalo cho phép gửi file có dung lượng tối đa lên đến 1GB.

2. Sử dụng email (Gmail)

  • Đính kèm file: Tương tự như ứng dụng tin nhắn, bạn mở ứng dụng Gmail, soạn email mới, nhấn vào biểu tượng đính kèm file và chọn file cần gửi.

  • Tải file về laptop: Đăng nhập Gmail trên laptop, mở email chứa file đính kèm và tải file về máy.

  • Giới hạn dung lượng: Gmail cho phép gửi file đính kèm có dung lượng tối đa 25MB.

Mở ứng dụng Gmail, soạn email mới

Mở ứng dụng Gmail, soạn email mới

Nhấn vào biểu tượng đính kèm file và chọn file cần gửi

Nhấn vào biểu tượng đính kèm file và chọn file cần gửi

Lưu ý về dung lượng file:

Khi gửi file có dung lượng lớn, bạn nên nén file trước khi gửi để giảm dung lượng và tăng tốc độ truyền tải. Việc nén file cũng giúp bạn dễ dàng gửi nhiều file cùng lúc. Có rất nhiều ứng dụng và phần mềm nén file miễn phí và dễ sử dụng.

2.5 Chuyển dữ liệu qua các ứng dụng chia sẻ file chuyên dụng

Các ứng dụng chia sẻ file phổ biến:

  • ShareIt: Tốc độ truyền tải khá nhanh, hỗ trợ nhiều nền tảng. Tuy nhiên, ứng dụng chứa nhiều quảng cáo gây khó chịu cho người dùng.

  • Xender: Tương tự ShareIt, Xender cũng có tốc độ truyền tải nhanh, hỗ trợ đa nền tảngthế nhưng ứng dụng cũng chứa khá nhiều quảng cáo.

  • Send Anywhere: Điểm mạnh của ứng dụng này là không giới hạn dung lượng file. Ứng dụng cũng hỗ trợ nhiều nền tảng khác nhau.

  • AirDroid: Ngoài chia sẻ file, AirDroid còn cung cấp nhiều tính năng hữu ích khác như nhắn tin, quản lý danh bạ, xem thông báo. Tuy nhiên, một số tính năng nâng cao yêu cầu người dùng phải trả phí.

  • Pushbullet: Ứng dụng này tập trung vào việc đồng bộ thông báo, tin nhắn và chia sẻ link, file giữa các thiết bị. Pushbullet có giao diện đơn giản, dễ sử dụng.

Hướng dẫn cài đặt và sử dụng:

Việc cài đặt các ứng dụng này khá đơn giản. Bạn chỉ cần tìm kiếm tên ứng dụng trên kho ứng dụng của điện thoại (CH Play hoặc App Store) hoặc trên website chính thức của ứng dụng đối với laptop và làm theo hướng dẫn.

Để kết nối và truyền file, bạn cần chắc chắn rằng cả hai thiết bị (điện thoại và laptop) đều đã cài đặt ứng dụng và được kết nối vào cùng một mạng wifi. Sau đó, mở ứng dụng trên cả hai thiết bị, chọn file cần chia sẻ và thiết bị nhận. Tùy vào từng ứng dụng, giao diện và thao tác có thể hơi khác nhau một chút, nhưng nhìn chung đều khá dễ sử dụng.

Cả hai thiết bị (điện thoại và laptop) đều phải cài đặt ứng dụng và được kết nối vào cùng một mạng wifi

Cả hai thiết bị (điện thoại và laptop) đều phải cài đặt ứng dụng và được kết nối vào cùng một mạng wifi

Lưu ý:

Hãy tải ứng dụng từ nguồn uy tín như kho ứng dụng chính thức hoặc trang web của nhà phát hành để tránh cài đặt phải phần mềm giả mạo, kém chất lượng. Các phần mềm giả mạo có thể chứa mã độc, gây hại cho thiết bị của bạn.

3. Các câu hỏi liên quan

3.1 Làm thế nào để khắc phục lỗi khi kết nối điện thoại với laptop qua cáp USB?

Nếu gặp sự cố khi kết nối điện thoại với laptop qua cáp USB, bạn có thể thử các cách sau:

  • Kiểm tra cáp USB và cổng kết nối: Đảm bảo cáp không bị hỏng và được cắm chắc chắn vào cả điện thoại và laptop. Hãy thử sử dụng một cổng USB khác trên laptop.

  • Khởi động lại điện thoại và laptop: Đôi khi, việc khởi động lại đơn giản có thể giải quyết nhiều vấn đề kết nối.

  • Cài đặt hoặc cập nhật driver cho điện thoại: Bạn có thể truy cập trang web của nhà sản xuất điện thoại để tải và cài đặt driver mới nhất.

  • Bật chế độ USB Debugging (Android): Lưu ý rằng chỉ nên bật tính năng này khi cần thiết và tắt đi sau khi sử dụng xong vì lý do bảo mật.

  • Với Android 4.0 và 4.1, bạn vào Settings -> Developer options -> chọn USB debugging.

  • Đối với các phiên bản Android cũ từ 2.3 trở về trước, bạn vào Settings > Applications > Development > và chọn USB debugging.

Bật chế độ USB Debugging (Android) để khắc phục lỗi khi kết nối điện thoại với laptop qua cáp USB

Bật chế độ USB Debugging (Android) để khắc phục lỗi khi kết nối điện thoại với laptop qua cáp USB

3.2 Làm thế nào để bảo mật dữ liệu khi chuyển từ điện thoại sang laptop?

Để đảm bảo an toàn cho dữ liệu khi chuyển từ điện thoại sang laptop, hãy lưu ý những điểm sau:

  • Sử dụng cáp USB chính hãng, chất lượng tốt để tránh rủi ro lây nhiễm mã độc.

  • Hạn chế sử dụng Wi-Fi công cộng để truyền dữ liệu. Ưu tiên sử dụng mạng Wi-Fi gia đình hoặc dữ liệu di động.

  • Đặt mật khẩu cho các file nén nếu chứa dữ liệu nhạy cảm.

  • Mã hóa dữ liệu quan trọng trước khi truyền nếu cần thiết.

3.3 Có cách nào để tự động đồng bộ dữ liệu giữa điện thoại và laptop không?

Có, bạn có thể sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây như Google Drive, iCloud, Dropbox để tự động đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị đã đăng nhập cùng một tài khoản.

Ngoài ra, một số phần mềm đồng bộ chuyên dụng cũng có thể giúp bạn. Ví dụ như Samsung Smart Switch cho điện thoại Samsung, iTunes cho iPhone, hoặc các phần mềm từ bên thứ ba như Syncthing (mã nguồn mở và miễn phí).

Trên đây là những phương pháp chuyển dữ liệu từ điện thoại sang laptop, hy vọng giúp bạn lựa chọn được cách phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, hãy cân nhắc và lựa chọn sao cho phù hợp với thiết bị và tình huống sử dụng nhé. Đừng quên sao lưu dữ liệu thường xuyên để tránh mất mát dữ liệu quan trọng.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận bên dưới. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn trong thời gian sớm nhất!